Thứ Bảy, 27/11/2004, 12:15 (GMT+7)
Hội thảo "Ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài đến giới trẻ TP.HCM hiện nay, thực trạng và giải pháp" (*)
Tạo sức đề kháng cho giới trẻ VN
TTCN - Với quá trình toàn cầu hóa, thế giới đang trở thành một ngôi làng nhỏ không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt văn hóa nữa. Việt Nam không là một ngoại lệ với sự xâm nhập của phim ảnh lai căng, bạo lực, đồi trụy đến tận thôn ấp.
Cho nên vấn đề chính yếu là làm sao giúp cho thanh niên tăng sức đề kháng hay sự miễn nhiễm.
Là một phụ nữ, tôi hay quan sát các phong trào thời trang trong giới trẻ. Và một điều đã rõ là những người chạy theo mốt, những người bắt chước đám đông là những người thiếu bản lĩnh, thiếu tự tin. “Ai làm sao tôi phải làm vậy”. Họ tự khẳng định mình bằng một bề ngoài “sành điệu”. Những bạn trẻ đang học hành tốt, thành đạt trong sự nghiệp, thích hoạt động xã hội (vì có một lý tưởng sống) dù cũng quan tâm đến cái đẹp, sự lịch sự nhưng thời trang không phải là nỗi ám ảnh của họ. Họ tự tin đối với những gì mình đang có vì đó là những chân giá trị.
Tôi cũng thích quan sát phụ nữ ở Việt Nam và trong vùng với chuyện trang phục. Những năm 1970, tiếp viên hàng không Thái Lan phát âm tiếng Anh rất kém, nhưng phụ nữ Thái trên đường phố Bangkok thì ăn mặc khá cầu kỳ. Những năm 1990 khi tôi trở lại thì tiếp viên phát âm rất chuẩn và phụ nữ trên đường phố ăn mặc giản dị hơn nhiều. Hồi tôi học đại học ở Philippines những năm 1970 thì cả cô giáo lẫn nữ sinh đều rất diện, luôn ăn mặc đúng mốt và chải chuốt. Những năm 1990 tôi trở qua họ cũng giản dị hơn. Phụ nữ Nhật trên các chuyến du lịch ăn mặc trang nhã, không lòe loẹt cầu kỳ, không hở hang. Đặc biệt, nữ công nhân viên chức Singapore đẹp trong các trang phục vừa giản dị vừa thẩm mỹ. Từ lâu tôi đã tự kết luận đây là những cá nhân tự tin đối với bản thân và tự hào vì là công dân của những nước không còn là “nhược tiểu’. Dường như những cá nhân này và xã hội của họ phải trải qua một quá trình để đạt tới một trình độ phát triển nào đó và một phong cách mà tôi xin tạm gọi là văn minh. Vì sự giản dị là đỉnh cao của cái đẹp.
Xã hội Việt Nam đang bước vào quá trình hiện đại hóa, thanh niên Việt Nam cũng đang đi tìm mình và cách tự khẳng định. Để làm việc này họ không có cách nào hơn là góp nhặt những mẫu hình (môđen mà xã hội đem lại cho họ qua phim ảnh quảng cáo và gương của người lớn. Tiếc rằng phim ảnh không thật sự phản ánh đời thường ở các nước tiên tiến. Ví dụ như cách ăn mặc, lối sống của các nhân vật trong phim Hàn Quốc không phản ánh cuộc sống thường ngày của đất nước họ. Cũng vậy, nếu người nước ngoài biết Việt Nam qua cách ăn mặc và diễn xuất của ca sĩ trẻ Việt Nam thì chắc chắn họ sẽ kinh hồn. Còn quảng cáo thì đang góp phần cổ vũ cho nếp sống “sành điệu”, xa hoa, những giá trị vật chất, thực dụng. Ngôn ngữ lai căng không chỉ tuổi trẻ bày ra mà chính báo chí đang khuếch trương nó mạnh mẽ.
Tuổi trẻ rất cần thần tượng mà khoa học gọi là “mẫu hình về vai trò “ (role model) để tham khảo trong quá trình hình thành nhân cách. Trong khi ở Trung Quốc, các thần tượng được mến chuộng nhiều nhất là các nhà du hành vũ trụ, các nhà khoa học rồi mới đến ca sĩ, nghệ sĩ... thì ở Việt Nam, tuổi trẻ chỉ mới biết yêu chuộng ca sĩ, nghệ sĩ. Đó cũng là do cách mà các phương tiện truyền thông phổ biến thông tin đến với họ.
Thanh niên xem phim Hàn, thiếu nhi xem truyện tranh Nhật vì xã hội không cung ứng cho chúng những sản phẩm hấp dẫn hơn.
Tạo sức đề kháng cho tuổi trẻ VN bằng cách nào?
Không có cách nào khác hơn là giáo dục sự tự tin, khơi dậy sự tự hào là cung cấp cho họ những thức ăn tinh thần bổ dưỡng. Đến nay ta chưa làm được điều này vì thật ra rất khó. Giáo dục gia đình còn tạo sự thụ động, phụ thuộc nơi con em thay vì giáo dục sự tự tin. Cũng vì cách giáo dục này mà đa số bạn trẻ rất thiếu tự tin và dễ bắt chước đám đông, còn một số khác thì nổi loạn bằng cách sống lập dị, chạy theo những phong trào tiêu cực. Ta muốn cho đa số thanh niên ăn học đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định, thành đạt trong sự nghiệp, sống một cuộc sống có ý nghĩa để tự tin. Với tình trạng hiện nay của ngành giáo dục, e rằng đây là một mục đích còn phải có thời gian mới đạt được.
Để xây dựng niềm tự hào dân tộc, một quá khứ vẻ vang chưa đủ, phải có cái gì đó là thành tích của ngày hôm nay mới mang tính thuyết phục. Việt Nam được khen ngợi vì kinh tế đang lên nhưng cũng đang ngổn ngang với đạo đức xuống cấp và tiêu cực đủ loại. ở một số mặt, Việt Nam còn đứng cuối trong danh sách các nước. Điều này ít nhiều làm suy giảm niềm tin nơi giới trẻ.
Có lẽ cũng do tình hình chung mà tư tưởng lớn, ấn phẩm hay chưa xuất hiện và hoạt động văn hóa tinh thần chưa dồi dào khiến tuổi trẻ của chúng ta đang đói. Dù nỗ lực nhiều, Việt Nam cũng còn là một nước nhược tiểu, kém phát triển là giải quyết vấn đề lối sống của tuổi trẻ không nằm ngoài một cuộc chấn hưng đạo đức mạnh mẽ và nỗ lực phát triển toàn diện từ kinh tế kỹ thuật tới văn hóa xã hội. Trên hết phải trả lời cho bằng được câu hỏi tại sao tư tưởng lớn, sản phẩm văn học hay lại tắt tịt?
Mấy đề nghị cụ thể
Trên đây là những vấn đề lớn mà việc tìm câu trả lời không thuộc phạm vi bài này dù nhất định chúng phải được trả lời thì mới tìm được lối ra. Trong khi chờ đợi chúng tôi có mấy đề nghị nhỏ sau:
- Giáo dục gia đình và học đường phải thay đổi để xây dựng lòng tin nơi tuổi trẻ, để họ tự khẳng định mà không sống theo đuôi.
- Tuổi trẻ rất say mê cái hiện đại, cái mới. Làm sao cho họ tiếp cận được những khía cạnh tích cực của xã hội hiện đại trong và ngoài nước như tác phong công nghiệp, tính năng động sáng tạo, tính trung thực và thẳng thắn, tính phóng khoáng, tổ chức lao động một cách khoa học, giải quyết vấn đề có hiệu quả... mà phim ảnh nước ngoài không thể cung cấp cho họ. Ví dụ như tham gia các chương trình hợp tác giáo dục, tham quan các doanh nghiệp lớn, tiếp xúc với những khách mời đặc biệt trong và ngoài nước...
- Tiếp xúc ít nhiều với tuổi trẻ thành phố, tôi thấy rõ là họ rất hâm mộ những gương tốt trong các nhà khoa học, các nhà giáo dục. các nhà hoạt động xã hội, các nhà doanh nghiệp giỏi... có tinh thần yêu nước và tự cống hiến vì lợi ích chung. Nhu cầu “mẫu hình về vai trò” (role model) mà ta gọi là thần tượng để hình thành nhân cách là một nét tâm lý tự nhiên. Có lẽ xã hội chưa tạo điều kiện đủ để đôi bên gặp gỡ nhau. Trong khi đó thì đêm đêm họ tiếp xúc với ca sĩ, nghệ sĩ trong và ngoài nước trên các phương tiện truyền thông và các tụ điểm ca nhạc.
- Phim ảnh, quảng cáo tập trung cổ vũ cho nếp sống tiêu xài, cho cái đẹp bên ngoài, cho những mẫu thời trang hết sức xa lạ với người nghèo. Tóm lại là những giá trị sống không đóng góp gì cho sự đi lên của dân tộc. Tôi còn nhớ trước giải phóng, một nhà xã hội học Bỉ đi ngang chợ bán đồ Mỹ ở đường Nguyễn Thông, so với ngày nay thì ngôi chợ này chẳng có nghĩa lý gì, vậy mà bà tỏ vẻ lo ngại và nói: “Chính việc phơi bày của cải vật chất ê hề như thế này tạo sự thèm muốn mà khi không có tiền để mua thì người ta trộm cướp. Tội phạm sản sinh ra từ đó”. Quảng cáo sẽ luôn là quảng cáo, nhưng trên thế giới có những tổ chức dân sự cảnh báo khi nội dung quảng cáo sai lệch. Các chức này được gọi là “media watch” (canh gác các phương tiện truyền thông).
- Thị trường là thị trường và mục đích của nó là lợi nhuận. Nhà nước không thể kiểm soát tất cả, không thể bao quát mọi vấn đề nảy sinh. Do đó trên thế giới xuất hiện một lực lượng thứ ba gọi là “xã hội dân sự” xuất phát từ những lợi ích của nhân dân mà hai lực lượng trên không kham nổi. Ví dụ các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, các tổ chức chấn hưng đạo đức, bảo vệ văn hóa dân tộc trước làn sóng toàn cầu hóa... “Media watch” là một ví dụ. Ở nước ta bắt đầu xuất hiện các tổ chức hoạt động xã hội từ thiện có hiệu quả như Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và một số hội khác. Bất cứ xã hội nào cũng không thiếu những nhà hoạt động bất vụ lợi, am hiểu một lĩnh vực nào đó và sẵn sàng đứng ra bảo vệ một lý tưởng, một nhóm xã hội thiệt thòi... Cùng với Nhà nước trong một khung pháp lý phù hợp, họ sẽ góp phần vào việc lành mạnh hóa xã hội một cách đáng kể.
NGUYỄN THỊ OANH
(*) Hội thảo do Trung tâm Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức, ngày 25-11-2004