Mama Phi & giấc mơ Việt Nam

file.png


Chẳng biết tự khi nào, có lẽ là vì chính tâm thức của mình đã coi các bạn như con cái trong nhà, nên bản thân trong vô thức đã hành xử như một bà Mama mà chẳng hề hay biết. Cho đến khi….

Cho đến khi bè bạn quốc tế gặp gỡ tại Việt Nam hay nước ngoài đều comment “Sao Phi nhiều con thế!” Cũng chẳng phải là câu hỏi, mà là câu cảm thán hoặc là ngạc nhiên, hoặc là bông đùa, có khi là đồng cảm. Nhiều bạn nói, sao mấy bạn gần gũi hỗ trợ nhau như anh chị em trong một gia đình, thấy mà thương và có chút GATO.

Riêng mình thì, nghe xong có chút giật mình, nhớ lại những lần mình cau có khó chịu, la mắng tụi nhỏ như con. Dù sao, các bạn cũng là doanh nhân, dù có trẻ đi chăng nữa thì cũng đã là những người lớn, có trải nghiệm và thành công của riêng mình. Vậy mà….

Nếu có thể biện minh, chắc lý do duy nhất mình dám bày biện ra là, mình thật sự thương yêu các bạn, chỉ mong muốn các bạn thành công, lớn nhanh như Phù Đổng, chuyên nghiệp hơn, vững vàng hơn để bước ra thế giới, xuất khẩu chính bản thân mình, để Việt Nam được tự hào, để trở thành doanh nhân toàn cầu người Việt. Đó, là giấc mơ thương hiệu và công dân Việt Nam toàn cầu mà mình đã ấp ủ bao lâu. Có lẽ, vì có chút nóng ruột, có phần nhiệt huyết hơi quá lửa, cộng với trải nghiệm quốc tế nhiều năm của mình, tôi tự nhiên trở nên thiếu kiên nhẫn, quên luôn rằng xuất phát điểm của các bạn trước giờ là từ thị trường nội địa Việt Nam, có rất nhiều thứ, cả về ngôn ngữ, giao tiếp, kiến thức quốc tế mà các bạn lần đầu tiếp cận.

To be fair - để cho công bằng thì, cũng phải nhắc đến thất bại nhiều lần của chính tôi trong việc thử nghiệm nhiều cách khác nhau để hiện thực hoá giấc mơ Việt Nam của mình. Những ngày đầu quay trở về sau một hành trình dài bôn ba thế giới, tôi gõ cửa nhiều cơ quan nhà nước, mong thực hiện dự án xuất khẩu mô hình và thương hiệu Việt, theo cái cách mà chính phủ các nước hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi đã loay hoay mất rất nhiều thời gian và hoàn toàn thất bại. Không chịu thua, tôi thử lại, tự làm, một mình huấn luyện, coaching cho vài doanh nghiệp, với hy vọng có thể ảnh hưởng, thay đổi, và đẩy các bạn ra. Nhưng rồi, một mình, cộng với những thách thức lớn từ chính sự thiếu đủ thứ, trong đó có cả thiếu niềm tin và hoài bão lớn hơn mớ ba cọc ba đồng của một số người, tôi lại ra quân và thất bại.

Đến đoạn này thì, thiệt tình là thấm mệt, cạn kiệt năng lượng, niềm tin, và đôi khi tự hỏi mình, is it worth it - có đáng không, khi mất quá nhiều thời gian, năng lượng, nguồn lực, và tâm trí cho một giấc mơ tưởng chừng như không thể. Nhưng là người hay phản tư và nhận trách nhiệm, tôi cũng tự hỏi, phải chăng cách tiếp cận của mình sai. Mỗi hoàn cảnh một cách làm. Có lẽ tôi cũng không nên và không có quyền expect - mong muốn Việt Nam cũng đi theo cách làm của những nơi mà tôi từng trải nghiệm. Nghĩ vậy, cộng với tâm thế rất design-thinking - ứng dụng tư duy thiết kế trong giải quyết vấn đề, tôi quyết định tiếp tục thử nghiệm bằng cách khác. Đó cũng là lý do mà Go Global ra đời, như một công ty cộng đồng, một hệ sinh thái hỗ trợ đa chiều, làm nền cho các bạn founder trẻ cùng học hỏi, cùng lớn lên, cùng nắm chặt tay nhau bước ra thế giới.

Rồi tôi có thành công không, thời gian sẽ trả lời, nhưng bước đầu, đã có 10 thương hiệu, 10 team founder đang ngày đêm nỗ lực, ừ thì có lúc bị la như con, nhưng bước đầu đã mang về thành tích xuất khẩu được 3 thương hiệu, 3 team Việt Nam qua Philippines. Đồng thời, các deal quốc tế khác từ Malaysia, Indonesia, Bahrain, Saudi Arabia, Myanmar vẫn đang nổi sôi tiếp diễn. Nỗ lực đã được đền đáp. Cột mốc quan trọng đầu tiên đã được chạm vào. Từ những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ các bạn đã xuất khẩu được trí tuệ Việt, con người Việt, mô hình và thương hiệu Việt ra thế giới.

Vui, tự hào, hạnh phúc vì, sau tất cả thì, giấc mơ đã dần hiện thực hoá sau một năm thử nghiệm với cách làm rất khác. Nhưng tôi cũng mất ngủ, lo lắng vì có quá nhiều việc phải làm, phải mentor để các team nâng cấp năng lực và nền tảng quản trị, hỗ trợ khi làm việc với đối tác quốc tế là những người có thể đang ở level hiểu biết, kinh doanh, vận hành còn chuyên nghiệp hơn Việt Nam mình. Đó là áp lực rất lớn, nhưng cũng là động lực cho các bạn lớn nhanh. Chắc chỉ vài năm nữa thôi, sẽ có một thế hệ doanh nhân Việt Nam toàn cầu rất khác. Tôi luôn nhìn thấy bức tranh đó, và nó dần hiện ra rõ ràng hơn, sống động hơn, đầy hy vọng và niềm tin hơn.

Hành trình hãy còn xa. Giấc mơ hãy còn xuôi về phía trước. Có đoạn sẽ có tôi, có đoạn sẽ không cần tôi nữa, khi các bạn đã vững vàng. Mong nhà Go Global của những đứa con này sẽ ngày càng đông hơn, mạnh hơn, xịn sò hơn để không cần Mama Phi nữa, vì chính các bạn sẽ trở thành người dẫn dắt cho những thế hệ tiếp nối, trên hành trình bất tận của những dấu chân Việt Nam….

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Top