Vũ Kim Hạnh
Thành viên mới
Làm thế nào mà người nông dân chứng minh được mình đang chuyển đổi xanh trong canh tác để vay được vốn từ ngân hàng?
Tìm hiểu cách làm từ ngân hàng MyBank của Trung Quốc
Đây là xu hướng tài chính xanh nhưng có yếu tố công nghệ. MyBank - một NH điện tử của Trung Quốc, đã sử dụng Fintech trong việc cung cấp tín dụng xanh cho các DN nhỏ và vừa và cho cả từng hộ nông dân. Lạ chưa?.
Tại Trung Quốc, người nông dân ở nông thôn nghèo hơn ở thành thị, hiện tượng này khá tương đồng với Việt Nam. Đây cũng là nhóm khách hàng không có lịch sử tín dụng, nên không tra cứu được lịch sử tín dụng của họ trên hệ thống. Thêm nữa, đa phần nông dân có rào cản tâm lý không thích đi vay, cho rằng việc đi vay rất xấu hổ…
Tuy nhiên, sau khi điều tra MyBank đã phát hiện người nông dân ở nông thôn có thu nhập hàng năm ổn định, thậm chí có thể cho con đi học tại các thành phố lớn. Vấn đề là lâu nay chúng ta thiếu các giải pháp tài chính dành cho họ, giúp họ vượt qua được rào cản lịch sử tín dụng.
Chính vì thế, MyBank tìm những dữ liệu trên thị trường thứ cấp để thay thế cho lịch sử tín dụng. Chẳng hạn những dữ liệu thứ cấp có sẵn như hợp đồng đất đai hay hồ sơ phân phối sản phẩm, hay các hóa đơn mua máy móc nông nghiệp… Và những thứ này có thể dự đoán được rủi ro cho sản phẩm làm ra của họ, từ đó đưa vào hồ sơ tín dụng cho khoản vay.
Về cách thức thực hiện, một người nông dân đăng ký trên ứng dụng của MyBank và đăng ký một khoản vay. Sau khi ngân hàng khoanh vùng khu vực sản xuất nông nghiệp trên ứng dụng, MyBank xử lý toàn bộ bằng công nghệ vệ tinh cũng như AI. Cụ thể, MyBank xử lý toàn bộ dữ liệu này thông qua một hệ thống có tên là Tomtit.
DÙNG CÔNG NGHỆ ẢNH VIỄN THÁM VÀ SỬ DỤNG DRONE.
Tomtit sử dụng công nghệ vệ tinh viễn thám và nhận dạng hình ảnh, giúp cho MyBank có thể ước tính về năng suất sản phẩm và đánh giá rủi ro của khoản vay đó. Công nghệ này cũng giúp phát hiện được toàn bộ khu vực diện tích cây trồng, và xác minh được loại cây trồng có đúng như là người dân đã đăng ký ở trong khoản vay hay không.
Đồng thời, công nghệ cập nhật thường xuyên tình trạng của khu vực trồng cây này, nhằm giảm xác suất vỡ nợ và nâng cao tính minh bạch của khoản vay. Trước khi sử dụng hệ thống công nghệ vệ tinh và AI này, MyBank sử dụng hệ thống drone (thiết bị bay thông minh không người lái) để kiểm tra khu vực trồng.
Với ứng dụng công nghệ vệ tinh và AI, đến cuối năm 2016, dịch vụ cho vay nông dân của MyBank mở rộng được đến 1.000 làng với 65 huyện thuộc 28 tỉnh của Trung Quốc. Các trang trại nuôi heo hay trồng cây, nuôi đà điểu… đều có các khoản vay không cần thế chấp, trung bình vào khoảng 50.000 Nhân dân tệ (khoảng 180 triệu đồng) với một kế hoạch linh hoạt về thời gian, trong 6, 12 và 24 tháng.
Có thể nói, mô hình này của MyBank đã tạo ra một dòng doanh thu mới cho MyBank. Một số NH ở Trung Quốc đã mua lại bí quyết công nghệ này để ứng dụng trong việc mở rộng khả năng cho vay của họ đối với thị trường nông dân, nông thôn.
Đơn cử NH Quế Lâm, khi trả lời phỏng vấn vào năm 2020 nói rằng: “Mô hình NH truyền thống không hiệu quả với chi phí cao và quy trình quản lý rủi ro phức tạp. Do vậy chúng tôi khó có thể cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện cho các DN vừa và nhỏ, nên nông dân, ở nông thôn chỉ có thể phục vụ được một vài khách hàng quy mô lớn.
Từ khi dùng công nghệ NH kỹ thuật số của MyBank, đã giúp chúng tôi vượt qua các rào cản về chi phí, hiệu quả và rủi ro tài chính của DN vừa và nhỏ, cho phép chúng tôi phục vụ nhiều khách hàng hơn ở thị trường nông thôn”.
(Theo kết quả nghiên cứu của nhóm GS Hồ Quốc Tuấn, đại học Bristol, Anh và bà Thu Hà, thạc sĩ, giảng viên ĐH. KT TPHCM)
Vũ Kim Hạnh