Ngày hết hạn

file.png




Bạn nói, em bây giờ không chờ nữa. Tất cả với em đều có expiry date - ngày hết hạn. Tôi nghĩ, vậy thì em đã lớn rồi.



Có rất nhiều thứ trong đời, mình chỉ có thể làm tất cả những gì bản thân nên hoặc có thể làm, rồi thôi. Quyết định hay lựa chọn còn lại là ở đối phương. Và nếu như đối phương không quan tâm, không xem đó là quan trọng, không có hứng thú hoặc đong đưa lui tới không rõ ràng thì, đó là vấn đề của họ. Tận nhân lực, tri thiên mệnh. Rất nhiều việc cần phải có sự collab của hai hoặc nhiều bên. Nếu một bên phải quỵ lụy, làm tất cả để mở đường trải thảm, trong khi bên còn lại thờ ơ, không để tâm một cách cố ý hay vô tình thì, đó không phải là collab. Mà đã không là cộng tác thì có kéo dài hay chờ đợi cũng như không. Vì vậy, thứ gì cũng có giới hạn của nó. Cái gì cũng có deadline. Không ai có thể chờ ai cả cuộc đời này được.



Khi đưa ra ngày hết hạn, ta nên cân nhắc tất cả những trường hợp có thể xảy ra, ví dụ như đối phương phải đi công tác, đang trong mùa cao điểm, nguồn lực đang giới hạn, đang có nhiều việc cấp thiết khác phải giải quyết, vv. Trên đó, ta sẽ set ngày hết hạn một cách logic, cho đối phương đủ không gian và thời gian để tư duy và quyết định. Và một khi đã làm điều này, cho đối phương đủ thời gian để cân nhắc, suy nghĩ, lựa chọn và quyết định rồi thì, không nên tự mình chần trừ, hối hận hay kéo dài ngày hết hạn với hy vọng người ta đổi ý. Cộng tác là thiện chí của hai hoặc nhiều bên. Nếu mất đi thiện chí này, cho dù việc đồng ý hay ký kết ban đầu có xảy ra đi chăng nữa, mối quan hệ cộng tác này cũng sẽ gập ghềnh đâu đó về sau. Cái thế phải đi năn nỉ, vuốt ve, nịnh nọt, làm mọi thứ để hài lòng bên còn lại rồi sẽ theo ta suốt cả hành trình cộng tác. Đó có phải là điều bạn muốn? Hay cộng tác đối với bạn là sự thỏa hiệp của những giá trị được xem là cốt lõi? Hay cộng tác cuối cùng là sự tự nguyện, đôi bên cùng có lợi, đôi bên cùng phát triển?



Nói vậy, nhưng cuộc đời chưa bao giờ là con đường bằng phẳng. Có rất nhiều thứ trong đời, vì vị thế chưa vững vàng, vì nội lực chưa đủ, vì network chưa lớn, hoặc do lợi ích kinh tế phụ thuộc giữa bên cho & bên nhận mà, người ta luôn phải chịu đựng những mối quan hệ hợp tác so le. Câu hỏi là, chúng ta sẽ chịu đựng, cam chịu những kiểu hợp tác hay quan hệ lệch pha này, hay chúng ta cần nuôi lớn nội lực của bản thân, xây dựng network vững mạnh hơn, kiến tạo vị thế cân bằng hơn để tìm được cho mình những quan hệ cùng tầng số? Lựa chọn rất rõ ràng. Một là ta dưới cơ và phụ thuộc cả đời. Hay là ta lớn lên, vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn để ngồi cùng mâm, uống cùng bàn với những người cần hợp tác. Lựa chọn này là của bạn, không ai khác. Do đó, khi đang ở trong tình thế không thể set ngày hết hạn, đó cũng là lúc bạn nên tư duy và có kế hoạch phát triển bản thân cho hành trình sắp tới của mình. Cuối cùng, bạn có gì mà người ta phải cần? Cuối cùng, định vị của bạn nằm đâu trong ngành nghề, cộng đồng, xã hội? Cuối cùng, điều gì khiến cho bạn khác biệt và khiến cho người khác nhất thiết phải tìm bạn để hợp tác?



Cho nên, đi tìm người cộng tác không phải là đi ra. Đi tìm người cộng tác thực ra thực sự là hành trình đi vào. Ngoài kia, có rất nhiều người, có rất nhiều đối tượng mà chúng ta muốn tiếp cận, hợp tác hoặc làm quen. Nhưng bạn có bao giờ hỏi vì lý do gì mà người ta cần phải quen với bạn? Nếu bản thân ta không có chút giá trị nào, không có một vị thế nào, không có một điểm sáng nào khiến cho họ quan tâm thì, con đường đi tìm ở ngoài kia mãi mãi là đường một chiều. Và mong muốn cộng tác của ta sẽ mãi mãi không có ngày hết hạn. Bạn nhắm, mình chờ được bao lâu? Một năm, ba năm, năm năm, mười năm, hay cả cuộc đời này? Chi bằng, với bao nhiêu đó thời gian, ta tập trung vào việc phát triển nội lực và khả năng của bản thân, để một ngày kia, ta có thể tiếp cận họ ở một vị thế rất khác. Vấn đề là, không có đường tắt để phát triển nội lực. Không có Thánh Gióng trong câu chuyện đời thường. Nếu đã lựa chọn con đường phát triển bản thân thì, bạn nên hiểu và chấp nhận mọi gian nan, gập ghềnh, sự bất như ý mà bản thân phải trải qua để đạt được điều mình mong muốn. Không ai có thể làm thay cho bạn. Đừng cố tỏ ra lưu manh vặt bằng cách vay mượn nội lực hay sức ảnh hưởng của ai đó khác. Vị thế của bạn chỉ có thể được hình thành bởi chính bạn, khi nó là nội lực và bản lĩnh do bản thân tự kiến tạo nên.



Đến đây thì, tôi biết trước sẽ có nhiều người hỏi, nhưng em không biết bắt đầu từ đâu. Thật ra, không có một câu trả lời chung cho tất cả những câu hỏi này. Tất cả chúng ta đều có xuất phát điểm rất khác nhau, có giấc mơ và điểm đến khác nhau, có cách tổ chức và vận hành cuộc sống hoàn toàn khác nhau. Do đó, làm gì có một cách cho tất cả mọi người? Tuy nhiên, chúng ta có thể chia sẻ với nhau một cái sườn cơ bản để mỗi người có thể dựa vào đó mà tự xây dựng cho mình một kế hoạch hành động. Để có khả năng set ngày hết hạn, bạn cần những bước sau đây trên hành trình sắp tới:




  • Tại thời điểm này, người bạn cần cộng tác và mong muốn cộng tác là ai?


  • Định vị của họ là gì? Họ có gì mà bạn phải cần ở họ?


  • Điều họ không có, rất cần ở người khác là gì? Cái gì trong những thứ họ cần có thể là thế mạnh hay sở trường của bạn?


  • Ngoài kia, có những ai đang có những thế mạnh này? Điều bạn có thể làm để bản thân trở nên khác biệt hoặc xuất sắc hơn so với họ là gì?


  • Để đạt được sự khác biệt hoặc xuất sắc đó, bạn cần phải học và phát triển những thứ gì?



Đến đây thì, bạn đã tìm ra kế hoạch hành động của mình rồi đó. Nếu bạn đủ quyết tâm, cam kết, và mong muốn đủ lớn thì, không có gì là không thể. Hãy cứ bay rồi sẽ cao thôi. Dù có ai, gió ở tầng nào, nếu đã muốn, đã đi thì sẽ đến.

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top