NHÀ VÔ ĐỊCH VỀ TÍNH KIÊN TRÌ

Vũ Kim Hạnh

Thành viên mới
NHÀ VÔ ĐỊCH VỀ TÍNH KIÊN TRÌ

Hôm qua, 17/7/2024, anh gửi email về cho nhóm các anh chị chuyên gia bạn anh ở Việt nam, thông tin về 15 tấn sách vừa được chuyển về từ Singapore và hiện đang được lưu trữ tại ĐH Sư phạm TPHCM.

Đây là đợt sách thứ hai trong năm nay, gồm khoảng 100 đầu sách KHKT của NXB World Scientific và hầu hết sẽ được dành tặng cho các trường ĐH tại các tỉnh.

Ông là một nhà vô địch về…sự kiên trì. Ai có thể tưởng tượng, dù sống ở đâu, làm gì, từ năm 1988 đến nay, là 36 năm ròng rã, ông không ngừng đi vận động các nhà xuất bản tặng, bán sách và cũng rủ bạn bè, các mạnh thường quân ủng hộ cùng ông gửi sách khoa học kỹ thuật về cho các trí thức trẻ Việt Nam, các bạn trẻ, HSSV Việt Nam.

Ông là một nhà có 3 trong 1 nhà: một chuyên gia tài chính ngân hàng và là nhà tư vấn chuyên nghiệp, một trí thức hảo tâm kiên trì tặng sách đến hơn 1 triệu cuốn cho Việt Nam và một nhạc sĩ đã sáng tác và phổ nhạc cho hơn 800 ca khúc về 9 bộ kinh Phật và còn soạn khoảng 100 bản nhạc cho guitar cổ điển. Một điều thú vị ít người biết: nhạc phẩm “Rất Huế” trong CD đầu tay của ông được nhạc sĩ Pham Duy ghi nhận “Nhạc Võ Tá Hân trong tập này thật tuyệt vời”. Thế là từ đó, bên cạnh cách giới thiệu ông là chuyên gia ngân hàng quốc tế, các sự kiện thích giới thiệu thêm, ông là nhạc sĩ nữa.

Chuyện về 3 lãnh vực hoạt động bền bỉ của ông thì kể bao giờ cho hết. Chỉ xin chọn ra vài dấu mốc và cũng chủ yếu chung quanh công trình tim óc của ông là việc tặng sách cho Việt Nam. Dấu mốc đầu tiên là bản kiến nghị 10 trang mang tên “Singapore-Việt Nam” ông viết xong ngày 6-2-1992, trình lên ông Lý Quang Diệu mở ra một chương mới bang giao Kinh tế-Thương mai tích cực giữa Singapore-Việt Nam.

Ông làm Thạc sĩ tại Viện Công nghệ MIT với đề tài “Khu chế xuất và Việt Nam sau chiến tranh”. Là một chuyên gia tài chính – ngân hàng, có đứng đầu và cả làm cố vấn cho những tập đoàn và các tổ chức lớn về các lãnh vực bất động sản, ngân hàng, giáo dục, một thời gian dài, ông đã viết những bài báo thiết thực, dễ hiểu phân tích về những kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, quản lý tài chính, hướng dẫn gọi vốn, đàm phán…

Ông tâm sự rằng, điều thôi thúc ông viết chính là: doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là xương sống của nền kinh tế Việt Nam, họ bước vào thương trường đầy nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm. Cần trao cho họ những kinh nghiệm quản lý, điều hành những con thuyền nhỏ để họ vươn lên, dần dần hình thành những tập đoàn hùng mạnh, làm giàu cho bản thân và đất nước.

Câu chuyện ông thực hiện “công trình suốt đời” tặng sách cho Việt nam cũng có nhiều nét riêng. Báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật năm 2023 có bài phỏng vấn hay với ông, tôi xin trích một đoạn: Mới đầu ông bỏ vào vali 10 quyển sách để mang về VN những năm VN còn bị cấm vận. Ông kể: Lần đầu tiên trở về VN năm 1988, từ đất nước Singapore thịnh vượng về Sài Gòn chỉ cách hơn một giờ bay, lúc ấy còn vắng lặng, trơ trọi, tôi thật ngỡ ngàng. Đi dạo khu vực trung tâm Sài Gòn và ghé vài hiệu sách, tôi bàng hoàng khi thấy số lượng sách nghèo nàn quá.

Trên chuyến bay rời VN khi ấy, tôi không cầm được nước mắt, suốt một thời gian dài sau đó tôi cứ liên tục suy nghĩ phải làm gì để giúp đất nước. Thế là tôi nảy ra ý định quyên sách về cho VN. Bắt đầu với một lá thư xin sách để gửi về VN tặng Viện Kinh tế Hà Nội và Viện Kinh tế Sài Gòn, tôi nhân bản lá thư ấy gửi đến 100 địa chỉ, từ MIT, Harvard, World Bank cho đến các nhà xuất bản lớn.

Nhận được 1.500 quyển đầu tiên rồi từ đó tôi làm quen với Nhà xuất bản Simon & Schuster/Prentice Hall, dần dần mua được sách với giá rẻ, cứ mỗi lần vài chục nghìn quyển, gửi về nước theo từng container.

Nhiều năm sau, khi liên lạc với người bạn thân làm giám đốc Nhà xuất bản Irwin ở New York, tôi lại mua được gần nửa triệu quyển chuyển sách về ĐH Quốc tế trong 40 container lớn để phân phối đến các ĐH khác.

Với Nhà xuất bản World Scientific, do là chỗ thân quen nên tôi được họ tặng sách miễn phí từ hơn 20 năm qua, chỉ trả chi phí vận chuyển, tính ra cũng được hơn chục container. Từ những nơi khác như trường trung học Singapore Polytechique, Singapore Institute of Management, Nhà xuất bản Mc GrawHill, PW Medical…, tôi cũng quyên thêm được vài ba chục nghìn cuốn. Hiện tôi còn hơn 30.000 quyển từ World Scientific dự định sẽ mang về tiếp…

Tôi đang tiến đến quyên sách điện tử. Món quà đầu tiên là 500 quyển ebook do World Scientific tặng thư viện ĐH Bách khoa TP.HCM đầu tháng 4 năm 2023. Tôi mong tương lai chúng ta sẽ có một nhà xuất bản có thể phát hành sách vở khoa học, bắt đầu là mảng toán học, để phổ biến bằng tiếng Anh ra toàn cầu. Khi chọn sách để đưa về nước với mục đích giúp đất nước phát triển, tôi chỉ chọn sách khoa học kỹ thuật mà thôi.

Và như thư email ông gửi hôm qua, ông kể đây là đợt sách thứ hai năm 2024 của NXB World Scientific. Tôi đoán là ông khó có thể nói tổng số các đợt sách ông gửi về cũng như tên các trường, Viện đã nhận được sách.

Như cách chúng ta thường nói về tấm lòng và hiệu quả những việc thiện, việc nghĩa mà những người tử tế vẫn thực hiện hàng ngày, tôi muốn viết ở đây mấy chữ này: CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG, dù tôi đoán, anh Hân sẽ mĩm cười, lắc đầu (nhè nhẹ thôi, tính ông nhạc sĩ này vốn hiền hòa): Thôi cũng là việc bình thường thôi, chị Hạnh đừng nói vậy...

Vũ Kim Hạnh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top