Phàn nàn về xe buýt

VnExpress

Thành viên mới
Trước khi đến và sống ở Hà Nội hơn 5 năm qua, tôi từng sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở nhiều nơi trên thế giới. Là người hứng thú với các vấn đề đô thị và có trải nghiệm gần gũi với cách tổ chức giao thông ở những thành phố lớn, tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ, dựa trên tình hình thực tế của Hà Nội.

Nhiều người phàn nàn chẳng thấy chiếc xe buýt nào gần họ cả. Nói như thế không chuẩn lắm. Với hơn một nghìn xe và cả trăm tuyến buýt, mạng lưới xe buýt ở Hà Nội dày đặc. Vấn đề chính là việc tìm tuyến không thuận tiện. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng tìm tuyến xe buýt có khả năng liệt kê tất cả tuyến xe, lưu lại các điểm đến yêu thích. Hãy thử lên kế hoạch cho một chuyến đi bằng buýt, bạn sẽ thấy có nhiều cách để đến nơi mình muốn bằng loại phương tiện công cộng này.

Một phàn nàn phổ biến khác là đi xe buýt mất thời gian quá. Nhưng nếu muốn Việt Nam và hành tinh này tốt đẹp hơn, bạn phải hy sinh một chút tiện nghi của mình. Không có cách nào khác. Nếu muốn Hà Nội ít ô nhiễm và đỡ tắc đường, bạn phải dùng giao thông công cộng và thường sẽ mất gấp đôi thời gian di chuyển so với dùng xe máy. Sử dụng xe buýt cũng đồng nghĩa, bạn sẽ phải cuốc bộ 1-2 km mỗi ngày. Nhưng đi bộ tốt cho sức khỏe, dù có chút phiền toái vì ở Hà Nội, người đi bộ thường bị giành mất vỉa hè. Điểm này Hà Nội cần phải cải thiện.

Một cách khác để chê xe buýt là "Tôi không có chỗ ngồi". Một chuyến xe buýt hiệu quả là chuyến xe chở đủ khách để tối ưu chi phí hạ tầng trên mỗi khách hàng và lượng CO2 phát thải. Nghĩa là hầu hết khách hàng đều sẽ phải đứng. Lần nữa, bạn phải học cách hy sinh tiện nghi của mình nếu muốn tốt cho Hà Nội.

Nhưng xe buýt mang lại rất nhiều tiện ích: bạn không phải chịu mưa nắng, có thể đọc, lướt Internet, nghe podcasts, sách nói, radio và thưởng thức âm nhạc trong khi di chuyển. Như vậy, thời gian đi lại bằng buýt không bị lãng phí như khi bạn lái ôtô hay xe máy.

Và xe buýt nhìn chung an toàn hơn, ít nguy cơ tai nạn cá nhân. Bạn cũng sẽ tránh được căng thẳng trên đường như khi phải lái xe.

Tất nhiên, Hà Nội cần phải làm nhiều việc để cải thiện tình hình hiện nay. Mỗi khi có kẹt xe, phần lớn diện tích đường do ôtô cá nhân xâm chiếm. Xe máy thường luồn lách trên vỉa hè hoặc giữa khoảng trống các làn ôtô tạo ra. Do đó, cấm xe máy sẽ không giải phóng được nhiều không gian và không giải quyết được đáng kể vấn đề kẹt xe.

Ngược lại, vì lượng xe máy bị tắc thường nhiều gấp đôi số ôtô, nên nếu 10% số người đi xe máy chuyển sang ôtô thì lượng ôtô lưu thông trên đường ước tính tăng lên khoảng 20%.

Hà Nội có thể làm đường trên cao để giảm ùn tắc, nhưng nếu thuyết phục được phần lớn người dân đi xe buýt, việc xây đường trên cao trở nên không cần thiết. Tiền có thể dùng để phát triển giao thông công cộng.

Cuối cùng, các tuyến buýt ở Hà Nội có thể thiết lập lại, tham khảo mô hình tổ chức giao thông đô thị thành công trên thế giới. Theo đó, Hà Nội nên lập các trục buýt "xương sống" chạy tần suất cao khắp thành phố cùng nhiều tuyến buýt tần suất thấp hơn nhưng tỏa tới mọi ngóc ngách.

Vì phần lớn khách hàng đều sẽ phải di chuyển trên trục buýt chính nên các tuyến "xương sống" này cần có đường chạy riêng, để đảm bảo tốc độ cao, giảm thời gian chờ đợi, tránh ùn tắc. Những tuyến xe vào sâu ngõ ngách có thể chạy chặng ngắn, dừng đỗ nhiều hơn để tiếp cận hành khách tốt hơn.

Với trục chính, Hà Nội đã có hai tuyến metro, có thể cải thiện hiệu quả của BRT và dễ dàng tạo thêm một tuyến buýt nữa ở ngay khoảng trống phía dưới các đường vành đai 3 trên cao. Mạng lưới buýt ngắn sẽ bắt đầu từ điểm dừng của các tuyến chính để tỏa đi khắp nơi.

Tóm lại, giao thông công cộng ở Hà Nội chắc chắn có cơ hội để phát triển. Nếu được ưu tiên đầu tư và có kế hoạch triển khai tốt, vận tải công ở Hà Nội sẽ có tương lai hứa hẹn.

Tôi thực sự hy vọng vào hướng này vì tôi cũng không thấy cách nào khác tốt hơn để giải quyết tình trạng ô nhiễm và tắc đường hiện nay ở Hà Nội.

Sébastien Eskenazi

 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top