RÁNG

file.png


Bữa nọ, ngồi nói chuyện với một ông già, ông nói con người cả đời khổ quá, suốt ngày cứ phải ráng. Ráng từ nhỏ tới lớn, ráng trong mỗi hành trình, ráng trong từng giai đoạn, ráng tới già tới chết cũng vẫn còn phải ráng.

Hồi nhỏ thì bị áp lực ráng trở thành con ngoan trò giỏi, ráng làm vừa lòng thầy cô, ba má, gia đình. Lớn chút thì phải ráng thi vô trường chuyên lớp chọn, ráng theo học ngành hot, ráng kiếm được job ngon. Đi làm thì phải ráng quần quật kiếm lương cao, ráng làm vừa lòng sếp, ráng giữ ghế giữ chức. Có được chút an toàn tài chính thì lại phải ráng dành dụm để ráng lập gia đình, sắm sửa, tiết kiệm, sinh con. Con lớn chút thì ráng lo cho con ăn học, thành đạt, ra đời. Con ra đời rồi thì ráng lo cho con chuyện dựng vợ gả chồng, an bề gia thất. Rồi tới hồi có cháu thì ráng đỡ đần thay con chăm lo, coi sóc cháu. Già rồi thì ráng giữ đừng bệnh hoạn, sao cho chết cũng chớ phiền hà tới người nọ kẻ kia. Vậy, ráng cả đời, không lúc nào được sống nhẹ nhàng thong dong cả.

Đó là cuộc đời của ông, và ông nhận ra ở tuổi ngả xế chiều, ông thấm mệt vì đã ráng. Câu hỏi là, ráng có phải là thứ ta sinh ra để làm và hy sinh cả đời? Ráng có phải là tâm thế ta chọn? Ráng có phải là cách ta quản trị cuộc đời và trải nghiệm hành trình ngắn ngủi của nhân gian? Nếu ráng, mà không vui vẻ hạnh phúc gì, ráng chỉ vì ráng thôi, ráng vì hoàn cảnh, vì mắc kẹt, vì vô thế không tìm ra lối thoát, vì không biết làm sao hơn, thì ráng phải chăng là nỗi khổ?

Mà bạn có đang ráng đó không? Ráng có mệt không? Ráng có làm cho bản thân vì thế mà đẩy mình vào tình trạng stress, cạn kiệt, chán chường, trầm cảm? Nếu có, thì ráng là sai rồi. Phàm làm chuyện gì trong đời, nếu làm mà bản thân mệt mỏi, tiêu cực, không vui vẻ hay hào hứng gì nghĩa là nó đang đi ngược lại với mong muốn và giá trị của bản thân. Vậy, thì khổ lắm vì mình cứ phải chường mặt ra làm nô lệ cho những thứ mà thế giới bên ngoài đòi hỏi, trong khi bản thân thì bỏ bê bản thân không thèm chú ý chút nào. Hay là, mình không nên và không cần ráng nữa. Thay vào đó, mình sắp xếp lại và sống cuộc đời đáng mơ ước của chính mình?

Tôi muốn gì trong cuộc đời này để không cần phải ráng?​


Mình ráng là vì mình cố làm nhưng ngược lại với thứ mình mong muốn. Vậy thì trước hết là mình dừng lại một chút, đừng ráng nữa, và dành thời gian để suy nghĩ về thứ mình mong muốn trong cuộc đời này. Mình sinh ra đâu phải để ráng, để cố sống theo đòi hỏi của người khác và thế giới bên ngoài xong rồi thì check out khỏi thế gian mà vẫn chưa hiểu tại so mình phải ráng. Cuộc đời ngắn ngủi. Ta đến rồi đi. Đoạn giữa trên hành trình nhân gian, cứ sống sao cho nó rạng rỡ, đã đời và hạnh phúc nhất. Mà mình muốn gì? Bạn muốn gì? Có khi, bạn mãi lao theo đòi hỏi trước giờ của thế giới bên ngoài, chưa một lần dừng lại trong im lặng và lắng nghe xem bản thân đang mong muốn điều gì. Có phải vậy không? Ta mải miết lao đi, mải miết ráng cho vừa lòng với những đòi hỏi bên ngoài mà bỏ quên và ngược đãi bản thân. Nhiều người trong chúng ta như thế. Cho đến khi, ta không còn biết bản thân mình mong muốn điều gì nữa, vì ta đã quen, theo quán tính, sống và lao đi theo yêu cầu.

Dừng lại đi! Lao đi như thế đủ rồi. Dành thời gian một mình cho bản thân lắng xuống, kết nối, đối thoại với chính mình để cuối cùng hiểu rõ là bản thân muốn gì. Đừng cho phép mình lẫn lộn thứ người khác muốn từ mình với thứ bản thân mong muốn. Bằng không, thì bạn lại cứ lao đi mà chẳng hiểu đầu cua tai nheo. Thế, rồi lại ráng, rồi lại ráng đến hết cả đời mà chẳng hiểu tại sao, rồi lại phí một đời chỉ để làm một chuyện, ráng.

Tôi nên chuẩn bị gì để đạt được điều tôi mong muốn?​


Khi đã hiểu ra mình muốn gì rồi thì đừng ngồi đó chờ ai đó tới cứu mình, giúp mình, làm giùm mình. Đời này không có ông Bụt như thế. Đời này ai muốn gì cũng phải tự mà làm, bằng không thì cứ ngồi há mõm ra cho tới già rồi chết khô đi. Biết mình muốn gì thì chuyện cần làm là hành động để đạt được thứ mình mong muốn. Nhưng đôi khi, nếu mình chưa đủ điều kiện, chưa đủ sức, chưa đủ nguồn lực gì đó thì mình phải tính toán tới việc chuẩn bị. Có ai trên đời này mà thứ gì cũng có, thứ gì cũng sẵn đâu. Ai cũng phải bò ra mà làm, chuẩn bị cho bản thân cho những bước đi mới, những hành trình mới, những tầm cao mới, vv. Đừng đổ thừa tại em sinh ra nhà không có điều kiện, tại em xui, tại hoàn cảnh em này nọ kia…. Câu đó ai cũng nói được, tại nó dễ quá mà. Đổ thừa là thứ mà người đời xài nhiều nhất, lạm dụng nhất, mang ra biện minh cho cái sự kém cỏi của mình dữ nhất. Có điều, đổ thừa là thứ thể hiện sự yếu kém về bản lĩnh nhất của một con người.

Mình không có, không đủ thì mình chuẩn bị thôi chứ có gì ghê gớm lắm đâu. Chuẩn bị có khi nhanh, có khi lâu, có khi cần nhiều nỗ lực hơn, có khi cần ít năng lượng hơn, vv. Chẳng sao cả. Cần sao thì làm vậy, cứ từ từ bình tĩnh.

Tôi nên làm gì ngay từ bây giờ để đạt được điều tôi mong muốn?​


Chuẩn bị xong thì phải hành động. Đừng có chơi trò hoàn hảo chuẩn bị hoài cả đời mà chẳng làm gì vì nghĩ mình chưa đủ, chưa tới, chưa sẵn sàng. Có ai trên đời mà lúc nào cũng sẵn sàng đâu. Vừa làm vừa nhận ra vừa tiếp tục học hỏi và chuẩn bị chứ. Thành ra, làm gì làm, cứ phải hành động đã, từng bước từng bước một. Tạo kế hoạch hành động, hôm nay làm gì, ngày mai làm gì, tuần này tuần sau làm gì, tháng này tháng sau làm gì để đạt được thứ mình mong muốn. Không làm siêng, không kỷ luật thì đừng hỏi sao không làm được. Đời không cho không ai thứ gì bao giờ. Bạn cứ phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt, bằng xương máu của mình. Đừng đi tìm đường tắt và phép màu overnight. Không có!

Vậy nha. Nếu không muốn cứ phải ráng nữa, ráng hoài, ráng cả đời không vui vẻ hạnh phúc gì thì chỉ có cách là tự mình sắp xếp lại đời mình. Good luck!

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Top