longteo
[♣]Thành Viên CLB
Sinh viên tìm việc làm: “Rớt” vì thiếu kỹ năng “mềm”
Với tấm bằng mới ra trường, nhiều sinh viên không dễ tìm được việc làm đúng chuyên ngành trong thị trường lao động cạnh tranh khắc nghiệt.
Nỗi ám ảnh năm cuối
“Em là Nguyễn Tùng Lâm, sinh viên (SV) năm cuối Trường ĐH Văn hóa TPHCM, SV năm đầu Trường ĐH KHXH-NV TPHCM (Khoa ngữ văn Anh - hệ vừa học vừa làm). Em muốn tìm một công việc ổn định tại TPHCM sau khi ra trường do không muốn phụ thuộc vào kinh tế gia đình”. Sau bản tin, Lâm đã liệt kê kết quả học tập cũng như khả năng của bản thân, mong muốn được làm hướng dẫn viên du lịch hay phòng điều hành du lịch nội địa…
Lời kêu gọi “SV mới ra trường cần tìm việc gấp” của Lâm đăng ở nhiều diễn đàn của một website về du lịch giống spam (thư rác) làm nhiều thành viên của website không hài lòng nhưng điều đó phản ánh tâm trạng lo lắng của Lâm như bất kỳ SV sắp tốt nghiệp mà chưa có việc làm.
Lâm quyết tâm: “Có thể yêu cầu của em là cao nhưng bản thân em sẽ cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc được giao…”. Thu Trang, SV ĐH Văn Hiến bộc bạch một ám ảnh thường trực của SV năm cuối và nhất là SV mới ra trường: Mỗi khi nghĩ đến hai chữ “việc làm” là tôi bị… căng thẳng. Tôi chưa hình dung được mình sẽ tìm việc như thế nào, đương đầu với cuộc sống ra sao.
Còn Bích Phượng, sau nhiều lần vác hồ sơ xin việc với tấm bằng cử nhân văn chương quyết định giã từ Sài Gòn phồn hoa về dạy học ở quê nhà. “Các trung tâm tuyển dụng việc làm đòi hỏi cao lắm! Ngoài bằng cấp chuyên môn còn phải có thêm tin học, ngoại ngữ. Tôi đưa chứng chỉ đã học trong trường ra, họ không chịu. Gia đình cứ động viên về, tôi cũng ngán lắm cảnh đời ở trọ cơm hàng cháo chợ”.
Phượng thở dài nghĩ đến những người bạn đồng cảnh phải làm “trái nghề” như tiếp thị, nhân viên bán hàng, gia sư… để “lấy ngắn nuôi dài” kiên trì bám trụ TP với ấp ủ “tìm việc đúng ngành, mức lương phù hợp” chưa biết đến bao giờ mới thành.
Lận đận tìm việc - vì sao?
Làm việc đúng chuyên ngành là mong muốn của hầu hết SV. Nhiều trường ĐH thành lập trung tâm Hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp làm cầu nối cho SV và doanh nghiệp. Và trước khi ra trường, SV thường được đi thực tập, thông thường, nếu SV đạt yêu cầu sẽ được mời ở lại làm việc sau khi kỳ thực tập kết thúc.
Theo thạc sĩ Trần Minh Đức, Khoa Kinh Tế - Luật ĐHQG TPHCM: Chương trình đào tạo trong các trường ĐH của Việt Nam còn một độ lệch nhất định đối với thực tế phát triển của ngành nghề, kiến thức nặng tính lý thuyết và không theo kịp với yêu cầu thực tiễn. Vì thế, các kỳ thực tập càng trở nên cần thiết đối với SV. Những trải nghiệm ban đầu này khiến SV tự tin hơn sau khi ra trường và đi tìm việc, giúp SV không quá mơ mộng ảo tưởng dẫn đến thất vọng về thực tế khi thực sự tham gia thị trường lao động.
Thế nhưng, trong khi SV các ngành kinh tế và công nghệ như:tài chính, ngân hàng, kế toán, marketing, ngoại thương, công nghệ thông tin thường có nhiều cơ hội tìm được nơi thực tập tốt, phù hợp với chuyên ngành thì SV các ngành khác rất khó khăn trong việc tìm nơi thực tập phù hợp, đặc biệt là sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
SV Việt Nam thông minh, biết tìm tòi và chịu khó. Nhưng vì sao SV lại lận đận trong hành trình tìm kiếm việc làm? Bà Hồ Thị Thu Uyên, giám đốc đối ngoại của Công ty TNHH Intel Products Vietnam cho biết: “Phần lớn SV không đạt yêu cầu trong quá trình phỏng vấn không phải vì thiếu kiến thức mà là do thiếu các kỹ năng mềm (soft skills) và trình độ tiếng Anh chưa đạt. Khi vào làm ở các tập đoàn nước ngoài lớn như Intel, những kiến thức xã hội, kỹ năng mềm rất được coi trọng”.
Intel đã khảo sát gần 2.000 SV năm cuối của các trường ĐH “top” như ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng… nhưng cuối cùng chỉ chọn được 40 SV mới ra trường vào làm việc chính thức. Sắp tới, các bạn trẻ này sẽ qua Malaysia làm việc từ 9 tháng đến 1 năm và sẽ là những kỹ sư nòng cốt của Intel tại VN.
Bảng khảo sát không khó, có khoảng 65-70 câu gồm câu hỏi về kiến thức nền tảng về kỹ thuật, tiếng Anh và các kỹ năng mềm. SV chỉ cần trả lời 40/70 câu là đạt. Intel đã làm khảo sát tương tự các nước như Malaysia, Trung Quốc, tỷ lệ khảo sát đạt yêu cầu tại VN là thấp nhất.
Lời khuyên của các doanh nghiệp: Hơn ai hết, chính bản thân SV phải tự biết mình đang thiếu gì và tự bổ sung chứ không thể ngồi chờ nhà trường. Kỹ năng “mềm” không được học trong nhà trường nhưng ngày càng được các nhà tuyển dụng coi trọng vì ảnh hướng đến mức độ thành công của công việc. Những SV mang tư tưởng thụ động”trường dạy gì thì em biết nấy” khi ra trường sẽ thiệt thòi hơn những SV biết chủ động trau dồi những kiến thức mình đang thiếu trước khi ra trường.
HỒNG LIÊN