[Sưu tầm]-tôi đã tự lập như thế

Bhji Onj

Thanh viên kỳ cựu
Tác giả:Không rõ.
Nguồn:Internet.
Nội dung:



Tôi là con trai một. 18 tuổi rời quê lên TP.HCM học, rồi lại rời TP.HCM bay đến những đất nước khác. Riết rồi những chuyến đi xa chỉ cần chuẩn bị trước vài mươi phút với kiểu đóng hành lý chuyên nghiệp, vậy mà không thiếu thứ gì. Thấy vậy ai cũng nói: “Con trai cưng mà giỏi dữ vậy”. Tôi xem đó là một lời khen dành cho... ba mẹ mình. Bởi chính cách giáo dục và yêu thương của ba mẹ đã giúp tôi trở thành một cái cây biết tự mình đứng thẳng.
Bài học biết sai
Bài học đầu tiên của ba mẹ tôi còn ghi nhớ là bài học biết sai! Từ nhỏ, làm việc gì, dù đúng dù sai, tôi cũng đều được ba mẹ nhận xét, rút kinh nghiệm. Biết đi thưa về trình, gặp người lớn chào hỏi đàng hoàng thì về nhà sẽ được khen. Bỏ ngủ trưa đi chơi với bạn trong xóm là sai, sẽ bị phạt. Đi tiệc chung với ba mẹ mà cứ léo nhéo đòi về là hư, mai mốt sẽ không được cho đi nữa...
Những bài học “biết sai” đơn giản như vậy đã hình thành trong tôi từ khi còn rất nhỏ, những nguyên tắc đạo đức và cư xử cơ bản, một bộ lọc đúng - sai khá nhạy. Chính bộ lọc này đã giúp tôi đứng vững trước rất nhiều sóng gió trên đường vào đời. Và cũng chính sự miễn nhiễm với cái sai này đã tạo nên sự tin tưởng mà ba mẹ dành cho tôi. Nó đã giúp ba mẹ an tâm về tôi rất nhiều trong những chuyến đi xa...
“Con đừng quẩn quanh một mình!”
Tôi nghĩ dù cần phải tự lập nhưng tình cảm giữa ba mẹ và con cái vẫn là nền tảng quan trọng cần được duy trì. Dù tôi có sống độc lập đến đâu, đi xa đến nơi nào thì ba mẹ và tôi vẫn luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ.
Là con một, không có anh em nên ba mẹ luôn muốn tôi hòa đồng với mọi người. Đến bất kỳ nơi nào có trẻ con cùng tuổi, ba mẹ đều khuyến khích tôi ra chơi với các bạn, đừng quẩn quanh một mình. Khi bé, tôi thường được ba dẫn đi thăm đồng, chơi với các bạn nhỏ nông thôn lấm lem đất cát. Về lại thành phố thì đến nhà thiếu nhi sinh hoạt với các bạn “cao cấp” hơn.
Nhưng ở đâu tôi cũng tìm được niềm vui thích hợp cho mình và cách hòa đồng với bạn. Do đó, tôi còn được mang tiếng là “dễ nuôi”. Khi du học xa, ở Pháp hay ở Nhật, tôi đều thích nghi rất nhanh với cuộc sống mới.
“Con nít phải té ngã”
Lúc nhỏ tôi được bà nội rất cưng chiều. Chạy chơi té ngã, trầy chân là bà xuýt xoa mãi, thậm chí còn không cho tôi chạy giỡn nữa. Ba thấy thế nói với bà: “Con nít phải té ngã, phải trầy xước để đứng lên chứ mẹ!”. Lúc ở Pháp, trong một lần dã ngoại, tôi có gặp một gia đình nhỏ đang leo lên một con dốc khá đứng.
Ông bố leo trước, đứa bé gái chừng 6 tuổi lò dò từng bước non nớt và sau cùng là bà mẹ. Người bố, sau khi lên đến đỉnh dốc, quay lại cổ vũ đứa con gái đang loay hoay giữa đống lá mục trơn trượt và cái dốc cao ngất, nhưng cả hai vợ chồng đều không có vẻ gì là sẽ đến để kéo con mình lên.
Bà mẹ ở phía sau nhìn đứa con toát mồ hôi mà cười hài lòng, chỉ đôi khi bà “nhắc tuồng”: “Con thử bám vào gốc cây bên trái xem!”... Đó là hình ảnh tôi nhớ mãi về cách người Pháp dạy con mình. Họ không níu con mình đứng lên, mà dạy chúng cách tự đứng lên như thế nào.
“Tự lập là tự biết con đường tốt mà đi”
Nhiều người đánh đồng tự lập với tự làm ra tiền. Nhưng với ba mẹ tôi thì tự lập là tự biết chọn con đường tốt mà đi, tự biết vượt qua những khó khăn hay cạm bẫy. Ba mẹ chưa bao giờ để tôi bị sức ép về tiền bạc, nhưng lúc nào cũng dạy tôi làm ra đồng tiền rất khó nên có tiền trong tay phải biết chi tiêu hợp lý. Vì thế, khi tôi có thể sống được bằng học bổng và làm thêm thì ba mẹ cũng không chuyển tiền vào tài khoản của tôi hằng tháng nữa mà lập một tài khoản tiết kiệm riêng, mục đích là để tôi biết quý trọng đồng tiền và học cách tự hoạch định chi tiêu.
Sống tự lập là kỹ năng cần thiết cho các bạn trẻ, nhưng cũng cần phải dung hòa kỹ năng này với quan hệ gia đình. Thanh niên Nhật là những người có tính tự lập rất cao, nhưng chính sự tự lập mang tính cá nhân quá lớn đó đang đẩy dần nhiều bạn ra khỏi gia đình. Khi làm việc ở Nhật, tôi có thể cảm nhận được sự cô đơn của người già và của cả chính người trẻ nữa.
Có nhiều bậc cha mẹ giữ khư khư con ở bên mình, sợ buông con ra chúng sẽ bị hư, nhưng cứ hãy như lời ba tôi vẫn hay tâm sự với cậu con trai cưng - là tôi: “Con là cánh diều của ba mẹ. Ba mẹ sẽ ở bên con bất kỳ khi nào cánh diều con mất thăng bằng giữa những cơn gió lớn...”.
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Top