Suy Ngẫm "Cái Tôi Danh Lợi"

quoccuongdang

Thanh viên kỳ cựu
Cái tôi hạng thấp là cái tôi mù quáng theo danh lợi. Thấy lợi là bằng mọi giá chiếm lấy, tích vào, thấy danh là nhẹ dạ lao theo. Quan tham thuộc hạng này. Lợi càng to họ tích càng nhiều. Họ dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thậm chí vô lương tâm để tích lợi, mà trong khi đó họ vẫn muốn giữ cái danh vì dân, vì nước. Những người buôn bán chụp giật cũng thuộc hạng này, dù là họ chỉ có cái mẹt hàng xén, hay là Tổng Giám đốc tập đoàn cũng vậy thôi. Cái tôi của hạng người này quằn quại vì danh lợi. Khi không đạt danh lợi thì cái tôi phát tác ra làm họ đau khổ. Đại danh tướng như Chu Du thời Tam Quốc cũng bị “cái tôi” kiểu này thống trị. Cái lợi mà họ tích vào có áp suất cực lớn. Áp suất ấy nén mãi, ngày càng làm cho cái tôi co nhỏ lại, đen quánh lên. Đối với hạng người này thì cái tôi của họ nhỏ theo tuổi tác.

Cái tôi hạng trung là cái tôi biết cân nhắc danh lợi. Hạng này biết bỏ cái lợi nhỏ, không tích, biết giữ cái danh, không bị mấy lời nịnh “anh Hai giỏi, chị Ba xinh” làm mờ mắt. Hạng người này rất nhiều trong thiên hạ. Họ muốn yên ổn làm ăn, theo luật pháp, nhưng đôi khi cũng lách luật pháp. Họ có thể là sinh viên, biết chăm chỉ đến trường tích luỹ kiến thức, ra đời đi làm biết nghe lời sếp. Thỉnh thoảng họ cũng nhẹ dạ, hoặc vì say mê chơi game, hoặc vì thích mấy cô bạn xinh gái mà bị cái tôi mù quáng sai bảo. Họ cũng có thể là những công dân tốt, biết yên phận lo cho gia đình mình, lo cho cộng đồng họ mạc nho nhỏ xung quanh, biết làm việc theo lẽ phải, theo nhân tâm. Cái tôi của họ thật giản dị, dễ thương. Họ lao động để tích cái lợi và sống theo văn hoá để giữ cái danh. Cái tôi hạng trung sau khi đạt đến “độ lớn” nhất định (tại một thời điểm nào đó trong đời) thì gần như ít suy biến. Cái tôi ấy tạo cho chủ nhân của nó một tính cách ổn định. Cái tôi ấy cũng làm cho chủ nhân trở thành bảo thủ, định kiến. Càng về già thì cái tôi hạng trung càng sáng ra, ít nếp nhăn, dần tròn trịa.

Cái tôi hạng cao là cái tôi biết sự đầy đủ của lợi, biết sự trường tồn của danh. Những người sở hữu cái tôi hạng cao biết vượt lên “cái tôi”, dẫn dắt và điều khiển được “cái tôi”, chứ không phải ngược lại. Họ chỉ tích cơm áo vừa phải thôi, còn lại họ lo tích các giá trị tinh thần, tích luỹ hiểu biết, tri thức, tình thương yêu đồng loại. Họ không lăn tăn tìm cách lan toả cái danh của mình. Họ hiểu thế nào “hữu xạ tự nhiên hương”. Hạng này mà làm doanh nhân thì biết lo cho đời sống công nhân, biết nâng cao chất lượng hàng hoá để phục vụ cộng đồng, biết tích tụ công nghệ để nâng cao năng suất. Nếu làm nghệ sỹ hoặc bác học thì họ sẵn lòng chịu đói để sáng tạo, có khi quên tháng ngày để nghiên cứu cái mới. Nếu làm chiến sỹ thì họ sẵn sàng bỏ thân vì nước, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Nếu làm quan thì họ biết tích tụ nhân tài, không nghẹ lời nịnh bợ, đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Khi xét duyệt hoặc phê chuẩn dự án thì có tầm nhìn xa, không vì “mấy miếng đất đút lót” mà chấp nhận những điều phi lý. Cái tôi hạng cao này càng già càng nở rộng mãi ra, chứ không co hẹp lại. Người dân thường chúng ta khi có dịp tiếp xúc với cái tôi hạng cao thì tự nhiên trong lòng đã cảm thấy ấm áp. Người sở hữu cái tôi hạng cao, tự họ không phải phô diễn gì, mà chúng ta có thể cảm nhận được. Trong thiên hạ, cái tôi hạng cao rất ít. Nó là của hiếm. Vì nếu một ai đó đã sở hữu được cái tôi hạng cao rồi thì phải nâng nó đến trình độ giác ngộ mới không làm cho nó bị tầm thường hoá về cái tôi bậc trung. Cái tôi hạng cao chỉ như một loại “phôi”. Nó cần được bàn tay của sự “giác ngộ” tinh chế tạo tác mới thành ngọc, mới toả sáng được. Lúc đó, cái tôi hạng cao đã hoàn thành một vòng luân chuyển. Nó từ sự kìm kẹp của danh lợi mà vươn lên, vượt qua danh lợi để toả sáng, rồi lại hạ xuống vòng danh lợi mà nâng giúp những cái tôi bậc dưới nổi dần lên.
nguồn : chungta.com
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top