Tài sản ven sông Sài Gòn

VnExpress

Thành viên mới
Esplanade là một trong những công viên lưu vực khéo léo áp dụng thiết kế không gian mở, hòa quyện nhịp sống thành phố với dòng sông của mình.

Bạn có thể để ý, thường mỗi thành phố lớn đều có một dòng sông, lịch sử phát triển của nhân loại luôn cần có nguồn nước. London có Thames, Paris có Seine, Tokyo có Sumida, Chicago có Chicago River, Seoul có Sông Hàn, Boston có Charles, Hà Nội có Sông Hồng và TP HCM có Sông Sài Gòn. Dòng sông là tài sản vô giá của mỗi thành phố, đôi khi là linh hồn, là huyết mạch, là nơi thành phố tìm lại bình yên giữa nhịp phát triển vội vã quay cuồng.

Bao năm nay tôi vẫn luôn ghen tỵ với các thành phố khác khi họ có quy hoạch bờ sông; vừa để giữ gìn, vừa để nâng thêm giá trị của dòng sông. Khi sống ở Sài Gòn, mỗi ngày tôi ngắm dòng sông đôi lần từ cửa sổ và chưa bao giờ biết chán. Là do tôi may mắn hoặc cố tình may mắn chọn một nơi có thể ngắm sông, còn đa số người dân thành phố này không được đặc quyền như vậy. Dòng sông là tài sản của cả thành phố nhưng vì một số lý do, hiện nay nó là đặc quyền của một số cá nhân - những người có khả năng chi trả cao.

Vì vậy, tôi rất quan tâm đến thông tin TP HCM đầu năm nay vừa phê duyệt đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045", với mục tiêu từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh. Đây có thể là lựa chọn đáng mong đợi hơn, thay thế cho đề xuất xây đại lộ dọc sông Sài Gòn được đưa ra khoảng 5 năm trước và từng gây lo ngại về nguy cơ bê tông hóa, làm lãng phí tiềm năng và giá trị tự nhiên của dòng sông.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, từ nay đến 2025, Thành phố sẽ tiến hành lấy ý tưởng, điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị và các công cụ quản lý khu vực hành lang sông Sài Gòn.

Là người làm việc trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, thiết kế bền vững và trên hết, bằng tình yêu với sông Sài Gòn, tôi muốn chia sẻ một vài ý tưởng (hoặc là mong đợi) của mình với đề án đang trong quá trình xây dựng này.

Dọc bờ sông, theo tôi, nên xây dựng công viên, không gian xanh công cộng, là nơi để tạo điều kiện phát triển du lịch, kinh tế ven sông. Với đặc tính thủy triều của sông Sài Gòn, thiết kế công viên nên được xem xét tối ưu các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, không nên bê tông hoá; có thể áp dụng thiết kế thụ động (giữ nguyên và tận dụng tối đa cảnh quan tự nhiên để hình thành không gian mở phục vụ công năng), bán thụ động (kết hợp tận dụng tối đa cảnh quan tự nhiên và linh hoạt kết hợp với kết cấu nhân tạo để hình thành không gian mở phục vụ công năng), để người dân cảm nhận được sự gần gũi với bờ sông mặt nước. Thành phố đang quá thiếu không gian công cộng trong lành để mọi người gặp gỡ. Các công viên hiện nay diện tích không lớn, lại bao quanh bởi hệ thống đường bộ chằng chịt, ô nhiễm khói bụi nên bị giảm sức hấp dẫn.

Công viên có chỗ rộng có chỗ hẹp tùy thuộc quỹ đất từng khu vực, tuy nhiên, cần phải thiết kế có chủ đích cho các hoạt động trong tương lai, hay nói cách khác là phải đủ diện tích cũng như công năng để phục vụ đa dạng hoạt động.

Ven sông là khu vực để khai thác hiệu quả kinh tế. Có thể tạo điều kiện kinh doanh nhà hàng, dịch vụ du lịch như chèo thuyền kayak, không gian tổ chức các sự kiện công cộng mang tính đặc trưng văn hóa của thành phố, lễ hội ẩm thực vùng miền, vừa có tính quảng bá sản phẩm trong nước, quảng bá du lịch thành phố... Nguồn thu từ cho thuê mặt bằng tổ chức sự kiện cũng là một nguồn dùng để duy trì vận hành công viên.

Quy hoạch cũng cần chú trọng khai thác đời sống văn hóa, giá trị du lịch: thiết kế hạ tầng ven sông sẽ là nơi cho những nhóm thanh niên đi picnic hay các bác hưu trí tổ chức gặp mặt lúc bình minh, trải bình trà ngồi ôn chuyện; là địa điểm cho những người đi săn mặt trời mọc, mặt trời lặn; là chỗ sinh hoạt cho các bạn trẻ đam mê nghệ thuật nhảy, cho hội những người tập yoga ngoài trời, hay những người cần một không gian trong lành để thưởng thức một cuốn sách, một bài nhạc, là nơi người ta có những ngày hẹn hò đầu tiên bên dòng sông mềm mại này.

Một phương diện quan trọng khác là giao thông. Giao thông công cộng đường thủy và ven sông là một tiềm năng quý giá khác chưa được khai thác triệt để. Bangkok đang làm khá tốt điều này, tạo thuận tiện cho khách du lịch đi từ địa điểm này sang địa điểm kia miễn phí dọc sông Chao Phraya, vừa tránh kẹt xe lại có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của thành phố từ trên sông.

TP HCM hiện đã có tuyến buýt sông Saigon Waterbus, tuy nhiên tiềm năng giao thông công cộng đường thuỷ trên sông Sài Gòn còn rất nhiều để khai thác thêm. Giải pháp này vừa giúp giảm tải cho giao thông đường bộ, vừa giảm ô nhiễm khói bụi.

Tháng 3/2022, TP HCM khánh thành công viên bến Bạch Đằng như một tiền đề cho việc quy hoạch đồng bộ khu vực ven sông Sài Gòn sau khi đề án trên được phê duyệt. Người dân đón nhận tích cực. Nếu đi qua Công viên Bạch Đằng, bạn sẽ thấy một không khí sôi động nhưng không quá ồn ào, nhộn nhịp nhưng không quá tất bật, bạn cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực trong nhịp thở của thành phố.

Những ví dụ thành công về khai thác giá trị của dòng sông trong lòng thành phố trên thế giới không hề ít. Sông Sài Gòn thậm chí có vị trí đẹp và thuận lợi hơn rất nhiều dòng sông của các thành phố khác, vậy tại sao chúng ta không thể có giải pháp để cả thế giới phải học tập?

Tôi tin rằng đất nước không thiếu ý tưởng, không thiếu những con người, những bộ não sẵn sàng hiến kế, đóng góp chuyên môn để tìm ra giải pháp tối ưu, thời thượng và bền vững cho dòng sông đặc biệt nhất của chúng ta.

Hy vọng TP HCM mở một cuộc lấy ý kiến để lắng nghe người dân, vì quy hoạch, xây dựng thành phố là câu chuyện không của riêng ai và không thuộc về một thế hệ.

Nguyễn Mai
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top