Tăng trưởng thông minh

Josh Goldman

Thành viên mới
Từ năm 2008, doanh nghiệp của tôi đã tiên phong đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản biển nhiệt đới, mang công nghệ đã được áp dụng thành công với cá hồi Na Uy vào điều kiện khí hậu cùng các loài đặc thù của Việt Nam. Sau hơn 14 năm, chúng tôi phát triển thành công một loạt công nghệ (know-how) và xây dựng được thị trường đầy hứa hẹn cho cá chẽm (cá vược) - loài mà chúng tôi tin có thể trở thành "cá hồi nhiệt đới".

Cũng trong ngần ấy năm, tôi vui mừng khi chứng kiến Việt Nam phát triển mạnh mẽ từng ngày và trở thành ngôi sao kinh tế mới tại châu Á. Cùng với sự tăng trưởng thịnh vượng của đất nước, công ty tôi nâng sản lượng từ 30 tấn khiêm tốn của năm 2008 lên đến 10.000 tấn. Sau gần 20 năm đầu tư, chúng tôi đứng trước cơ hội mở rộng quy mô sản xuất lên 40.000 tấn cá chẽm. Tôi tin các doanh nghiệp khác trong ngành cũng có tương lai hứa hẹn ở Việt Nam, nếu họ được hỗ trợ bởi những chính sách quy hoạch sáng suốt của chính quyền sở tại.

Việt Nam là một cường quốc nuôi trồng thủy sản toàn cầu, hiện đứng thứ tư thế giới về giá trị xuất khẩu (sau Na Uy, Trung Quốc và EU). Tuy nhiên, so với Na Uy, tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam lại cao gần gấp ba lần, chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất tại các ao trên đất liền (tôm, cá tra...) với giá trị tương đối thấp. Thay vì cố gắng sản xuất thật nhiều, Việt Nam hoàn toàn có thể hướng đến "sản xuất thông minh" hơn.

Nhìn về tương lai 30 năm tới, tình trạng biến đổi khí hậu về cơ bản sẽ định hình lại chuỗi cung cấp thực phẩm toàn cầu. Theo dự báo của Ủy ban Liên Chính phủ Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (IPCC), sản lượng thu hoạch cá tự nhiên (thông qua đánh bắt) ở các nước nhiệt đới sẽ sụt giảm khoảng 40%. Đối với Việt Nam, điều này sẽ tác động đến sinh kế của hàng chục nghìn hộ ngư dân và nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu.

Trong khi đó, hiện tượng nước biển ấm lên cũng sẽ gây ra vấn đề không nhỏ đối với khả năng mở rộng của ngành công nghiệp cá hồi (cần môi trường nước lạnh để sinh trưởng), khiến ngành này khó lòng đáp ứng đủ nhu cầu của thế giới.

Nhu cầu thủy sản toàn cầu, được dự báo tăng trưởng tới 80%, sẽ mang lại cho Việt Nam một cơ hội rất lớn. Với những chính sách và quy hoạch tốt, bên cạnh hiệu quả về mặt chi phí, khả năng mở rộng tốt cùng sự sẵn sàng thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam hoàn toàn có thể mở ra một ngành công nghiệp xuất khẩu mới trị giá hàng tỷ USD, tăng trưởng thông minh và bền vững - nuôi trồng thủy sản biển.

Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng biển chỉ có thể đạt hiệu quả tại các khu vực sở hữu điều kiện tự nhiên thích hợp - được che chắn và bảo vệ tốt khỏi bão, nằm ở những vịnh nước sâu với nguồn nước chất lượng và ổn định... Như chúng tôi, hiện nuôi chủ yếu trong vịnh Vân Phong, một khu kinh tế quan trọng ở Việt Nam và là cái nôi của các hoạt động đổi mới trong ngành nuôi trồng thủy sản.

Nhưng quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong (VPEZ) mới, đang được điều chỉnh để trình Thủ tướng phê duyệt, lại không chú trọng những vùng biển cho nuôi trồng thủy sản, mặc dù ngành này đã phát triển tương đối thành công trên quy mô lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia về phát triển nuôi trồng thủy sản biển. Thay vào đó, quy hoạch dường như đặt nhiều hy vọng vào các siêu dự án bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm tài chính dịch vụ... với quy mô lên đến hàng chục nghìn căn hộ, biệt thự và phòng khách sạn.

Tăng trưởng thông minh chỉ có thể được xây dựng dựa trên những thế mạnh của vùng và phải tạo ra hiệu ứng đồng vận (synergy) giữa các phân khúc, ngành nghề. Chẳng hạn, từng lĩnh vực du lịch, nuôi trồng thủy sản và logistics khi cùng được tích hợp vào một quy hoạch thông minh sẽ tạo ra sự đồng vận và đều phát triển mạnh mẽ hơn. Na Uy từ lâu đã áp dụng và rất thành công với mô hình đó.

Năm 2017, các chuyên gia tư vấn từ Boston Consulting Group (BCG) cũng khuyến nghị quy hoạch mới cho Vân Phong nên tập trung vào 5 trụ cột: nuôi trồng thủy sản, đóng tàu, logistic, năng lượng và du lịch trải nghiệm, qua đó làm lợi và kéo theo sự tăng trưởng của nhiều ngành nghề khác như chế tạo, công nghệ cao, bán lẻ, nông nghiệp...

Quy hoạch Vân Phong hiện vẫn chưa tính đến việc tích hợp quy hoạch không gian biển hay ưu tiên phân vùng và dành riêng những khu vực thuận lợi để thúc đẩy sự thành công của ngành nuôi trồng thủy sản. Điều này có thể ảnh hưởng đến tương lai "kinh tế biển xanh" (blue economy) xán lạn mà Việt Nam đang hướng tới.

Trước các tác động bởi tình trạng biến đổi khí hậu, nguồn cung cấp cá truyền thống sụt giảm và nhu cầu thực phẩm toàn cầu không ngừng gia tăng, đây là thời điểm mà Việt Nam nên nhanh chóng nắm bắt cơ hội nếu không muốn lỡ chuyến tàu đến với một tương lai phát triển bền vững.

Josh Goldman
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top