THUỐC DƯỢC LIỆU VIỆT: CHỪNG NÀO TIỀM NĂNG THÀNH GIÁ TRỊ?

Vũ Kim Hạnh

Thành viên mới
THUỐC DƯỢC LIỆU VIỆT: CHỪNG NÀO TIỀM NĂNG THÀNH GIÁ TRỊ?

Nổi tiếng với những thương hiệu thân thương (đầu Cù là Sao Vàng, thuốc sỏi thận Kim Tiền Thảo và dàu gió Mẹ Bồng Con), khi tôi đến thăm nhà máy của OPC ở Bình Dương , tôi thấy nó qui mô, chuyên nghiệp hơn tôi nghĩ. Nhưng nghe nhà máy có tới 8 vùng nguyên liệu trải khắp nước tôi càng thấy sự phức tạp và công phu của chuỗi sản xuất này. Chợt nhớ lời một chuyên gia thị trường Thái Lan khi tôi dự hội chợ Thaifex: “Trời cho các bạn kho nguyên liệu thiên nhiên hiếm có, chúng tôi thèm lắm”. Giờ tôi nghĩ, trời cho quí vậy nhưng chưa phát huy đúng bụng của ông trời, anh ơi.

THUỐC DƯỢC LIỆU VIỆT: CHỪNG NÀO TIỀM NĂNG THÀNH GIÁ TRỊ?


Khác với Tân Dược, sản xuất nhanh, kinh doanh tốt vì là thuốc điều trị cấp tính, nghèo kiểu gì, bán nhà mua thuốc khi cấp cứu hay để đặc trị, cũng phải lo. Còn thuốc từ dược liệu trị bệnh mãn tính thì tác dụng đến từ từ . Từ từ không hiệu lực tức thì nhưng là theo chăm sóc, hỗ trợ mỗi người chúng ta cả đời và hiếm khi có tác dụng phụ. Vậy mà lâu nay, chúng ta thường “khi dễ” thứ thuốc nhà quê quơ đại trong vườn nhai nhai trị ho hay phơi khô, nấu ba chén còn lại 8 phân là xong.

Qui trình “bào chế tại gia” đó thật dễ dàng, gần gũi, phải chăng dần dần khiến ta hiểu sai về thuốc dược liệu.

THUỐC DƯỢC LIỆU VIỆT: CHỪNG NÀO TIỀM NĂNG THÀNH GIÁ TRỊ?


Tôi tìm xem tài liệu về thuốc dược liệu của Hàn Quốc. Vì sao Hàn Quốc? Một lần anh bạn tôi tặng cho hộp thuốc bổ hồng sâm. Tôi quí lắm nhưng ngại dùng vì ngại lên cân. Anh ấy quát, bà làm việc như vậy mà không uống thuốc trợ lực, thuốc quí mà không biết gì hết, đắt tiền lắm biết không?

Hàn quốc thực sự có một nền y học kết hợp kiến thức truyền thống với nghiên cứu khoa học hiện đại tạo ra một ngành thuốc từ dược liệu rất mạnh. Qui định của Bộ an toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn quốc (MFDS) buộc phải giám sát việc phê duyệt, quản lý theo các tiêu chuẩn rõ ràng, tương đương với dược phẩm thông thường. Chính phủ đầu tư nhiều qua trợ cấp và đầu tư cho R&D bằng công nghệ tiên tiến (như sắc ký lỏng hiệu năng cao HPLC và khối phổ được dùng để cô lập, xác định và định lượng các hoạt chất trong thảo dược, đồng thời tiêu chuẩn hóa các chiết xuất thảo dược, đảm bảo chất lượng nhất quán muôn lô như một. Tập trung nghiên cứu lâm sàng và tiền lâm sàng (tiếp cận dựa trên bằng chứng khoa học). Tích hợp minh bạch Tây y với Đông y, thuốc Hanbang (đông dược, thuốc từ dược liệu) bổ sung cho y học phương Tây, thành phương pháp điều trị tổng hợp. Đó là giải pháp sức khỏe tự nhiên và toàn diện đảm bảo 3 đặc điểm: Kết hợp truyền thống với khoa học, hợp tác giữa chính phủ và giới học thuật và tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn quốc tế, để được công nhận trên thị trường toàn cầu.

THUỐC DƯỢC LIỆU VIỆT: CHỪNG NÀO TIỀM NĂNG THÀNH GIÁ TRỊ?


Khi nói với tôi về quá trình hợp tác với hai khách hàng rất coi trọng thuốc dược liệu là Hàn quốc, Nhật Bản, bà Phạm thị Xuân Hương, CEO của công ty OPC không kể chi tiết như trên nhưng bà nhấn mạnh yếu tố nghiêm ngặt để hợp tác với họ, thuốc từ dược liệu phải được quản lý như thực phẩm và chất lượng, tính an toàn phải được chứng minh bằng khoa học, bằng tiêu chuẩn chặt chẽ.

Nếu nhà sản xuất thực hiện các nguyên tắc và qui định cùng tiến hành quá trình đúng như vậy thì niềm tin nơi thuốc dược liệu sẽ ngày càng được nâng cao.

Và đó là một chuỗi giá trị quá chông gai vì tiêu tốn tiền bạc, năng lực biết bao nhiêu: từ trồng nguyên liệu đến nuôi lớn, đảm bảo giữ đúng chuẩn đến chiết xuất, định lượng, áp dụng công thức bào chế.

Và khi ra thị trường thì lại được nhìn với con mắt chưa thấu hiểu giá trị của thuốc nên khó bán đúng giá và bảo hiểm ý tế cũng ngại trả vì bệnh nhân phải dùng lâu dài.

THUỐC DƯỢC LIỆU VIỆT: CHỪNG NÀO TIỀM NĂNG THÀNH GIÁ TRỊ?


Thực tế, cái khó cũng từ: thế giới chưa có tiêu chuẩn cho thuốc dược liệu. Như Hàn quốc, chính phủ phải qui định tiêu chuẩn loại thuốc này. Và vì chưa có tiêu chuẩn ngành này nên Cục quản lý dược vẫn quản theo qui định có sẵn, theo quán tính.

Ra thị trường, hệ thống phân phối cho thuốc này cũng chưa được xác định rõ. Có khi được bán ở chợ truyền thống kiểu thuốc nam thông dụng.

Nhiều nhãn thuốc của OPC vẫn đang xuất khẩu tốt, tiêu thụ ổn ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Như thuốc "tăng thải độc" sau khi uống nhiều rượu, được công ty R. đặt hàng và nhiều năm vẫn tin dùng.

THUỐC DƯỢC LIỆU VIỆT: CHỪNG NÀO TIỀM NĂNG THÀNH GIÁ TRỊ?


Tôi hiểu thêm về qui trình làm thuốc dược liệu, hiểu thêm cố gắng của ngành để tự khẳng định chất lượng bằng các bằng chứng khoa học. Nhưng người tiêu dùng, liệu có chịu khó đọc thông tin trên bao bì mỗi hộp thuốc. Lại càng khó đòi hỏi họ hiểu cả một chuỗi hoạt động công phu từ khi là cây cỏ mơn mởn ở ngoài vườn hay ở vùng nguyên liệu mà công ty trồng và chăm thật công phu?.

Cần có sự quan tâm đúng mức của chính phủ, của Bộ Y Tế, cơ quan quản lý ngành trong các yêu cầu hỗ trợ. Nhất là xác định hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam và minh thị, công bố để cả thế giới biết về các qui định nghiêm ngặt, từ đó, tin ở từng sản phẩm.

THUỐC DƯỢC LIỆU VIỆT: CHỪNG NÀO TIỀM NĂNG THÀNH GIÁ TRỊ?


Tôi từng vui và thích thú với 2 câu thơ bạn tôi đọc trong một tiệc nhậu (ông ta vừa đọc vừa liếc bà vợ nữa chứ):

“Thấy vợ người ta chết mà ham Vợ mình bịnh nặng uống thuốc nam cũng lành”

Hồi nghe, tôi vừa tức cười mà cũng vừa bực mình. Tôi cười, đùa giỡn lại, xúi bà vợ, ổng ham vợ chết quá, đâu có cần vợ, bỏ phứt ổng đi chị.

Bây giờ tôi nhận ra, hai câu thơ đó không chỉ “dô diên” ở chỗ xúc phạm vợ mà còn “xúc phạm” một ngành kinh tế rất đáng được hỗ trợ và trân trọng: thuốc dược liệu.

Cứ tự sướng là cây cỏ có vị thuốc của xứ mình là mênh mông, đụng đâu cũng có cây thuốc mà rồi tới giờ chưa có những động thái căn cơ từ nghiên cứu đến qui định tiêu chuẩn đến chăm sóc kênh phân phối, chính sách hỗ trợ nhà sản xuất và nhất là giám sát, chế tài để bảo vệ giá trị sản phẩm ngành này, thì đúng là : nói vậy mà không phải vậy, phí phạm món quà quí trời cho, quá uổng.

Nên câu hỏi, chừng nào tiềm năng thành giá trị không phải là một câu hỏi chung chung đâu. Sự thờ ơ lãng phí cứ còn là thiệt hại cho nền kinh tế rất lớn, cũng như thiệt hai cho việc chăm sóc sức khỏe người dân không nhỏ.

Vũ Kim Hạnh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top