THƯƠNG THIỆT MÀ

Vũ Kim Hạnh

Thành viên mới
Chiều nay đang ngồi bàn với ông khách về… đại học khởi nghiệp, bỗng nhà kỹ thuật trồng sầu riêng Huỳnh Quới gọi, chị ơi, nhà bạn K.N có tang, chị có muốn đi đám không, là mình phản xạ đi liền. Đi đám xong cả bọn rủ nhau đi ăn chay ở chùa Vĩnh Nghiêm. Mới có bức ảnh đẹp này - Lê Kim Hạnh chụp với Vũ Kim Hạnh - và cũng đọc được stt của Tâm Coboté kể chuyện, mình nói mình thương…

alt


CUỘC TRÒ CHUYỆN PHI TRUYỀN THỐNG NGỘ NGHĨNH.

Cũng dính líu chuyện trên là một show xảy ra trên sân khấu lớn, chắc phải đến 500 người dự của Diễn đàn toàn quốc người làm marketing và sales. Cái tên chủ đề rất chuẩn: "Kế thừa di sản, tiếp nối phát triển", mà thành một show lý thú và vui quá chừng, vì ông con trai, Tèo (tức Nguyễn Tấn Kiến Phước) cứ nửa đùa nửa thật tỉnh rụi.

Mình thì trả lời ông nhà báo sắc sảo Lê Quốc Vinh đúng kiểu truyền thống, còn Tèo cứ nói những câu... khó đỡ ngon ơ ngọt xớt. Có vẻ lý thú nhất là “lý giải” của Tèo, vì sao Maybe group của Tèo đã làm podcast “5 phút-Chuyện thị trường”: Mẹ tôi theo sát tin thị trường - hàng ngày, viết nhiều và cũng hay kể chuyện. Mà mẹ tôi viết thì có nhiều lỗi chính tả lắm. Hồi ba tôi còn sống, ba hay sửa cho mẹ, giờ thì… tôi thấy mẹ viết nhiều lỗi quá, tôi nghĩ, viết thì thấy lỗi, còn kể thì đâu thấy lỗi nữa, nên tôi bàn với mẹ chuyển từ viết quá nói thôi.

Trời đất, ngộ chưa, tôi kể chuyện thị trường là để… giấu lỗi chính tả? Mọi người cười ầm ầm. Mà ngay trước đó, được hỏi vì sao vốn nghề báo viết tôi lại kể chuyện trên Tiktok, tôi "thực thà khai báo": vì vốn nghề báo, tôi vẫn theo sát thông tin, cập nhật liên tục và tôi cũng thích kể chuyện, thấy mạng xã hội lan tỏa nhanh, tôi nghĩ mình cứ thử xem, nếu thử mà thấy “êm” thì kể tiếp, không thì thôi, nay thì cũng hơn 350 câu chuyện 5 phút rồi, và người theo dõi cũng đã hơn 808 ngàn rồi (vỗ tay).

Tôi kể tiếp, cách mình kể chuyện là, vì câu chuyện chỉ có 5 phút, tôi luôn cập nhật tin mới nhất có được, rồi nêu luôn thực trạng đang diễn ra, gợi ý cách (thực hành) giải quyết vấn đề và nếu được, hướng người nghe đến việc sáng tạo và nâng cách tư duy.

Sâu xa, tôi không nhằm kể chuyện tầm phào mà luôn có ý đồ là bồi đắp tình yêu hàng Việt nơi người nghe, bênh vực, cổ vũ hàng Việt, đó là công sức, mồ hôi của người thân ruột thịt mình, công ăn việc làm của gia đình mình và nền kinh tế của đất nước mình. Im lặng, không thấy phản ứng hào hứng gì.

Và khi người host hỏi đến Tèo thì ông ấy nhắc đến lỗi chính tả! Tèo còn gây mấy trận cười nữa: Mẹ em dặn trước, mẹ sẽ không nói tới đại công ty bất hảo này, tới vụ chèn ép hàng Việt kia hay sẽ không ủng hộ hàng Trung Quốc bất chấp, coi ôn hòa vậy mà lắc đầu ổn định lắm. Có công ty muốn trả 1 tỷ đồng cho mỗi câu chuyện 5 phút, mẹ em vẫn lắc, vì vậy mà… em nghèo hoài! Khán phòng bật cười vì kiểu đùa luôn bất ngờ của Tèo.

Kiểu nói ngược táo bạo và (dĩ nhiên là) thông minh của Tèo gây không khí cực kỳ hào hứng đến nỗi sau 1 giờ đối thoại, nhiều người tới ôm Tèo, cùng chụp hình thiệt là cưng.

Chỉ có một anh chàng chắc đã hơn 30, đến gần tôi, nói chầm chậm giữa những tiếng reo cười chúc mừng 2 mẹ con: “Cháu là nhà sản xuất hàng Việt đây cô. Công ty cháu đang cực kỳ lao đao nên cháu mua vé đi sự kiện này tìm kế sách. Cháu cũng thường nghe 5 phút của cô, hôm nay gặp người thật, nghe cô tâm sự, cháu thấy như cô chia sẻ riêng với cháu, cảm động lắm cô. Có người thấu hiểu nỗi khổ của mình, được an ủi và củng cố cho mình. Cháu chỉ muốn nói, cảm ơn cô”.

alt


MỘT LẦN NÓI THƯƠNG…

Rồi tối nay, đi ăn chay rất ấm áp với các bạn về, tôi bỗng đọc được đoạn viết của một nhà khởi nghiệp khá quen thuộc từ Bến Tre: Tâm Cobote.
Tâm là một cô gái tốt nghiệp Thạc sĩ bên Pháp, trở về quê nhà Bến Tre, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với trái dừa, nhưng không làm thực phẩm mà là…mỹ phẩm.

alt


Hôm qua, Tâm viết về kế hoạch thú vị xây dựng Thương Hiệu Việt của Huỳnh Quang Minh và rồi nhắc:

Nhân chuyện "thương Hiệu Việt" này mà mình nhớ bữa tham gia workshop chuyên sâu của Trung tâm BSA về kênh phân phối, cô Vũ Kim Hạnh trong phần chia sẻ về làn sóng Temu, có nhắc đến cụm từ "thương hàng Việt" (- mà mình hiểu là động lực chính của toàn bộ các hoạt động của BSA dưới sự dẫn dắt không mệt mỏi của cô Kim Hạnh - idol toptop 5 phút- chuyện thị trường của mình và má Sáu Kim Anh Vu- idol của mấy thanh niên khởi nghiệp vì sức cày của bà má quá khủng khiếp).

Là một người ủng hộ hàng Việt tuyệt đối và xài hàng Việt tối đa, mình thấy đồng cảm.

Là một người sản xuất hàng Việt, mình thấy được cổ vũ, ĐƯỢC THƯƠNG VÀ ĐƯỢC TIẾP THÊM NHIỀU SỨC LỰC (nhiều lúc lỡ phải mở mắt khi không tránh khỏi chút va quẹt với thuế quan, chính sách... nói lạc quan không chùn bước là một sự xạo qtqd).

Một chút lan man nhưng sau mấy tuần sống cục súc vì quá mệt khi tính chuyện 2025, lại được cảm giác ấm áp vô cùng vì cảm giác thuộc về cộng đồng rất đoàn kết - Tập thể Thương Hàng Việt - Thương Hiệu Việt” (hết trích)



Tôi ngồi nghĩ khá lâu mới nhớ lại là đã rủ mọi người “Thương hàng Việt” ở đâu mà Tâm nghe, à, là đoạn phát biểu tại hôm hội thảo chuyên sâu của hai anh Phạm Hồng Sơn và Phạm Trọng Chinh. Tôi thường phân tích đầy lý tính: “Tại sao phải ủng hộ hàng Việt? làm gì để buộc nó tiến lên? nhưng rồi dẫu thế nào, vẫn nên thương hàng Việt”. Lý tính đến đâu thì rồi bao giờ tôi cũng không tránh khỏi xúc động khi nói tới cái thiếu sót, cái kém cỏi, sự trì trệ và yếu thế của hàng Việt. Nhiều khi tức muốn khóc trước những nhà sản xuất không chịu cải tiến, lười biếng và thực dụng, không chịu hiểu rằng, không có Temu hay Shein thì cũng có hàng loạt đối thủ mạnh hơn mình, từng mặt áp đảo mình, đặt mình trước lằn ranh sinh tử rồi.

Cám ơn chàng thanh niên đến nắm tay, cám ơn tôi sau show trò chuyện rất lý thú tại CSMO 2024. Cám ơn Tâm Cobote nhắc tới Huỳnh Quang Minh và tập thể “thương hàng Việt”. Chúng ta vẫn cùng nhau nắm tay tiếp tục đi, thương và buộc hàng Việt phải tiến bộ lên để sống còn.

Vũ Kim Hạnh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top