TRƯỚC CÂU HỎI KHÓ: TẠI SAO TÔI PHẢI MUA HÀNG VIỆT ?

Vũ Kim Hạnh

Thành viên mới
TRƯỚC CÂU HỎI KHÓ: TẠI SAO TÔI PHẢI MUA HÀNG VIỆT ?

Cháu tôi, một bạn trẻ Gen Z, xưa giờ rất hay mua hàng online, hôm qua sau khi đọc stt báo động “Sóng thần hàng Trung Quốc giá rẻ” của tôi, đã gửi cho tôi một tin nhắn. Dì Hạnh ơi, dì nói đi, vì sao cháu phải mua hàng Việt. Cháu vừa mua một cái tấm che camera điện thoại ở sàn X. Cháu thấy quá ổn, giá có 28 ngàn, tiền VN đồng nha dì, hàng từ Thẩm Quyến chuyển về chỉ trong 1 tuần. Cho đổi trả trong 15 ngày. Cũng món đồ đó, cháu so rồi, hay ở một sàn VN, mua ở cửa hàng VN, 58 ngàn đồng. Vậy Dì H nói đi, tại sao cháu phải mua hàng Việt?

Và chừng 10 phút sau, thấy tôi im ắng chưa trả lời, nó gửi luôn cho tôi một list ngắn “lịch trình vận chuyển” hàng mà sàn TMĐT cung cấp để nó theo dõi, suốt tuần. Tôi nghĩ thầm. Liệu một văn bản quan trọng lưu chuyển giữa các cơ quan, có cơ quan nào của mình cụ thể và minh bạch cho người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan theo dõi từng ngày như thế không nhỉ?

Bài gần đây tôi viết mà đứa cháu tôi nhắc là: "Sóng thần" hàng giá rẻ của Trung Quốc: Các nước Đông Nam Á tập trung đối phó”

Vâng, chưa có bao giờ các nước Đông Nam Á cùng bày tỏ chung nỗi lo rất lớn này. Chỉ đáng kinh ngạc là người Việt, nước Việt Nam lại thụ động, quá thụ động một cách khó hiểu. Bạn nhớ câu chuyện luộc ếch không? Không lẽ vậy? Bởi quốc gia nào rồi cũng phải có nền kinh tế của mình, nền sản xuất của mình (thậm chí như Singapore, họ làm dịch vụ là chính thì cũng phải bảo vệ trụ cột nền kinh tế của họ).

Về các biện pháp mà các nước Đông Nam Á áp dụng, xin đọc lại bài viết trên cũng có giới thiệu lại ở bản tin này. Bài này tôi nghiên cứu kỹ hơn về Thài Lan, nước có nhiều tương đồng về hàng hóa với chúng ta và có lúc hàng Thái cũng đã thắng thế ở một số ngành ngay trên thị trường Việt Nam.

THỬ XEM CÁC GIẢI PHÁP KHÔN NGOAN NGĂN CHẶN HÀNG GIÁ RẺ TRUNG QUỐC CỦA THÁI LAN.

Có thể kể các chính sách có bổ sung qui định mới gần đây:

1. Tăng cường thuế quan và rào cản thương mại với các quy định mới:

- Sửa đổi Đạo luật chống bán phá giá và chống trợ cấp (2024) để hợp lý hóa quy trình áp dụng thuế chống bán phá giá và tăng hình phạt đối với các hành vi vi phạm.

- Các biện pháp kiểm soát nhập khẩu mới (2024): trong các loại hàng nhập khẩu, chú trọng thuế bổ sung với các mặt hàng Trung Quốc cụ thể có giá không công bằng.

2. Tăng cường kiểm soát chất lượng và tiêu chuẩn, có các qui định mới:

- Luật bảo vệ người tiêu dùng đã sửa đổi (2024): Tăng quyền hạn cho Văn phòng Hội đồng bảo vệ người tiêu dùng (OCPB) để tiến hành thanh tra và thực thi các tiêu chuẩn sản phẩm.

- Quy định mới về tiêu chuẩn sản phẩm công nghiệp (2024): Đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là đồ điện tử, hàng dệt may và hàng tiêu dùng.

3. Thúc đẩy các ngành công nghiệp địa phương: Sáng kiến mới là Chiến dịch "Sản xuất tại Thái Lan 2024", nhà nước hỗ trợ tiếp thị và có một số ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia.

- Luật thúc đẩy đầu tư nâng cao (2024): Các ưu đãi thuế và trợ cấp bổ sung cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi hàng nhập khẩu giá rẻ, chẳng hạn như hàng dệt may và đồ điện tử.

4. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME): Chính phủ lập “Quỹ chuyển đổi số SME” (2024)..

- Mở rộng các Chương trình Cho vay Lãi suất Thấp (2024) có dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi hàng nhập khẩu giá rẻ.

5. Các Hiệp định Thương mại và Quan hệ Đối tác với Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc đã được sửa đổi (2024) và cũng ký các Hiệp định Thương mại Song phương Mới (2024) để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

VÀ CÂU HỎI TƯỞNG TẦM THƯỜNG MÀ CỰC KỲ KHÓ VÀO LÚC NÀY: VÌ SAO TÔI PHẢI MUA HÀNG VIỆT NAM?

Gần 30 năm trước, chúng ta đã có phong trào nâng cao chất lượng hàng Việt và đã đạt được sự ủng hộ nồng nhiệt của người Việt. Rồi cũng 15 năm trước, Bộ Chính Trị Việt Nam đã ra nghị quyết “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

TRƯỚC CÂU HỎI KHÓ: TẠI SAO TÔI PHẢI MUA HÀNG VIỆT ?

Lễ hội đường phố Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao. Bức ảnh lịch sử cách đây 20 năm (2004)

Đến nay, người tiêu dùng lại đặt ra câu hỏi: Tại sao tôi phải mua hàng Việt?

Chuyên gia thị trường Phạm Trọng Chinh phân tích: “Cần phải nhấn mạnh là “hàng Trung Quốc giá rẻ” bán trên các sàn thương mại điện tử hiện nay không phải hạng chất lượng kém bèo bèo như hồi xảy ra cơn sóng hàng Trung Quốc cách đây khoảng 15 năm, khi mà khắp Đông Nam Á tràn ngập hàng Trung Quốc thượng vàng hạ cám, chất lượng kém với một mức giá thấp khó tưởng tượng.

Bây giờ phải công nhận chất lượng hàng của họ khá hơn thật.

Đặc biệt là con đường thâm nhập của hàng Trung Quốc giá rẻ bây giờ cũng khác xưa. Trước đây thì tại mỗi quốc gia Đông Nam Á (hoặc trên cả Châu Á luôn) có hàng chục ngàn doanh nghiệp thương mại nước sở tại chuyên đi nhập khẩu hàng Trung Quốc giá rẻ (trong đó có không ít hàng giả và hàng nhái) về bán trong nước, họ chính là kênh phân phối chủ yếu của Hàng Trung Quốc.

Nhưng bây giờ hàng Trung Quốc được trợ sức bằng CÔNG NGHỆ rất mạnh, con đường đi của cơn bão mới này hoàn toàn khá, đó chính là những nền tảng thương mại điện tử. Công bằng mà nói “hàng bèo bèo chất lượng kém” của Trung Quốc cũng qua cuộc cạnh tranh giữa các sàn mà phải bị lọc ít nhiều vì chính các sàn cạnh tranh nhau khốc liệt. Đây cũng tạo cơ hội cho những nhà sản xuất lớn, có uy tín tốt tại Trung Quốc được ưu tiên lựa chọn nhiều hơn. Ví dụ một chuyện rất dễ hiểu là khi một người tiêu dùng Đông Nam Á lên ứng dụng để search thì cái họ thấy đầu tiên là những sản phẩm bán chạy, được nhiều người mua, chứ những sản phẩm dỏm, kém khó có chỗ chen chân. Với sự tiện lợi của công nghệ, người tiêu dùng cũng dễ có sự so sánh, lựa chọn, quyết định hơn ngày xưa rất nhiều. Những nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp hàng giá rẻ, chất lượng ổn ngày càng có cơ hội vì lợi ích về quy mô khi họ đã bán được sản lượng ngày càng lớn.

Cho nên phải nói cơn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới bây giờ còn nguy hiểm cho AN NINH KINH TẾ từng quốc gia hơn xưa nhiều. Ngày xưa DN làm ăn đàng hoàng chỉ cần yên tâm nỗ lực làm ăn uy tín, sản phẩm tốt, giá có thể cao hơn chờ cơn sóng hàng giá rẻ qua sẽ sống tốt thì giờ đây lại khác. Đối thủ của họ bây giờ là hàng trung quốc giá rẻ, chất lượng ổn định, chấp nhận được.

Việc thu thuế nghiêm ngặt với những vụ livestream trốn thuế là cần thiết. Chúng ta biết Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa ban hành Công văn số 3153/TCT-DNNCN chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số; tăng cường giám sát hoạt động livestream bán hàng.

Thách thức đặt ra cho ngành thuế là: khi anh siết chặt kiểm tra việc làm ăn của các DN Việt, thì hơn lúc nào hết, phải thu thuế hàng Trung Quốc nhập khẩu của các sàn Thương mại điện tử (qui định mức giá nào là phải thu). Khó lắm, nhưng nhập khẩu phải đóng thuế, luật của mọi quốc gia đều vậy.

Tôi cũng xin chép ở đây ý kiến hai chuyên gia thị trường góp ý cho vấn đề này ở đây, rất nên tham khảo.

Anh Phạm Ngọc Hưng Viết:

Biện pháp đầu tiên hết chính là nâng cao chất lượng sản phẩm. Không phải mọi ngành nghề đều nên áp dụng, nhưng hàng nông sản, thực phẩm, dược phẩm, hay những thứ liên quan trực tiếp đến sức khoẻ là những ngành hàng cần làm. Biện pháp thứ hai là áp dụng cách làm của Nhật Bản, đấy là cơi nới hàng rào tiêu chuẩn chất lượng, đẩy lên cao hơn một mức so với Trung Quốc, nhưng không quá khắt khe khiến các nhà sản xuất trong nước không thể chạy theo nổi. Đây là biện pháp có thể làm, và đáng làm, nhất là với các ngành thực phẩm chế biến, tiêu dùng nhanh, sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng nhựa. Biện pháp thứ ba chính là nâng cao vai trò truyền thông, quảng bá của các hội ngành. Trong thời kỳ hàng Trung Quốc xâm nhập này, các Hội ngành đang có cơ hội quí báu (mà rất khó khăn để giữ được cơ hội) để khuếch trương tinh thần Hàng Việt, cả trong cộng đồng doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng...

Còn chuyên gia Cao Minh Việt thì viết:

…Đối với hàng tiêu dùng, để cạnh tranh với hàng tiêu dùng được sản xuất đại trà, với tốc độ nhanh, giá rẻ từ Trung Quốc, có lẽ các thương hiệu Việt phải tìm được những thị trường ngách với yêu cầu cao về giá trị của sản phẩm, bao gồm cả giá trị về văn hóa và chất lượng sản phẩm thông qua nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo.

Nếu yếu về năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thì có thể chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc có thế mạnh về kỹ thuật, công nghệ mà đang khát thị trường để kết hợp và tạo ra những sản phẩm mới, đặc biệt dành riêng cho thị trường Việt Nam, với nguồn nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam. Từ khóa của hợp tác ở đây là "dùng công nghệ tiên tiến trên thế giới để phát triển thế mạnh của địa phương".

TRẢ LỜI SÒNG PHẲNG ?

TRƯỚC CÂU HỎI KHÓ: TẠI SAO TÔI PHẢI MUA HÀNG VIỆT ?

Triển lãm HVNCLC ở Bangkok (Hội chợ Thaifex)

Tóm lại, nếu các bạn Gen Z hỏi khó: Tại sao tôi phải mua hàng Việt? Thì chính hàng Việt phải trả lời được rằng, vì tôi đáng mua. Chính lúc này, hàng Việt phải làm mọi cách để an tâm, tự tin mà trả lời người tiêu dùng như vậy.

Với nhà nước và với các doanh nghiệp, tôi nghĩ tới các giải pháp quyết liệt và đồng bộ như sau:

  • Áp dụng các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt hơn: Tập trung cho việc quảng bá tinh thần tôn trọng tiêu chuẩn và các điều khoản cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng và các ngành công nghiệp địa phương.
  • Tăng cường các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ mở rộng thị trường.
  • Thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp địa phương. Chính các địa phương phải chú trọng nâng đỗ hiệu quả công nghiệp địa phương mình.
  • Cũng như mọi quốc gia Đông Nam Á, chúng ta cần phát động các chiến dịch "mua hàng địa phương"
  • Đầu tư vào đổi mới sáng tạo.
  • Tăng vận động , giáo dục người tiêu dung về lợi ích của việc hỗ trợ các sản phẩm địa phương.

Xem ra không có gì mới. Cái khó nhất chính là nhận ra rằng nước đã tới… hông rồi. Sao còn chưa nhảy?

Sao còn thờ ơ thụ động trước nạn sóng thần hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng ổn?

Có ý kiến một chuyên gia quốc tế nói với tôi: so với các nước Đông Nam Á thì các bạn còn thụ động quá. Cũng có thể nền kinh tế các bạn cũng có nhiều sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và các bạn bị hạn chế về nguồn lực ? Dù sao, khi các nước Đông Nam Á đang tự cứu mình, các bạn đừng để ảnh hưởng tiêu cực từ đó lại đổ về Việt Nam.

Nhất quyết không phải là những con ếch đang bị luộc trong nồi, nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng chúng ta hãy hợp lực và tiến hành cuộc “tự cứu mình” trước cơn sóng thần.

TRƯỚC CÂU HỎI KHÓ: TẠI SAO TÔI PHẢI MUA HÀNG VIỆT ?

Bán hàng nông thôn (một hội chợ chỉ bán hàng Việt) ở Cà Mau.

Vũ Kim Hạnh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top