kieuphuong
Thanh viên kỳ cựu
Ở Trường đại học Harvard chẳng khó kiếm người học giỏi, xuất thân danh giá, cũng chẳng hiếm người lập dị kiểu thiên tài. Ở Harvard, lẽ dĩ nhiên, cũng có không ít người lớn lên từ cảnh bần hàn, nhưng câu chuyện về Khadijah Williams, cô gái da đen 18 tuổi, thật hiếm thấy. Cuộc đời cô là một quãng đường dài đầy gập ghềnh, lắm chông gai với 12 lần chuyển trường trong suốt 12 năm trung học.
Tuổi thơ của Khadijah là những tháng ngày lưu lạc cùng mẹ: mẹ cô phải rời gia đình sớm do sinh con khi còn quá trẻ (14 tuổi). Hai mẹ con phải sống lay lắt qua ngày bằng những gói thức ăn thừa, những bộ quần áo mà người dân trong khu vực loại ra. Trời mưa thì chỉ cần trú tạm trong một xó xỉnh tối tăm nào đấy, miễn an toàn là được...
Có thể đoán được sự buồn tủi vô tận của một cô gái luôn phải “xù mình”, tập để cảm xúc chai sạn từ sớm bởi khi tới trường thì luôn bị bạn bè chế giễu do người bốc mùi và bề ngoài nhếch nhác, còn về nhà phải đối mặt với sự khinh miệt cay độc lẫn bao cám dỗ từ láng giềng xung quanh: mại dâm, buôn bán ma túy, ma cô... Họ nhếch mép mỉa mai nói rằng cho dẫu cô có học đến đâu đi nữa thì tương lai cũng chỉ là những vệt mờ u ám, bởi số phận của cô đã được định đoạt để thuộc về nơi tận cùng của xã hội.
Khadijah từng buông trôi hi vọng của mình: cô chẳng có gì cả... Không nhà, không bạn bè và tình yêu, ngay cả cái tên của mình cũng chẳng mang ý nghĩa gì đặc biệt để niềm tin bấu víu vào (Khadijah có nghĩa đơn giản là “đứa con đầu lòng”).
Nhưng ánh sáng đã tới...
Trong một cuộc thi toán ở tiểu bang, cô đã xuất sắc vươn lên tốp đầu. Điều này khiến cô nhận ra mình không hề tầm thường như vẫn nghĩ. Và Khadijah biết rằng đã đến lúc phải thay đổi.
Không chỉ lao vào học, Khadijah còn xoay xở để có thời gian tham gia nhiều hoạt động xã hội khác ở trường. Cô cũng mạnh dạn tìm gặp và làm quen với các chuyên gia, tổ chức giáo dục cũng như các cựu sinh viên... để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Thời trung học, một ngày của cô bắt đầu từ 4g tới 23g, và cô thừa nhận mình đã nhiều lần phải rất “lì lợm” để đối phó với cuộc sống đầy áp lực do chính mình tạo nên.
Không chỉ tốt nghiệp trung học tại Trường Jefferson (Los Angeles) với điểm số thuộc hàng cao nhất lớp, Khadijah còn khiến mọi người ngỡ ngàng khi cô nhận được đến 20 học bổng toàn phần từ những trường đại học danh giá nhất nước Mỹ.
Bài luận văn dự tuyển đại học của Khadijah đã khiến nhiều người xúc động: “Tôi từng cảm nhận được nỗi giận dữ đang cuộn chảy mạnh mẽ trong cơ thể mình vì cứ phải gồng mình mỗi khi đi học, phải chấp nhận bị bạn bè bắt nạt bởi tôi tự biết mình nghèo, không cùng đẳng cấp với họ mà còn đòi trèo cao với sở thích cao sang là đọc sách. Nhưng điều đó khiến tôi nhận ra rằng để trở thành một người có tri thức thì chỉ còn cách là phấn đấu để có cơ hội tiếp cận với những ai có tri thức”.
Và khát khao đó đã thật sự gây ấn tượng mạnh với hội đồng tuyển sinh Trường Harvard. Julie Hilden, giáo sư trực tiếp phỏng vấn cô, thậm chí đã thốt lên: “Phải chọn Khadijah ngay. Nếu không nhận cô ấy thì nhà trường đã mất một Michelle Obama thứ hai!”.
Với mong muốn trở thành một nhà cố vấn giáo dục trong tương lai, Khadijah đã chọn theo học tại Harvard. Đường đời của cô giờ đang nở hoa hồng sau những tháng ngày “cày bừa” trên sỏi cát khô cằn...