Vũ Kim Hạnh
Thành viên mới
20/10/2024 | Bản tặng miễn phí
Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.
THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG
Tuần này, tôi xin chia sẻ các bài viết về các chủ đa dạng như những suy ngẫm về giải Nobel Kinh tế, về buổi phỏng vấn anh Phạm Phú Ngọc Trai về trách nhiệm xã hội, về cách Indonesia ứng phó với các sàn TMĐT để bảo vệ nền kinh tế, một câu chuyện vui qua lời kể của "người trên mây" - kỹ sư tin tặc Dương Ngọc Thái, hay một mẩu chuyện vui về môi trường giáo dục, hay chuyện nhà mặt phố sắp hết thời. Tuần này, tôi cũng có một bài viết về chủ đề tài chính xanh cho doanh nghiệp và công nghệ khí hậu, mời các bạn đón xem.
NHÀ MẶT PHỐ- LỢI THẾ SẮP HẾT THỜI?
Dư âm của những căn phố góc đường lớn đô thị có giá cho thuê bạc tỷ vẫn còn rộn ràng. Cho đến tận lúc này, việc có một căn nhà mặt tiền bề rộng 5 mét ở một đường phố đông đúc là bảo đảm tự do tài chính của hầu hết gia đình, vì nếu không mở cửa hàng buôn bán thì cũng có thể cho thuê với thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng. Và nếu mặt tiền 10 mét, và ở trung tâm TP HCM hay Hà Nội, thì giá thuê là hàng chục ngàn đô la Mỹ... Đọc thêm
TÀI CHÍNH XANH CHO DOANH NGHIỆP VÀ CÔNG NGHỆ KHÍ HẬU
Sáng 18/10/2024, báo Sài Gòn Giải Phóng - Đầu tư Tài chính cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA đã cùng tổ chức Hội thảo chủ đề:”Tài chính XANH - Chia sẻ lợi ích-rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng”.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh năm 2021-2030 đã được chính phủ xác định mục tiêu: Tăng trưởng Xanh góp phần thúc đẩy việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng mà mục tiêu của chiên lược gồm... Đọc thêm
NGHIỆN ĐỒNG PHỤC
Cô nhân viên cũ của tôi bỏ nghề Chánh văn phòng Hội đi làm... thương lái. Đồng nghiệp cơ quan hay đùa khi cô ấy về cơ quan chơi: nghề là "làm mọi" doanh nghiệp nhưng "khí chất" thẳng thừng vốn sẵn nên đi làm "lái" phải rồi. Và đây là chuyện "lái" ấy kể chiều qua sau khi đến nói chuyện với cô giáo và hiệu trưởng của con gái..... Đọc thêm
"ĐI MẦN ĂN"
Cái tựa này là mượn của Thái.
Thái, Dương Ngọc Thái là người “cõi trên”. Tức là người sống trên không gian mạng nhiều hơn ngoài đời. Hồi tôi phỏng vấn Thái trên một tập video 5W1H Podcast (cùng với câu con trai nuôi của tôi, Phạm Quốc Đăng Khoa là bạn thân của Thái) thì Thái tự nhận là “tôi lớn lên trên internet”. Và gần đây thì Thái tự xưng là “kỹ sư tin tặc”. Nói dài dòng như vậy vì chỉ riêng cái tên đã lắm chuyện ngộ nghĩnh và với người “ngoại đạo” như tôi, Thái luôn rất lý thú, những việc Thái làm luôn rất ly kỳ mà kiểu kể chuyện.... Đọc thêm
VÌ SAO INDONESIA NHẤT QUYẾT YÊU CẦU APPLE, GOOGLE CHẶN MỘT ỨNG DỤNG MỚI NỔI TỪ TRUNG QUỐC?
Theo Reuters, ngày 11/10 vừa qua, Indonesia yêu cầu Alphabet, công ty quản lý Google, và Apple chặn ứng dụng thương mại điện tử Temu của Trung Quốc trên những cửa hàng ứng dụng tại quốc gia này.
Ông Budi Arie Setiadi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông của Indonesia, cho biết động thái này để bảo vệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, trước làn sóng sản phẩm giá siêu rẻ của Temu..... Đọc thêm
PHẠM PHÚ NGỌC TRAI: “HIẾN TẶNG KHI TA CÒN SỐNG”
KTSG: Ông có thể nói rõ hơn về khái niệm trách nhiệm xã hội trong một thời gian dài?
Ông PPNT: Ở Việt Nam, khái niệm, trách nhiệm xã hội chưa được hiểu đầy đủ, người ta quyên góp nhưng không phải lúc nào cũng có mục đích rõ ràng.
Làm công tác thiện nguyện không chỉ đơn thuần là cho đi.... Đọc thêm
GIẢI NOBEL KINH TẾ 2024 NÓI VỚI TA ĐIỀU GÌ?
Vào lúc 16g45p chiều 14/10 (giờ VN) giải Nobel Kinh Tế đã được công bố với 3 nhà kinh tế: Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson đều đang giảng dạy tại các Đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ.... Đọc thêm
ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU
Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.
HÀNG GIẢ LÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: TRUY QUÉT NHƯ BẮT BÓNG TRONG ĐÊM
Lô dầu gió giả bị công an phát hiện (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Vụ việc ba thanh thiếu niên ở Long An sản xuất và bán 30.000 chai dầu gió giả qua Shopee đã làm nổi bật vấn đề kiểm soát hàng hóa lỏng lẻo trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Dù Shopee đã khóa tài khoản của những gian hàng bán dầu gió giả sau khi vụ việc bị phát hiện, việc kiểm soát vẫn chưa chặt chẽ. Người tiêu dùng vẫn dễ dàng tìm thấy nhiều sản phẩm dầu gió với quảng cáo “hàng chính hãng” trên nền tảng này.
Các sàn thương mại điện tử, bao gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki, cam kết tạo môi trường mua sắm an toàn với hệ thống kiểm duyệt sản phẩm kết hợp giữa tự động và thủ công. Tuy nhiên, những hệ thống này vẫn không ngăn chặn được triệt để các hành vi gian lận. Shopee cho biết họ có cơ chế “Báo cáo sản phẩm vi phạm” để người tiêu dùng phản ánh các sản phẩm không đạt chuẩn, nhưng điều này chỉ xảy ra sau khi hàng giả đã được bán và sử dụng.
Theo phản hồi từ TikTok Việt Nam, các thương nhân phải trải qua quy trình xác nhận pháp nhân và giấy tờ hàng hóa, nhưng tình trạng lợi dụng kẽ hở để bán hàng giả vẫn còn phổ biến. Trong một số trường hợp, hàng thật có thể bị thay thế bằng hàng giả trong quá trình vận chuyển, gây thiệt hại cho người mua.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng việc phụ thuộc vào công cụ tự động và chỉ hành động khi có khiếu nại là chưa đủ để ngăn chặn tình trạng bán hàng giả. Các sàn thương mại điện tử cần phải cải thiện quy trình duyệt và kiểm tra sản phẩm để đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Trong năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường đã xử lý 764 vụ vi phạm liên quan đến thương mại điện tử, phạt tiền lên tới 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn tiếp diễn, cho thấy hệ thống quản lý hiện tại chưa đủ mạnh để giải quyết triệt để vấn đề này.
DOANH NGHIỆP F&B CẦN LÀM GÌ TRONG BỐI CẢNH 84% NGƯỜI TIÊU DÙNG THẮT CHẶT CHI TIÊU?
Các thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng liên quan đến ngàng F&B (Ảnh: VNeconomy)
Báo cáo của Decision Lab cho thấy 63% người tiêu dùng kỳ vọng tình hình tài chính sẽ cải thiện trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, xu hướng này chưa dẫn đến tăng chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, với 84% người tham gia khảo sát đặt ra giới hạn chi tiêu, đặc biệt trong lĩnh vực F&B.
Người tiêu dùng Việt Nam đang thận trọng hơn về tài chính cá nhân, cắt giảm ăn uống ngoài do kinh tế toàn cầu suy thoái và chi phí sinh hoạt tăng cao. Điều này khiến thu nhập không ổn định, và người dân ưu tiên chi tiêu cho nhu cầu thường xuyên. Gen Z dẫn đầu xu hướng tiết kiệm, với 49% kiểm soát chặt chẽ chi tiêu cho ăn uống ngoài.
Dù hành vi tiêu dùng thay đổi, người tiêu dùng vẫn quan tâm đến giá trị kinh tế, hương vị và chất lượng món ăn. Điều này tạo cơ hội cho ngành F&B nếu các doanh nghiệp tập trung vào các yếu tố cốt lõi như duy trì chất lượng, đảm bảo giá trị và xây dựng niềm tin với khách hàng.
Các thương hiệu cần nhận thức được sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng và tập trung vào kết nối ý nghĩa khi ăn uống ngoài. Điều này sẽ giúp họ giữ vững cạnh tranh và thu hút khách hàng trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức.
10 XU HƯỚNG TIẾP THỊ NỘI DUNG ĐÁNG CHÚ Ý TRONG NĂM 2024
Tiếp thị nội dung (Content Marketing) tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển doanh nghiệp (Ảnh: Unsplash)
Tiếp thị nội dung (Content Marketing) tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, đặc biệt khi công nghệ số hóa liên tục thay đổi. Năm 2024 mang đến nhiều xu hướng mới, mở ra cơ hội để doanh nghiệp tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và tương tác. Dưới đây là 10 xu hướng tiếp thị nội dung nổi bật:
1. Video Marketing: Video đang trở thành yếu tố chính trong chiến lược tiếp thị, với 90% nhà tiếp thị công nhận video mang lại ROI cao. Đặc biệt, YouTube được sử dụng rộng rãi, trong khi video ngắn trên các nền tảng như TikTok cũng có sức hút mạnh mẽ.
2. TikTok lên ngôi: Với hơn 1 tỷ người dùng, TikTok là nền tảng xã hội phát triển nhanh, đặc biệt thu hút Gen Z và Millennials. Năm 2024, TikTok hứa hẹn sẽ là công cụ quan trọng để tiếp cận và tương tác với người tiêu dùng trẻ tuổi.
3. Nội dung văn bản vẫn giữ vai trò: Dù video đang lên ngôi, nội dung văn bản vẫn là công cụ được người tiêu dùng lớn tuổi và các chuyên gia tin cậy. SEO thông qua nội dung chất lượng cao vẫn mang lại lợi thế cạnh tranh.
4. E-E-A-T (Chuyên môn - Kinh nghiệm - Thẩm quyền - Độ tin cậy): Google tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn E-E-A-T nhằm cải thiện chất lượng nội dung. Các doanh nghiệp cần chú trọng đến kinh nghiệm và chuyên môn khi sản xuất nội dung để xây dựng lòng tin với khách hàng.
5. User-Generated Content (UGC): Nội dung do người dùng tạo ra, như đánh giá sản phẩm và lời chứng thực, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tương tác và xây dựng lòng tin.
6. Hợp tác nội dung: Việc hợp tác với Micro-Influencers sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả tương tác cao hơn, nhờ mối liên kết sâu sắc giữa các influencer và người theo dõi.
7. Podcast: Podcast sẽ tiếp tục phổ biến, với dự báo tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Các thương hiệu cần xây dựng chiến lược rõ ràng khi phát triển nội dung âm thanh này.
8. Cá nhân hóa nội dung: 90% nhà tiếp thị tin rằng cá nhân hóa là yếu tố then chốt trong B2B marketing. Khách hàng hiện đại mong muốn những trải nghiệm được tùy chỉnh cho nhu cầu cá nhân của họ.
9. AI trong sáng tạo nội dung: Trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ quá trình sản xuất nội dung, từ ý tưởng đến tối ưu hóa hiệu suất. Tuy nhiên, nội dung cuối cùng vẫn cần sự kiểm soát của con người để đảm bảo chất lượng.
10. Chatbot: Với khả năng hoạt động 24/7, chatbot sẽ tiếp tục tự động hóa quy trình giao tiếp với khách hàng, giúp doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
TIKTOK SA THẢI HÀNG TRĂM NHÂN SỰ
TikTok sa thải hàng trăm nhân sự kiểm duyệt để thay thế bằng AI (Ảnh: vietnam.vn)
ByteDance đã sa thải hàng trăm nhân viên TikTok, chủ yếu tại Malaysia, khi công ty chuyển dần sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm duyệt nội dung. Mặc dù không ảnh hưởng đến nhân sự tại Mỹ, khoảng dưới 500 người đã mất việc. Theo người phát ngôn của TikTok, việc cắt giảm này là một phần trong kế hoạch cải thiện hoạt động kiểm duyệt toàn cầu. Công ty dự định đầu tư 2 tỷ USD vào an toàn và tin cậy trong năm 2024, với 80% nội dung vi phạm sẽ được tự động gỡ bỏ.
Hiện tại, TikTok sử dụng cả AI và nhân viên kiểm duyệt, nhưng ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ. Đây là đợt sa thải mới nhất của TikTok trong năm, sau khi cắt giảm 60 nhân sự kinh doanh vào tháng 1, 250 nhân sự tại Ireland vào tháng 4, và khoảng 1.000 nhân sự vận hành và tiếp thị vào tháng 5. Dù TikTok đang tuyển dụng hơn 110.000 nhân viên tại hơn 200 thành phố, nguồn tin cho biết sẽ có thêm đợt sa thải nữa vào tháng tới.
CÁC HÃNG ĐIỆN TỬ HÀN QUỐC CHO THUÊ THIẾT BỊ GIA DỤNG ĐỂ CẠNH TRANH VỚI CÁC ĐỐI THỦ TRUNG QUỐC
Hiện số sản phẩm LG đang cho thuê là 23. Đây là chiến thuật của các hãng Hàn Quốc nhằm cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Ảnh: LG Electronics
LG Electronics đang mở rộng dịch vụ cho thuê thiết bị điện tử gia dụng ra nhiều thị trường mới như Thái Lan, Ấn Độ, và các quốc gia châu Á khác để đối phó với sự cạnh tranh về giá từ các thương hiệu Trung Quốc. Dịch vụ này sẽ cho khách hàng thuê các thiết bị như tivi, máy giặt, máy hút bụi, và máy lọc không khí trong thời gian 3-6 năm. Sau khi hết hạn hợp đồng, khách hàng có thể chọn mua thiết bị hoặc tiếp tục thuê thiết bị mới.
Mặc dù doanh thu từ dịch vụ cho thuê chỉ chiếm 4% doanh thu hàng năm của LG trong năm 2023, công ty đang đẩy mạnh dịch vụ này và dự kiến sẽ tăng lên đáng kể trong các năm tới, với doanh thu dự kiến đạt 1.800 tỷ won trong năm 2024. Một trong những sản phẩm được thuê phổ biến nhất là máy rửa chén, chiếm 70% doanh số thuê so với doanh số bán hàng mới. Các dịch vụ thuê bao bao gồm lắp đặt, thay thế miễn phí và vệ sinh, cùng với tùy chọn trả phí để sử dụng dịch vụ giao hàng tạp hóa.
Dịch vụ này đã thu hút được nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là tại Hàn Quốc, nhờ mức phí hàng tháng hợp lý và dịch vụ bảo trì miễn phí. Samsung Electronics cũng đang cân nhắc tham gia vào mảng cho thuê thiết bị, nhưng thời điểm ra mắt dịch vụ vẫn chưa được xác định.
Trong bối cảnh biên lợi nhuận ngành thiết bị gia dụng đang thu hẹp do chi phí hậu cần tăng và sự cạnh tranh về giá từ các thương hiệu Trung Quốc, dịch vụ cho thuê của LG được kỳ vọng sẽ giúp tăng doanh thu và cải thiện lợi nhuận.
VÌ SAO VIỆT NAM BỎ QUÊN HÀNG TỶ USD MỖI NĂM TỪ RÁC THẢI NHỰA
Một trong những hạn chế của ngành là nguyên liệu thu gom từ nguồn tới đơn vị tái chế không ổn định về giá, lượng và chất, vốn thuộc phần lớn vào lực lượng lao động không chính thức (Ảnh: VnExpress)
Báo cáo Nhân rộng sáng kiến cho tuần hoàn nhựa với đầu tư vào ASEAN của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 6/2024 ước tính bốn nước ASEAN mất 8,9 tỷ USD mỗi năm do không thu hồi được khoảng 80% giá trị vật liệu nhựa.
Trong đó, Việt Nam mất 2,9 tỷ USD do thất thoát 75% giá trị vật liệu nhựa. Số liệu này cập nhật đến năm 2021, tính toán dựa trên tỷ lệ 67% rác nhựa giá trị cao không được thu gom và một phần nhựa tái chế mất giá hay thất thoát trong sản xuất.
Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh Việt Nam - cho rằng ngành tái chế có thể thu được cả tỷ USD mỗi năm nếu thu gom và tái chế triệt để.
Một trong những hạn chế của ngành là nguyên liệu thu gom từ nguồn tới đơn vị tái chế không ổn định về giá, lượng và chất, vốn thuộc phần lớn vào lực lượng lao động không chính thức – "ve chai" và việc phân loại rác thải trước thu gom.
Liên quan tới quy định phân loại rác thải tại nguồn, đại diện Công ty cổ phần Tái chế Duy Tân cho biết hạ tầng hiện chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, nhiều thiết kế bao bì sản phẩm chưa tính tới chuyện tái chế khiến mất nhiều công đoạn hoặc tạo ra nhiều chất độc khi tái chế.
DOANH NGHIỆP VIỆT CÓ ĐƠN HÀNG 1.500 CONTAINER DỪA SANG TRUNG QUỐC
Nhân viên hải quan ở Hà Khẩu, Vân Nam, Trung Quốc kiểm tra lô dừa tươi nhập khẩu đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: Chinanews)
Tháng 8, dừa tươi Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng cơ hội này. Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, nhiều đơn vị lớn đã ký được hợp đồng xuất khẩu 30-50 container, thậm chí có doanh nghiệp ký đơn hàng cung ứng 1.500 container sang Trung Quốc. Đây là chỉ dấu tích cực cho tương lai ngành dừa Việt Nam tại thị trường tỷ dân này, theo ông Khoa.
Việt Nam hiện có khoảng 200.000 ha dừa, đứng thứ 7 trong 93 quốc gia trên toàn cầu. Khoảng một phần ba diện tích trồng dừa của Việt Nam đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu, chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh, Bến Tre).
Tuy có nhiều cơ hội, ngành sản xuất dừa trong nước vẫn đối mặt thách thức khi giá của Thái Lan thấp hơn. Vì thế, để duy trì chất lượng, lòng tin của người tiêu dùng Trung Quốc, theo Hiệp hội, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng quy trình chọn lựa, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Hàng Việt cũng cần đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kiểm dịch của nước nhập khẩu.
CÁC KHOẢN TRỢ CẤP 'ẨN' CỦA TRUNG QUỐC THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU
Bắc Kinh cung cấp cho nhiều công ty Trung Quốc các khoản giảm thuế và các hình thức hỗ trợ tài chính gián tiếp khác để giúp họ xây dựng thị phần trên thị trường xuất khẩu toàn cầu. (Ảnh: Nikkei Asia)
Trung Quốc đang gia tăng việc sử dụng hoàn thuế và các khoản trợ cấp "ẩn" khác cho các doanh nghiệp chiến lược, như xe điện, nhằm giúp họ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, theo nhiều chuyên gia. Tổng số tiền hoàn thuế hàng năm của Trung Quốc cho các công ty lớn trong nước đã tăng 400% trong thập kỷ tính đến năm 2023, thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.
Các khoản hoàn thuế này bổ sung cho các khoản trợ cấp trực tiếp lớn mà chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình phân bổ cho các ngành công nghiệp chủ chốt. Năm 2023, 99% các công ty niêm yết của Trung Quốc nhận được tổng cộng 241,1 tỷ nhân dân tệ (34 tỷ USD) tiền trợ cấp trực tiếp, bao gồm các khoản nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển. Trợ cấp cho ngành công nghiệp ô tô đã tăng gấp ba lần trong thập kỷ qua. Bắc Kinh có kế hoạch đầu tư hơn 6 tỷ nhân dân tệ vào một dự án do chính phủ dẫn dắt để phát triển pin thể rắn, theo báo cáo của China Daily hồi đầu năm nay.
Để bảo vệ thị trường nội địa khỏi sự đổ bộ của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu đang tăng thuế đối với xe điện từ Trung Quốc. Nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia cho rằng sự hỗ trợ tài chính trực tiếp và gián tiếp của Trung Quốc đối với các ngành công nghiệp chủ chốt đang làm biến dạng sự cạnh tranh toàn cầu.
Các công ty lớn của Trung Quốc thường nhận được nhiều tiền hoàn thuế hơn là trợ cấp trực tiếp. Xu hướng này gia tăng cho đến năm 2022, khi số tiền hoàn thuế đạt đỉnh do chính sách "zero-COVID" của Trung Quốc và sự suy thoái kinh tế sau đó, theo phân tích của dữ liệu từ Shanghai DZH. Mặc dù giá trị các khoản hoàn thuế giảm vào năm ngoái, hoàn thuế vẫn cao hơn trợ cấp.
Một phần đáng kể các khoản hoàn thuế đến từ việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Các nhà xuất khẩu thường được hoàn thuế VAT đã trả khi mua nguyên vật liệu và linh kiện để sản xuất sản phẩm của họ.
Các khoản hoàn thuế này không phải là vấn đề nếu chúng tăng theo tỷ lệ xuất khẩu hoặc phản ánh những thay đổi trong hệ thống thuế và các hệ thống khác. Tuy nhiên, dữ liệu DZH cho thấy các khoản hoàn thuế hàng năm của Trung Quốc đã tăng gấp năm lần trong thập kỷ qua, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 50%. Sự chênh lệch này đã khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng một số khoản này là trợ cấp ẩn.
Trung Quốc thường xuyên điều chỉnh tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu và cung cấp nhiều ưu đãi thuế khác cho chi tiêu R&D và các lĩnh vực công nghệ cao. Những chính sách này cũng góp phần vào việc khiến người ta nghĩ rằng Bắc Kinh đang thao túng hệ thống thuế để hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ chốt.
Các khoản hoàn thuế đáng kể đã được cấp cho các công ty trong các ngành công nghiệp chiến lược. Ví dụ, BOE Technology Group, công ty chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường toàn cầu về tấm màn hình LCD, đã nhận được tổng cộng 60 tỷ nhân dân tệ hoàn thuế trong năm năm qua. Những khoản hoàn thuế đáng kể cũng đã được trao cho nhà sản xuất xe điện BYD và công ty sản xuất chip Semiconductor Manufacturing International Corp.
BYD đã nhận được tổng cộng 37,1 tỷ nhân dân tệ tiền hoàn thuế trong khoảng thời gian năm năm, gần gấp bốn lần so với 9,3 tỷ nhân dân tệ trợ cấp mà họ nhận được. Ngoài ra, BYD đã đảm bảo các khoản vay ngân hàng dài hạn với lãi suất từ 2,05% đến 2,98%, thấp hơn so với mức lãi suất cho vay ưu đãi một năm là 3,35%, theo hồ sơ của công ty.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cấm các quốc gia thành viên chi trả trợ cấp có thể gây hại cho nền kinh tế của các thành viên khác, nhưng hiệp định về trợ cấp của tổ chức này không coi hoàn thuế là trợ cấp. Kẽ hở này cho phép Trung Quốc bác bỏ các khiếu nại rằng chính sách của mình làm biến dạng sự cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, theo Toshiko Sasaki, giám đốc tại công ty tư vấn PwC, "rõ ràng là Bắc Kinh đang cố gắng hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược thông qua việc hoàn thuế."
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington, từ lâu đã cảnh báo về các chính sách trợ cấp của Trung Quốc. Trong một báo cáo gần đây, tổ chức này cho biết các khoản hoàn thuế và hỗ trợ khác của Trung Quốc cho các doanh nghiệp đã vượt quá 400 tỷ USD vào năm 2019, làm trầm trọng thêm sự méo mó của thương mại quốc tế.
Nhờ sự trợ giúp của chính phủ, các công ty Trung Quốc thống trị thị trường toàn cầu về năng lượng mặt trời và tấm màn hình LCD. Họ cũng đang tiến bộ ổn định trong ngành xe điện và chất bán dẫn. Khi Mỹ và các nước châu Âu phản ứng bằng các biện pháp bảo hộ như thuế quan, thế giới ngày càng bị cuốn vào một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế.
Nguồn : Tổng hợp từ Nikkei
VÀNG LẬU THEO NGƯỜI HỒNG KÔNG LIÊN TIẾP NHẬP CẢNH Ở NỘI BÀI
7 kg vàng miếng tang vật trong vụ vận chuyển lậu ngày 18/10 tại phi trường Nội Bài. (Ảnh: Thanh Niên)
Chỉ trong vòng nửa tháng, nhà chức trách Hà Nội phát giác ba vụ vận chuyển lậu vàng miếng qua phi trường Nội Bài, với tổng trọng lượng 13 kg vàng và các nghi can đều là người Hồng Kông, Trung Quốc.
Theo báo Thanh Niên, trong sự việc xảy ra vào sáng 18 Tháng Mười, nhân viên hải quan Nội Bài phát giác một nam hành khách người Hồng Kông, đi trên chuyến bay UO550 từ Hồng Kông, có dấu hiệu giấu kim loại trong người.
Tang vật là 7 kg vàng miếng trong sự việc hôm 18 Tháng Mười tại phi trường Nội Bài. (Hình: Thanh Niên)
Tại khu vực kiểm tra, nam hành khách được giấu danh tính, lấy trong người ra bảy miếng vàng, năm miếng trong số đó giấu chung quanh cạp quần, hai miếng còn lại trong đế giày. Mỗi miếng vàng đều có ký hiệu 1 kg vàng 999.9.
Nghi can khai nhận rằng mình được thuê vận chuyển vàng từ Hồng Kông sang Việt Nam. Nếu nhập cảnh trót lọt, ra ngoài phi trường Nội Bài thì sẽ có người nhận số vàng, trả thù lao vận chuyển $100 mỗi miếng vàng.
Nghi can sau đó bị bàn giao cùng tang vật cho Phòng Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Tham Nhũng, Kinh Tế, Buôn Lậu, Môi Trường, Công An Thành Phố Hà Nội.
Trong hai vụ tương tự, theo báo Công An Nhân Dân, vào buổi sáng và tối 4 Tháng Mười, nhân viên hải quan Nội Bài liên tiếp phát giác hai hành khách Hồng Kông, giấu tổng cộng 6 kg vàng miếng trong quần lót và đế giày.
Các miếng vàng được cắt nhỏ và giấu trên người để tránh bị nhà chức trách phát giác.
Vàng miếng giấu trong đôi giày của hành khách nhập cảnh trong sự việc hôm 4 Tháng Mười tại phi trường Nội Bài. (Hình: Thanh Niên)
Báo Công An Nhân Dân và Thanh Niên cho biết thêm, trước tình hình biến động thị trường vàng hiện nay, hải quan Nội Bài “tập trung nêu cao tinh thần cảnh giác để phòng ngừa hành vi gian lận.”
Theo đó, nhân viên hải quan tăng cường rà soát và kiểm tra 100% hành lý, bao gồm hành lý ký gửi và xách tay, đối với những hành khách bị cho là “có nguy cơ rủi ro cao” như bay qua bay lại Việt Nam nhiều lần liên tiếp mà chỉ mang hành lý xách tay.
Ngoài ra, việc xác định được các nghi can mang vàng lậu được diễn giải là dựa trên sàng lọc bằng nhu liệu “Quản lý thông tin hành khách xuất nhập cảnh.” (N.H.K) [qd]
BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA
Tuần này có 4 chuyên gia gửi bình luận cho bản tin. Mời bạn đọc các lời bình.
Ông Phạm Ngọc Hưng
Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn.
VẪN CẦN CHÚ Ý CƠ HỘI KINH DOANH TỪ… NGƯỜI GIÀ
Theo một báo cáo của UNFPA về dân số Việt Nam, thì năm 2019, tỷ lệ dân 60 tuổi trở lên đã chiếm gần 12% dân số, và tiếp tục tăng, tới giai đoạn 2035 thì cử 5 người dân sẽ có 1 người trên 60 tuổi. Vì thế, nắm bắt các ý tưởng kinh doanh mới cho lứa tuổi này tiếp tục là một hấp dẫn lớn.
Đầu tiên hết là thị trường các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Có 2 ý tưởng kinh doanh đã phát triển tốt: thứ nhất là dịch vụ chăm sóc người cao tuổi có bệnh tại nhà và kế là một doanh nghiệp sản xuất bít tất chống giãn tĩnh mạch chân.
Tuy nhiên nhu cầu tập luyên và vận động cường độ từ nhẹ đến trung bình cần…thời trang thể thao riêng cho họ vẫn chưa có. Ngoài ra, thị trường sữa cho người cao tuổi: đặc biệt loại sữa loại dinh dưỡng toàn phần mà ít béo hơn, có mật độ năng lượng thấp hơn Ensure đang là nhu cầu có thật.
Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của họ, thì thái độ sống của họ nảy sinh nhu cầu hưởng thụ cũng là thị trường dịch vụ cần chú ý. Với nhóm “tuổi vàng hưởng thụ”, thì sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho họ ở Việt Nam hầu như không có gì.
Tôi xin gợi ý một cách đi tìm ý tưởng khá giản đơn: Hãy tìm kiếm trên internet, và thậm chí đi qua các nước có dân số già cao như Nhật và châu Âu là thấy và “nghiệm” được, ứng dụng được cho thị trường Việt Nam, và khi sản xuất ra, lại có thể còn xuất khẩu được nữa.
Ông Cao Minh Việt
Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.
DN F&B LÀM GÌ TRƯỚC XU HƯỚNG THẮT CHẶT CHI TIÊU?
Việc Gen Z dẫn đầu xu hướng tiết kiệm là hợp lý. Thế hệ này dù có thu nhập bắt đầu từ sớm nhưng thường đối mặt với áp lực chi phí sinh hoạt cao (nhà ở, đi lại, giải trí). Gen Z có xu hướng quản lý tài chính cá nhân chặt chẽ và tìm kiếm các giá trị tốt nhất cho chi tiêu của mình.
Góc nhìn khác:
Gen Z còn nhạy bén với các chương trình khuyến mãi, cashback và ưu đãi. Do đó, doanh nghiệp F&B có thể khai thác hành vi này để tạo ra các chiến dịch khuyến mãi thông minh mà vẫn đảm bảo duy trì được biên lợi nhuận.
Bên cạnh chất lượng và giá trị, các thương hiệu có thể cải thiện trải nghiệm bằng cách xây dựng kết nối ý nghĩa qua những chiến dịch tập trung vào các yếu tố văn hóa hoặc phong cách sống, nhằm kích thích cảm giác gắn kết khi ăn uống ngoài. Ví dụ, việc phát triển trải nghiệm ăn uống tại chỗ có tính cá nhân hóa hoặc tương tác cộng đồng sẽ hấp dẫn hơn.
Người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ, không chỉ cắt giảm chi tiêu mà còn tìm kiếm sự cân bằng giữa tiết kiệm và giá trị thực. Doanh nghiệp F&B cần điều chỉnh chiến lược linh hoạt hơn, tập trung vào chất lượng dịch vụ và sự gắn kết với khách hàng, để thích ứng và phát triển trong thời kỳ biến động.
Ông Hồ Nguyên Thảo
Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.
NẠN HÀNG GIẢ TRÊN THỊ TRƯỜNG
Năm 2017, USTR (Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ) lần đầu tiên đưa các ngôi chợ truyền thống của Việt Nam vào danh sách các ngôi chợ tai tiếng (NML) trên toàn cầu. Chợ Ninh Hiệp ở Hà Nội và chợ Tân Bình ở TPHCM góp mặt năm đầu tiên. Trong bốn năm liên tiếp từ 2018-2021, chợ Bến Thành và chợ Đồng Xuân luôn bị “réo tên” trong các báo cáo của phía Mỹ. Rồi bên cạnh Đồng Xuân và Bến Thành, lần lượt có thêm Saigon Square ở TP.HCM, Tân Thanh và Trung tâm thương mại Việt – Trung ở Lạng Sơn góp mặt vào danh sách tai tiếng.
Tình trạng xâm phạm thương quyền và sở hữu trí tuệ được USTR đặc biệt quan tâm trong năm 2020 khi trang thương mại điện tử Shopee và hai trang phim trực tuyến phimmoi và phimmoizz bị nêu tên. Năm 2021, Hiệp hội Sở hữu Trí tuệ Mỹ (USIPO) đã đề nghị đưa Lazada vào danh sách đen của USTR, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh.
Các đợt bố ráp của nhà chức trách TP.HCM trong những năm qua tại hai ngôi chợ tai tiếng, mới nhất là Saigon Square trong tháng 9 vừa rồi, chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”. Ồn ào trên báo một hai ngày thì hoạt động mua bán lại tấp nập trở lại. Ở những ngôi chợ tai tiếng ở các địa phương khác mọi chuyện vẫn bình thường như mọi ngày.
Trong bản báo cáo mới nhất của USTR hồi tháng 4-2024, cơ quan này viết: “Luật hình sự năm 2015 áp dụng mức phạt tiền lớn và nhiều năm giam giữ đối với hành vi vi phạm bản quyền và nhãn hiệu. Nhưng Việt Nam hầu như không có cuộc điều tra hoặc truy tố hình sự nào. Cuộc điều tra hình sự với những người điều hành Phimmoi.net đã bị đình trệ… Các biện pháp hành chính đã không ngăn chặn được tình trạng làm giả và vi phạm bản quyền tràn lan. Một số nỗ lực thành công của các bên liên quan trong việc đàm phán trực tiếp với những người điều hành các trang web vi phạm bản quyền để đóng cửa các trang web này không thay thế cho các hành động thực thi và truy tố hình sự của chính quyền…”
Danh sách NML năm 2023 được công bố đầu năm 2024 đã chỉ mặt 33 ngôi chợ truyền thống và 33 ngôi chợ trực tuyến trên toàn cầu, hầu hết nguồn hàng nhái và vi phạm bản quyền đều đến từ Trung Quốc.
Rõ ràng, các biện pháp đánh chặn từ xa kiểu Mỹ nhằm bảo vệ người tiêu dùng, thương gia và doanh nghiệp sản xuất của Mỹ. Cho đến nay, đây cũng là cách duy nhất để bảo vệ hàng Việt trước nạn hàng giả, mạo danh xuất xứ và các đòn thuế phòng vệ tại thị trường lớn nhất của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Còn chúng ta phải làm phần việc của mình, trên đất nước mình!
Ông Đồng Phước Vinh
31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.
KHEN TEMU MẤY CHUYỆN…
Hai điểm dễ nhận thấy khi đặt mua hàng trên Temu là sàn thương mại điện tử này rất chú trọng đến trải nghiệm và giao diện người dùng (UX, UI) và tiện ích khi xử lý đơn hàng.
Về UI và UX, Temu quản lý chặt chẽ nội dung sản phẩm bán trên sàn từ hình ảnh đến nội dung theo mô hình “tập quyền”, có nghĩa là áp dụng một quy chuẩn thông tin chung dù sản phẩm do nhiều store khác nhau bán.
Điều này giúp người mua dễ dàng chọn lựa sản phẩm hơn vì họ được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết .Việc phân loại sản phẩm do đó cũng được quản lý chặt chẽ khi người mua tìm kiếm hàng hoá.
Ở tất cả trang giao diện, Temu cũng cung cấp thông tin mà người dùng quan tâm, từ bảo mật thông tin thẻ thanh toán đến cảnh báo tránh bị lừa đảo, chính sách đổi trả…
Đây là điểm khác biệt lớn so với mô hình phổ biến đang được các sàn thương mại điện tử quản lý kiểu “phân tán” mà các store tự nhập nội dung mô tả, làm hình ảnh, phân loại, đặt tên …
Một điểm mạnh của Temu nữa nằm ở chỗ xử lý đơn hàng. Dù bạn mua nhiều món từ nhiều store khác nhau thì đơn hàng vẫn được gom lại thành chỉ có một đơn.
Đây chỉ nói về các điểm tích cực, nhiều điểm tiêu cực sẽ được trình bày sắp tới. Và đây phải chăng là những điểm mà các sàn thương mại điện tử nội địa đang hoạt động ở Việt Nam cần chú ý?
Nếu có góp ý, bình luận hoặc có câu hỏi xoay quanh các thông tin thị trường, mời bạn nhấn vào nút "Gửi câu hỏi cho nhà báo Kim Hạnh" bên dưới để tham gia.
Gửi câu hỏi cho nhà Báo Kim Hạnh
Vũ Kim Hạnh