BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (22/7 - 28/7/2024)

Vũ Kim Hạnh

Thành viên mới
BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (22/7 - 28/7/2024)

28/7/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG​


Tuần này, tôi xin giới thiệu các bài viết về niềm vui kể chuyện thị trường, về nước đi táo bạo của Taobao, về nền kinh tế bạc và những cơ hội mới, về chuyển biến của thị trường xe điện trên thế giới, về niềm cảm hứng từ bạn trẻ vươn lên khởi nghiệp sau biến cố, sau cùng là về những động thái mới để kiểm soát lừa đảo và thông tin sai trên mạng xã hội tại Đông Nam Á và Việt Nam.

SIẾT CHẶT MẠNG XÃ HỘI CHỐNG LỪA ĐẢO Ở ĐÔNG NAM Á VÀ VIỆT NAM
Bản tin tuần này của tôi có thông tin về tình hình 2 nước, Malaysia và Singapore đã đưa ra những qui định mới siết chặt quản lý mạng xã hội và cả các trang thương mại điện tử.
Tôi tổng hợp một số tình hình ở các nước Đông Nam Á và thảo luận cùng hai nhà báo công nghệ là Hồ Nguyên Thảo và Đồng Phước Vinh để ghi nhanh tình hình này...Đọc thêm

CÔ SEN NUÔI HEO ĐÃ NGUÔI CHUYỆN BUỒN NĂM NÀO…
Sen cười nhẹ, nét mặt trong sáng, em trả lời hiền lành, dạ năm nay em hết buồn rồi thầy ạ; Sen trả lời thầy giáo dạy về truyền thông, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, vẫn nhớ cảnh vào giờ chót không được tham gia thi vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023 (và dù rất buồn Sen cũng đi từ Quảng Bình lên HN để xem các bạn thi)... Đọc thêm

THỊ TRƯỜNG Ô TÔ ĐIỆN SÔI ĐỘNG TỪ MỸ TỚI Á VÀ VIỆT NAM
Dữ liệu mới đây của trang mạng xe hơi edmunds.com đưa nhiều tin về sự thoái trào của Tesla. Theo Edmunds, trong năm 2024 (tính đến thời điểm hiện tại) hơn một nửa chủ xe đã đổi chiếc Tesla điện để mua một chiếc xe chạy bằng xăng.
HƠN 50% CHỦ XE ĐỔI TESLA ĐIỆN, MUA XE CHẠY BẰNG XĂNG
Năm 2024 có thể nói là năm đánh dấu sự tuột dốc mạnh của hãng xe điện Tesla. Thị phần Tesla giảm, ...Đọc thêm

CƠ HỘI THỊ TRƯỜNG MỚI TỪ NỀN KINH TẾ BẠC
Một hiện tượng quan trọng đang diễn ra trên toàn cầu, có khi bạn chưa biết? Đó là sự chuyển dịch nhân khẩu học, dân số toàn cầu đang già đi. Theo Liên hợp quốc (UN), dân số già hóa là một “xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược”, do tuổi thọ của con người tăng lên và quy mô gia đình ngày càng nhỏ đi. Theo đó, LHQ đưa ra một dự báo vào năm 2023 là số lượng người từ 65 tuổi trở lên trên thế giới sẽ tăng lên đến gấp hơn 2 lần, lên đến 1,6 tỷ người. Nhật Bản là nước có dân già hóa nhanh nhất và đông nhất (do tỷ lệ người già tăng, các gia đình không sinh con hay ngày càng ít con)... Đọc thêm

TAO BAO, MÀ CÒN “BAO” BẠO NỮA...
Taobao là tên của nền tảng bán lẻ hàng đầu Trung Quốc của tập đoàn Alibaba vừa công bố sẽ miễn phí vận chuyển hàng từ Trung Quốc ra nước ngoài đối với những đơn hàng thời trang. Taobao sẽ bắt đầu “bao” vào tuần tới, từ ngày 3-8, ban đầu chỉ dành cho người mua hàng ở 6 nơi: Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Macao... Đọc thêm

NGƯỜI KIÊN TRÌ?
Sáng nay một anh bạn gửi cho tôi tấm ảnh anh ấy ghi được mấy con số về kênh Tiktok tôi host "5 phút-Chuyện thị trường".
"Chị Hạnh, tình cờ tôi tìm nghe chuyên mục này, mới thấy là có 754 ngàn người theo dõi và 4 triệu người like rồi. Thật cũng đáng để khen là chị kiên trì vì đây là thông tin chứ không phải giải trí, văn nghệ".
Tôi được khen cũng thấy vui nhưng cũng muốn nói rõ. Không phải là kiên trì anh bạn ơi. Người vô địch về kiên trì, tôi đã mạo muội đặt... Đọc thêm

ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU​


Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.

MALAYSIA VÀ SINGAPORE SIẾT CHẶT QUẢN LÝ MẠNG XÃ HỘI, TRANG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Malaysia và Singapore đang mở rộng việc giám sát các trang mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin và nền tảng thương mại điện tử, nhằm giảm bớt các vụ lừa đảo trực tuyến và các nội dung tác động không tốt đối với trẻ thành niên.

Ủy ban Truyền thông và đa phương tiện Malaysia (MCMC) có kế hoạch sẽ cấp phép cho các nền tảng có hơn 25% dân số Malaysia sử dụng, tương đương 8 triệu người. Chính phủ sẽ ban hành cơ chế “kill switch” nhằm xóa nội dung được coi là gây tổn hại “nghiêm trọng”. Như vậy, các trang như Facebook, X (Twitter trước đây), TikTok và ứng dụng nhắn tin WhatsApp sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.

Tháng 6-2024, Singapore đã yêu cầu các trang mạng xã hội và thương mại điện tử phải “tích cực phát hiện và chống lại các hoạt động lừa đảo, nội dung độc hại”. Bộ Nội vụ Singapore vào tháng trước đã ban hành quy tắc “xác minh danh tính của người bán có rủi ro tiềm ẩn cao” đối với các giao dịch mua bán trên Facebook và trang mua bán đồ cũ Carousell. Hai trang này chiếm hơn 70% tổng số vụ lừa đảo trực tuyến tại Singapore trong năm 2023.

Theo quy định mới, nhà bán hàng phải được các nền tảng xác minh theo các quy định của nhà chức trách. Nếu số vụ lừa đảo không giảm vào cuối năm 2024, Bộ Nội vụ Singapore sẽ yêu cầu các nền tảng xác minh tất cả mọi người bán hàng.

Các quy định này là một phần của Đạo luật về tác hại hình sự trực tuyến, được Quốc hội Singapore thông qua vào năm ngoái.

CHUỖI SIÊU THỊ NHẬT BẢN GÂY TRANH CÃI VÌ 'ĐO' NỤ CƯỜI CỦA NHÂN VIÊN BẰNG CÔNG NGHỆ

Ngày 1/7, chuỗi siêu thị AEON cho biết đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống AI để đo lường thái độ nhân viên. Hệ thống đang được sử dụng tại 240 cửa hàng trên khắp Nhật Bản.

Ứng dụng "Mr Smile", được phát triển bởi công ty công nghệ Nhật Bản InstaVR. Hệ thống này đánh giá dựa trên hơn 450 yếu tố bao gồm biểu cảm khuôn mặt, âm lượng giọng nói và giọng điệu chào hỏi; sau đó đưa ra số điểm để khuyến khích nhân viên cải thiện thái độ của mình.

AEON cho biết đã thử nghiệm hệ thống này tại 8 cửa hàng với khoảng 3.400 nhân viên và nhận thấy thái độ phục vụ được cải thiện tới 1,6 lần trong vòng 3 tháng. Công ty cho biết mục tiêu của họ là "chuẩn hóa nụ cười của nhân viên và làm hài lòng khách hàng ở mức tối đa

Liệu hệ thống AI có làm tăng tình trạng quấy rối nơi làm việc không? Đã có lo ngại như thế.

OPENAI CÔNG BỐ PHIÊN BẢN MINI CỦA MÔ HÌNH MẠNH NHẤT GPT-4O

OpenAI thông báo sẽ ra mắt mô hình AI mới, “GPT-4o mini” dựa trên mô hình mạnh nhất hiện tại của họ – GPT-4o. Công ty sẽ cung cấp GPT-4o mini với mức giá rẻ hơn 60% so với GPT-3.5 Turbo nhằm cho phép người dùng có nhiều lựa chọn hơn.

OpenAI gọi phiên bản mới này là “mô hình nhỏ có khả năng hoạt động và tiết kiệm chi phí nhất hiện nay”. Công ty có kế hoạch sẽ sớm tích hợp thêm tính năng phân tích hình ảnh, video và âm thanh vào mô hình này.

Trên thang điểm đánh giá, GPT-4o mini vượt qua GPT-3.5 Turbo và nhiều mô hình đối thủ khác trên cả trí thông minh văn bản và lý luận đa phương thức.

OpenAI cho biết, họ đã lọc ra những thông tin họ không muốn mô hình của mình học hỏi chẳng hạn như lời nói căm thù, nội dung “người lớn”,... Bên cạnh đó, họ sử dụng các kỹ thuật như học tăng cường với phản hồi của con người (RLHF) để cải thiện độ chính xác và độ tin cậy của các phản hồi của mô hình.

APPLE, GOOGLE, MICROSOFT, AMAZON, NVIDIA SẼ CHI MẠNH TAY, BƠM HÀNG TỶ ĐÔ VÀO ASEAN TRONG NĂM 2024 (ĐỌC THÌ THẤY PHẦN VIỆT NAM NHẬN ĐƯỢC LÀ KHIẾM TỐN NHẤT)

5 gã khổng lồ công nghệ Apple, Google, Microsoft, Amazon, NVIDIA tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á.

Apple công bố khoản đầu tư 250 triệu USD vào Singapore để mở rộng hoạt động và phát triển những hoạt động mới, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Apple đã chính thức ra mắt Apple Store trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam và trung tâm bán lẻ đầu tiên tại Malaysia trong năm nay.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Microsoft, Satya Nadella đầu năm nay thông báo công ty sẽ đầu tư vào ba quốc gia Nam Á là Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Ngoài ra, tháng 4 năm nay, Microsoft tuyên bố sẽ giúp trang bị kỹ năng AI cho 2,5 triệu người ở các quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam vào năm 2025.

Tháng 5 năm nay, Google đã cam kết đầu tư 2 tỷ USD để thành lập trung tâm dữ liệu và khu vực đám mây đầu tiên tại Malaysia để nâng cao Google Search và Google Maps và cải thiện năng lực công nghệ Malaysia. Thông báo của Google được đưa ra vài tuần sau khi Microsoft cho biết họ sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD để phát triển trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây ở Malaysia.

Amazon Web Services (AWS) đang đầu tư 8,88 tỷ USD để mở rộng cơ sở hạ tầng đám mây tại Singapore. Khoản đầu tư này sẽ nhằm tài trợ cho việc xây dựng, vận hành và bảo trì trung tâm dữ liệu của công ty đến năm 2028. AWS cũng đã hợp tác với chính phủ Singapore triển khai chương trình đào tạo AI với mục tiêu đào tạo 5.000 cá nhân hàng năm trong ba năm tới.

NVIDIA vừa công bố kế hoạch đầu tư 200 triệu USD để thành lập một trung tâm AI tại Indonesia, đánh dấu nỗ lực mở rộng sang khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, NVIDIA cũng hợp tác với Singtel, mang công nghệ AI đến các trung tâm dữ liệu khắp Đông Nam Á. Cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn FPT và NVIDIA đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện nhằm cùng nhau nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp dịch vụ, giải pháp cho khách hàng Việt Nam và trên toàn cầu.

ESG LÀ YẾU TỐ THEN CHỐT ĐẨY GIÁ TRỊ THƯƠNG VỤ M&A

Khảo sát của Deloitte cho thấy trong các thương vụ M&A, những bên bán có câu chuyện về ESG rõ ràng sẽ có cơ hội thu về giá trị giao dịch cao hơn gấp 6 lần. Báo cáo mới này nhấn mạnh nhu cầu đánh giá lại danh mục đầu tư để cân đối giữa đầu tư và thoái vốn. Khảo sát 250 lãnh đạo công ty với doanh thu trên 1 tỷ USD tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Đông Nam Á, cho thấy 5 yếu tố chính thúc đẩy việc này: căng thẳng địa chính trị, quy định về hiệu quả sử dụng vốn, áp lực từ nhà đầu tư chủ động, yêu cầu ESG và sự gia tăng của các quỹ đầu tư tư nhân.

Báo cáo khuyến nghị một "tư duy quản lý danh mục đầu tư chủ động" để tận dụng các cơ hội tăng trưởng và lợi ích hợp tác ngay khi chúng phát sinh.

Deloitte khuyến nghị doanh nghiệp tích hợp ESG thành yếu tố trọng tâm, tối đa hóa giá trị tài sản không phù hợp và cân nhắc tác động, cơ hội về thuế trong tái cơ cấu danh mục đầu tư. Theo ông Muralidhar M.S.K. của Deloitte Đông Nam Á, quản lý danh mục đầu tư là tối đa hóa giá trị cho cổ đông và đạt mục tiêu chiến lược.

BẤT NGỜ: CAMPUCHIA NHẬP KHẨU SẦU RIÊNG VIỆT NAM TĂNG GẤP 230 LẦN

Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 1,32 tỷ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất với 1,22 tỷ USD, tăng gần 46%. Đáng chú ý, Thái Lan là nước nhập khẩu sầu riêng Việt Nam nhiều thứ hai, chi 47 triệu USD, tăng 90,5%. Người Thái nhập sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam để tái xuất và chế biến bánh kẹo. Đáng ngạc nhiên nhất là Campuchia, với kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,7 triệu USD, tăng 230 lần so với năm trước, xếp thứ 9 trong danh sách các thị trường nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, vượt qua Hàn Quốc (1,4 triệu USD) và chỉ dưới Nhật Bản (2,7 triệu USD).

Ngược lại, xuất khẩu sầu riêng sang Mỹ giảm 43%, đạt 7,8 triệu USD, và sang Đài Loan giảm 0,8%, đạt 11,5 triệu USD. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết, nếu Việt Nam sớm ký được nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho ngành hàng này.

TRUNG QUỐC CHÍNH THỨC ĐƯA Ô TÔ ĐIỆN (HÃNG BYD) VÀO VIỆT NAM

Thị trường ô tô điện thế giới đang hết sức sôi động. Ở Mỹ, hơn 50% chủ xe ô tô đã mang xe Tesla đổi, sẵn sàng mua xe chạy bằng xăng trở lại, hay đổi xe điện của những hãng xe uy tín lâu đời. Trong khi đó, tạp chí Consumer Report, tờ tạp chí có uy tín chuyện đánh giá các sản phẩm dịch vụ trên thị trường Hoa Kỳ lại nhận xét hiện nay xe điện của Hàn Quốc tạm thời được ưa chuông nhất.

Trong khi đó, ngày 18/7, thương hiệu xe điện có doanh số cao nhất Trung Quốc, BYD, đã chính thức giới thiệu ba mẫu xe chủ lực của mình tại Việt Nam, bao gồm BYD Dolphin, BYD Atto 3 và BYD Seal.19. Về mặt giá cả, ba mẫu xe được công bố với mức giá được hãng tự cho là cạnh tranh: BYD Dolphin ở mức 659 triệu đồng, BYD Seal từ 1,119 tỷ đồng và BYD Atto 3 từ 766 triệu đồng.

Trang GenK.vn đã đưa ra vài nhận xét ban đầu như sau: Mức giá BYD không thực sự “cạnh tranh”!

Và BYD không có trạm sạc riêng và cũng không có kế hoạch đầu tư trạm sạc. Tại Việt Nam, chỉ có VinFast là nhà sản xuất xe điện đầu tư vào trạm sạc, phủ sóng tại tất cả 63 tỉnh thành và trên các tuyến quốc lộ, cao tốc.

BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA​


Tuần này, bản tin nhận được 4 bình luận, và các vấn đề được quan tâm cũng rất phong phú đa dạng. Từ yêu cầu thích ứng các xu hướng mới của thị trường (nhìn từ thị trường bán lẻ Hoa Kỳ) tới tính quan trọng của tiêu chuẩn ESG, tới sự mong chờ ký nghị định thư về xuất sầu riêng đông lạnh, đến ý kiến về cách đặt tiêu chuẩn cho nụ cười của nhân viên dịch vụ với khách hàng. Mời bạn đọc các bình luận:

Ông Phạm Ngọc Hưng


Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn. *

MONG CHỜ KÝ NGHỊ ĐỊNH THƯ CHO NHẬP CHÍNH NGẠCH VÀO TRUNG QUỐC

Cách đây hơn một tháng, thông tin bên trong cho biết các cơ quan bộ ngành Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán xong Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, nhưng việc ký kết chính thức thì vẫn phải chờ đợi, và dấu hiệu cho thấy có thể sẽ không kịp cho chính vụ thu hoạch năm nay, dự tính sẽ kết thúc vào đầu tháng 9.

Lý do việc ký kết được chờ đợi là vì trung bình thu hoạch ở các vườn sầu riêng trồng bình thường hiện nay, đếm và tính mức trung bình thì: chỉ có 60% sản lượng có được chất lượng để được xuất khẩu tươi trực tiếp. Phần sản lượng còn lại bao gồm quá cỡ (trên 4,5 kg/trái), thụt hộc (lõm múi) và dưới cỡ (dưới 2 kg/trái) hiện chủ vườn đang bán với 1/2 giá, còn các nhà xuất khẩu phải bán sang Thái Lan bóc múi đông lạnh xuất đi.

Nghị định thư được ký kết sẽ giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam bán thẳng hàng sang Trung Quốc, giữ lại một phần lợi nhuận thương mại và một phần chia sẻ cho nông dân trồng sầu riêng.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một khi Nghị định thư được ký kết, doanh thu bán hàng đông lạnh sang Trung Quốc sẽ tăng ngay lên trong năm nay, bởi lẽ các nhà xuất khẩu cần thời gian để đầu tư hoặc mở rộng cơ sở bóc tách cấp đông của mình, đồng thời việc xét duyệt cấp mã cơ sở đóng gói sẽ diễn ra từng đợt chứ không đại trà, và đây chính là nút thắt cổ chai.

Dù con số 3,5 tỷ USD xuất khẩu sầu riêng sang TQ có thể không đạt được trong năm nay, nhưng Nghị định thư xuất khẩu trái cây đông lạnh là một cửa mở rất quan trọng.

Bà Nguyễn Phi Vân


Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Đông Nam Á. Đại diện cấp cao của Việt Nam tại các diễn đàn đầu tư thiên thần toàn cầu. Chủ tịch mạng lưới cấp phép và nhượng quyền Việt Nam VFLN.

VÌ SAO TIÊU CHUẨN ESG NGÀY CÀNG QUAN TRỌNG?

Cách đây năm năm, tại một hội thảo về 17 mục tiêu phát triển bền vững của liên hiệp quốc, tôi đã nghe bài trình bày của một tập đoàn Nhật về cách họ xây dựng lại toàn bộ DNA và chiến lược phát triển của tập đoàn dựa trên các yêu cầu về phát triển bền vững. Đã từ lâu, ESG không còn là một từ khóa mỹ miều chỉ để tô xuyến cho các chiến dịch PR nữa. Nó đã trở thành một nền tảng rất quan trọng đối với định hướng tương lai của bất kỳ công ty nào.

Cũng chính vì vậy... Hiệu quả của một công ty không chỉ được đánh giá đơn thuần dựa trên lãi lỗ.

Chỉ tiêu đánh giá hiện nay bao gồm ba chữ P:

Chữ P thứ nhất đương nhiên vẫn là Profit - lợi nhuận. Một doanh nghiệp hoạt động không có lợi nhuận thì cho dù có đặt mục tiêu phát triển bền vững hay ho như thế nào đi chăng nữa cũng không thể tồn tại lâu dài được.

Chữ P thứ hai là People - Con người. Con người ở đây là nói về cộng đồng bao gồm cộng đồng trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp và công chúng. Doanh nghiệp được sinh ra, phát triển và tạo ra lợi nhuận không chỉ vì cần tạo ra lợi ích cho cổ đông mà còn có trách nhiệm tạo ra lợi ích cho xã hội.

Chữ P thứ ba là Planet - Hành tinh. Doanh nghiệp không thể tồn tại và phát triển bên ngoài sự tồn tại và phát triển của hành tinh. Nếu trái đất nóng dần lên, nếu việc sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ khiến cho hành tinh này không còn có thể sinh sống được nữa, sự tồn tại của doanh nghiệp là vô nghĩa. Do đó, việc đánh giá hiệu quả và khả năng phát triển lâu dài, bền vững của một doanh nghiệp giờ đây không chỉ dựa trên một chữ P mà là 3.

Vì vậy, việc đưa ESG vào làm chỉ tiêu đánh giá cho các thương vụ M&A là lẽ đương nhiên vì đó là mối quan tâm của cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ông Ngô Đình Dũng


Giám đốc điều hành công ty ISM, chuyên về đào tạo và tư vấn cho các hoạt động phát triển năng lực nhân sự cùng các giải pháp kinh doanh – phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt nam.

VỀ NỤ CƯỜI “TIÊU CHUẢN” CỦA NGÀNH DỊCH VỤ

Vào những năm 2008, trong ngành hàng không có tin là các Hãng Hàng Không Nhật và Hàn Quốc đã yêu cầu tiếp viên phải đạt nụ cười chuẩn hóa, và họ huấn luyện nhân viên cách cười.

Để đánh giá nụ cười có đạt chuẩn hay không, họ dùng thước để đo độ rộng miệng của tiếp viên khi cười, và các chuẩn này được dùng để đánh giá nhân viên.

Vào thời điểm này, các tiếp viên Việt Nam của chúng ta cười khẩy và cũng nói là cách huấn luyện này sẽ tạo ra nụ cười giả tạo, và chúng ta sẽ huấn luyện tiếp viên nụ cười xuất phát từ tâm.

Theo hiểu biết của tôi thì các chuẩn mực đưa ra là cách lượng hóa các tiêu chí để đánh giá kết quả tập luyện thôi. Nếu các tiếp viên hay nhân viên phục vụ không lấy các chuẩn mực, ví dụ cười tới khi miệng rộng ra 4 cm, thì bản thân nhân viên cũng không biết khi nào mình tập luyện đạt chuẩn, và Hãng hàng không cũng không biết đánh giá nụ cười nào là đạt chuẩn.

"Nụ cười từ tâm" thì không thể đánh giá được VÌ NÓ QUÁ VÔ CHỪNG. Và khi không đánh giá được thì nhân viên cũng không nỗ lực rèn luyện nụ cười đạt chuẩn, và từ đó, họ cũng không hình thành thói quen, phản xạ cười với khách hàng.

Theo tôi thì phản xạ nở nụ cười với khách hàng mới chính là mục tiêu cuối cùng của thước đo "dịch vụ từ tâm". Với số liệu thống kê nhân khẩu học, công nghệ AI thì bây giờ việc đưa ra tiêu chuẩn nụ cười phù hợp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, và đây cũng chính là tiêu chí sàng lọc nhân viên phục vụ theo tiêu chuẩn của hãng.

Mọi cải tiến đều phải bắt đầu từ những tiêu chí rõ ràng, đo lường được để tiến lên KAIZEN chứ không thể lờ mờ để gây tranh cãi.

Ông Phạm Trọng Chinh


Trưởng nhóm chuyên gia thị trường của Hội HVNCLC và BSA, với chuyên môn là Quản trị Hệ thống phân phối, Quản lý bán hàng và Trade Marketing.

CẦN THÍCH ỨNG CÁC XU HƯỚNG MỚI CỦA THỊ TRƯỜNG

Tuần qua bản tin cuối tuần của cô Kim Hạnh có đưa thông tin: Đa số nhà bán lẻ ở Đông Nam Á có kế hoạch tăng đầu tư vào thương mại mạng xã hội (social commerce) trong 12 tháng tới, theo khảo sát mới đây của Shopify Inc, công ty thương mại điện tử ở Canada. 66% có kế hoạch tăng cường đầu tư vào một nền tảng thương mại hợp nhất, trong đó sử dụng công nghệ tích hợp để kết nối tất cả khâu trong hoạt động bán lẻ của doanh nghiệp vào một hệ thống. Nghiên cứu cho thấy sự cần thiết của trải nghiệm mua sắm đa kênh

“Hãng bán lẻ nội thất Mỹ Conn’s đã đề đơn phá sản, đóng hơn một nửa số store.

Trước khi nhà bán lẻ hàng đầu nước mỹ này đề đơn phá sản thì vào khoảng tháng 4, đối thủ của họ là Bed Bath and Beyond cũng đã phải làm điều tương tự.

Trong ngành thời trang thì Express Inc Mỹ cũng đã nộp đơn bảo bộ phá sản vào tháng 4.

Hàng loạt nhà bán lẻ Mỹ phá sản, hoặc nếu không thì cũng chồng chất khó khăn. Nguyên nhân chính là người Mỹ tiếp tục thắt chặt chi tiêu, các món đồ không thiết yếu, lập tức ra khỏi dự định mua sắm. Điều này gửi tín hiệu tiêu cực đến các quốc gia châu Á nơi gia công phần lớn nguồn đầu vào cho các nhà bán lẻ này.

Một nguyên nhân khác cũng được đề cập là những ông lớn phá sản này vốn có bề dày về lịch sử kinh doanh nhưng cũng chậm chạp trong việc thay đổi, thích ứng với các xu hướng mới của thị trường”

Vũ Kim Hạnh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (9/9 - 15/9/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (2/9 - 8/9/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (26/8 - 1/9/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (19/8 - 25/8/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (12/8 - 18/8/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (05/8 - 11/8/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (29/7 - 04/8/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (15/7 - 21/7/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (8/7 - 14/7/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (1/7 - 7/7/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (24/6 - 30/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (24/6 - 30/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (17/6 - 23/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (10/6 - 16/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (3/6 - 9/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (27/5 - 2/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (20/5 - 26/5/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (13/5 - 19/5/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (6/5 - 12/5/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (29/4 - 5/5/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (22/4-28/4/2024) Góc Nhìn 0
V THỦ TƯỚNG LÝ HIỂN LONG VÀ BẢN LĨNH ĐỐI PHÓ ĐẠI DỊCH COVID 19. Góc Nhìn 0
L Tử tế với bản thân Góc Nhìn 0
V Tấm bản đồ cũ Góc Nhìn 0
V TIN VUI Góc Nhìn 0
V TRẠI HÈ “ĐẠI SỨ HÀNG VIỆT TÍ HON”, NHỮNG TIN VUI BẤT NGỜ GIỜ CHÓT Góc Nhìn 0
V “LÀM MAI” ĐƯỢC BÁO TIN VUI… Góc Nhìn 0
V Mua bán niềm tin Góc Nhìn 0

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top