BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)

Vũ Kim Hạnh

Thành viên mới
BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)

29/09/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

Với các bạn đã gửi câu hỏi về cho tôi, do có chút bận rộn trong lịch trình thời gian quan nên tôi sẽ cố gắng sắp xếp trả lời riêng qua email cho các bạn trong thời gian sớm nhất, rất mong các bạn thông cảm.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG​


Tuần này, tôi xin giới thiệu các bài viết xoay quanh các chủ đề như việc giải bài toán khó AH + TƯ (Am Hiểu + Thích Ứng) cho doanh nghiệp, việc cứu trợ bà con vùng lũ vẫn tiếp diễn, hay chuyện về những ca khó...tin mà báo chí đã đăng trong tuần, tiếp đó là ghi nhận của tôi về vở kịch mới của sân khấu Thiên Đăng, cũng như đôi lời chia sẻ về tập tiếp theo của Serie Kịch và Nghệ mùa 2 vừa lên sóng. Sau cùng, là bài bút ký thị trường về QR code ở Tây và ở Ta.

ĐIỂM CHẠM QR CODE, BÊN TÂY VÀ BÊN TA

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)


Tuần này, bút ký thị trường xin “ký” những câu chuyện đáng chú ý về điểm chạm QR code, mới nghe thì thấy cũng không mới nhưng đang ngày càng quan trọng trong nhu cầu trải nghiệm của khách hàng ở một khía cạnh khác – phát triển bền vững...Đọc thêm

KHI CHÀNG VÂN TIÊN GẶP LẠI NGUYỆT NGA

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)


Sáng hôm ấy, “tiểu thư” Kiều Nguyệt Nga với áo váy trẻ trung và mái tóc dài mơ mộng xoã ngang lưng đã đến phòng thu sớm nhất. Một lát sau, chàng Lục Vân Tiên, áo pull trắng quần jean với đôi vai rộng quen thuộc của những chàng trai tập gym mỗi ngày cũng đến. Cụ Đồ Chiểu đến sau cùng, áo sơ mi ca rô đỏ, tóc xoăn trẻ thật trẻ...Đọc thêm

KỂ CHUYỆN MỘT CHUYẾN ĐÒ

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)


Tôi xem “Chuyến đò định mệnh” đến lần thứ hai vẫn ngại viết. Mà cứ để trong lòng, nghĩ mãi cũng không xong. Thôi thì, sau lần thứ 2 “sang sông” cũng viết ra cho lòng bớt khắc khoải. Tối hôm đó, vô thang máy, bà bạn nhà báo Hồng Hạnh Đào ghé tai tôi nói nhỏ: “Ngộ ha, kịch của 2 ông tác giả miền Bắc, ông viết ông dựng, với nguyên dàn nghệ sĩ Nam Bộ diễn, lại thấy sâu và mượt quá heng?”.... Đọc thêm

BA CA ĐỀU KHÓ

Ca 1. Ai sẽ ký duyệt cho đăng tin quan trọng, khẩn cấp sau đây: "Bắt khẩn cấp Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và đô thị...". Đây là ca khó xử. Ông Tổng Biên Tập là người duyệt tin, nay ông tự làm ra tin và bị tóm khẩn cấp rồi, lấy ai duyệt tin?
Ca 2. Vì sao và sẽ đi đâu... những cọc tiền liên tục cứ được cất vào... Đọc thêm

BỨC ẢNH TÔI VỪA NHẬN CÓ 2 ĐIỀU THẬT CẢM ĐỘNG...

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)


Đây là ảnh từ Huyện Bát Xát vừa gửi về phòng trực của BSA. Điều mừng thứ nhất là trời trong. Dẫn tới điều mừng thứ hai, là xe tải vừa đến huyện Bát Xát là xuống gạo được ngay để chuyển cho các vùng khó.
Trên xe có...9 tấn gạo Tài Ký... Đọc thêm

GIẢI BÀI TOÁN KHÓ "AH+TƯ". VÌ SAO "AI" ?

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)


Bài toán này khó thực sự, vì liên quan chuyện sống còn của doanh nghiệp. Lúc này, DN nào cũng cần làm marketing giỏi để bán hàng cho tốt. Vì vậy, bài toán khó của doanh nghiệp phải là M+S. Và công thức AH+TƯ là chúng tôi tạm đặt ra như vậy, rồi trong quá trình giải, sẽ cùng nhau phát hiện tiếp.
Bắt đầu từ M+S (marketing và sale). Giải bằng: AH+TƯ (Am hiểu và thích ứng) ... Đọc thêm


ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU​


Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.

NHẬT BẢN LẬP KỶ LỤC VỀ SỐ NGƯỜI ‘BÁCH NIÊN GIAI LÃO’ (HƠN 100 TUỔI)

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)

Người cao tuổi trên đường phố Mashiki, tỉnh Kumamoto, Nhật Bản, hồi tháng 4/2018. Ảnh: Kyodo

Bộ Y Tế, Lao Động Và Phúc Lợi Nhật Bản vừa cho biết số người trên 100 tuổi ở quốc gia này hiện là 95,119.

Trong suốt 54 năm qua, Nhật Bản luôn là quốc gia có số người trên 100 tuổi cao nhất thế giới. Số liệu 95,119, có nghĩa năm nay số người hơn 100 tuổi đã tăng thêm 2,980 cụ, so với năm trước. Các cụ bà chiếm 88% trong số này, tương đương 83,958 người. Tỷ lệ người trên 100 tuổi ở Nhật Bản hiện là 76,49 trên mỗi 100,000 dân.

Tỷ lệ người cao tuổi ở Shimane cao nhất trong 47 tỉnh của cả nước, đạt mức 159,54 trên mỗi 100,000 dân, đánh dấu năm thứ 12 liên tiếp tỉnh này đứng đầu bảng xếp hạng.

Nhật Bản lại đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, khi dân số già hóa nhanh chóng. Dân số Nhật Bản hiện là 124 triệu người, giảm 595,000 người so với năm trước. Tính đến giữa Tháng Chín, cả nước Nhật có tới 35.25 triệu người trên 65 tuổi, tương đương 29.3% dân số và cũng là mức cao kỷ lục.

THỊ TRƯỜNG BAO BÌ VIỆT NAM TRỊ GIÁ HƠN 4 TỶ USD TRƯỚC ÁP LỰC “XANH HOÁ” VÀ NGUY CƠ MẤT ĐƠN HÀNG VÀO TAY ĐỐI THỦ NGOẠI

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)

Các nhà cung cấp của Thái Lan làm bao bì đóng gói sản phẩm tốt và có thể nhanh chóng thay thế doanh nghiệp Việt. (Ảnh: CafeF.vn)

Ngành bao bì Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các ngành thực phẩm và đồ uống, với dự báo thị trường bao bì giấy sẽ đạt 4,14 tỷ USD vào năm 2029. Tuy nhiên, ngành này đối mặt với thách thức lớn từ rác thải nhựa và tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan, đang chiếm ưu thế nhờ bao bì chất lượng tốt và khả năng thay thế doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, các doanh nghiệp bao bì tại Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ hướng đến phát triển bền vững và "xanh hóa" sản phẩm. Một số doanh nghiệp lớn như Coca Cola và Unilever đã tích cực sử dụng bao bì tái chế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ trong ngành in ấn và đóng gói đang gặp khó khăn về tài chính và nguồn lực kế thừa, dẫn đến tình trạng rút lui hoặc bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Nguy cơ mất thị phần vào tay các đối thủ ngoại vẫn là một thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt trong thời gian tới.

BÁO CÁO XU HƯỚNG THẢO LUẬN VỀ ỨNG DỤNG AI & AUTOMATION TRONG NGÀNH BÁN LẺ NỬA ĐẦU NĂM 2024

Ngành bán lẻ Việt Nam đang trải qua sự chuyển đổi lớn, với sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ công nghệ và thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Kompa, thông qua dữ liệu Social Listening, đã xác định 7 xu hướng nổi bật cho năm 2024. Các xu hướng này bao gồm thương mại trên mạng xã hội, ứng dụng AI, nâng cao trải nghiệm tại cửa hàng, tiêu dùng có ý thức, tích hợp Metaverse, thực tế tăng cường (AR), và trải nghiệm mua sắm liền mạch.

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)

Những xu hướng đang định hình ngành Bán lẻ Việt Nam 2024 (Ảnh: brandsvietnam.com)

Ngoài ra, báo cáo cũng phân tích 4 công nghệ đang được thảo luận nhiều nhất: Automation, AI & Machine Learning, AR, và Internet vạn vật (IoT). Đặc biệt, Automation và AI đang được ứng dụng rộng rãi trong việc quản lý hàng tồn kho và dịch vụ khách hàng, giúp nâng cao hiệu suất và trải nghiệm mua sắm. Mặc dù có sự lo ngại về quyền riêng tư và mất việc làm, phần lớn người tiêu dùng vẫn đón nhận tích cực những lợi ích của AI và Automation, bao gồm tính tiện lợi và hiệu quả. Việc các nhà bán lẻ ứng dụng những công nghệ này sẽ là chìa khóa để cạnh tranh và phát triển.

TÍN CHỈ CARBON KÉM CHẤT LƯỢNG CŨNG SẼ BỊ TỪ CHỐI

Thị trường tín chỉ carbon không dễ tiếp cận dù doanh nghiệp có phát thải âm, bởi nó đòi hỏi sự minh bạch và hiệu quả thực tế trong giảm phát thải. Nhiều doanh nghiệp tìm cách phát hành và bán tín chỉ carbon để tăng thu nhập, nhưng quy trình này phức tạp và tốn kém.

Ông Vũ Chí Công, Giám đốc Quỹ VinaCarbon, chia sẻ rằng thị trường carbon tại Việt Nam còn mới mẻ, trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng thuế và tín chỉ carbon từ lâu. Các dự án giảm khí nhà kính tại VinaCarbon tập trung vào việc xây dựng ngân hàng tín chỉ carbon chất lượng cao. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng đủ điều kiện nhận tín chỉ, như các dự án năng lượng tái tạo gần đây bị từ chối do không đáp ứng yêu cầu "bổ sung".

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)

Ông Vũ Chí Công, Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon thành lập cuối năm 2023 thuộc Công ty quản lý quỹ VinaCapital. (Ảnh: thesaigontimes.vn)

Doanh nghiệp cần kiến thức và đầu tư lớn vào công nghệ để tạo ra tín chỉ carbon đạt chất lượng cao. Họ cũng phải tuân thủ các quy định kiểm kê, giám sát phát thải và chiến lược xanh hóa để đón nhận cơ hội từ thị trường carbon, dự kiến thí điểm năm 2025 và chính thức năm 2028. Nhà nước cũng cần có khung pháp lý rõ ràng và hỗ trợ tài chính để khuyến khích doanh nghiệp tham gia

TỪ VÙNG LŨ ĐẾN LÀNG DU LỊCH TỐT NHẤT THẾ GIỚI Ở QUẢNG BÌNH

Tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, người dân đã xây dựng nhà phao để sống chung với lũ, giúp đảm bảo an toàn và thích ứng với thiên tai. Tân Hóa, được ví như "túi đựng nước khổng lồ" vì địa hình trũng thấp và bị bao quanh bởi núi, thường xuyên bị ngập lụt do mưa lớn. Tuy nhiên, người dân đã quen thuộc với việc sống chung với lũ và xem đó như một phần của cuộc sống.

Mặc dù bị ngập lụt, nhiều căn nhà phao đã được cải tiến để đảm bảo an toàn, và người dân sử dụng thuyền và phao để di chuyển. Họ còn nâng cao giá trị của vùng đất bằng cách phát triển du lịch. Tân Hóa hiện trở thành điểm đến du lịch nổi bật với các dịch vụ homestay trên nhà nổi, trải nghiệm ẩm thực và tham quan hang động Tú Làn. Vào năm 2023, Tân Hóa được vinh danh là "Làng du lịch tốt nhất thế giới" nhờ khả năng biến bất lợi thành thuận lợi và phát triển du lịch ngay cả trong mùa lũ.

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)

Một căn homestay theo kiểu nhà nổi để phục vụ du khách đến Tân Hóa mùa lũ (Ảnh: Trung Trần - báo Dân Trí).

CÁC NƯỚC TRUNG ĐÔNG RÓT TIỀN VÀO STARTUP AI

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)

Các quốc gia giàu dầu mỏ như Ả Rập Xê Út, UAE, Kuwait và Qatar đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế và hướng đến đầu tư công nghệ, đặc biệt trong đó là trí tuệ nhân tạo… (Ảnh: thuonggiaonline.vn)

Các quốc gia giàu dầu mỏ như Arab Saudi, UAE, Kuwait và Qatar đang đổ hàng tỷ USD vào các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Theo Pitchbook, số tiền từ các quỹ đầu tư quốc gia Trung Đông vào AI đã tăng gấp 5 lần trong năm qua. Quỹ MGX của UAE gần đây tham gia vòng gọi vốn của OpenAI, định giá công ty này ở mức 150 tỷ USD.

Với nguồn tài sản từ giá nhiên liệu tăng cao, các quỹ đầu tư quốc gia Trung Đông như PIF (Arab Saudi), Mubadala (UAE), và QIA (Qatar) đang rót vốn mạnh mẽ vào lĩnh vực AI và các công nghệ khác. PIF quản lý 925 tỷ USD và đầu tư vào nhiều doanh nghiệp toàn cầu, trong khi Mubadala đã đầu tư vào Anthropic – đối thủ của OpenAI.

Sự tăng giá năng lượng do xung đột Ukraine đã giúp các nước Vùng Vịnh phục hồi kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Arab Saudi, thông qua chiến lược "Tầm nhìn 2030" tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ như y tế và giáo dục, đồng thời xây dựng thành phố Neom.

Làn sóng đầu tư vào AI đang lan rộng toàn cầu. Quỹ MGX của UAE cùng các đối tác như BlackRock và Microsoft đã huy động 100 tỷ USD để đầu tư vào trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, lượng tiền khổng lồ này khiến một số nhà đầu tư lo ngại về việc đẩy giá trị các công ty lên mức không bền vững, tương tự trường hợp SoftBank với Uber và WeWork.

LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ CHO NGƯỜI CAO NIÊN NÊN LÀM HẰNG NGÀY

Sức khỏe giống như không khí, bạn sẽ chẳng để ý đến nó cho đến khi nó mất đi. Mà trước khi “chia tay hoàng hôn” sức khỏe cũng tử tế, không bỏ đi đột ngột, mà thường cảnh báo rất nhiều lần, chỉ tại ta không chịu để ý thôi.

Có thể bạn đã coi thường sức khỏe của mình khi còn trẻ, từng đi chơi thâu đêm suốt sáng, đứng hàng giờ ở công viên đợi bồ, hoặc nhảy nhót trong vũ trường, sáng hôm sau vẫn thấy khỏe ru.

Nhưng khi đã có tuổi, bạn có thể nhận thấy các bộ phận trong cơ thể mình cứ thi nhau lên tiếng. Ví dụ, sau 50 tuổi, quá trình phá hủy xương diễn ra nhanh hơn quá trình hình thành, dẫn đến mất xương, gây ra những cơn đau nhức, khó chịu, và còn nhiều vấn đề khác nữa.

Tuy nhiên, thực hành những thói quen dễ dàng khi chưa quá muộn, sẽ làm giảm đi những cơn đau nhức, giúp chúng ta hoan hỉ chung sống hòa bình với những món quà khuyến mãi đó.

  1. Vận động cơ thể

Điều này quan trọng bất kể bạn bao nhiêu tuổi, nhưng quan trọng hơn khi già đi vì nó giúp bạn duy trì khả năng vận động và giảm nguy cơ loãng xương. Cứ vận động theo sở thích của bạn, đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, pilates. Chìa khóa là phải luôn năng động, nghĩa là tham gia vào các hoạt động mà bạn thấy thú vị.

  1. Thử thách trí não

Theo Hiệp hội Alzheimer, ước tính có 6.9 triệu người Mỹ từ 65 tuổi trở lên đang sống chung với bệnh Alzheimer vào năm 2024. Mặc dù bạn không thể ngăn ngừa hoàn toàn sự khởi phát của bệnh Alzheimer, nhưng có một số thói quen bạn có thể thực hành để giảm nguy cơ và trì hoãn thời gian khởi phát.

Cần rèn luyện trí óc mỗi ngày để giữ cho đầu óc minh mẫn. Ráp lego, giải ô chữ, đọc sách báo hoặc cố gắng nhớ lại bất cứ điều gì, thí dụ một album cũ mà bạn từng sở hữu, danh sách bài hát, lời bài hát, tên ban nhạc và các album của họ. Bất cứ điều gì thách thức bộ não và trí nhớ của bạn đều là điều tốt.

Bạn cũng có thể thử những sở thích mới như học một ngôn ngữ hay một loại nhạc cụ mới.

  1. Hãy giao lưu

Năm 2023, các bác sĩ về tâm thần ở Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về một đại dịch cô đơn đang xảy ra trên khắp đất nước. Con người là những sinh vật xã hội, và việc có những tương tác xã hội thường xuyên, lành mạnh là rất quan trọng khi nói đến việc duy trì sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với người lớn tuổi.

Lẽ thường tình, khi bắt đầu có tuổi, chúng ta có xu hướng lười biếng, ngại giao lưu hơn, một phần là do những hạn chế về sức khỏe, hay đau chỗ này chỗ nọ, mệt mỏi,…

Tuy vậy, người cao niên vẫn nên thực hiện ít nhất một tương tác xã hội tích cực mỗi ngày. Cho dù đó là chuyến thăm của một người hàng xóm tốt bụng, trò chuyện với nhân viên thu ngân tại cửa hàng tạp hóa của bạn hay tận hưởng cuộc gọi điện thoại hoặc video với cháu hoặc bạn bè.

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024)

Người cao niên nên ra nắng đi bộ hàng ngày. (Ảnh: Unsplash)
  1. Kiểm soát mức độ căng thẳng

Căng thẳng là một thực tế của cuộc sống. Theo Hội Đồng Quốc Gia Về Lão Hóa, một số căng thẳng thực sự có thể có ích. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, thiết lập lại, tìm những điều mang lại cho bạn sự bình yên, làm những việc hàng ngày mà bạn yêu thích mà không gây ra căng thẳng liên tục cho bạn.

  1. Giữ đúng lịch hẹn tầm soát sức khỏe

Theo Bác Sĩ Sulagna Misra – người sáng lập Misra Wellness ở California, lão hóa là một đặc quyền tự nhiên. Bác sĩ khuyên nên luôn chú ý đến cơ thể và bảo đảm thực hiện tất cả các lần kiểm tra sức khỏe cần thiết.

Phát hiện sớm rất quan trọng đối với bất kỳ căn bệnh nào. Khám mắt, X quang phổi, chụp nhũ ảnh, kiểm tra tuyến tiền liệt, nội soi đại tràng, chích vaccine phù hợp với độ tuổi, kiểm tra da và các cuộc kiểm tra khác như cholesterol và sức khỏe tim mạch đều quan trọng.

  1. Dành thời gian ở ngoài trời dưới ánh nắng mặt trời

Theo một bài báo trên tạp chí Y Học Lối Sống Hoa Kỳ, tốt nhất là nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời từ năm đến 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần, không dùng kem chống nắng để có được vitamin D. Vitamin D được biết là có tác dụng tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần tổng thể của bạn.

Người có tuổi hay ngại đi ra ngoài, nhưng có thời gian ở dưới ánh nắng mặt trời cũng rất quan trọng. Bác Sĩ Huong Nghiem-Eilbeck tại Pandia Health cho biết: “Hãy tắm nắng vào cuối buổi sáng, tùy thuộc vào nơi bạn ở tại Hoa Kỳ. Tránh bị cháy nắng nhưng hãy tắm đủ nắng để hấp thụ Vitamin D vì điều này giúp cơ thể hấp thụ canxi theo cách tốt nhất cho xương.”

  1. Ăn thực phẩm bổ dưỡng

Khi bạn già đi, bạn sẽ đặc biệt muốn tránh tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn. Mặc dù những thực phẩm này không sao nếu ăn ở mức độ vừa phải, nhưng bạn nên cố gắng dùng nhiều thực phẩm bổ dưỡng hơn.

Lựa chọn các bữa ăn và đồ ăn nhẹ lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim, bao gồm trái cây và rau quả tươi, thực phẩm giàu chất xơ và ít chất béo không lành mạnh, đồng thời hạn chế lượng muối và đường.


BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA​


Tuần này có 4 đề tài được các chuyên gia bình luận. “Xôm tụ” nhất là bình về tình hình đặc biệt, dân Nhật nay được nhìn nhân là Già nhất thế giới. Đề tài : Bao bì Xanh và những áp lực lên nhà sản xuất có 3 chuyên gia bình luận. Đề tài về chất lượng của tín chỉ Carbon dự kiến lưu thông trên thị trường có một lời bình . Đề tài ứng dụng AI trong ngành bán lẻ có 1 lời bình. Và đề tài cuối cùng về tác dụng của AI làm thay đổi việc dạy và học ngoại ngữ là đề tài cuối cùng được bình luận trong bàn tin này.

Đề tài 1: DÂN NHẬT GIÀ NHẤT THẾ GIỚI.

Ông Phạm Trọng Chinh

Áp lực dân số già lên Kinh tế Nhật Bản thì đã nói nhiều mấy chục năm nay rồi, tình hình thì ngày càng nghiêm trọng hơn thì ai cũng biết. Người Nhật tất nhiên không ngồi yên, cụ thể họ là quốc gia có nền kinh tế bạc (silver economy) phát triển nhất thế giới (silver economy là nền kinh tế phục vụ cho những người cao tuổi và cận cao tuổi, trên 50 tuổi). Bình luận về chuyện này thì quá rộng, xin được đề cập một vài khía cạnh để cho thấy người Nhật đã cố gắng biến “nguy cơ” trở thành “thời cơ” như thế nào khi bằng cách đưa người cao tuổi quay lại lực lượng lao động:

- Ước tính có đến 40% số doanh nghiệp Nhật Bản có chính sách sử dụng lao động từ 65 tuổi trở lên.. Điều này có được một phần vì áp lực thiếu lao động trầm trọng tại Nhật Bản, một phần vì tinh thần cộng đồng của doanh nghiệp sau khi chính phủ nước này vận động. Đặc biệt những doanh nghiệp tại các tỉnh, các vùng nông thôn, tỷ lệ này còn cao hơn, hầu như đa số các doanh nghiệp tại các vùng này đều có người cao tuổi đang làm việc. Nếu tính trên tổng quy mô lực lượng lao động nền kinh tế, Nhật Bản có để 11% lao động là người cao tuổi, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ, Châu Âu chỉ khoảng 4 – 5%

- Ban hành chính sách bảo hiểm riêng cho người lao động cao tuổi: tuyển lực lượng lao động đặc thù này không dễ chút nào, khi mà tỷ lệ tai nạn lao động cao hơn hẳn mức bình quân chung. Điều này hiển nhiên gây rủi ro cho doanh nghiệp. Để chia sẻ điều đó, chính phủ Nhật Bản đã có chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho lực lượng này, giúp DN an tâm hơn khi thuê. Ngoài ra Nhật Bản cũng quy định những loại hình công việc nào nên thuê nhiều lao động cao tuổi, loại hình nào hạn chế, tránh doanh nghiệp lạm dụng.

Nở rộ các chương trình đào tạo kỹ năng cho người lao động cao tuổi, giáo dục cho người cao tuổi. Người già Nhật Bản chăm học thì ai cũng biết, ước tính giá trị mảng giáo dục người cao tuổi Nhật Bản có giá trị hàng tỷ đô la. Nhưng không phải người Nhật đi học cho vui, giết thời gian như quốc gia khác mà họ học để đi làm. Khi bắt đầu chuẩn bị vào độ tuổi nghỉ hưu, người già Nhật Bản sẽ định hướng hoặc sẽ được định hướng làm công việc cụ thể gì trong tương lai, từ đó sẽ được giới thiệu các chương trình đào tạo kỹ năng phù hợp. Cũng chính tại các lớp này là nơi DN địa phương tìm đến, đến tìm và tuyển dụng lực lượng lao động phù hợp.

Ông Cao Minh Việt

Tình trạng già hóa dân số tại Nhật Bản đang tạo ra nhiều bất lợi cho xã hội như sau đây: (1) Thiếu hụt lao động: Số lượng người trong độ tuổi lao động đang giảm mạnh, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2040, Nhật Bản có thể thiếu tới 11 triệu lao động. (2)Áp lực lên hệ thống an sinh xã hội: Chi phí cho các chương trình an sinh xã hội, bao gồm chăm sóc sức khỏe và lương hưu, đang tăng cao. Chính phủ Nhật Bản phải chi khoảng 20% ngân sách cho các khoản phúc lợi này và (3)Thay đổi cơ cấu xã hội: Dân số già kéo theo những thay đổi về cấu trúc xã hội, trong đó mức độ tiêu thụ và đóng góp kinh tế của người cao tuổi thấp hơn. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn khi các chi phí phúc lợi tăng lên, nhưng nguồn lực lao động và kinh tế lại giảm sút.

Chính phủ Nhật đã có một số giải pháp mà ta có thể tham khảo:

Thứ nhất là: Cải thiện chính sách lao động: Khuyến khích người cao tuổi tiếp tục tham gia vào lực lượng lao động, thay đổi các chuẩn mực việc làm truyền thống, và thúc đẩy việc làm linh hoạt sau tuổi 65 để duy trì sức khỏe và sự gắn kết xã hội. Ngày càng có nhiều người sau tuổi về hưu của Nhật vẫn tiếp tục cống hiến cho doanh nghiệp, hoặc tham gia lao động trong lĩnh vực khác, hoặc thậm chí là các tổ chức của chính phủ để giúp đỡ các nước khác, tận dụng kiến thức chuyên môn của mình.

Giải pháp thứ hai là: áp dụng chính sách di dân: Tăng cường thu hút lao động nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt lao động trong nước. Hiện tại chính sách về visa lao động, thậm chí xin cấp quốc tịch của Nhật cũng được đơn giản và dễ dàng hơn trước đây rất nhiều. Nhiều ngành nghề dịch vụ cần lao động của Nhật có thể sẽ không thể được duy trì nếu không sử dụng lực lượng lao động người nước ngoài.

Đề tài 2: BAO BÌ XANH VÀ ÁP LỰC LÊN NHÀ SẢN XUẤT

Ông Phạm Trọng Chinh

Cách đây vài năm, tôi làm việc cho Unilever, một trong hai công ty đề cập trong bài này, là doanh nghiệp FDI tiên phong tại Việt Nam về phát triển bền vững, một số nhãn hàng tỷ lệ sử dụng bao bì tái chế, hoặc có thể tái chế gần 100%. Tuy nhiên từ việc đưa ra chiến lược đến thực thi nó trên sản phẩm là một hành trình rất dài. Tôi còn nhớ team supply chain đã vất vả thế nào để tìm nhà cung cấp có thể cung ứng loại bao bì này. Tìm được rồi thì rào cản lại là giá thành cao, phải tính toán lại rất nhiều thứ để làm sao áp lực này không đưa hết xuống cho người tiêu dùng.

Theo tôi thấy thì khó trách các doanh nghiệp cung ứng bao bì tại Việt Nam, phải hiểu lí do tại sao họ chậm chân so với các đối thủ của các nước láng giềng. Tại sao lại nói như vậy? Số là cách đây chưa lâu trong một hội thảo về Phát triển bền vững, đã có màn tranh luận kịch liệt giữa một chuyên gia làm chính sách với chính doanh nghiệp trong nghành. Nhà làm chính sách thì đưa ra hàng loạt con số để chứng minh cho giá trị khổng lồ của ngành công nghiệp cung ứng bao bì phục vụ “sản xuất & tiêu dùng xanh”. Một doanh nghiệp có số má trong ngành có ý kiến phản biện thế này: tôi thấy những con số này rất hứa hẹn, nhưng với vai trò doanh nghiệp trong ngành thực tế thì chúng tôi thấy không phải vậy, đến nay vẫn có ít doanh nghiệp có những đơn đặt hàng lớn và lâu dài cho dạng bao bì này. Ngoại trừ những doanh nghiệp đa quốc gia lớn, vốn đã có chuỗi cung ứng ổn định, họ ít có thuê doanh nghiệp Việt Nam khác làm. Chúng tôi cũng muốn thích ứng lắm, nhưng không có đơn hàng hoặc đơn hàng quá nhỏ thì không dám đầu tư dây chuyền, nguyên vật liệu cùng hàng loạt thứ khác. Mạo hiểm là ôm sô như chơi. Ở đây, bên cạnh tôi cũng toàn là doanh nghiệp lớn, cũng đồng tình với tôi thôi. Mặt khác xin hỏi là chính phủ mình có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp nào muốn tiên phong trong lĩnh vực rất có ích cho cộng đồng và môi trường này chưa? Nếu tham khảo chính sách của Mỹ, châu Âu thấy họ hỗ trợ doanh nghiệp dạng này rất mạnh, có như vậy DN mới có động lực đầu tư. Theo tôi thì phải xem ngành công nghiệp bao bì xanh như ngành công nghiệp ô tô vậy, phải có chính sách thúc đẩy nội địa hoá, hỗ trợ DN trong nước mới được, vì sẽ làm lợi cho hàng trăm ngàn DN quốc nội khác trong chuỗi cung ứng. Nếu không có thì những con số rất đẹp này chỉ nằm trên…slide mà thôi.

Ý kiến của vị lãnh đạo DN này nhận được tràng pháo tay hưởng ứng của cả hội trường.

Thử đặt về khía cạnh người tiêu dùng để xem ý kiến này thế nào. Có một con số thường hay được trích dẫn trên nhiều bài báo là: tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam nhận biết và ủng hộ sản phẩm thân thiện môi trường, có yếu tố xanh là rất cao. Điều này đúng và cũng là động lực khiến cho các nhãn hàng theo đuổi định vị sản phẩm thân thiện môi trường… Tuy nhiên đi sâu hơn thì giữa việc nhận biết, có ý ủng hộ với việc ra quyết định mua sản phẩm tại điểm bán vẫn còn một khoảng cách lớn. Thực tế bán hàng tại Việt Nam hiện nay, có thể nói tỷ lệ ra quyết định mua thật sự một sản phẩm vì sản phẩm đó thân thiện môi trường, nhất là bao bì vẫn ở mức khiêm tốn. Nhiều chuyên gia marketing và bán hàng tôi biết cũng có chung nhận định này. Người mua hàng khi chọn sản phẩm không hẳn sẽ nhớ và bị tác động điều mà khi trả lời phỏng vấn hoặc khảo sát trên mạng họ luôn nói “Yes”. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhãn hàng khi quyết định theo đuổi và đưa yếu tố “xanh” vào sản phẩm vì chi phí marketing đương nhiên lớn, chi phí sản xuất cũng sẽ tăng…nhưng hiệu quả doanh số thì khó thấy. Phải là doanh nghiệp có tiềm lực, kiên nhẫn mới theo đuổi được. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giải thích cho lý do vì sao về phương diện xây dựng thương hiệu thì có rất nhiều nhãn hàng đã và đang nói về xu hướng xanh nhưng thực tế hiện nay còn hiếm những doanh nghiệp thật sự đưa nó vào bao bì sản phẩm một cách cụ thể. Cho nên ý kiến của vị lãnh đạo kia đúng là ở chỗ đó. Khoảng cách từ tiềm năng đến đơn hàng cho doanh nghiệp cung ứng cũng còn xa như độ nhận biết và quyết định mua hàng tại điểm bán của người tiêu dùng.

Nói như vậy không có nghĩa là xu hướng này khó thành hiện thực, chúng ta phải thống nhất với nhau rằng tiềm năng là rất rõ ràng nhưng để biến nó thành sản lượng, doanh thu thực tế thì còn rất nhiều việc phải làm. Nhất là chính sách thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành mạnh dạn đầu tư công nghệ.

Ông Cao Minh Việt

Không những thị trường bao bì mà nhiều ngành nghề khác như dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ cũng đang phải đối mặt với các mức tiêu chuẩn xanh ngày càng khắt khe hơn. Để đáp ứng những tiêu chuẩn này, doanh nghiệp hoặc phải đầu tư mua máy móc, công nghệ hiện đại từ nước ngoài, hoặc phải thay đổi nguyên liệu đầu vào, hoặc phải đầu tư và nghiên cứu phát triển để thay đổi, phát triển sản phẩm mới.

Đây đúng là những thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt Nam, với vai trò hầu hết chỉ là gia công và thực hiện theo đơn đặt hàng từ nước ngoài.

Tuy chỉ số sáng tạo của Việt Nam trong GII 2024 đang được xếp ở hạng 44, với vị trí số 1 ở mảng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Tuy nhiên, khó có thể nói là những hàng hóa xuất khẩu này do các doanh nghiệp nội địa Việt Nam tạo ra và xuất khẩu được. Nội hàm của các hàng hóa này phần lớn đến từ các doanh nghiệp FDI lớn. Xem trong nội hàm của GII 2024, điểm số của Tỉ lệ bằng sáng chế/GDP và tỉ lệ tài sản trí tuệ/ tổng mức thương mại của Việt Nam đều đạt 0.0 điểm, với thứ hạng lần lượt là 91 và 105. (trang 248 file GII 2024)

Những thách thức mới và những rào cản công nghệ đã tồn tại trong thời gian dài chính là những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự bán mình của các doanh nghiệp nội, ngoài các nguyên nhân khách quan như chính sách và thị trường vốn.

Ông Ngô Đình Dũng

Để đáp ứng tiêu chuẩn xk sang EU, Mỹ, cũng như các chính sách ESG, về luật định, hiện các công ty SX bao bì đang có những hành động như sau

1. Sử dụng bao bì phân hủy sinh học hoặc có thể phân hủy.

2. Áp dụng công nghệ giảm trọng lượng bao bì để sử dụng ít nhựa hơn.

3. Sử dụng nhựa tái chế trong bao bì, chẳng hạn như nhựa sau tiêu dùng (PCR).

P.A 1 thì chi phí khá cao và khó tìm được loại nhựa phân hủy sinh học phù hợp về độ cứng, độ bền, thẩm mỹ nên đây là thách thức lớn, đặc biệt với các nhà sx bao bì

Với PA 2. Hiện nay, các công ty SX phụ gia lớn như EXXONMOBIL, BASF, … đang chào bán các phụ gia và công thức pha trộn phù hợp để làm tăng độ cứng, giảm độ dầy của bao bì để giảm lượng nhựa phát thải. Áp dụng P.A 2 này có ưu điểm là DN có thể đặt mua nhiều loại bao bì để đáp ứng tiêu chí bán hàng sang EU hoặc có bao bì rẻ hơn cho thị trường ở những nước không khắt khe. Một số tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở VN cũng bắt đầu mua phụ gia cho bao bì hoặc chấp nhận các bao bì theo PA 2. Vấn đề của nhà SX bao bì là họ cũng cần tích cực tham gia cuộc chơi, chịu tiếp đón các phương án sx mới, phụ gia mới để có thể chủ động chào bán các sp bao bì xanh hơn cho các KH khó tính (nhưng tuân thủ luật chơi). Họ cũng nên lưu ý là tay chơi Bao bì lớn SCG cũng đang cạnh tranh miệt mài với họ và SCG cũng cởi mở, đón tiếp các phương án sx mới, nguyên liệu mới, công thức mới để tạo ra sp đáp ứng/ đi trước chọn nhu cầu KH.

Với PA 3 là phương án đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn ở các khâu trong chuỗi giá trị tiêu dùng bao bì, từ khâu SX đến khâu tiêu dùng bao bì. Hiện nay, chúng ta thấy Unilever, Coca Cola là 2 công ty điển hình theo P.A 3 từ các hoạt động như tài trợ cho các công ty như Viet Cycle, Duy tân Recycle thu gom, phân loại bao bì nhựa, tái chế, nghiền thành hạt vụn rồi đưa đến cho các công ty gia công bao bì của mình để họ tái sx ra bao bì cho hành trình mới. Hoạt động này đòi hỏi một quá trình truyền thông, kiểm định, và chứng nhận các nhà cung cấp trong chuỗi để đạt các yêu cầu về minh bạch, lượng hóa tỉ lệ rác thải nhựa dùng tái chế, … nhưng cũng đồng thời được các công ty PR như một hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR), kết hợp marketing, branding. Các công ty này là người chủ động, tiên phong của cuộc chơi, nhưng nếu các công ty SX bao bì biết đu theo, làm truyền thông, mua nhựa tái chế dùng, hoặc chủ động tạo ra các sp có tăng cường phụ gia thì họ lại là người tiên phong trong ngành bao bì. Có lẽ Duy Tân Recycle hiện đang là nhà tiên phong của ngành này ở Vietnam chăng?

Đề tài 3: ỨNG DỤNG “AI” TRONG NGÀNH BÁN LẺ

Ông Phạm Trọng Chinh

Trong ngành bán lẻ, lĩnh vực ứng dụng AI sớm nhất chính là quản lý hàng tồn kho, dự báo sản lượng, có thể nói là từ lúc cuộc cách mạnh AI mới manh nha. Lí do mà “người trong nghề” chúng tôi đưa ra đó là: con AI trong dự báo sản lượng, quản lý hàng tồn kho không cần quá thông minh, và dữ liệu thì đa số doanh nghiệp có thể “tự lo” được.

5 năm trước tôi có may mắn được làm các dự án dạng này, tuy vất vả vô cùng vì ngày đó AI còn thô sơ, giải pháp công nghệ thì chưa có nhiều bên cung ứng tốt, dữ liệu thì phân mảnh và không sạch (vì nó đâu được tổ chức cho AI). Nhưng làm rồi mới thấy hiệu quả tuyệt vời. Những công việc dự báo mà trước đây cả chục người làm thì bây giờ chỉ còn 1 – 2 người, mà chất lượng lại tốt hơn. Đặc biệt, trong bán lẻ, đỉnh cao của dự báo và quản lý hàng tồn kho chính là…làm sao có thể làm theo đơn vị điểm bán (store). Nếu không có AI thì khó ai làm nổi, nhất là những doanh nghiệp bán hàng chủ yếu bằng kênh GT (truyền thống), vốn có số lượng store từ vài chục đến vài trăm nghìn. Lúc này chỉ có AI mới giải quyết được vấn đề. Nếu bạn “nhúng” được con AI này vào hệ thống quản lý bán hàng thì nó sẽ khiến công việc của nhân viên bán hàng giảm tải đi rất nhiều, hiệu quả bán hàng lại lớn.

Theo tôi biết hiện nay tại nhiều DN lớn, AI đã trở thành người trợ lý bán hàng ảo không thể thiếu của salesman. Thị trường Việt Nam đến giờ GT vẫn chiếm 70%, cho nên DN nào làm được 3 việc này thì sống khoẻ: một hệ thống IT quản lý bán hàng mạnh + một AI thông minh tích hợp + một đội ngũ sales thiện chiến. Chắc không còn lo gì nhiều.

Đề tài 4: CHẤT LƯỢNG CỦA TÍN CHỈ CARBON.

Ông Hồ Nguyên Thảo

Cuối tháng 6-2023, Grab đã kêu gọi hành khách đóng góp tự nguyện 1.000 đồng/lần khi sử dụng dịch vụ gọi xe ôm GrabBike, đặt đồ ăn GrabFood và đi chợ GrabMart, 2.000 đồng/lần khi đặt xe hơi GrabCar.

Những khoản quyên góp tự nguyện Carbon Neutral Donation này được Grab dùng để mua các tín chỉ carbon giá trị cao từ dự án Keo Seima Wildlife Sanctuary – khu bảo tồn đa dạng sinh học rừng nhiệt đới rộng khoảng 3.000km2 ở tỉnh Mondulkiri và Katie ở Campuchia. Phần còn lại góp cho dự án trồng rừng của Sống Foundation ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam.

Tín chỉ carbon rừng chất lượng cao được định nghĩa là các tín chỉ từ rừng rậm, có tác động tốt đến cải thiện chất lượng không khí, cuộc sống của cộng đồng ven rừng… Mà trước khi có tín chí thì các đơn vị phải thuê tư vấn, bên kiểm định và cấp chứng chỉ độc lập, rồi mới có thể bán…

Tại một hội thảo ở TP.HCM, các chuyên gia nói rằng cò khoảng hơn 100 tổ chức tư vấn và chỉ 20 tổ chức, đơn vị kiểm định và cấp giấy chứng nhận có giá trị toàn cầu. Tại một hội thảo khác, có chuyên gia lại nói có đến 170 loại tín chỉ carbon trên toàn cầu, giá cả vì thế cũng rất là khác nhau. Trên thị trường tự nguyện thì rất rẻ, thuận mua vừa bán mà, chỉ từ chưa đến 1 đô đến một hay chục đô la mỗi tín chỉ hay một tấn phát thải tương đương. Trên thị trường hạn ngạch, giá lại mắc hơn đến hơn 100 đô la/tín chỉ, và trở thành dạng khác là thuế carbon.

Và ngay trước khi chạy thử nghiệm từ 2025 đến cuối 2027, thị trường tín chỉ carbon Việt Nam cũng đã thiên hình vạn trạng. Cái thiếu cơ bản nhất vẫn là tổ chức tư vấn và cơ quan kiểm định độc lập của quốc tế.

Thị trường tín chỉ carbon Việt Nam cũng như quốc tế đang “loạn” như kiểu doanh nghiệp lo sợ và mò mẫm trong mớ bóng bong ESG (các quy chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị) khi trên thế giới có hơn 600 bộ tiêu chí ESG khác nhau và hàng trăm cơ quan tư vấn. Có hàng thiệt, tất nhiên sẽ có hàng nhái, hàng giả.

Các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan hay Indonesia đã hình thành thị trường tín chỉ carbon từ cuối năm 2022 hoặc năm ngoái, mới nhất như Singapore từ cuối tháng 7 vừa rồi. Họ không có sự háo hứng hay nồng nhiệt như Việt Nam. Bởi như Thái Lan đã chạy thị trường tự nguyện từ hàng chục năm nay đối với các tập đoàn lớn, Hoặc như Singapore đã đánh thuế carbon từ năm 2019, trước khi hình thành thị trường tự nguyện. Thái Lan cũng sắp đánh thuế carbon trên khí thải xăng dầu từ năm tới.

Một số nhà phân tích lý giải là thuế carbon có hai mục đích: một là thu ngân sách, hai là buộc doanh nghiệp phải sớm chuyển đổi xanh.

Nhưng chuyển đổi thế nào để doanh nghiệp vẫn khỏe, mạnh và đi đúng hướng lại là vấn đề mới.

Đề tài 5. TRÍ TUỆ NHÂN TẠO THAY ĐỔI CÁCH DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ

Ông Đồng Phước Vinh

AI sẽ làm thay đổi thị trường dạy ngoại ngữ Tuần này, OpenAI ra mắt tính năng mới cho bản thu phí có tên là ChatGPT Advanced Voice Mode. Tính năng này đã được OpenAI giới thiệu bản demo cách đây khoảng nửa năm. Ngay tại thời điểm demo, cộng đồng dân công nghệ đã trầm trồ vì sự thông minh, uyển chuyển trong giao tiếp của công cụ AI này. Tại thời điểm này, người dùng thật sự ấn tượng vì khi trò chuyện với AI chúng ta có cảm giác đang nói chuyện với con người chớ không phải máy móc. Sự linh hoạt trong lời thoại, cách diễn đạt, ngữ điệu, ứng biến khi bị chất vấn...bằng tiếng Việt của AI này đặt ra một hướng mới: học ngoại ngữ. Hiện nay các mô hình học tiếng 1:1 với giáo viên bản ngữ thường có mức phí khá cao. Nếu đã có căn bản thì việc dùng giáo viên AI này để luyện giao tiếp sẽ giúp tiết kiệm nhiều tiền, thời gian học nhiều hơn, tất nhiên chất lượng không thể bằng học với người thật nhưng có thể chấp nhận được.


Chào các bạn,

Tôi rất vui vì các bạn đã quan tâm và theo dõi bản tin này hàng tuần. Nếu các bạn có góp ý, hay bình luận hoặc có câu hỏi xoay quanh các thông tin thị trường, mời bạn nhấn vào nút "Gửi câu hỏi cho nhà báo Kim Hạnh" bên dưới để tham gia.

Gửi câu hỏi cho nhà Báo Kim Hạnh


Vũ Kim Hạnh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (16/9 - 22/9/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (9/9 - 15/9/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (2/9 - 8/9/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (26/8 - 1/9/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (19/8 - 25/8/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (12/8 - 18/8/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (05/8 - 11/8/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (29/7 - 04/8/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (22/7 - 28/7/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (15/7 - 21/7/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (8/7 - 14/7/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (1/7 - 7/7/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (24/6 - 30/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (24/6 - 30/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (17/6 - 23/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (10/6 - 16/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (3/6 - 9/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (27/5 - 2/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (20/5 - 26/5/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (13/5 - 19/5/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (6/5 - 12/5/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (29/4 - 5/5/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (22/4-28/4/2024) Góc Nhìn 0
V THỦ TƯỚNG LÝ HIỂN LONG VÀ BẢN LĨNH ĐỐI PHÓ ĐẠI DỊCH COVID 19. Góc Nhìn 0
L Tử tế với bản thân Góc Nhìn 0
V Tấm bản đồ cũ Góc Nhìn 0
V TIN VUI Góc Nhìn 0
V TRẠI HÈ “ĐẠI SỨ HÀNG VIỆT TÍ HON”, NHỮNG TIN VUI BẤT NGỜ GIỜ CHÓT Góc Nhìn 0
V “LÀM MAI” ĐƯỢC BÁO TIN VUI… Góc Nhìn 0
V Mua bán niềm tin Góc Nhìn 0

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top