Buôn đất dễ giàu?

VnExpress

Thành viên mới
Hoắng từ quê ra Hà Nội chạy xe ôm kiếm vài trăm nghìn mỗi ngày và cũng là để né các chủ nợ. Sau khi lập gia đình, Hoắng đi buôn đất, được vài năm thì vỡ nợ do "ôm đất" lướt sóng phải lúc thị trường ế ẩm.

Bây giờ, lúc nào nhớ vợ nhớ con, Hoắng lại chạy xe về chốc lát.

Ngoài câu chuyện riêng của mình, cậu cũng say sưa kể với tôi về những người bỗng dưng phất lên nhờ đất. Cậu lý giải thất bại của mình là "do đen đủi". Hoắng nói "bao giờ có vốn, em lại buôn đất".

Tôi rất mong Hoắng sẽ "may mắn lần sau", dù thực lòng tôi có nhiều e ngại, vì qua câu chuyện, không khó nhận thấy cậu nắm được rất ít kiến thức kinh doanh và thị trường nhà đất. Tỷ lệ thành công của những người tay ngang như Hoắng trên thực tế là rất thấp.

Cuộc trò chuyện với Hoắng trở lại và lẩn quẩn trong đầu tôi khi đầu năm nay, tôi đọc được những ý kiến trên một diễn đàn bàn về yêu cầu bằng cấp của các ngành nghề. Tôi nhận thấy có một thành kiến ngầm rằng: rất dễ làm giàu từ kinh doanh bất động sản mà không cần nhiều nỗ lực cũng như kiến thức; và làm giàu như vậy không có gì vẻ vang hay đáng trân trọng.

Ngộ nhận này xảy ra do tình trạng thiên lệch trong tiếp nhận thông tin và tâm lý xem thường kinh doanh (nhất là kinh doanh chênh lệch giá, mua thấp - bán cao) ở Việt Nam.

Quan niệm "có đất là giàu" xuất phát từ thực tế: gần như tất cả hộ gia đình Việt Nam đều sở hữu nhà riêng gắn với đất và theo thời gian, giá đất luôn tăng (nhất là đất phi nông nghiệp). Do vậy, điều ai cũng nhìn thấy là nhiều hộ gia đình khấm khá hơn từ đất và đang ở trên những căn nhà với tiện nghi vừa phải nhưng có giá nhiều tỷ, thậm chí nhiều chục tỷ đồng, trong khi thu nhập khiêm tốn.

Còn suy nghĩ "mua đất là giàu" phần nào đó là hệ quả của những câu chuyện truyền miệng. Chúng ta thường xuyên nghe được từ người khác, chẳng hạn như cách tôi nghe từ Hoắng, về người này người kia trúng đất. Nhưng "tốt khoe xấu che", những "thương vụ" thất bại ít khi được nói tới, nên phần chìm của tảng băng trong kinh doanh bất động sản đã không được nhìn thấy.

Tôi biết nhiều người am hiểu thị trường, có kiến thức về kinh doanh và làm việc ở những cơ quan có lợi thế về thông tin, nắm bắt sớm các quy hoạch... nhưng họ bán mua cũng lúc thắng lúc thua. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ khoảng 25% doanh nghiệp thành lập để kinh doanh bất động sản tồn tại được hơn một thập niên. Với người mua bán tay ngang, số người giàu lên từ đất chưa tới 10%.

Ngộ nhận nêu trên là một nguyên nhân dẫn đến các thành kiến với công việc kinh doanh bất động sản. Như mọi ngành nghề khác, lĩnh vực bất động sản cũng có trường hợp làm ăn bất chính, có người giàu lên dễ dàng và nhanh chóng nhờ cách mua đi bán lại. Nhưng trong khi đa phần doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động bình thường trên nền tảng các quy định và môi trường kinh doanh hiện tại, thông tin về những trường hợp làm ăn bê bối luôn ngập tràn. Bối cảnh thông tin bất cân xứng, những điều tiêu cực được thổi phồng và lan rộng đã dẫn công chúng đến cách nhìn nhận thiếu công bằng với những người kinh doanh tử tế.

Những người đang mua đi bán lại các loại tài sản trên thị trường (chủ yếu là bất động sản và chứng khoán) là một phần không thể thiếu của nền kinh tế. Họ giúp hàng hoá được lưu thông, các doanh nghiệp có thể huy động vốn, bán được hàng, tạo ra của cải cho xã hội. Tuy nhiên, như bao ngành nghề khác, muốn kinh doanh bất động sản thành công cần phải có kiến thức và khả năng hiểu được sự vận hành của thị trường, các nguyên tắc về vay nợ và khả năng quản lý, đặc biệt là quản lý rủi ro.

Ngộ nhận về việc dễ làm giàu bằng đất cũng là nguyên nhân làm gia tăng nhanh chóng số lượng "cò đất" làm ăn bất chính, được tiếp sức bởi môi trường kinh doanh thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ và sự giám sát đầy đủ; tạo nên những vụ lừa đảo và nhiều đợt sốt đất ảo. Sự vỡ nợ của những người như Hoắng và cơn đóng băng của thị trường bất động sản thời gian qua là hệ quả nhãn tiền nhất của thực trạng này. Đây cũng là cơ hội để nhìn thấy, từ góc độ quản lý nhà nước, rằng khuyến khích khởi nghiệp, khuyến khích người dân làm giàu là cần thiết. Tuy nhiên, cần có các cơ chế và chính sách giúp người dân tiếp cận thông tin, tránh tình trạng mập mờ - tạo điều kiện cho một số kẻ bất lương lừa đảo bằng các dự án không có thực, thổi giá bằng các thông tin khó kiểm chứng về quy hoạch và đầu tư của nhà nước.

Điều đáng kỳ vọng là trong năm 2023, việc sửa đổi luật và các chính sách pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật thuế bất động sản... sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ thị trường minh bạch hơn.

Một môi trường kinh doanh lành mạnh cho bất động sản tự thân nó sẽ sàng lọc bớt những người bước vào thị trường bằng tâm thế cơ hội, chụp giật, hoặc trông chờ vào may rủi mà không có đủ kiến thức cần thiết. Quan trọng hơn, nó là mảnh đất nuôi dưỡng việc làm ăn chân chính, tạo ra nhiều của cải cho toàn xã hội.

Huỳnh Thế Du
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top