Chăm trẻ mồ côi

VnExpress

Thành viên mới
Bác người Nhật vốn có mối liên hệ với một gia đình cách mạng tại xã tôi, tài trợ cho trường một khoản tiền. Với số tiền được cấp, các thầy cô quyết định gửi ngân hàng, hàng năm rút tiền lãi để trao cho học sinh, ưu tiên học sinh mồ côi và học giỏi. Tôi thuộc nhóm học sinh đó, dù gia đình không quá khó khăn.

Từng nhận nhiều suất học bổng trong những năm tháng đi học, nhưng đó mãi là khoản hỗ trợ làm tôi không thể quên. Đó cũng là lần đầu tiên và cuối cùng tôi nhận học bổng không chỉ vì thành tích học tập, mà còn vì hoàn cảnh gia đình.

Tôi không biết "bác người Nhật" là ai, chỉ biết đó là người yêu mảnh đất tôi sống. Tình yêu chuyển thành mong muốn cho những đứa trẻ nơi đó, như tôi, được học hành chu đáo. Bị xếp vào nhóm học sinh kém may mắn và cần được hỗ trợ không phải là ký ức vui vẻ gì. Nhưng mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn thấy ấm áp vì cảm nhận được sự quan tâm của một người xa lạ. Khi trưởng thành, tôi cũng ít ngần ngại làm "người xa lạ" giúp đỡ ai đó.

Số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, Việt Nam có khoảng 170.000 trẻ mồ côi đặc biệt, tức là không có gia đình chăm sóc. Các em có thể mồ côi cả bố lẫn mẹ, không còn ông, bà, họ hàng, cũng có thể mồ côi bố hoặc mẹ nhưng người còn lại bỏ đi hoặc không có năng lực hành vi đầy đủ để nuôi dạy con... Hai phần ba số đó, tức hơn 110.000 trẻ, không được bất kỳ tổ chức, cá nhân nào quan tâm, trợ cấp.

Đây mới chỉ là con số thống kê từ năm 2019, trước đại dịch Covid-19. Dịch bệnh ập đến cướp đi hơn 40.000 sinh mạng, khiến hàng nghìn đứa trẻ mất cha hoặc mẹ, hoặc cả hai.

Những đứa trẻ mất đi người thân trong dịch bệnh không có sự chuẩn bị về tinh thần. Lần cuối gặp bố mẹ có thể chỉ là lời nói tạm biệt khi họ được đưa vào bệnh viện, khu cách ly... Chưa kể, những thông tin u ám bủa vây nhiều tháng ròng tác động mạnh mẽ đến tâm hồn non nớt của trẻ, dẫn đến trạng thái sang chấn tâm lý như thu mình, lo lắng, có ý nghĩ tự sát, chống đối... Điều này đã được nhiều chuyên gia tâm lý cảnh báo.

Tại TP HCM, nơi có số trẻ mồ côi vì Covid lớn nhất (hơn 2.200 bé), chính quyền thành phố đã có ngân sách và chế độ vật chất cho các em, duy trì đến khi các em 16 tuổi. Tôi không cho rằng số tiền mỗi tháng từ 500 đến 900.000 đồng mỗi em là đủ, nhưng vật chất chưa hẳn là vấn đề cấp thiết.

Mất cha mẹ là cú sốc tâm lý lớn lao với mỗi đứa trẻ, có thể ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của đứa trẻ đó ngay cả khi đã trưởng thành, nếu không được "chữa lành" đúng cách.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho biết: "Không còn được cha mẹ chăm sóc, các em thường phải chịu đựng những tổn hại về thể chất, tâm lý, cảm xúc và xã hội, để lại những hậu quả suốt đời. Những trẻ em này cũng có nhiều nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, sao nhãng và bóc lột".

Một mô hình hỗ trợ về tinh thần, giúp các em cảm nhận được sự yêu thương, chăm sóc, không bị bỏ lại bên lề, mới là điều cần nỗ lực hơn nữa.

Tôi vừa tham khảo mô hình chăm sóc trẻ mồ côi của một trung tâm tại TP HCM. Bên cạnh việc trao học bổng từng tháng, cập nhật kết quả học tập, mỗi trẻ luôn có một người đỡ đầu, trao đổi thông tin, tâm sự hàng ngày, hàng tuần. Người đỡ đầu thường là tình nguyện viên, hoặc chính là những trẻ mồ côi đã trưởng thành. Nhiều đứa trẻ từ chỗ trầm cảm, sống khép kín dần trở nên tự tin trong giao tiếp, lạc quan về tương lai... Một số em đã xin được học bổng hàng tỷ đồng từ các trường đại học nước ngoài, hay các trường uy tín trong nước như Fulbright, RMIT...

Đông, cậu bé 17 tuổi đang học trung cấp kinh tế, không giấu sự hào hứng khi chia sẻ với tôi những kiến thức kinh tế vĩ mô mà em được học. Đông mồ côi bố, mẹ bỏ rơi, đang sống với bà ngoại tại TP HCM. Người anh đỡ đầu của Đông, trước cũng là trẻ mồ côi và được trung tâm hỗ trợ, hiện học tại Fulbright.

Một kế hoạch dài hơi, bài bản để trẻ mồ côi được chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần là điều phải tính đến, đặc biệt sau những hậu quả nặng nề do Covid-19 gây ra.

Mỗi đứa trẻ sống hạnh phúc và có ích sẽ giúp xã hội bớt đi một người trưởng thành tự ti, bất ổn và âu lo.

Minh Thư
 

Bình luận bằng Facebook

Top