Chi 25.000 USD mỗi năm cho giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài

VnExpress

Thành viên mới
Mức hỗ trợ được Bộ Tài chính đưa ra tại Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2019-2030, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 89 năm 2019 (Đề án 89). Thông tư có hiệu lực thi hành từ 20/7.

Theo đó, hỗ trợ áp dụng với người được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ. Học phí và các khoản liên quan được thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Giáo dục với cơ sở đào tạo ở nước ngoài theo mức thông báo trong giấy tiếp nhận học viên. Nếu học phí cao hơn mức 25.000 USD (hơn 580 triệu đồng), người học phải chịu phần chênh lệch hoặc các trường cử giảng viên đi học sẽ chi trả.

Trường hợp đặc biệt cần thu hút và tạo nguồn giảng viên từ những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét, quyết định.

Với sinh hoạt phí, người học được cấp theo thời gian học tập thực tế, thanh toán định kỳ theo quý hoặc 6 tháng một lần. Mức chi trả sinh hoạt phí một tháng tùy thuộc vào từng quốc gia, khu vực, cụ thể:

SHP-9536-1655348337.png


Giảng viên được cử đi đào tạo cũng được hỗ trợ bảo hiểm y tế bắt buộc, tối đa 1.000 USD mỗi năm; chi phí làm hộ chiếu, visa; tiền vé máy bay một lượt; chi phí đi đường 100 USD cho toàn thời gian đào tạo...

* Xem thông tư

Đề án 89 đặt ra mục tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, trong đó 7% được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 3% trong nước.

Để được đi học theo đề án này, giảng viên cơ hữu, giảng viên nguồn của các trường phải tham gia tuyển chọn. Người tham gia không quá 40 tuổi, đã đáp ứng điều kiện tuyển sinh của chương trình đào tạo, được các trường nước ngoài tiếp nhận; hoặc giảng viên nguồn, cơ hữu đang theo học chương trình tiến sĩ còn thời gian học tập, nghiên cứu từ 18 tháng trở lên.

Người tham gia cũng cần đảm bảo chưa nhận học bổng toàn phần từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn kinh phí khác.

Được tuyển chọn và theo học diện Đề án 89, giảng viên có trách nhiệm hoàn thành chương trình và được cấp bằng đúng hạn. Trong thời gian học tập, nghiên cứu hoặc chậm nhất 12 tháng sau khi tốt nghiệp, người học tiến sĩ phải công bố được kết quả nghiên cứu liên quan trực tiếp tới đề tài luận án trên các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus.

Giảng viên học xong cũng phải trở về cơ sở cử đi học ngay khi tốt nghiệp để làm việc. Nếu không thực hiện đầy đủ những trách nhiệm trên theo quy định sẽ phải bồi hoàn kinh phí.

Ngoài bậc tiến sĩ, giảng viên cơ hữu giảng dạy những ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật, thể dục thể thao được tham gia tuyển chọn để nhận kinh phí hỗ trợ của đề án khi đi học thạc sĩ.

Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để hoàn thành mục tiêu của Đề án 89, trong 10 năm tới, Việt Nam cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ. Riêng năm 2021, đã có gần 1.300 giảng viên đăng ký học tiến sĩ theo Đề án 89.

Dương Tâm
 

Bình luận bằng Facebook

Top