Chính phủ đồng ý không tăng học phí năm tới

VnExpress

Thành viên mới
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng báo cáo nội dung trên, tại cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Minh Khái, chiều 13/6.

Với lộ trình tăng học phí, từ tháng 9 của năm học 2022-2023, giáo dục mầm non công lập tăng 75%; đại học tăng 12,5%.

Theo ông Thưởng, Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo), chỉ quy định khung, trần học phí. Từng địa phương, đơn vị quyết định mức cụ thể học phí cho từng năm học trong phạm vi khung này.

Tổng cục Thống kê ước tính, khi giá dịch vụ giáo dục điều chỉnh, sẽ tác động đến CPI (chỉ số giá tiêu dùng), bình quân cả nước năm 2022 tăng 0,55-1,05%; học phí năm 2022-2023 dự kiến làm CPI tăng 1,5-2,8%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí với giải pháp của Bộ Tài chính, tiếp tục giữ nguyên, không tăng giá dịch vụ giáo dục năm 2022-2023, trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá.

282769259-1197896051028887-978-2860-4058-1655442291.jpg


Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: Nhật Bắc


Tại cuộc họp, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai nói, năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò chủ trì về học phí, giá dịch vụ giáo dục, đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng mức học phí và lộ trình tăng phù hợp. Chủ trương này góp phần bình ổn giá và đảm bảo an sinh xã hội; có chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; tăng cường giám sát giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa, vật tư, thiết bị.

Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Thị Hương thông tin, giá dịch vụ giáo dục trong quyền số tính CPI rất cao (5,45%) và dự kiến có tốc độ tăng 10-19%. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên vẫn còn hỗ trợ. Theo bà Hương, vấn đề đặt ra là, khi không còn được Nhà nước hỗ trợ, phải có giải pháp để các tỉnh, thành phố không đồng thời tăng giá dịch vụ giáo dục.

Kết luận cuộc họp, nhấn mạnh "hết sức thận trọng khi tăng học phí", Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập tính toán kỹ tác động và có lộ trình. Ông nêu con số, theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2030 dự kiến tăng 40-90%, tác động đến CPI chung năm 2022 từ 0,55-1,05%, "là rất lớn".

Theo Phó thủ tướng, cùng với tác động của giá xăng dầu và một số mặt hàng khác cộng hưởng vào sẽ rất khó cho công tác điều hành. Cho rằng, "không phải tăng giá dịch vụ giáo dục là giải pháp cuối cùng", ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục có mức hỗ trợ phù hợp, trong thời điểm nhất định, trên cơ sở nguồn lực ngân sách.

Một số địa phương như Hà Nội đã xây dựng lộ trình tăng học phí dự kiến, áp dụng từ năm 2022-2023. Theo kế hoạch này, học phí năm tới với giáo dục phổ thông tại Hà Nội có thể tăng gấp đôi so với mức hiện hành.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo "cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của Nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên".

Tú Linh
 

Bình luận bằng Facebook

Top