CHUYỀN BÓNG RỒI SAO NỮA?

file.png


Trong một tập thể, một tổ chức, làm gì cũng phải có dự án làm cùng nhau, kết quả người này ảnh hưởng người kia và ngược lại. Cho nên, tất cả chúng ta đểu phải học giao banh, đá banh, phối hợp ăn ý và nhịp nhàng để tạo ra những chiếc goal, những cú sút đẹp, những bàn thắng chung. Có bao giờ bạn thấy, một người chuyền banh qua cho người kia xong im im đứng đó chờ không? Nếu có chắc trận bóng đó trở thành trận đấu chán chường, tào lao nhất thế giới.

Phối hợp, là khi người này chuyền qua cho người kia, rồi cả hai hiểu rằng bước tiếp theo họ cần phải làm gì để quả banh này nó tiến gần tới khung thành, và rồi ai đó trong team, tuỳ tình hình mà họ sẽ quyết định người đó là ai, sẽ sút một cú thật ngoạn mục xuyên qua khung thành, chạm vào cái goal - mục tiêu cho cả đội. Cho đến khi nào quả bóng xuyên qua khung thành và ghi nhận thành tích, tất cả mọi người trong đội vẫn cứ phải phối hợp nhịp nhàng và ăn ý với nhau, người này bọc lót cho kẻ kia, đứa này tương tác với đứa kia, người này tiếp tục từ hành động của người kia, không phân biệt chuyện tui chuyện anh, chuyện mày chuyện tao, chuyện riêng hay chuyện chung gì ở đây nữa hết. Cả đội hoà vào làm một, và họ chỉ hướng tới có một mục tiêu chung, là chiếc goal xinh đẹp vì chiến thắng của cả đội mình.

Đó là chuyện bóng đá. Giờ mượn chuyện bóng đá nói chuyện công việc. Bạn nhận bóng, bạn xử lý bóng, rồi bạn chuyền qua cho đồng đội của mình. Ủa, bạn chuyền một cách có tính toán và chiến lược vì sự nghiệp thắng lợi chung của cả đội chưa? Hay bạn đang chuyền theo kiểu chuyền đại, chuyền qua cho xong, chuyền một đường cho mày hết sống? Bạn có bao giờ hỏi mình những câu hỏi này khi đang chuyền bóng, đầy bóng qua sân người khác hay không? Hay bạn đang làm một cách tiềm thức, không nhận ra mình đang hành động vô trách nhiệm như thế, chỉ để xong việc của mình, còn lại kệ nó? Có người cả đời chỉ học chuyền banh. Bóng tới chân thì hất đi cho nhanh. Bóng tới chân thì đẩy đại cho xong., Bóng tối chân thì tìm cách nào nhanh nhất để đùa sang chân người khác. Vậy, cho nó đỡ mệt, đỡ suy nghĩ, đỡ nhức đầu, đỡ vất vả, và đỡ phải chịu trách nhiệm. Mà kỹ năng đá banh của người Việt mình hơi siêu, vì mình chẳng việc gì phải tin ai, nghĩ tới ai, quan tâm lo lắng gì cho ai, cứ lo cái thân ích kỷ của mình trước đã cho nó khoẻ. Tuyệt đỉnh của màn khoẻ khiến cho người ta đá banh ngày càng giỏi, ngày càng lão luyện, để đạt đỉnh cao là khỏi phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Cái gì mình cũng có chạm vào, rồi đá lẹ, cho mấy đứa kia nó chịu. Còn kết quả, có hay không, được hay mất, thành hay bại là chuyện của mấy đứa chịu trách nhiệm, chẳng liên quan gì tới mình, lo chi cho mệt.

Tâm thế này, tạo ra những cầu thủ tồi tệ, rất dửng dưng, nhưng kỹ năng lừa lừa đẩy bóng qua nhà người ta thì siêu việt. Đẩy xong, coi như xong việc, mặc tụi bây sống chết ra sao. Có người, cố ý như vậy. Rất nhiều người, vô tình và hồn nhiên như vậy, vì không được dạy hay không quen quan tâm tới tập thể, tới kết quả chung, hay đơn giản là quan tâm tới người khác. Làm việc với những người này, rất dễ nổi cơn, vì họ cứ lơn tơn dửng dưng dù việc chưa xong, kết quả chưa hoàn thành, tiến độ đang trì trệ. Mà đã không có ý thức công tác, làm việc nhóm, làm việc tập thể, vì lợi ích chung thì đưa vào dự án nào cũng bể show, dù lớn hay nhỏ. Còn những ai không may phải làm việc với họ thì khả năng phải choàng việc là đương nhiên, khả năng phải tự mình cố giữ bình tĩnh để không nổi cơn thịnh nộ là đương nhiên, khả năng ăn nguyên quả banh vô trách nhiệm là đương nhiên. Có điều, cầu thủ kiểu này rồi ai cũng sẽ tìm cách tránh xa cho đỡ khổ. Họ sẽ lăn lăn cả đời trên những sân bóng không cần những trận đấu hay và hào hứng, và trôi dần vào những trận bóng đá cho có, diễn ra cho đúng thủ tục, không khán giả, không ai mong đợi hay chú ý. Đó, đá banh kiểu nào thì vào sân kiểu ấy. Đá banh kiểu nào thì level kiểu ấy. Không có kẻ đẩy banh vô trách nhiệm trên một chiếc sân lớn như world cup. Là ta thôi, là ta chọn đá kiểu gì.

Cho nên, muốn đá banh thì nên học đá banh chuyên nghiệp, không phải đẩy banh. Tự hỏi mình những câu hỏi sau để kiểm tra độ đẩy banh tiềm thức của mình mà biết cách sửa chữa.

  • Ý định tôi có tốt không khi đá cái sắp đá sang nhà người ta?
  • Nếu tự thấy là có thì OK. Nếu tự thấy mình đang hơi có ý đồ ác, ý đồ không trong sáng, có ý hại người thì chắc thiền lại đi. Đừng tạo nghiệp.
  • Thứ tôi đang sắp chuyển qua sân người ta tôi làm đúng yêu cầu chưa, nghĩ cho người ta chưa, người ta tiếp nhận xong là xài nó được liền chưa? Nếu tự thấy mình đang quá ẩu, quá qua loa, làm chưa tới nhưng vì bất kỳ điều gì khác mà đùa cho nhanh thì coi lại đi. Làm vậy nghĩa là đang tự hạ thấp uy tín và thương hiệu cá nhân của chính bản thân mình.
  • Tôi chuyển qua xong người ta nhận được chưa, có gặp khó khăn gì không, có cần mình giải thích hay giúp đỡ gì thêm không? Người biết nghĩ xa hơn cái cửa nhà mình là người có tầm nhìn, có tư duy hệ thống, có tố chất lãnh đạo.

Rồi, tới đây thì chắc cũng đủ để hiểu hơn về chuyện đá banh, kiểu đá cho người ta thương và cổ vũ chớ không phải đá cho đồng đội mình lăn ra kiệt sức. Cũng chẳng có đạo lý gì quá nghiêm trọng và ghê gớm. Chẳng qua chỉ là cái tâm của mỗi người bỏ vô đó mà thôi.

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top