Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Hôm trước trong bài "HỌ LÀM ĐƯỢC, MÌNH LÀM ĐƯỢC KHÔNG?", mình có đặt vấn đề tại sao các thương hiệu và mô hình nhượng quyền quốc tế cũng từ xuất phát điểm nhỏ xíu, kinh doanh gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ mà nay đã trở thành những đại gia list trên thị trường chứng khoán.
Thật ra, hành trình trở thành công ty đại chúng có nhiều tình huống lắm. Có khi, họ chỉ cắm đầu và chăm chỉ làm, nhưng rồi business nó tốt nên tự sinh sôi nảy nở, rồi sẽ có người nhìn thấy tiềm năng và cơ hội đó mà đẩy nó lên thành game tài chính, list trên thị trường chứng khoán. Có lẽ, những công ty thời đầu là như vậy. Tuy nhiên, nay là thời thế khác rồi. Thị trường chứng khoán đã bắt đầu sôi động với nhiều chuỗi nhượng quyền có ý định IPO ngay từ đầu, và vì vậy họ xây dựng nền tảng rất bài bản, chuyên nghiệp để scale nhanh. Nhiều doanh nghiệp từ ngày số 0 đã tập trung xây dựng hệ thống vững vàng để trong vòng 5-10 năm là list luôn chứ không chờ. Bài toán lúc này là scale bằng franchise, luôn đảm bảo lợi nhuận và tốc độ phát triển hệ thống trên toàn thế giới để giữ cho cổ phiếu của công ty luôn hot. Nói đến phát triển hệ thống trên toàn thế giới thì đâu có cách nào nhanh hơn là nhượng quyền? Lúc này, họ tập trung vào Master Franchising - nhượng quyền độc quyền quốc gia và lãnh thổ.
Theo giới tư vấn đầu tư chứng khoán, "At scale, franchise stocks tend to generate high profit margins because franchisors have relatively low fixed costs and collect recurring revenue from royalties - Khi scale được hệ thống, cổ phiếu nhượng quyền thường tạo ra lợi tỷ lệ lợi nhuận cao vì doanh nghiệp nhượng quyền có chi phí cố định thấp, lại thu được doanh thu định kỳ từ phí royalty (phí sử dụng thương hiệu hàng tháng). Ví dụ, công ty nhượng quyền Planet Fitness từ khi IPO năm 2015, giá trị cổ phiếu tăng 400%. Với mô hình nhượng quyền tinh gọn, chi phí đầu tư thấp, giá thành sản phẩm phù hợp cho thị trường mass, hệ thống đã phát triển hơn 2000 chi nhánh.
McDonald's thì miễn bàn, đây là ông chúa franchise trong làng nhượng quyền thế giới. Với hơn 35 ngàn chi nhánh khắp thế giới, trong đó hơn 90% là chi nhánh nhượng quyền, mô hình asset-light (không bị nặng nề đầu tư vào tài sản cố định), lại thu được tiền thuê mặt bằng và giá trị gia tăng từ sở hữu mặt bằng, cổ phiếu của họ lúc nào cũng hot. Một ví dụ về công ty nhượng quyền F&B khác đã list thành công là Wingstop với hơn 1500 chi nhánh. Mô hình tinh gọn, rất nhiều địa điểm chỉ cung cấp dịch vụ delivery - giao hàng, sử dụng ghost kitchen - bếp ẩn nên chi phí đầu tư thấp, phí nhượng quyền thu cũng rất thấp để scale nhanh. Đây cũng là cổ phiếu nhượng quyền hot được dân tư vấn chứng khoán đẩy thuyền.
Kể ra về doanh nghiệp nhượng quyền đã IPO thành công và đang nắm giữ cổ phiếu hot thì nhiều lắm. Nhưng kể ra ở đây không phải để chúng ta đổ đi mua cổ phiếu nhà người ta. Điều chúng ta nên quan tâm là, các doanh nghiệp nhượng quyền Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp F&B có tư duy được theo cách scale hiệu quả đã được minh chứng này không? Nếu có, thì không thể mơ suông, phải đầu tư xây dựng nền tảng bài bản, chuyên nghiệp, và vững chắc để có thể scale không những tại thị trường nội địa mà còn ra thế giới. Tất cả thật ra phụ thuộc vào khả năng của người dẫn đầu, người lãnh đạo. Còn nếu đã có tư duy này rồi, không có gì khó để tìm ra cách.
Nguyễn Phi Vân