Củ khoai tây trên đi-văng

VnExpress

Thành viên mới
Giờ chơi là lúc tôi được tự do làm những việc mình thích, những điều khiến tôi vui. Đó cũng là cơ hội vàng để tưởng tượng, khám phá và sáng tạo mọi thứ trong tâm trí hoặc với môi trường xung quanh.

Tôi của tuổi mẫu giáo say sưa với những chiếc xe tải đồ chơi lấm lem bùn đất; rồi được làm lụng một chút trong vườn, viết lách về những chủ đề yêu thích trong những năm tháng tiểu học. Và tôi viết nhạc, làm thơ, chụp ảnh khi đã trở thành nam sinh trung học. Tuổi thơ tôi cũng không thiếu những môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, billiards, bầu dục, quần vợt, khúc côn cầu trên băng...

Đó là cuộc sống trước thời đại công nghệ, khi TV chưa trở thành một "bảo mẫu điện tử". Rất may, bố mẹ giới hạn số giờ mỗi tuần mà chúng tôi được phép ngồi trước thứ bị chế nhạo là chiếc hộp ngốc nghếch đó. Gia đình tôi không cho phép con cái trở thành "củ khoai tây trên đi-văng".

Thật thích thú được ngắm nhìn bọn trẻ thả trí tưởng tượng của mình trong lúc vui chơi. Mới đây thôi, tôi nhìn thấy một cô bé giả vờ dùng thìa, múc soup từ chiếc bát rỗng trong lúc chờ thức ăn tại một nhà hàng ở TP HCM. Tôi hỏi "ngon không", cô bé nhoẻn cười, nói "ngon ạ".

Trong khi chờ đợi tại một phòng khám ở Hà Nội, tôi thấy một cậu bé chạy tới chạy lui sờ mó mọi vật xung quanh. Bỗng tôi nghe mẹ cậu nói với bà ngoại cậu: "Để con cho nó cái điện thoại". Cô bật một chương trình dành cho trẻ em và lập tức biến nhà thám hiểm tràn đầy năng lượng kia thành nhà tiêu dùng thụ động của một kênh giải trí.

Vì vậy, thật buồn khi thấy một đứa trẻ dán mắt vào điện thoại hoặc máy tính bảng để chơi game, xem video hoặc cuộn lên cuộn xuống tìm thứ gì có đó Chúa mới biết. Trong lúc ông bà, cha mẹ nghĩ họ đang làm cho trẻ vui bằng thiết bị thông minh, thì ngược lại, những thứ đó kìm hãm sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của trẻ.

Nhưng không may, trong các xã hội định hướng thành tích, vui chơi phải nhường chỗ cho áp lực thành công. Bởi thành công trong học tập được coi là tấm vé dẫn đến một công việc tốt và tương lai ổn định. Peter Gray, một giáo sư tâm lý học người Mỹ, đã quan sát và nhận ra: "Trẻ em ngày càng phải dành nhiều thời gian hơn trong những môi trường mà chúng ít muốn ở nhất. Cái giá phải trả, được đo bằng hạnh phúc và sức khoẻ tinh thần của trẻ, là vô cùng lớn".

Đây không phải là hoài niệm của ai đó đã ở tuổi xế chiều mà là một chiêm nghiệm về những gì đã mất trong nhiều năm qua và sự cầu khẩn trả lại tuổi thơ cho các em. Ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, bao gồm cả đất nước mà tôi đã lớn lên, trẻ em đang quá tải và áp lực. Rất nhiều bậc cha mẹ, thành thực thương con, nhưng đã từ chối cho con cái tham gia vào những hoạt động không chỉ thú vị, bổ ích mà còn cần thiết cho sự phát triển về thể chất, xã hội, cảm xúc và nhận thức của chúng.

Từ điển định nghĩa "vui chơi" là tham gia "vào hoạt động nhằm giải trí và tận hưởng hơn là vì một mục tiêu nghiêm túc nào đó".

Vui chơi được coi là ưu tiên cao đối với sự phát triển cá nhân đến mức được Cao uỷ Nhân quyền Liên Hợp Quốc công nhận là quyền chính đáng của mọi trẻ em.

Tôi nhớ câu chuyện về một cô bé 12 tuổi, hãy cứ gọi cháu là Linh. Linh luôn căng thẳng vì một đống bài tập ở trường, đến mức không có thời gian chơi. Những nhiệm vụ ngoài giờ học của cô bé bao gồm: hoàn thành bài tập về nhà, học piano, tập bơi... Mẹ cô bé đổ lỗi, con mình rơi vào cảnh "như gà mắc tóc" là do không biết sắp xếp thời gian. Bà không muốn con bỏ piano sau khi đã theo học được sáu năm. Hơn nữa, các thành tích ngoại khoá này, bà tin, sẽ giúp làm đẹp hồ sơ vào đại học cho con về sau.

Vấn đề là Linh không thích và không muốn tập đàn.

Hoá ra, chơi đàn là sở thích của mẹ hơn là của Linh. Bà muốn học piano từ khi còn nhỏ nhưng lúc đó gia đình không có điều kiện. Cuối cùng, bây giờ Linh cũng được miễn học piano để có nhiều thời gian vui chơi và làm những điều cô bé thích.

Trước đại dịch Covid-19, Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia ước tính, 15% dân số Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, mắc các chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng, bao gồm trầm cảm, khó ngủ và lo lắng (hoảng sợ và ám ảnh).

Chìa khoá để tạo lập trạng thái cân bằng cho trẻ, tránh rơi vào tình trạng này là bố trí thích hợp các công việc mang tính bắt buộc và những hoạt động giải trí theo ý thích. Đây thường là kết quả của các cuộc thương lượng giữa cha mẹ với con cái để đảm bảo, bọn trẻ sẽ dành thời gian cho các trò chơi ý nghĩa.

Một yếu tố quan trọng khác phụ huynh cần để ý là tính khí của đứa trẻ, tức đó là một cô cậu bé hướng nội hay hướng ngoại. Đứa trẻ hướng nội tìm thấy nhiều niềm vui hơn trong các hoạt động một mình và dễ kiệt sức hoặc buồn chán nếu rơi vào một đám đông quá lâu. Ngược lại, trẻ hướng ngoại được tiếp thêm năng lượng khi ở gần những người khác và thích kiểu tương tác xã hội đó hơn là ở một mình trong thời gian dài.

Chơi, như một phần không thể thiếu của tuổi thơ, mang lại một danh sách dài các lợi ích. Ví dụ, nó góp phần tạo nên sức khoẻ cảm xúc suốt đời bằng cách giúp phát triển sự tự tôn, kỹ năng mềm, khả năng ra quyết định, bản sắc, sự đồng cảm và óc hài hước của đứa trẻ.

Nhìn nhận vui chơi như một hoạt động thiết yếu của trẻ, ở quy mô cộng đồng, đòi hỏi một nỗ lực tập thể, liên quan đến hệ thống giáo dục và cách thức mà cha mẹ chọn để nuôi dạy con cái.

Trả lại tuổi thơ cho con em, thay vì biến chúng thành những "củ khoai tây trên đi-văng" là một mục tiêu đáng theo đuổi, vì lợi ích cho các thế hệ mai sau của Việt Nam và mọi quốc gia khác.

Mark A.Ashwill
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
V Món nợ với miền Tây Góc Nhìn 0
T Miền Tây muốn thoát nghèo Góc Nhìn 0

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top