Đan Mạch tham gia chính sách phòng thủ chung EU

VnExpress

Thành viên mới
"Tối nay, Đan Mạch đã phát đi tín hiệu cực kỳ quan trọng, tới các đồng minh của chúng tôi ở châu Âu, NATO và tới ông Putin. Chúng tôi đang bày tỏ khi ông Putin đưa quân vào một quốc gia tự do, đe dọa sự ổn định của châu Âu, thì chúng tôi sẽ đoàn kết lại", Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu hôm 1/6.

Trong cuộc trưng cầu dân ý, 66,9% trong số 4,3 triệu cử tri đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu đã ủng hộ tham gia Chính sách Quốc phòng và An ninh chung EU (CSDP), còn 33,1% bỏ phiếu chống.

Đan Mạch là thành viên EU từ năm 1973 nhưng có truyền thống nói "không" với việc hội nhập sâu hơn vào EU. Lần gần nhất là năm 2015, người dân Đan Mạch đã bỏ phiếu phản đối tăng cường hợp tác trong các vấn đề cảnh sát và an ninh vì sợ mất chủ quyền trong chính sách người nhập cư.

Động thái mới của Đan Mạch đánh dấu thay đổi sau 30 năm. Thủ tướng Frederiksen giải thích rằng Đan Mạch, quốc gia 5,5 triệu dân, là "quá nhỏ bé để đứng một mình trong một thế giới rất không an toàn". "Châu Âu trước ngày 24/2, khi Nga đưa quân vào Ukraine và châu Âu bây giờ là khác nhau. Khi chiến sự nổ ra trên lục địa, ta không thể đứng ở vị trí trung lập nữa", bà nói.

000-32bq2al-1654129785-6462-1654130209.jpg


Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/6. Ảnh: AFP


CSDP liên quan đến việc triển khai các sứ mệnh quân sự hoặc dân sự để gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và củng cố an ninh quốc tế phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Đan Mạch vốn là thành viên của NATO, nhưng động thái mới sẽ cho phép Đan Mạch tham gia các hoạt động quân sự chung của EU, như ở Somalia, Mali và Bosnia.

"NATO tất nhiên sẽ vẫn là công cụ quan trọng nhất của chúng tôi, nhưng EU cung cấp cho chúng tôi một công cụ khác để đảm bảo vấn đề quốc phòng ở phía đông", Mogens Jensen, phát ngôn viên của đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền cho biết.

Theo Kristian Soby Kristensen, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Copenhagen, EU sẽ được hưởng lợi vì Đan Mạch có kinh nghiệm dày dặn từ các hoạt động của họ trong NATO và các liên minh khác. Tuy nhiên, ông đánh giá động thái này chủ yếu mang tính biểu tượng. "Ý nghĩa chính trị sẽ lớn hơn đóng góp quân sự", ông nói.

Các lãnh đạo EU Ursula von der Leyen và Charles Michel đã hoan nghênh kết quả này. Quyết định của Đan Mạch là "thông điệp mạnh mẽ về cam kết đối với an ninh chung của chúng ta", bà von der Leyen viết trên Twitter, cho hay Đan Mạch và EU đều có lợi.

"Quyết định này sẽ đem lại lợi ích cho châu Âu, khiến cả EU và người dân Đan Mạch an toàn hơn, vững mạnh hơn", Michel bày tỏ.

Bà Frederiksen cũng công bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP, phù hợp với mục tiêu NATO đề ra cho các nước thành viên vào năm 2033.

Hồng Hạnh (Theo AFP)
 

Bình luận bằng Facebook

Top