Hạnh phúc kề bên

file.png


Từ hồi mình lột xuống và quăng đi những sự lơ mơ, ham muốn, lu xu bu tào lao trong đời, dù chẳng làm gì khác, chẳng tìm kiếm chi, lúc nào mình cũng thấy hạnh phúc. Hạnh phúc, thật ra chỉ là một khái niệm, và khái niệm đó mang tính chất rất cá nhân, rất tôi, khi người ta tìm thấy chính mình. Hạnh phúc thật sự chỉ hiện ra, một cách ngây thơ, trong trẻo, và tự nhiên nhất, khi ta quay về, là mình, và hài lòng nhất với phiên bản đó.

Có rất nhiều khái niệm về hạnh phúc được đặt ra bởi những cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội, quốc gia, thế giới, vv. Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu khái niệm về hạnh phúc. Có bao nhiêu ông bố bà mẹ thì có bấy nhiêu khái niệm về hạnh phúc. Có bao nhiêu cộng đồng thì có bấy nhiêu khái niệm về hạnh phúc. Tất cả đều dựa vào hiện thực của môi trường sống, của quá khứ đã qua, của giấc mơ sắp đến, và cả những trăn trở chưa thực hiện. Rồi người ta mang nó ra, những khái niệm rất riêng tư, truyền thông ra ngoài với KPI về reach - mức độ chạm vào và nhận biết thật khủng, để người khác đi theo mình, đi theo khái niệm hạnh phúc của mình, đi theo mong muốn của mình, vận hành theo nguyên tắc của mình.

Ví dụ, tất cả chúng ta đều được truyền thông là, nhiều tiền thì hạnh phúc. Xã hội truyền thông như vậy để người ta lao vào kiếm tiền, làm ra tiền, khẳng định vị thế bằng đồng tiền, xây dựng giai cấp thượng lưu, exclusive - chỉ dành cho người có tiền, vv. Như vậy, thì mới xúc tiến được xã hội tiền tệ và vật chất. Khái niệm đó không có gì sai, vì nó thật sự là chân lý với một số người. Có thể có người, vì có nhiều tiền nên hạnh phúc thật sự, không có gì không đúng ở đây cả. Nhưng có thể nó không đúng với nhiều người khác, khi họ chỉ vì bị truyền thông mà tin vào điều đó, chứ bản thân không tìm thấy hạnh phúc trong sự rủng rỉnh của túi đựng tiền. Cho nên, vấn đề chưa bao giờ là chuyện tiền bạc. Vấn đề là, khái niệm hạnh phúc mà người ta đưa ra có phải là khái niệm hạnh phúc cá nhân của bạn? Nếu có, thì tìm thấy nó bạn sẽ hạnh phúc. Nếu không, thì dù có tìm thấy nó bạn cũng không hạnh phúc. Vậy thôi!

Cha mẹ cũng thế. Cha mẹ nào cũng làm truyền thông ghê lắm, như này là đúng, như kia là không, như này mới hạnh phúc, đề huề, nở mày nở mặt các bên. Khái niệm hạnh phúc của phụ huynh đưa ra, cũng chỉ dựa trên hoàn cảnh, quá khứ, và niềm tin của họ. Khi khái niệm cá nhân của bạn trùng với khái niệm của ba mẹ, bạn làm theo và hạnh phúc. Khi khái niệm của bạn hoàn toàn không liên quan với khái niệm của ba mẹ, dù có làm được KPI họ đặt ra, bạn cũng không hạnh phúc, dù đó là tiền bạc, vật chất, chuyện chồng vợ con cái hay danh tiếng, hào quang. Cho nên, tại sao có rất nhiều người, dành hết cả đời ra cố gắng, phấn đấu, vất vả để đạt được những thứ mà người nhà, người khác mong muốn có được để hạnh phúc, nhưng khi đạt được rồi, bản thân lại cảm thấy không miếng nào hạnh phúc. Đơn giản thôi, vì khái niệm hạnh phúc của bạn chưa bao giờ được nghĩ đến, chưa bao giờ được đặt câu hỏi, chưa bao giờ được quan tâm. Có khi, cả đời, mình đã chỉ sống và làm việc vì khái niệm hạnh phúc của hay cho một ai đó khác.

Có nên trách họ không? Trách ai đó, trách gia đình, trách xã hội đã lừa gạt ta, che mắt ta, khiến ta mù quáng không nhận ra đâu là hạnh phúc? Nhưng nghĩ lại đi, đó là niềm tin của họ, và việc họ truyền thông niềm tin của họ cho thế giới bên ngoài, đâu có gì sai. Sai ở đây là, ta đã nghe theo và tin vào một cách thiếu tư duy, thiếu phản tư và phản biện. Truyền thông là chuyện của bên ngoài. Lựa chọn tin vào truyền thông là quyết định của chính ta. Có khi, ta đã lựa chọn tin vào và lấy đó làm khái niệm của chính mình vì ta ngây thơ, vì ta lười suy nghĩ, vì ta bận quá không kịp suy nghĩ, vì ta muốn chiều lòng ai đó, vì ta nghĩ mình còn thời gian, thôi thì tạm gác lại mong muốn của bản thân để tập trung vào người khác, vv.

Có muôn vàn khái niệm, và cũng có muôn vàn lựa chọn rất cá nhân. Mà khi đã chọn rồi thì đó là chuyện của ta, là trách nhiệm của ta, là cuộc đời của ta mà bản thân mỗi người phải tự mình ứng xử và giải quyết. Không thể và không nên đổ thừa cho ai khác. Hạnh phúc là khái niệm rất cá nhân, và chính bạn là người quyết định khái niệm đó là gì. Cũng chính bạn là người quyết định, khi nào lá thời điểm tốt nhất để triển khai và hiện thực hoá khái niệm đó của mình. Vì đời này, cuối cùng chỉ có một mình ta là chịu trách nhiệm về hạnh phúc của bản thân thôi. Không ai khác.

Như vậy, có ích kỷ quá không?

Nếu sống vì người khác là hạnh phúc của bạn thì chúc mừng, bạn đang tạo ra hạnh phúc cho mình bằng cách sống vì người khác. Nếu sống để hoàn thành giấc mơ người khác không làm cho bạn hạnh phúc thì, tại sao bạn lại chọn cách này? Chọn, nghĩa là bạn đang đánh đổi hạnh phúc cá nhân mình với một thứ gì đó khác. Chọn, nghĩa là bạn cảm thấy cuộc đổi chác này nó đáng, nó fair, nó hợp lý với bạn tại thời điểm hiện tại. Cho nên, bạn quyết định delay - trì hoãn hạnh phúc cá nhân, đánh đổi hạnh phúc cá nhân vì nó. Vậy, thì cũng là sự tính toán và lựa chọn của bạn thôi, đâu trách ai cho được. Đánh đổi như vậy có đúng không? Đâu ai trả lời được. Fair hay không fair lại là khái niệm hết sức cá nhân, nào có đong đếm được đâu. Người rao giảng đạo lý có thể phán xét và cho là bạn sai khi chạy theo thứ gì khác mà đánh đổi hạnh phúc cá nhân. Nhưng người ta có ở trong hoàn cảnh của mình đâu mà biết. Có khi, tại thời điểm đó, trong hoàn cảnh đó, ở khúc quanh đó, bạn cần đánh đổi thì sao? Có điều, đánh đổi là đánh đổi, hãy rất rõ ràng về điều đó, đừng cố thuyết phục mình thứ bạn vừa đánh đổi chính là chân lý, là hạnh phúc của bạn để tự lừa dối, huyễn hoặc bản thân mình.

Đánh đổi một đoạn rồi quay về có được không?

Đương nhiên là quá OK rồi. Quay về là trạng thái của rất nhiều người, kể cả bản thân tôi. Khi mình không được chỉ cho con đường đúng từ hồi sớm, lỡ có loanh quanh mỏi mệt, giờ trở về thì vui quá đó thôi. Đời này, everything happens for a reason - mọi thứ xảy ra đều có mục đích của nó, ngay cả chuyện quay về. Có đi, mới mệt. Có mệt, mới quyết tâm quay về và trút bỏ mọi sự tào lao mà đời đã khoác vội lên người. Bằng không, sao biết mình tào lao cỡ nào mà trút bỏ? Muốn trong, có khi cần hiểu rất rõ thế nào là đục. Muốn về, có khi cần trải qua sự rã rời của những chuyến đi. Vậy thôi. Ở đoạn nào, thời nào, hiện cảnh nào thì ta chọn cách đối diện với hạnh phúc rất khác nhau. Và lựa chọn nào cũng có cái đúng cái sai của nó, kể cả khi ta chọn khái niệm hạnh phúc rất cá nhân đi nữa, nó cũng có thể sai với một số người. Mà đời, ai chịu trách nhiệm cái cuộc của người đó, chớ biết làm sao làm vừa lòng hết thảy mọi người cho được?

Nên, bàn về hạnh phúc thì bàn mãi không xong, vì mỗi nhà mỗi cảnh. Có điều, hạnh phúc nó đơn giản lắm, chỉ là khái niệm do bạn đặt ra. Khi biết nó là gì với bản thân mình, nó có thể ở ngay bên cạnh đó thôi, vẫn song hành cùng ta trước giờ đó thôi, vẫn giản đơn mộc mạc quanh ta đó thôi, chỉ có điều là ta không rõ về khái niệm cá nhân nên chưa kịp nhìn thấy được. Còn lại, dù bạn chọn thế nào, tại thời điểm nào, vì bất kỳ lý do nào, lựa chọn của bạn cũng OK hết. Chỉ cần bạn rất rõ ràng tại sao mình làm như thế, và biết đường trở về sẽ như thế nào và sẽ bao xa.

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Top