Hãy mở rộng lòng

bemai2011

Thành viên mới
Tại sao khi gặp cảnh người ăn xin chúng ta lại tỏ ra thờ ơ, khó chịu hơn là cảm thương?

Trong xã hội có muôn vàn thứ nghề, thiên biến vạn hóa các thứ nghề khác nhau giúp con người kiếm tiền để sinh tồn và phát triển. Khi mà ranh giới giữa việc ăn xin thật và ăn xin giả rất mong manh thì ăn xin vẫn tồn tại như một thứ nghề.



Khi con người không còn khả năng lao động bởi họ thiếu đi một phần cơ thể, hay bởi họ không còn nơi nương tựa và khi họ không còn sức khỏe để làm một nghề nào trong xã hội nhằm duy trì cuộc sống họ phải đi ăn xin, nói cách khác họ kiếm ăn trên tình thương và lòng chắc ẩn của con người. Thật đáng thương khi gặp một cụ già chỉ còn da bọc xương không có lấy một manh áo ấm, chìa đôi bàn tay gân guốc, đen đúa lẩy bẩy xin những hào tiền lẻ của đồng loại, cũng đáng thương lắm chứ khi chứng kiến người ta thiếu đi đôi chân, thiếu đi đôi bàn tay lê lết bò toài trên mặt đường, trên rác rưởi...và thật đáng thương biết bao khi gặp những em bé đang ở cái tuổi được ăn được mặc, được vỗ về lại lang thang vỉa hè góc phố, nhòm ngó bên những quán ăn chờ đợi thứ đồ ăn rơi vãi, ánh mắt của sự đói khát, ánh mắt đầy van lơn và cầu khẩn.

Tôi nghĩ rằng không ai sung sướng gì khi phải đi xin sỏ 1 cái gì đó, đặc biệt là xin miếng ăn. Người đi xin mong muốn nhận được sự cảm thương của người cho, có người cho không nói gì lẳng lặng mà cho. Có người cho thì xuýt xoa “rõ khổ” có người cũng cho nhưng theo cái kiểu mà chỉ 1 lần thôi ta thử thả mình vào tâm trạng của kẻ đi xin, có lẽ mới cảm nhận được cái gọi là tủi nhục. Một lần nọ tôi đã chứng kiến cảnh đám thanh niên kia dừng lại trước một người ăn xin 2 chân teo tóp khòng khèo, lê trên lòng đường lô nhô sỏi đá, một người trong đám thanh niên kia rút cục tiền trong túi ra, anh ta rút một tờ 10 ngàn gì đó rối anh vân vê nó, anh ta ngửi nó, rồi cầm tờ tiền đưa đi đưa lại vào mặt người ăn xin cùng với thái độ khinh bỉ và đám thanh niên cười hô hố với nhau, cười trên đau khổ của kẻ ăn mày, rồi anh ta cũng thả tờ tiền vào cái ca nhựa méo mó và nhem nhuốc của người ăn xin kia, cái cách anh ta bố thí là một trò tiêu khiển bán dẻ lòng nhân ái vốn có của con người.

Và một lần gặp cô em nhỏ của tôi. Nhỏ nước mắt ngắn dài, nhỏ khóc không phải vì bị mẹ la, không phải vì điểm kém mà nhỏ khóc vì khi sớm chứng kiến cảnh 2 chị em đi xin. Người chị cõng đứa em dị tật ngây ngô đi qua các bàn ăn sáng xin tiền hay xin một thứ gì đó, cái mà người chị nhận được là những lời xua đuổi, những cái nguýt mắt vô cảm. Rồi cũng có một ông to béo vẫy người chị lại.

Ông ta chìa đôi chân ra và nói: Mày lau sạch giầy cho tao thì tao cho ăn.

Người chị cõng đứa em để vào góc nhà và lau giầy cho ông to béo kia, thành quả mà ông to béo trả lại cho 2 chị em là bát phở thừa ông ta dồn vào của máy bát bên cạnh. Người chị bê bát phở thừa thãi ra cho người em ngây ngô húp xì xụp bên xó nhà. Em của tôi khóc bởi nhỏ chưa đủ trải nghiệm để hiểu được lòng người và hành động của con người, những cái nhỏ học trong sách vở không giống với thực tế mà nhỏ gặp. Nước mắt của tình thương chưa bị đánh mất như bao người.

Sự thực có biết bao mảnh đời đi xin vì những di chứng của chiến tranh để lại, của đói nghèo bệnh tật, họ bị dồn vào bước đường cùng phải đi xin, kiếm tìm lòng trắc ẩn của con người. Nhưng hình như trên thực tế khi gặp cảnh người ăn xin chúng ta lại tỏ ra thờ ơ, khó chịu hơn là cảm thương, mà chỉ thả lại những ánh mắt lạnh lùng, lảng tránh và những bước chân thật vội vã. Tại sao lại vậy?

Một câu hỏi mà không thể có câu trả lời thích đáng.

Bởi không thể trách con người khi niềm tin của họ đã bị đánh mất, khi tình thương của họ bị lợi dụng, bị lừa trắng trợn vì những kẻ “ăn xin giả” chúng làm trò diễn kịch và giở những thủ đoạn thất đức chỉ nhằm múc đích moi tiền. Vô hình chung đã tạo cho chúng ta phản ứng tiêu cực với những hoàn cảnh thực sự cần đến sự cứu vớt của đồng loại.

“Giả và thật” hai mặt luôn tồn tại đòi hỏi chúng ta phải biết nhìn nhận đánh giá, đối với những hoàn cảnh ăn xin có nhiều cách để giúp đỡ hơn là cho. Các hoạt động giúp đỡ tập thể, có tổ chức của nhiều người, nhiều ngành đang là mô hình khá phổ biến tất cả hướng đến một xã hội không còn đói nghèo và văn minh hơn.

Hãy mở rộng lòng mình, biết rung động, bao dung hơn để khơi dậy tình yêu thương trong chính tâm hồn mình các bạn nhé !

Sưu tầm
 

Bình luận bằng Facebook

Top