Lao đao thi lớp 10

VnExpress

Thành viên mới
Con anh bốn năm THCS đạt học sinh giỏi. Khi thi, cháu được 6 điểm Văn, 7.75 Toán, 8.75 Tiếng Anh.

Theo cách tính của Hà Nội, điểm Văn - Toán nhân đôi, tổng điểm của con anh là 36.25, trượt nguyện vọng 1 vào THPT Cầu Giấy, và bằng đúng điểm chuẩn của trường mà cháu đăng ký nguyện vọng 2 - THPT Tây Hồ. Thí sinh trượt nguyện vọng 1 được xét đến nguyện vọng 2 nhưng phải cao hơn một điểm so với điểm chuẩn của các trường này. Như vậy, cháu trượt cả hai trường công lập.

Hà Nội nhiều năm nay tổ chức một cuộc thi chung để xét tuyển cho hơn 100 trường THPT công lập trên địa bàn. 30 quận, huyện, thị được chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Theo quy định năm 2022, mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào trường công lập. Trong đó, nguyện vọng một và hai bắt buộc đăng ký tại trường thuộc khu vực mà thí sinh có thường trú, nguyện vọng ba được đặt ở bất kỳ trường nào.

Tôi hỏi anh vì sao không tận dụng tối đa 3 nguyện vọng, anh Nam mệt mỏi nói, gia đình đã tính kỹ, chuyện học của một đứa trẻ không chỉ liên quan tới cái trường, mà còn ăn ở, đi lại. Chỉ với hai trường này, gia đình mới đảm bảo thuận tiện cho quá trình học tập và sinh hoạt của con.

Phần sau câu chuyện của gia đình anh kịch tính hơn. Sau khi trượt công lập, con anh trở nên hoang mang, cảm thấy tương lai đóng sầm lại trước mặt. Thương con, hai vợ chồng anh tra cứu mọi thông tin trên mạng để chọn một trường THPT ngoài công lập. Nhưng đa số các trường đều có mức học phí và các khoản thu khác cao hơn rất nhiều khả năng đáp ứng của gia đình. Cuối cùng họ chọn một trường bán công.

Tuy nhiên, cháu phải tham gia làm một bài thi nữa theo đề của trường. Cháu thi ngày 10/7. Nhà trường thông báo, bắt đầu từ 8h sáng ngày 12/7 sẽ công bố kết quả.

Vợ chồng anh dậy sớm, ngồi chờ từ 8h. Tuy nhiên, sau đó, nhà trường hoãn đến 13h30 mới công bố điểm thi.

Từ lúc này, anh nói, hai vợ chồng như ngồi trên đống lửa. Bởi các trường dân lập mà con đủ tiêu chuẩn và gia đình có thể cố gắng chi trả được đều nhắn tin thông báo sẽ khóa sổ tuyển sinh vào chiều 12/7 và có thể khoá sớm hơn nếu đã đủ chỉ tiêu.

Qua 13h30, trường vẫn chưa công bố điểm. Mãi đến gần 15h, gia đình mới nhận được thông tin và thở phào vì con được chấp nhận.

"Suốt một đời chúng tôi đi làm đóng thuế để góp phần duy trì hệ thống giáo dục công lập, con tôi cũng không thuộc diện học kém. Vậy mà, cháu không thể được Nhà nước cho học trong hệ thống trường THPT công lập Hà Nội", sau "cơn lao đao", anh đặt câu hỏi.

Ngoài sự buồn bực về việc đóng thuế đầy đủ nhưng con mình bị đẩy ra khỏi hệ thống giáo dục công lập, anh Nam còn rất băn khoăn về cách tính điểm của Hà Nội. Nếu không nhân hệ số như cách làm của TP HCM, con anh sẽ được 22,5 điểm - mức điểm được chấp nhận tại 105 trên tổng số 108 trường công ở TP HCM. Dù đề thi của hai thành phố là khác nhau, nhưng anh Nam đưa ra con số đó để chứng minh, học lực của con anh không quá tệ.

Hà Nội nhiều năm nay duy trì cách tính nhân hệ số hai môn Toán - Văn vào tổng điểm xét tuyển lớp 10. Những năm thành phố thi bốn môn, Ngoại ngữ và môn thứ tư sẽ tính hệ số một.

Thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 9/2021 đã thay đổi cách tính điểm các môn, nhằm loại bỏ quan niệm phân biệt môn chính - phụ trong đánh giá, phân loại. Các môn "được đối xử" bình đẳng như nhau.

Tôi vì thế không hiểu tại sao Hà Nội lại nhân đôi điểm Toán - Văn. Có phải Hà Nội muốn một đứa trẻ phải nỗ lực học môn Văn, môn Toán gấp đôi nỗ lực học các môn học khác?

Quy định này liệu có khiến môn Toán và môn Văn trở thành môn học chính và các môn học khác trở thành môn học phụ, đi ngược lại với nỗ lực thay đổi nhận thức về môn chính - phụ của Bộ Giáo dục.

Từng có thời gian dài làm việc trong ngành giáo dục, tôi hiểu một thực tế là sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, lãnh đạo ngành giáo dục thành phố có thể e ngại, trình độ ngoại ngữ của học sinh ngoại thành khó có thể cạnh tranh với trẻ nội thành trong một cuộc thi chung. Vì vậy, khi giảm nhẹ tính quan trọng của môn ngoại ngữ trong tổng điểm xét tuyển, cơ hội vào công lập của học sinh ngoại thành sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nếu vì lý do này, tôi cho rằng đây là chính sách phi khoa học, gây ra sự bất bình đẳng mới với nhóm thí sinh khác mà không giải quyết được vấn đề chênh lệch trình độ ngoại ngữ giữa các vùng khác nhau.

Hệ thống trường công ở hai thành phố Hà Nội và TP HCM hiện chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu theo học bậc THPT của người dân. Thực tế này khiến nhiều ý kiến cho rằng, phải cạnh tranh là chuyện bình thường.

Nhưng một cuộc cạnh tranh sống còn để giành cơ hội tiếp cận giáo dục cơ bản ở những đứa trẻ 15 tuổi theo tôi không những bất thường mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho chính cuộc sống của chúng.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại khoa học công nghệ 4.0 trong việc đào tạo và tuyển chọn, phát triển nguồn nhân lực một cách phù hợp nhất với thực tế cuộc sống, Việt Nam cần phổ cập giáo dục bắt buộc hết bậc THPT, thay vì chỉ đến bậc THCS như hiện nay.

Theo Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên Hợp Quốc, có hiệu lực từ 3/1/1976, quy định giáo dục bắt buộc về nguyên tắc là giáo dục miễn phí. Trong điều kiện ngân sách có hạn, nếu chưa thể miễn phí giáo dục đến hết THPT, chúng ta ít nhất cần có đủ trường công để đảm bảo quyền được tiếp cận giáo dục đến hết bậc THPT của những đứa trẻ mà cha mẹ chúng vẫn cần mẫn đóng thuế cho ngân sách - với tối thiểu 20% chi cho giáo dục.

Trương Trương
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
V Xã hội thi cử Góc Nhìn 0

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top