Những vết sẹo oan ức

Lê Thị Huyền Trang

Thành viên mới
Trí nhớ của tôi luôn nhắc lại câu nói này vào mỗi kỳ thi đại học. Sự "đầu tư" của bố ở đây là dùng chiếc Simson này chở tôi đi thi ở một địa điểm xa nhà. Suốt nhiều năm đi học, tôi hiếm khi nhận được sự quan tâm chân thành và chủ động của bố.

Tôi không nói gì, lặng lẽ vào nhà học lại những gì dự đoán có thể xuất hiện trong đề thi ngày hôm sau. Năm ấy, tôi là một trong số ít người trong xã đỗ đại học. Nhiều bạn bè tôi trốn ở nhà hoặc lao ra đồng làm việc để quên đi nỗi buồn thi trượt. Dù biết kết quả sớm, tôi vờ như chưa có thông tin khi hàng xóm hỏi thăm. Tôi không muốn hoan hỉ khi các bạn mình đang rất buồn. Nhưng bố tôi không giữ được niềm vui đó, ông đi khoe với nhiều người trong xóm.

Trong suy nghĩ của một đứa trẻ mới lớn, tôi đã cho rằng, bố muốn tôi đỗ đại học chỉ để hãnh diện với làng nước. Khi trưởng thành hơn, tôi hiểu, chuyện không hẳn như mình nghĩ. Đó là phản ứng của phần lớn phụ huynh khi thấy con cái đỗ đạt như mình kỳ vọng.

Nhiều đứa trẻ ngày nay vẫn đang được đo lường sự thành công bởi các yếu tố bên ngoài. Một trẻ mẫu giáo có thể nhận sự "quy kết" từ người lớn "chắc con hư nên cô mới không phát phiếu bé ngoan". Lớn hơn một chút, điểm số và giấy khen sẽ là thước đo. Nếu không như kỳ vọng, trẻ có thể bị buộc phải chịu trách nhiệm cho sự thất bại học tập hoặc một loại thất bại nào đó mà người lớn gán cho. Cuối cùng những người lớn được coi là thành công khi họ mang nhiều tiền về cho gia đình hoặc chiếm được một vị trí quan trọng trong xã hội. Chúng ta không thường xuyên đo thành công bằng các yếu tố bên trong như sự hạnh phúc, vì đôi khi nó vô hình, cần nhiều thời gian, công sức và khả năng nhận thức.

Một cá nhân có thể học bất kỳ điều gì ở lĩnh vực nào, nhưng sự thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng bao gồm cả gia đình (mức độ giáo dục, quan tâm của bố mẹ với việc học, tình hình tài chính...), trường học (quy mô lớp học, phương pháp giảng dạy, sự chú ý của giáo viên, các tiện ích, cách thức tính điểm...) đặc điểm vùng miền hoặc quản trị (mức độ kinh tế - xã hội, chính sách giáo dục...). Điều đó nghĩa là thành tích học tập của đứa trẻ không chỉ phụ thuộc vào khả năng và quyết định của chúng, đồng thời cũng không hoàn toàn đại diện cho năng lực cá nhân hoặc bộ mặt gia đình.

Lời khen không phải lúc nào cũng gây hiệu ứng như nhau. Một lời khen chân thành, nhanh chóng và trực tiếp sẽ có ảnh hưởng tích cực tới cá nhân. Tôi ước mình nhận được lời khen trực tiếp từ bố trong sự nhân từ, thay vì biết chúng qua phản ánh của hàng xóm hoặc nghe lỏm được. Trước khi mất, bố nói rằng tôi bị vứt vào hoàn cảnh nào cũng có thể sống sót được. Tôi coi đó là một lời khen đến muộn.

Trẻ sẽ chú ý vào điều mà bố mẹ chúng quan tâm và học hỏi cách giải quyết vấn đề từ người nuôi dưỡng. Nếu người lớn chỉ chú ý vào điểm số, trẻ có thể tìm mọi cách để có điểm tốt, kể cả gian dối. Dưới góc độ dịch vụ, nhà cung cấp sẽ luôn tìm cách thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Các giáo viên có thể sẽ ngừng thao túng điểm của học sinh nếu những người trả học phí chỉ chú ý đến việc con họ học được gì từ trường chứ không phải bảng điểm. Tôi ước bố ít khoe khoang đi và chú ý hơn đến những khó khăn và những việc tôi đã làm để thấy tôi đã nỗ lực thế nào trước thách thức. Bởi như thế, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn lớn hơn sẽ đến trong đời; để khi còn nhỏ, tôi sẽ không nghĩ rằng với bố trượt đại học là bằng 0 và đỗ đại học thì bằng 10.

Trong luận án nghiên cứu tâm lý của tôi, công bố năm 2022 tại Trường Đại học Giáo dục - Đại học quốc gia Hà Nội, khảo sát học sinh THPT tại Hà Nội và Hưng Yên, cho thấy 84,3% học sinh trải qua ít nhất một trong 13 loại trải nghiệm thơ ấu tiêu cực. Lạm dụng tình cảm bởi cha mẹ hoặc những người giám hộ có số lượng học sinh báo cáo đông nhất 51,2%. Cha mẹ bỏ bê tình cảm (thể hiện tình cảm xa cách, không hiểu con) là 34%. So với kết quả khảo sát cùng thang đo, thực hiện trên sinh viên y khoa công bố năm 2015, lạm dụng tình cảm có xu hướng tăng mạnh nhất. Có lẽ do lạm dụng tình cảm vẫn được nhiều người ủng hộ và ít nhận được trừng phạt của pháp luật nên có xu hướng phổ biến hơn. Cha mẹ lạm dụng tình cảm như la mắng, quát nạt, chửi bới... với con cái cũng liên quan đến mức độ căng thẳng mà họ đang phải chịu đựng trong cuộc sống. Các nghiên cứu của tôi và nhiều đồng nghiệp cho thấy, tích lũy càng nhiều sự kiện gây căng thẳng cao độ và kéo dài trong thời thơ ấu thì dự báo về việc hung hăng và khả năng ý tưởng tự sát càng lớn.

Cả một thời gian dài tôi và bố đã thất bại trong việc hiểu nhau cần gì và tạo ra những khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau. Vì thế, chúng tôi đã gây những áp lực lên nhau một cách không cần thiết, khiến cả hai phải chịu đựng những vết sẹo oan ức và làm suy giảm tình thân. Hình ảnh của chúng tôi có thể thấp thoáng trong nhiều gia đình khác.

Nhưng tôi tin tưởng sẽ có những thay đổi lớn trong quan hệ cha mẹ và con cái, bởi phụ huynh đang dần nhận ra điều gì mới thực sự tốt cho con họ bằng cách học hỏi cả những thành công và thất bại từ chính trải nghiệm của họ và những người khác.

Lê Thị Huyền Trang
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top