Phụ huynh trường quốc tế

VnExpress

Thành viên mới
Điều tôi quan tâm không phải em nào là thủ phạm hay nạn nhân, mà là cách hành xử của trường và phụ huynh. Câu chuyện khiến tôi nhớ về mẹ tôi.

Mẹ tôi từng là giáo viên tiểu học hơn 35 năm ở một trường công lập vùng ven TP HCM cho đến khi về hưu gần 20 năm trước. Từ khi bắt đầu có nhận thức, tôi không ít lần chứng kiến cách mẹ ứng xử với phụ huynh ở trường cũng như khi họ tìm đến nhà chúng tôi. Đa phần câu chuyện xoay quanh những xích mích, va chạm của trẻ. Mẹ tôi thường được phụ huynh yêu cầu chỉ điểm đứa học trò gây sự, nhưng lần nào cũng vậy, bà kiên quyết từ chối. Mẹ tôi coi tất cả học trò như nhau và bảo vệ chúng khỏi bất kỳ sự đe dọa nào. Bà cho rằng làm rõ sự việc cũng như giáo dục hay răn đe bọn "quỷ nhỏ" - trong phạm vi quan hệ giữa các học sinh với nhau - là trách nhiệm của giáo viên và nhà trường. Nhà tôi và trường mẹ dạy nằm trong khu lao động nghèo nên không ít lần, phụ huynh - vốn là những "anh chị" ở khu chợ - hung hăng, gây sức ép hay đe dọa, nhưng mẹ vẫn cứng rắn, thậm chí còn dọa báo công an bảo vệ học sinh.

Đó là câu chuyện của nhiều chục năm về trước - khi khái niệm "thị trường giáo dục" chưa tồn tại. Nói cách khác, đó là thời điểm mà xét về tổng quan, trường học không có quyền lựa chọn học sinh và phụ huynh cũng không có quyền chọn trường cho con, cũng như không tồn tại giao dịch kinh tế trong quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh.

Vài năm sau khi mẹ tôi nghỉ hưu, thị trường hoàn toàn mở cửa cho giáo dục, tôi có dịp tham gia vào "thị trường giáo dục" tại một trường phổ thông ngoài công lập với các chương trình giảng dạy từ nước ngoài, nghĩa là học sinh đến từ các gia đình giàu có. Ở nơi ấy, nhà trường được tự do để lựa chọn giáo viên theo tiêu chí của trường. Và tôi - với tư cách một giáo viên - cũng được tự do quyết định tham gia hay không vào việc giảng dạy ở đấy.

Mỗi quyết định ở mỗi phía đều bao gồm nhiều yếu tố, nhưng rõ ràng, đó là sự kết hợp tự nguyện. Về phần mình, yếu tố khiến tôi chấp nhận vì trường có những giới hạn nhất định trong việc nuông theo "thượng đế" của mình - phụ huynh và học sinh. Nhờ vậy, các em học sinh - dù không phải đều ngoan hay chăm chỉ - biết rõ chừng mực. Nói cách khác, trong sự tự do của thị trường giáo dục, nhà trường và phụ huynh tự nguyện tìm đến nhau, chấp nhận những tiêu chí của nhau và tôn trọng nhau.

UNICEF - Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc - thúc đẩy việc giữ cho môi trường học đường an toàn và lành mạnh. Trong đó, theo tôi, môi trường học đường an toàn chỉ có thể bao gồm các yếu tố đã được chọn lọc trước để phục vụ trẻ em và dĩ nhiên, không bao gồm phụ huynh - những người muốn tiếp cận với trẻ mà mình không phải là cha mẹ hay người giám hộ. Việc xử lý sự va chạm của học sinh trước tiên trong phạm vi nhà trường và giữa học sinh với nhau là điều tiên quyết trong một môi trường giáo dục an toàn. Dù vậy, tại sao cách xử lý của mẹ tôi vài chục năm trước buộc phụ huynh phải chấp nhận nhưng việc khước từ yêu cầu tương tự của phụ huynh ở trường quốc tế lại khiến dư luận dậy sóng? Theo tôi, nguyên nhân đến từ hai lý do sau đây.

Thứ nhất, phụ huynh của trường này cũng như rất nhiều người ủng hộ họ trên truyền thông xã hội cho rằng khách hàng là Thượng đế và vì họ đã trả rất nhiều tiền (so với mặt bằng của đa số trong xã hội) nên nhà trường (người cung cấp dịch vụ) phải có nhiệm vụ thỏa mãn mọi yêu cầu của khách hàng - cho dù là yêu cầu sai với tôn chỉ phục vụ. Nói cách khác, đồng tiền thao túng nhiều thứ, kể cả tiêu chí môi trường lành mạnh như UNICEF đang cố gắng thúc đẩy.

Thứ hai, danh xưng "quốc tế" của trường học dường như khiến xã hội liên tưởng đến các khu nghỉ dưỡng hay dịch vụ sang trọng đẳng cấp mà ở đó khách hàng được chăm sóc hay phục vụ tận răng.

Hơn mười ngày trước, anh Huân - một người cha có con đang học một trường quốc tế ở TP HCM - chia sẻ với tôi hai lý do về quyết định chọn trường của mình. Thứ nhất, nhà trường và gia đình Huân tìm thấy được điều kiện chung về tài chính - cách giáo dục - cách chăm sóc bảo vệ trẻ. Nếu lúc nào đó, những thứ ấy không còn được các bên tôn trọng thì sự chia tay là điều cần thiết. Thứ hai, việc cho con theo học tại môi trường có nhiều cá nhân - cho dù là học sinh hay giáo viên - đến từ các nền văn hóa khác nhau, sẽ khiến trẻ làm quen và học cách chấp nhận sự khác biệt.

Tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm này với Huân. Con tôi được gửi đến một ngôi trường mà nhà trường và gia đình cùng chia sẻ những triết lý giáo dục chung. Con tôi cũng từng cảm thấy bị bắt nạt trong những ngày đầu tiên đi học vì cách chơi của bé bị lấn át bởi cách chơi của những đứa trẻ khác. Là phụ huynh, tôi xót con nhưng tôi biết trẻ khác có thể cũng không vui vì con tôi. Tôi giải thích cho con việc có thể chấp nhận chơi với bạn nào cảm thấy hợp; hay từ chối nếu không thích, cũng như nhờ sự trợ giúp từ giáo viên lúc cần. Những bé khác sau đó cũng dần thay đổi và chấp nhận con tôi vì chúng cũng đang được học chấp nhận sự khác biệt. Trường của con tôi - ở Thành phố Cannes (Pháp) - không mang tên gọi "quốc tế" nhưng nó thật sự là một môi trường quốc tế với học sinh gồm đầy đủ văn hóa, sắc tộc và ngôn ngữ từ các châu lục trên thế giới.

Phụ huynh gửi con vào trường quốc tế mong con có thể bước ra và hòa nhập với môi trường quốc tế sau này. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai. Còn trong lúc này, tôi tự hỏi những phụ huynh "quốc tế" có hiểu - đồng ý - tôn trọng tiêu chí của nhau trước khi cho con nhập học cũng như chấp nhận sự khác biệt hay không.

Võ Nhật Vinh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top