Quá tải nhi khoa

Quan Thế Dân

Thành viên mới
Sau một vài tháng, số bệnh nhân dần giảm về mức trước khi có dịch. Cuộc sống trở lại bình thường.

Nhưng khoa nhi vẫn đông. Không chỉ khoa nhi ở các bệnh viện tuyến trên quá tải, nhiều bệnh viện tuyến dưới, như chỗ chúng tôi, cũng phải bố trí cho các cháu nằm ghép.

Trẻ đa số mắc bệnh hô hấp. Theo lệ thường, thu đông là mùa dịch bệnh đường hô hấp. Do không khí hanh khô, niêm mạc mũi họng của trẻ dễ bị tổn thương, virus, vi khuẩn dễ xâm nhập gây nên các bệnh như cúm A, cúm B, viêm phế quản, viêm phổi...

Lượng trẻ bị bệnh thời điểm này tăng cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ nhiều năm trước còn do một nguyên nhân đặc biệt, hiếm khi gặp lại. Đó là hai năm qua, vì đại dịch, hầu như trẻ nhỏ ở nhà, không đến trường, ít tiếp xúc công cộng, nên hệ miễn dịch không được rèn luyện như trước. Khi hết dịch, trẻ được ra ngoài, đến lớp, tiếp xúc với môi trường mới khác hẳn và thế là nhiễm bệnh hàng loạt. Ngoài ra, những trẻ trước đó mắc Covid-19, hệ miễn dịch cũng bị ảnh hưởng, dễ mắc các bệnh hô hấp khác, nhưng số này không nhiều.

Để giải thích kỹ hơn về tình trạng bệnh ở trẻ em tăng đột biến như hiện nay, cần xem xét các khía cạnh khác như sau.

Trước hết, với mỗi đứa trẻ mới sinh, hệ miễn dịch đều chưa trải qua việc đối phó với bệnh tật bên ngoài. Trong quá trình lớn lên, trẻ tiếp xúc với môi trường, dần bị nhiễm nhiều tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Mỗi lần bị nhiễm, cơ thể trẻ sẽ tự chiến đấu để vượt qua, biểu hiện bằng các đợt sốt, chảy mũi, ho... Qua từng đợt bệnh, hệ miễn dịch của trẻ trưởng thành dần và khi đến tuổi đi học, trẻ gần như có sức đề kháng với hầu hết bệnh thông thường. Ai cũng có thể quan sát thấy hiện tượng này: trẻ mới sinh sẽ rất ngoan, ăn ngủ lên cân đều. Nhưng từ 6 tháng tuổi, trẻ thường ốm ho sốt liên miên, đợt này tiếp đợt khác, cứ như vậy cho đến 2-3 tuổi, các cơn bệnh lui dần và hầu như hết hẳn khi trẻ lên 6-7 tuổi.

Các gia đình nên hiểu được nguyên nhân như vậy để yên tâm, không quá hoang mang chạy theo dư luận. Nhiều phụ huynh đã quá lo sợ do dịch bệnh, nên con ho sốt là lập tức đi bác sĩ tư, một ngày không đỡ là vào bệnh viện huyện, vào huyện một ngày không đỡ lại đòi chuyển lên tỉnh; có nhà còn bế thẳng đi Hà Nội, không cần giấy chuyển viện.

Tình trạng này khiến cho khoa nhi của bệnh viện tỉnh và trung ương quá tải, không đảm bảo chất lượng phục vụ, dễ bội nhiễm nhiều bệnh khác. Trong khi đó, bác sĩ nhi tuyến dưới gặp vô vàn áp lực, từ gia đình người bệnh, từ lương tâm thầy thuốc. Bác sĩ nhi chân chính đều muốn để trẻ tự tăng sức đề kháng, nhưng gia đình luôn có xu hướng nôn nóng muốn trẻ khỏi ngay, hoặc ít nhất là cắt ngay các triệu chứng để có thể ra viện sau vài hôm, gây áp lực khiến bác sĩ phải cho nhiều thuốc theo kiểu bao vây, đặc biệt là các thuốc kháng sinh, kháng viêm khi chưa cần thiết.

Hiểu được như vậy, phụ huynh không nên quá lo lắng mỗi khi trẻ bị bệnh mà có thể đồng hành, tạo cơ hội cho trẻ trải qua các thử thách. Xa xưa, khi y tế chưa phát triển nhiều trẻ không vượt qua được thử thách đầu đời và tử vong. Còn điều kiện ngày nay đã khác, trẻ không đơn độc chiến đấu với môi trường bên ngoài, mà có bố mẹ và thầy thuốc sát cánh, hỗ trợ, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Tiêm vaccine đầy đủ giúp trẻ có miễn dịch chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất. Còn lại, khi nhiễm các bệnh thông thường, nếu tình trạng của trẻ ổn định thì nên bình tĩnh nghe theo hướng dẫn của thầy thuốc, cho trẻ điều trị ngoại trú tại nhà, không nhất thiết vào viện khi chưa cần thiết. Với các trường hợp nặng hơn như ho sốt kéo dài không dứt, trẻ mệt bỏ bú, bỏ ăn, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, môi chi tím... thì nên đưa ngay vào bệnh viện. Tại đây các thầy thuốc sẽ áp dụng các biện pháp như hạ sốt, truyền dịch, kháng sinh, long đàm, giãn phế quản, thở oxy, khí dung, rửa mũi, hút mũi, chích màng nhĩ... tùy trường hợp, giúp trẻ lành bệnh nhanh chóng.

Các biện pháp vệ sinh đường hô hấp, tránh ô nhiễm môi trường, vệ sinh nhà cửa, trường lớp sẽ giúp hệ miễn dịch của trẻ khỏe hơn, đối phó tốt hơn với tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên không nên kỳ vọng giữ cho trẻ từ khi sinh ra đến khi lớn mà không lần nào bị bệnh. Đó là điều phi thực tế. Thái độ tốt nhất là quan tâm đến trẻ, đưa trẻ đi khám mỗi khi thấy bất thường và luôn luôn làm theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Lượng trẻ nhập viện tăng cao gấp 2-3 lần so với bình thường gây quá tải đột ngột cho ngành y. Chắc chắn chất lượng phục vụ sẽ giảm xuống, các sai sót nhầm lẫn y khoa sẽ tăng lên. Không thể duy ý chí yêu cầu nhân viên y tế cố lên. Cũng từng đó nhân viên y tế, từng đó cơ sở vật chất mà phải đón tiếp lượng bệnh nhân tăng lên gấp 2-3 lần thì chất lượng phục vụ phải chia ra, bị giảm đi là điều dễ hiểu.

Vì vậy, lãnh đạo các bệnh viện cần quan tâm đầu tư, tăng cường những điều kiện khả thi, có thể thực hiện ngay được; ví dụ kê thêm giường bệnh, giảm tình trạng các bé phải nằm ghép, tăng thêm buồng bệnh cách ly phù hợp, tránh hiện tượng lây nhiễm chéo.

Một việc đơn giản khác là cung cấp đầy đủ nước nóng để tắm hạ sốt cho trẻ, bố trí nơi giặt giũ phơi tã lót ở nơi nhiều nắng gió, giúp loại bỏ mùi đặc trưng của trẻ nhi, diệt bớt các tác nhân gây bệnh. Các quy trình chuyên môn về chống nhiễm khuẩn cần được đặc biệt chú ý trong bối cảnh khoa phòng quá tải, chật chội.

Dịp quá tải này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các cơ sở y tế thể hiện năng lực xoay xở trong bối cảnh tự chủ kinh tế đang được đặt ra như một bài toán của ngành y.

Quan Thế Dân
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
linglong998 Quá trình phá huỷ một đứa trẻ Góc Nhìn 1

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top