Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Việc mình chọn một cái nghề, rồi đào sâu và tiến lên đỉnh cao trong cái nghề đó là chuyện bình thường, vì ai trong chúng ta cũng muốn chạm vào nóc nhà vinh quang của nghề nghiệp. Thế nhưng, nếu chỉ chạy tới theo cách của con ngựa bị bịt mắt không nhìn ngang nhìn dọc, chỉ biết thẳng một đường thì có khi chúng ta đang tự hạn chế khả năng sáng tạo hay khả năng mở rộng năng lực của bản thân, đặc biệt là trong thế kỷ không giống ai này.
Ví dụ bạn đang là chuyên viên vận hành, bán hàng, nhân sự hay marketing chẳng hạn. Đương nhiên việc đầu tiên bạn phải làm là đi lên trong ngành nghề của mình, để trở thành giám đốc vận hành, giám đốc bán hàng, marketing hay nhân sự. Cũng vì vậy bạn cần phải học thêm kiến thức, kỹ năng, và tích luỹ kinh nghiệm, trải nghiệm trong ngành. Rồi sao nữa? Ở những chức danh giám đốc phòng ban, bạn cần làm việc, collab với nhiều phòng ban khác, đặc biệt khi cần làm các dự án mới. Bạn hiểu gì về ngành nghề khác? Bạn có kiến thức nền gì để có thể hiểu những gì họ nói, những gì họ kiến nghị, những ý tưởng họ đề xuất, những góc nhìn họ trình bày? Nếu chỉ nhìn mọi vấn đề từ chỗ đứng của mình, bạn làm sao hiểu đại cuộc, làm sao hiểu ý kiến của người khác nó hay ho hay rủi ro, làm sao học được cách tổng hợp những ý kiến đóng góp để biến ý tưởng thành sức mạnh? Nếu bạn không có chút kiến thức nền nào về tech, về tài chính, về phát triển thị trường, về đào tạo và phát triển con người, về tất cả những nền tảng khác đang đồng thời đóng góp và xây dựng tổ chức, làm sao bạn đi lên tiếp?
Từ đỉnh của một nghề nghiệp, dù là gì, con đường tiếp theo có thể là phó tổng giám đốc, tổng giám đốc, COO, CEO của một tổ chức, doanh nghiệp. Ở những vị trí đó, không thể vin vào kiến thức chuyên môn trong ngành nghể mình đã theo đuổi để tiếp tục hoàn thành tốt trách nhiệm mới nữa. Giờ đây, bạn sẽ phải quản trị những con người đầy kinh nghiệm và trải nghiệm của nhiều ngành nghề khác nhau. Nếu không hiểu gì, không có kiến thức nền nào, không sẵn sàng để có thể dẫn dắt từ góc nhìn đa diện của nhiều chuyên viên, bạn làm sao có thể quản trị, sáng tạo, và dẫn dắt tổ chức một cách hiệu quả và đột phá? Cho nên, nếu đã mong muốn hành trình sự nghiệp của mình là đi lên, thì đừng chờ đến lúc đụng nóc mới bối rối đi cào thêm kỹ năng, kiến thức. Người có hoạch định nghề nghiệp cần chuẩn bị từ khi còn ở vài ba nấc mới đụng cái nóc trong nghề nghiệp của mình. Vì hành trình học hỏi cần thời gian, cần trải nghiệm, và đặc biệt là cần thử nghiệm. Như vậy, dù là ai, đang làm ở vị trí nào, tất cả chúng ta đều cần phải chuẩn bị cho những nấc thang tiếp theo. Làm sao để chuẩn bị?
1. Luôn là người đầu tiên xung phong tham gia những dự án mới: tất cả chúng ta đều là người lớn, và người lớn hết học nổi khi thảy vào lớp học. Cách học hiệu quả và thành công nhất là học qua dự án, học qua thực tế, học bằng cách làm. Khi tham gia dự án, bạn sẽ được học từ các thành viên khác đang tham gia dự án, trong đó có thể có tech, có tài chính, có L&D, có marketing, có team phát triển sản phẩm, vv. Bạn sẽ học từ chính những con người có chuyên môn cao trong lĩnh vực của họ khi cùng làm dự án. Bạn học từ họ. Họ học từ bạn. Học từ đồng nghiệp và trong bối cảnh một dự án thực tế là đỉnh nhất. Cho nên, đừng sợ việc. Hãy giơ tay lên nhanh nhất và say yes ngay lập tức khi có dự án mới. Làm là học.
2. Mở rộng kiến thức nền: hầu hết những người tôi gặp họ chỉ quan tâm, tham gia, học, đọc, xây dựng quan hệ trong ngành nghề mà mình đang theo đuổi. Điều này là tốt, nhưng cực kỳ giới hạn khả năng hiểu biết và quan trọng là khả năng sáng tạo của bạn. Làm sao sáng tạo và nhìn khác, nghĩ khác khi chúng ta chỉ có thể nhìn từ một góc, nhận thức từ một góc, tư duy từ một góc? Thế kỷ 21 là thế kỷ của sáng tạo, và sáng tạo đòi hỏi con người phải giữ cho đầu óc của mình cực mở, góc nhìn đa chiều, tiếp cận vấn đề đa diện, chấp nhận sự khác biệt, lạ lẫm, không giống ai từ bất cứ ai. Muốn làm được điều đó, bạn cần bỏ cái tôi của mình xuống, linh hoạt và tiếp nhận góc nhìn khác, có khi là ngược lại với những gì mình đang nghĩ, đang tin vào, đang tựa vào. Điều này không dễ. Nó cần sự thay đổi về nhận thức và sự rèn luyện kiên trì qua năm tháng. Nó cũng đến khi bạn bắt đầu học kiến thức nền và hiểu được góc nhìn của người khác, từ kiến thức chuyên môn đến kiến thức xã hội.
3. Stay curious - luôn tò mò hiếu học: tất cả những gì chúng ta đã học và tích luỹ cho đến hôm nay đều có ích, nhưng những thứ chúng ta chưa hề biết, đặc biệt trong thế kỷ lạ lẫm này là vô tận. Do đó, nghe thấy cái gì mới, chạm phải thứ gì lạ, đọc thấy một cái gì đó chưa hiểu hãy bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi ngay. Chỉ bằng cách luôn giữ cho bản thân luôn tò mò như vậy thì chúng ta mới có thể bắt kịp, cập nhật, đồng hành được với một hiện tại luôn vận hành ở thì tương lai. Mà đã curious, thì từ ai mình cũng học, không chấp tuổi tác, không phân biệt vị trí chức danh. Sếp học từ nhân viên thì đã sao? U50 học từ GenZ thì đã sao? Học là học. Không học là lạc hậu chứ chẳng có thứ tự gì ở đây để mà mày mặt. Stay curious! Hãy cứ giữ cho bản thân luôn hứng thú, tò mò tìm hiểu tất cả những gì mới lạ, dù có hay không nằm trong khu vực ngành nghề của chính mình. Chì bằng cách như thế, bạn mới sẵn sàng cho hành trình bất định phía trước.
Cho nên, nhiều khi đi lên không có nghĩa là đi lên, mà có khi cần phải đi ngang, quẹo qua, học nhiều hơn từ người khác, ngành khác, cả chuyên môn lẫn xã hội. Khi bạn trở nên phong phú hơn bằng chính trải nghiệm và hiểu biết của mình, bạn sẽ sẵn sàng hơn để dẫn dắt công ty, tổ chức đa chiều của thế kỷ 21.
Nguyễn Phi Vân