RỐI LOẠN ẢNH HƯỞNG

file.png


Đây có lẽ là căn bệnh ung thư nguy hiểm nhất của xã hội. Ở đó, người ta kênh nhau về mức đội ảnh hưởng đếm bằng view, bằng like, bằng số fan, bằng độ hot trên mạng xã hội. Ở đó, người ta trổ hết mọi trò khùng điên, xàm xí, lừa đảo để tranh nhau sự chú ý của người đời. Ở đó, ai cũng đăng đàn, ai cũng thành thầy, thành guru, ai cũng trở thành master về các chiêu trò sân khấu. Ở đó, kỹ năng đỉnh của chóp ai cũng cần phải có là kỹ năng thao túng tâm lý, biến người bình thường thành những kẻ mù loà. Ở đó, mỗi người có hay muốn tạo tầm ảnh hưởng đều xây dựng một giáo phái riêng, và tự biến bản thân thành giáo chủ.

Sự thèm khát sức mạnh thao túng, sức mạnh dẫn dắt, sức mạnh tối thượng của chân lý cá nhân tạo ra niềm tin rằng họ thật sự được bề trên nào đó giao cho một sứ mệnh thiên liêng trong cuộc đời này để dẫn dắt những linh hồn ngu ngơ, lạc lối. Cả xã hội như thế. Cả cái chợ trên không như thế. Và ai rao hàng giỏi hơn, sốc hơn, khai thác sự thèm khát dục vọng một cách lưu manh hơn, người đó thắng.

Trong bối cảnh chung như thế, và trong lẽ đương nhiên của sự tồn tại số này, phụ huynh và những người dẫn dắt thế hệ tiếp nối nên làm gì để giúp các em chủ động lèo lái được tư duy và suy nghĩ của chính các em? Khi cuộc sống và điểm chạm giữa các em và chúng ta ngày càng giới hạn, nhưng điểm chạm tương tác giữa các em và thế giới trên mây ngày càng mở rộng? Là một người mẹ, là người luôn hướng về các bạn trẻ, tôi không có câu trả lời chung cho tất cả, nhưng luôn có cách riêng của mình. Chia sẻ ở đây cho mọi người tham khảo nhé.

  • Accept & embrace reality - Chấp nhận và hội nhập vào thực tế: Hiện thực là cuộc sống bây giờ nó phygital - ảo ảo thật thật như thế. Chấp nhận đi. Đừng kiếm cách để cách ly các em khỏi thế giới ảo rất thật ấy nữa. Vấn đề không phải là giấu, là cấm, là phạt, vì những thứ đó chỉ làm cho khát khao trỗi dậy mạnh hơn. Chi bằng lật bài ngửa, vì thứ gì trên đời này cũng có 2 mặt hay dở, lợi hại, tốt xấu. Dành thời gian để giải thích và navigate - lèo lái thế giới đó cùng với các em. Với tôi thì, có khi còn trải nghiệm thử mấy thứ mới trên kia trước cả con mình, xong kêu bạn thử và bàn nhau sôi nổi về ảnh hưởng đa chiều của nó. Khi và chỉ khi bạn có cùng trải nghiệm, bạn mới có thể tranh luận được với các em về tầm ảnh hưởng cũng như sự lợi hại của nó. Không biết, thì khó mà có chủ đề chung để nói.
  • Ứng dụng góc nhìn đa chiều: thứ gì cũng có cái hay cái dở của nó. Đừng vì chưa hiểu đúng hiểu đủ mà trở nên cực đoan. Kỹ năng số là thứ cực kỳ quan trọng khi đi làm. Nhân sự của tôi ai mà thao tác chậm, sử dụng các công cụ số kém thì không theo làm việc cùng tôi được, vì đó đối với tôi là kỹ năng cơ bản nhất để có thể làm việc trong thế kỷ này. Thành ra, khi các em sử dụng các nền tảng số tốt, thao tác nhanh, có tư duy máy tính thì sẽ làm việc cực phiêu tại các tổ chức đã chuyển đổi số. Vì vậy, mình phải nhìn vấn đề đa chiều, nhận thấy cái hay cái dở, thấy cái lợi cái hại và cả cơ hội và thử thách đối với các em nữa. Được vậy, mình sẽ có thể biến cái tưởng chừng như quá quá hại thành thứ hoàn toàn có lợi cho các em. Tuỳ vào mục tiêu sử dụng để làm gì thôi, chứ không có cái gì hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu hết. Cuối cùng, tất cả chỉ là công cụ, còn con người sẽ quyết định sử dụng công cụ đó để làm gì.
  • Hướng dẫn các con phát triển tư duy: Khi có tư duy đúng, có tư duy phản biện, có khả năng nhìn ra sự thật, có khả năng quản trị bản thân và lèo lái thế giới bên ngoài, khi các em biết xây dựng nội lực thì thế giới bên ngoài dù có cám dỗ gì hay thay đổi ra sao, dù có thêm phần mềm này hay công cụ nọ thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. Vì khi đó, các em đã đủ sức mạnh về tư duy và vững vàng về tâm thế để tự mình đưa ra quyết định, tự mình học cách lựa chọn và chịu trách nhiệm về lựa chọn của bản thân. Cho nên, thay vì can thiệp vào bề mặt của sự việc, là cho phép hay cấm đoán, là yêu cầu làm cái này học cái nọ thì phụ huynh trong giai đoạn này nên tập trung hỗ trợ các em xây dựng sức mạnh nội tại. Khi các em đã có được sức mạnh và vững vàng đối diện với thế giới bất định và rất tào lao ở ngoài kia, các em sẽ tự mình biết cách lèo lái chứ không phải là dựa dẫm vào bất kỳ ai khác. Khi bạn cho các em được nền tảng đó, các em đương nhiên sẽ hạnh phúc và thành công theo cách của mình.
  • Dành thời gian cho những cú vấp ngã: Có bao giờ bạn tự hỏi, sao lúc mình vấp ngã chẳng bao giờ có ai ở đó? Và thế là, bạn đã tự mình hoặc rất khó khăn để đứng lên. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao bạn không dành đủ thời gian cho những cú vấp ngã của các con? Please, đừng biện minh là bạn quá bận, quá tập trung làm ra tiền để lo cho gia đình này nọ. Trong khi bạn đang “bận” lo cho gia đình, thì các con bạn đang vấp ngã, và chúng, cũng như chúng ta ngày xưa, tự hỏi bản thân trong nỗi đau đớn, khó khăn, thậm chí là tuyệt vọng, tại sao ta chỉ có một mình. Lịch sử cứ thế lặp lại, và ai cũng vì vấp ngã thiếu sự nâng đỡ mà để lại trong tâm những nút thắt khó gỡ. Rồi ta bước đi trong đời với những nút thắt ngày càng lớn, bên trong rối loạn, bên ngoài gượng cười cười qua mắt thế gian. Vậy, có phải là cuộc sống? Mà đời này thì nó đang rối loạn ảnh hưởng, cho nên ai cũng có thể ảnh hưởng tới các em, tốt hay xấu một cách rất là hên xui. Một câu mắng chửi trên mạng, vài cú quay lưng nghiệt ngã, dăm ba hành động ác ý, dù chỉ là trên cái chợ mây kia, thế là các em vấp ngã.
  • Bình đẳng bàn về tương lai: Sorry nha, chưa chắc gì bạn hiểu về tương lai, và có khi các em còn hiểu hơn nhờ các em đọc và tiếp xúc vôi công nghệ nhiều hơn. Thành ra, trong cuộc hành trình dò dám vào tương lai bất định này về mọi phương diện, phụ huynh và các em bình đẳng. Và nên như thế, bình đẳng làm đồng đội của nhau, bình đẳng bàn luận về tương lai, về lựa chọn, về quyết định, về giải pháp mà đội nhà sẽ cùng nhau design thinking và thử nghiệm. Đời này không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra phía trước. Cho nên, chuyện collab để cùng nhau giải quyết những vấn đề unknown - chưa biết là việc hết sức bình thường. Đã không biết thì làm sao phân biệt già trẻ lớn bé? Không biết thì một đám không biết cùng tư duy về vấn đề và giải pháp thôi, mày mặt gì ở đây?

Xã hội càng rối loạn, phụ huynh và người hướng dẫn càng phải rất bình tĩnh, đừng rối theo. Sự thật nó là như vậy. Mình chấp nhận sự thật rồi cùng các em giải quyết vấn đề một cách sáng tạo thôi. Thời của sáng tạo mà. Đâu có đem mấy cái thứ bụi bám gia truyền mấy đời ra xài hoài được. Nghĩ khác chút đi, và ứng dụng tư duy thiết kế chút đi, nha.

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Top