Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Nhân một đứa em kể chuyện công ty mình đang M&A nên tinh thần mọi người trong công ty đang xuống thấp ra sao, mình cũng nhớ lại chuyện M&A của tập đoàn ngày xưa khi mình còn làm việc bên Úc. Lúc đó, mình là 1 trong 3 nhân sự chính bị “bán” theo hợp đồng chuyển giao. Cái cảm giác bị “bán” rất là phức tạp, vừa tự hào mình là yếu nhân có giá trị lợi dụng, vừa thấy tủi tủi vì mình bị bán về nhà mới sau bao nhiêu năm gắn bó với tổ chức cũ. Nhưng cảm giác tệ hơn là khi bước ra và đi bộ dọc các hành lang công ty, mình nhìn thấy và biết rõ những con người nào sẽ không còn job sau công cuộc mua bán ấy. Biết, nhưng không được nói. Lòng nặng trĩu, chân bước dọc hành lang khi nghe tiếng cười đùa, chuyện trò của những con người đã gắn mình với chiều dài của một tập đoàn. Có người tính bằng chục năm. Nhưng cuộc sống là như thế. Không có gì là vĩnh hằng. Và cái job mà ai đó đang có, cũng không bao giờ có thể vĩnh hằng.
Sau trải nghiệm ấy, mình rất rõ ràng tâm thế đi làm. Dù làm việc ở đâu, giữ chức vụ gì, đã thâm niên bao năm, công thần kiểu gì thì nơi đó cũng không bao giờ trở thành nhà của bạn. Nơi đó, sẽ mãi mãi vẫn là một chốn giao dịch, là nơi trao đổi giá trị, là nơi người ta cộng tác với nhau vì lợi ích của cả đôi bên. Khi hiểu đúng, mỗi nơi ta đến làm việc sẽ trở thành một sân ga trên hành trình sự nghiệp của mỗi người. Nếu thế, thì trước hết bạn nên biết bản thân muốn đi đến nơi nào, và vì vậy cần chọn tuyến hành trình nào, và vì vậy cần đi qua những sân ga nào. Đừng bước lên tàu khi không hiểu chuyến tàu này đi về đâu, có liên quan gì tới điểm đến của mình không, và đi đường này có quá xa hay ngược chiều với nơi mình cần đến…. Chỉ như thế, khi chia tay với một sân ga, mình mới chia tay một cách vui vẻ, thoải mái và luôn giữ cho bản thân cảm giác tích cực vì chia ta là đã hoàn thành một chặn, chia tay là để đi đến, đi tiếp, dấn thân trên hành trình tiếp theo về phía mục tiêu cuộc đời mình. Chia tay, lúc này không còn là cảm giác chán nản, buồn bã, “bị” bỏ rơi, “bị” khai trừ một cách bất ngờ hay nghiệt ngã nữa. Không sao hết! Ta chỉ vừa hoàn thành một chặn trên hành trình sự nghiệp, và chia tay, dù muốn hay không, dù chủ động hay bị động, cũng chỉ là khép lại một chuyến dừng chân tại một sân ga.
Quan trọng là, với tâm thế này, người ta sẽ luôn chọn tạo ra trải nghiệm làm việc đẹp nhất tại mỗi sân ga. Why not? Tại sao lại không chớ? Tại sao phải kéo bè tạo phái đánh nhau cho đổ máu? Tại sao phải xì xầm nói xấu, dìm hàng, hại nhau cho mất thời gian? Tại sao phải giận hờn, phàn nàn, cãi cọ, bằng mặt không bằng lòng? Tất cả những thứ đó là vô nghĩa, phí thời gian, biết tào lao chẳng giúp được gì cho ai, nhất là cho bản thân mà vẫn cứ lao vào? Ủa, trước sau gì đó cũng chỉ là một sân ga thôi mà. Ủa, trước sau gì mình cũng rời khỏi sân ga đó để tiếp tục hành trình thôi mà. Ủa, trước sau gì tạm biệt và bỏ lại mọi thứ ở sau lưng thôi mà. Sao không lựa chọn tạo ra những trải nghiệm đẹp để ta còn giữ lại và kể chuyện khi về già? Why not? Tại sao không? Vật vã bày ra những trận chiến làm gì cho bản thân khổ sở, cạn kiệt, hại não hại tâm như thế? Cuối cùng, cũng chỉ là tạm biệt là xin bỏ lại những điều bất đắc ý, hay tạm biệt và xin giữ lại những ký ức đẹp của sân ga. Sao, thì cũng phải tạm biệt thôi, chứ có sống chết mãi ở đó được đâu. Làm gì có một công việc vĩnh hằng. Làm gì có một chỗ làm vĩnh hằng. Nếu không phải là họ tạm biệt ta thì sẽ là ta tạm biệt họ. Cho nên, tâm thế hành trình và sân ga nên rất rõ, để chủ động kiến tạo một hành trình đẹp, những ký ức sân ga đẹp, và vui vẻ hạnh phúc khi phải nói chia tay.
Mọi sự rồi cũng quay lại với tâm thế ta chịu trách nhiệm về bản thân mình mà thôi. Không có công ty hay chỗ làm nào phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì về bạn. Hãy rất rõ, đó là nơi trao đổi giá trị. Khi giá trị trao đổi thuận mua vừa bán, khi đôi bên cùng thoải mái vui vẻ thì công việc tốt. Khi có chút lệch pha về mong đợi, khi giá trị trao đổi có vẻ không được công bằng, hay khi bất kỳ bên nào có dự định khác, hành trình khác, thì quan hệ đương nhiên sẽ đứt gãy, và việc chia tay là chuyện hết sức đương nhiên. Đối diện với sự chia tay, dù vì lý do gì, cũng nên bình tĩnh nhìn lại xem mình đã được gì, chưa được gì từ quan hệ này, có nên hiệu chỉnh gì cho hành trình tiếp theo không, rồi chuẩn bị khởi hành đến sân ga kế tiếp. Vậy thôi! Hết sức là đơn giản.
Tạm biệt và xin bỏ lại. Tạm biệt và xin giữ lại. Rồi vui vẻ bước đi. Đừng để cho bước chân nặng trĩu vì thân đi nhưng tâm vẫn cứ trụ vào những điều không vừa ý. Qua sông rồi. Đừng ở lại và cột mình trên chiếc đò ngang ấy. Hành trình vẫn cứ là phía trước, và còn rất nhiều những sân ga mới, với những trải nghiệm mới chờ đón để bản thân ngày một lớn lên. Ta sẽ tận hưởng từng nơi đến chuyến đi, khi hiểu rất rõ điểm đến sau cùng của hành trình ấy. Tạm biệt và xin bỏ lại. Tạm biệt và xin giữ lại. Tạm biệt, vì tôi sẽ tiếp tục chuyển động về phía điểm đến sau cùng. Tạm biệt….
Nguyễn Phi Vân