Tết 'không độ cồn'

VnExpress

Thành viên mới
Tôi là anh rể trưởng của một gia đình có bảy chị em gái ở Hà Nội. Dưới tôi, sáu chú em "cọc chèo" đều thành đạt, cuộc sống gia đình ổn định, có của ăn của để. Vì thế mà từ nhiều năm nay, trước mỗi tết đến xuân về, các chú ấy đều cung kính mang biếu "anh trưởng" không chai Whisky thì chai vang Chile, vang Pháp... hoặc chí ít là thùng bia Heineken hay Saigon, Hanoi. Vợ chồng con trai, con gái chúng tôi cũng có truyền thống chúc Tết bố mẹ bằng rượu và bia. Nhà tôi năm nào cũng có năm bảy chai rượu và chừng ấy thùng bia các loại.

Các năm trước, số rượu bia đó chủ yếu phục vụ những cuộc "chén anh, chén chú" trong gia đình và thường cũng hết sạch vào mấy ngày đầu năm. Nhưng năm nay, từ sáng rồi chiều mồng Một, sang mồng Hai, mồng Ba... lần lượt các chú đến, chúc Tết xong, ai nấy đều "em uống trà, không dám bia rượu vì còn lái xe".

Chiều mồng Năm, ngày cuối của kỳ nghỉ Tết, đứa cháu con ông anh ruột, chạy taxi đường dài ở một huyện miền núi tỉnh Hòa Bình, cũng tranh thủ ghé nhà tôi chúc Tết. Bình thường cậu này uống rượu như nước suối, nhưng khi mâm cơm bày ra, thấy tôi định bật nắp lon bia, cháu xua tay ngăn lại và kể: "Trước Tết cháu chạy như con thoi đón khách từ trong Nam ra sân bay Nội Bài về quê, sau Tết lại đưa trả họ ra Nội Bài... thành ra hơn mười ngày nay cháu không đụng đến một giọt bia nào".

Ngoài người thân của gia đình, Tết này tôi cũng đón nhiều bạn bè đến thăm. Phần lớn họ đều có ôtô và tự lái, ngày giờ họ đến khác nhau, nhưng luôn từ chối khi gia chủ mời rượu.

Vậy là Tết này nhà tôi "ế" rượu bia... 5-6 chai rượu và mấy thùng bia được biếu gần như còn nguyên - chuyện lạ so với nhiều năm trước.

Hẳn sẽ có nhiều gia đình trong cả nước, như nhà tôi, thừa bia rượu. Như vậy cũng có thể thấy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ 1/1/2020) với tiêu chí "Đã uống rượu, bia thì không lái xe"

Nghị định 100/2019 sẽ tạo sự chuyển biến mang tính bước ngoặt trong văn hóa rượu bia của người Việt Nam. Câu thần chú "tôi lái xe" chưa bao giờ có hiệu lực đến thế để giúp một người thoát khỏi cảnh bị ép nhậu. Đây sẽ là tiền đề tiến tới xây dựng một "văn hóa nhậu" mới, trong đó các bạn rượu tôn trọng nhau, dựa vào tửu lượng và bối cảnh nhậu của mình.

Nghị định này cũng sẽ tác động tích cực đến đời sống xã hội, cụ thể là sự an toàn khi tham gia giao thông, trước mắt lẫn lâu dài.

Theo báo cáo Bộ Công an, trong 7 ngày Tết Quý Mão 2023, số vụ vi phạm nồng độ cồn bị cảnh sát phạt, tăng gần 600% so với Tết Nhâm Dần 2022, số vụ tai nạn giao thông giảm 12, số người chết giảm 3. So với Tết 2019 (trước khi có Covid-19) giảm 71 vụ tai nạn và giảm 51 người chết,

Vì sao Nghị định 100 thực sự đã "đi vào cuộc sống"? Theo tôi có hai yếu tố quan trọng.

Thứ nhất là chế tài phạt nặng, có tính răn đe rất mạnh, ví dụ, phạt từ mức sáu đến 40 triệu đồng (với người điều khiển ôtô), chưa kể các mức phạt bổ sung như giữ xe, giữ bằng lái. Không ai dại gì trả giá một ly rượu bằng cả vài ba tháng lương. Trong khi rất nhiều bộ luật Việt Nam hiện hành đưa ra chế tài xử phạt yếu, thì Nghị định 100 đã khắc phục triệt để tình trạng "phạt cho có" này.

Thứ hai là tính chất "cực đoan" của quy định về nồng độ cồn. Lái xe bị cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

"Nồng độ cồn" đã được đưa vào luật từ những năm 1990 và trở thành đề tài gây tranh cãi từ đó đến nay. Vì những lý do chằng chịt liên quan đến các lợi ích khác nhau cũng như truyền thống, văn hóa bia rượu của người Việt, luật cũ không xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn dưới 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Quãng "du di" dưới "0,25 miligam/1 lít khí thở" đã khiến cho nhiều người vẫn cầm lái sau khi bước ra từ quán nhậu, thay vì triệt để tuân thủ "đã uống bia rượu thì không lái xe".

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến tháng 5/2019, cả nước xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người. Như vậy, bình quân mỗi năm có gần 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, đa số đang trong độ tuổi lao động.

Báo cáo toàn cầu về thực trạng an toàn giao thông năm 2018 cho biết, tại Việt Nam, 32% số vụ tai nạn giao thông ở nam giới và 20% số vụ tai nạn giao thông ở nữ giới liên quan đến việc sử dụng rượu bia. Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ ba châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người (2005) lên 8,3 lít năm 2018 (cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít).

"Con số 0 tuyệt đối" về nồng độ cồn đang gây ra nhiều tranh cãi về tính cực đoan và tính khoa học của Nghị định 100. Nhiều quốc gia phương Tây cũng chỉ cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu có một nồng độ cồn nhất định. Nhưng trước thực trạng tiêu thụ rượu bia và tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay, tôi ủng hộ tinh thần tuyệt đối tuân thủ "đã uống bia rượu thì không lái xe".

Bùi Đức Khiêm
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top