Thiếu nước ở thủ đô

Đặng Hùng Võ

Thành viên mới
Phố Hà Nội ngày càng đông vui, mở rộng mãi mà cứ như hẹp lại. Người đông, đất chật làm cho thực phẩm ô nhiễm, không khí ô nhiễm và nước cũng ô nhiễm.

Tuần trước, hàng nghìn người dân ở tây nam Hà Nội mất nước chỉ vì một sự cố nhỏ. Một ôtô tải 5 tấn chở đá bị lật xuống suối Cun, đoạn qua xã Quang Tiến, TP Hòa Bình, gây ô nhiễm hồ Đầm Bái, nơi cung cấp nguồn nước cho nhà máy nước Sông Đà. Nhà máy vì thế ngừng cấp nước, khiến người dân ở nhiều khu vực của quận Nam Từ Liêm, Hà Đông phải xếp hàng lấy từng can nước về dùng tạm.

Sự cố kiểu này không lạ. Tháng 10/2020, một xe tải chở dầu nhớt thải đã đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, Hòa Bình khiến dầu ngấm vào kênh dẫn nước của nhà máy nước sạch Sông Đà. Nhà máy phải ngừng cấp nước, làm cho cư dân nhiều quận như Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Cầu Giấy phải mua nước đóng bình để sử dụng. Trước đó nữa, năm 2018, đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội bị vỡ 18 lần, mỗi lần như thế lại làm dân nháo nhác vì không có nước sạch, phải sống tạm bợ nhiều ngày.

Tôi làm việc ở Hà Nội kể từ khi tốt nghiệp đại học. Đời tư cũng lận đận nên phải chuyển chỗ ở nhiều lần, nhà ở ngày càng bé lại và xa trung tâm hơn. Sự lận đận đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm về nước sạch đô thị.

Đầu tiên, tôi ở Hoàn Kiếm trong căn nhà cũ xây dựng từ thời Pháp thuộc. Nước vừa ít vừa không sạch, chảy từng giọt, nhiều khi nhìn thấy cả những con giun nhỏ bé chui ra từ ống nước.

Một thời gian sau, tôi chuyển sang ở Hoàng Mai, bên bờ sông Sét. Sông ô nhiễm nặng nên chất lượng nước sạch cũng rất kém, chảy rất yếu và bị ngắt thường xuyên. Ở đâu tôi cũng phải dùng hệ thống lọc nước với chi phí khá cao để yên tâm trong sinh hoạt. Nghĩ vậy mà thương những người có thu nhập thấp, họ lấy tiền đâu để làm cho nước sạch thêm; trong khi vẫn phải chi trả cho nguồn nước không đủ sạch để dùng.

Nhìn rộng hơn, tác động của một sự cố nhỏ đến đời sống hàng nghìn người dân Hà Nội đặt ra vấn đề đáng lo ngại về an ninh nguồn nước của thủ đô. Ngoài các sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Hà Nội hàng ngày còn đối diện với nguy cơ lớn về nguồn nước khi chất thải độc hại, chưa xử lý bị xả trực tiếp vào môi trường. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2020, mỗi ngày có tới 300.000 tấn nước thải xả ra môi trường, trong đó có hơn 30 tấn kim loại, hơn 300 tấn dầu mỡ, hơn 3.000 tấn chất hữu cơ, chưa kể tới nhiều vi khuẩn, virus gây bệnh.

Những con sông đô thị đã gần như chết hẳn, sông nào cũng đen kịt và bốc mùi khó chịu.

Gia Lâm cũng có con sông Nghĩa Trụ trong trẻo, mát rượi trong tuổi thơ tôi. Bây giờ, mỗi lần về quê nhìn thấy con sông xưa, tôi có cảm giác ký ức về xưa đã mất, không thể tìm lại được.

Trong 8 năm sống, làm việc ở châu Âu và nhiều nước ở các châu lục khác, tôi ít gặp các vấn đề liên quan đến nước sinh hoạt. Các nước công nghiệp từ lâu đã coi an ninh nước sạch là một yêu cầu quan trọng nhất của đô thị. Để cung cấp đủ và đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân, họ áp dụng một loạt giải pháp đồng bộ.

Trước hết, họ kiểm soát chặt việc xả nước thải ra môi trường. Mọi nguồn nước thải phải được xử lý rồi cho tái sử dụng. Với các con sông bị ô nhiễm, họ có thể dành tới 50 năm, với nỗ lực của cả chính quyền và người dân, để quyết làm nguồn nước sạch trở lại.

Các nhà máy nước sạch là hạ tầng quan trọng nhất của cuộc sống đô thị. Chính quyền đô thị chịu trách nhiệm quản lý chất lượng nước sạch thông qua hệ thống giám sát và đánh giá việc bảo vệ nguồn nước, quy trình sản xuất và chất lượng nước cung cấp. Nhà máy nước sạch nào có chất lượng kém đều chịu hình phạt từ phạt tiền tới mức cao nhất là đình chỉ hoạt động.

Hệ thống cung cấp nước cho dân cũng được tính toán cặn kẽ với nhiều nấc dự phòng, bị sự cố mất nước ở chỗ này sẽ có ngay kênh cấp nước từ chỗ khác thay thế. Nguồn nước cho các nhà máy nước sạch được bảo vệ cẩn mật, khó có tác động ngoại lai nào có thể gây ô nhiễm.

Thực tế, giải pháp an ninh nước cho đô thị đã có sẵn từ kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp. Quy chuẩn nước sạch ở ta cũng đã được ban hành từ lâu, có trong quy hoạch đô thị nhưng bị "vẹo" chuẩn trong quá trình triển khai. Giải pháp cho vấn đề đảm bảo nguồn nước sạch của thủ đô nói riêng và các đô thị ở Việt Nam nói chung chỉ còn là chính quyền đô thị có quyết tâm làm đúng quy chuẩn và có vận động được người dân đồng hành hay không.

Đặng Hùng Võ
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top