Thoát chết

VnExpress

Thành viên mới
Tối hôm đó, em tôi về nhà lúc 12h đêm. Tôi trở về muộn hơn, sau 1 giờ sáng.

Chạy xe vào tầng hầm, tôi bắt đầu thấy khói, lửa và gần như cùng lúc bị mùi khét xộc thẳng vào mũi. Bảo vệ ngăn tôi lại, loáng thoáng bảo "Cháy". Tôi vứt xe ra ngoài, chạy vội đến khu vực thang bộ thoát hiểm. Vừa chạy tôi vừa gọi cho em trai và hét lên qua điện thoại: "Chạy xuống bằng thang thoát hiểm ngay?". Câu trả lời của nó khiến tôi sững sờ: "Thang thoát hiểm ở đâu?".

Cảnh tượng ở thang thoát hiểm khiến tôi kinh hoàng: Hàng dài người chen lên, xô nhau chạy xuống, khói đen theo thang thoát hiểm cuộn từ hầm lên các tầng cao hơn, mù mịt.

Không thể chạy ngược lên tầng 11.

Tuyệt vọng, tôi gọi cho em trai, yêu cầu nó ở lại trong phòng. Em đã bình tĩnh hơn vì được bố hướng dẫn qua điện thoại, dùng khăn nhúng nước, bịt mũi để tránh khí độc; đóng chặt cửa chính ngăn khói tràn vào nhà. Tôi nhắc em chạy ra ban công, bật đèn pin điện thoại chờ cứu hộ.

Hai giờ sau, em tôi được đưa xuống bằng thang. Thoát chết. Chúng tôi đã may mắn hơn nhiều nạn nhân khác.

Vụ án liên quan đến thảm họa này hôm qua được đưa ra xét xử, nhưng vì nhiều lý do, lại hoãn.

Ba hôm trước, một vụ cháy xảy ra tại quán karaoke An Phú. 32 người chết. Báo cáo của UBND Bình Dương cho biết,

Tại cuộc họp báo sáng 8/9, Giám đốc Công an Bình Dương trong lúc phân tích nguyên nhân, đã cho rằng về chủ quan có một phần trách nhiệm của khách hàng. "Nếu nhân viên báo cháy, khách phải tìm lối thoát hiểm", ông nói.

Tìm ngay thang thoát hiểm khi có hỏa hoạn là kiến thức sơ đẳng nhưng không phải ai trong cơn hoảng loạn cũng nhớ ra và định hình được vị trí. Em trai tôi về sau giải thích, em biết thang bộ nằm đâu đó giữa hai block nhà, nhưng vì hầu như chỉ sử dụng thang máy, nên khi mất bình tĩnh, em không định hình được chính xác.

Khách đi hát lại càng khó định hình vị trí thoát hiểm. Tôi từng nhiều lần vào quán karaoke, bar. Nhìn chung, ở những không gian này, khách thường mang tâm thế háo hức với cuộc vui phía trước, ít ai để ý đến nguy cơ. Một số quán karaoke tôi từng đến thậm chí không cung cấp hướng dẫn hoặc biển báo đủ rõ ràng và dễ nhận biết về lối thoát hiểm. Các cuộc hát thường diễn ra sau hoặc song song với những cuộc nhậu, khiến nhiều người không còn tỉnh táo làm chủ hành vi của mình, chưa nói đến việc nghĩ cách thoát thân trong tình huống sống chết.

Tìm được lối thoát hiểm cũng không chắc đã thoát chết, khi lối thoát của các nhà hàng karaoke, cũng như nhiều hạng mục phòng cháy chữa cháy tại các công trình này, theo quan sát và trải nghiệm của tôi, không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cứu hộ, cứu nạn.

Tôi từng tham gia thiết kế một tòa nhà để kinh doanh karaoke. Ngoài việc tối ưu công năng, bài toán khó nhất là cân bằng giữa lợi ích của chủ đầu tư và đảm bảo tiêu chuẩn của các hạng mục thoát hiểm. Lấy ví dụ về thang thoát hiểm. Có rất nhiều yêu cầu chi tiết liên quan đến số lượng, khoảng cách, chiều rộng, vị trí... đặt thang thoát hiểm. Nhưng khi tôi đưa bản vẽ, chủ đầu tư yêu cầu tiết giảm, thậm chí bố trí thang thoát hiểm ở vị trí khác, vì với cách này, họ có thể xây thêm hai phòng hát, tăng doanh thu. Tôi phản ứng, cho rằng không đảm bảo các yêu cầu để được cấp phép phòng cháy chữa cháy nhưng chủ đầu tư cười, ngụ ý: chuyện đó sẽ có người lo.

Năm 2020, Bộ Công an đã rà soát những điểm còn lỏng lẻo trong quy định phòng cháy chữa cháy và ban hành Thông tư 147, bổ sung nhiều điều kiện chặt chẽ, chi tiết đối với loại hình kinh doanh có điều kiện này.

Tuy nhiên, theo tôi, cần nghiêm cấm thiết kế quán karaoke dạng nhà ống bịt kín và không cho phép chuyển đổi công năng nhà ở sang cơ sở karaoke. Hiện nay, sau khi mua, thuê lại các công trình nhà ở để làm phòng hát, chủ đầu tư cho thiết kế lại, bổ sung các hạng mục phòng cháy chữa cháy. Nhưng nhiều hạng mục sẽ không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định, dù được hoán đổi công năng.

Số liệu sau đợt những kiểm tra vừa qua tại TP HCM và Hà Nội nói lên thực trạng này. Trong số gần 300 cơ sở karaoke, bar, vũ trường ở TP HCM đã được kiểm tra, cảnh sát phát hiện 90 cơ sở vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy; trong đó, hai nơi bị tạm đình chỉ hoạt động, do chưa thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy hoặc tự ý thay đổi công năng, chuyển từ phòng ở thành phòng hát.

Hà Nội cũng cho kiểm tra khoảng 1.400 cơ sở karaoke. 58% không đạt yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. 326 cơ sở bị đình chỉ 100% hoạt động.

Câu chuyện "mất bò mới lo làm chuồng" lại diễn ra. Gần 5 năm trước, sau khi thoát chết, cư dân Carina chúng tôi mới hay biết, hệ thống trung tâm phòng cháy chữa cháy của tòa nhà không hoạt động, dẫn đến các phần tự động báo cháy, chữa cháy tê liệt. Trong những lần bảo dưỡng thiết bị phòng cháy, chủ đầu tư đã biết tình trạng này, vẫn ký nghiệm thu mà không triển khai sửa chữa, bảo dưỡng.

Mọi vụ cháy đều có nguyên nhân trực tiếp từ lửa, chập điện, hay xì hàn... Nhưng con người không vô can. Khi những quy định đặt ra trên giấy tờ chỉ được thực hiện sơ sài, đối phó và hợp thức hóa bằng thông lệ "chuyện đó có người lo", thảm họa sẽ còn tiếp diễn.

Trần Tam Linh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top