Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Bạn nghe câu nói này chưa?
We are what we repeatedly do. Excellence, then, is not an act, but a habit.
— Aristotle
Ta chính là hành động mà ta lặp đi lặp lại. Sự xuất sắc, vì vậy, không phải là một sự việc, mà là một thói quen.
Câu này nghe xong là giật mình nhất đúng không? Giờ bạn nhìn lại mình đi, và suy nghĩ xem mình có đang làm một số hành động lặp đi lặp lại hàng ngày không? Nếu có thì đó là những hành động gì? Nếu bạn làm việc gì đó tốt hàng ngày thì nó thành thói quen tốt, ví dụ đọc sách, nghe podcast để phát triển bản thân, tập thể dục, làm việc xã hội giúp đỡ người khác, làm xuất sắc nhất những việc nhỏ nhất được giao, vv. Nhưng nếu bạn làm toàn những việc không đâu vào đâu, ví dụ ngủ nướng hàng ngày, lười biếng hàng ngày, nghĩ ngợi lung tung hàng ngày, làm việc qua loa, cho xong hàng ngày, nghiện lướt mạng hàng ngày, vv, thì những việc đó cũng biến thành thói quen. Khi chúng biến thành thói quen, thì chúng cũng biến thành bạn. Bạn sẽ trở thành người chuyên ngủ nướng, chuyên lười biếng, chuyên overthink - nghĩ ngợi lung tung, chuyên làm việc qua loa, thành kẻ nghiện mạng xã hội, vv. We are what we repeatedly do - Ta chính là hành động mà ta lặp đi lặp lại mỗi ngày là như thế.
Nói như vậy, thì ta cũng có thể trở nên xuất sắc nếu ta biến sự xuất sắc thành thói quen, nếu ta biến sự xuất sắc thành việc ta làm lặp đi lặp lại hàng ngày. Xuất sắc, vì vậy, không có gì quá khó để đạt được cả. Chỉ cần mình tập trung biến nó thành thói quen thôi. Nhưng làm sao để biến sự xuất sắc thành thói quen?
Tư duy toàn diện về việc cần làm
Trong cuộc đời làm việc của mình, tôi nhìn thấy nhiều nhất là những người đi làm chỉ biết cắm đầu làm, nghĩa là kêu sao làm vậy, không biết cách hoặc lười tư duy về việc cần làm. Khi bản thân còn không biết tại sao mình làm chuyện mình đang làm, làm để đạt được mục đích gì, đóng góp thế nào cho tập thể, tổ chức thì mình như một con robot được lập trình trước, làm việc một cách vô tri. Đã vậy, dù bạn có làm tốt việc được giao theo yêu cầu, bạn cũng không bao giờ xuất sắc, vì bạn có nghĩ thêm được gì, làm thêm được gì vượt quá mong đợi đâu mà xuất sắc. Cho nên, việc đầu tiên bạn cần làm khi nhận việc là tư duy về công việc trước. “Nếu có 6 giờ đồng hồ để đốn 1 cái cây thì tôi sẽ dành 4 giờ để mài rìu”, Abraham Lincoln đã từng nói.
Chỉ có robot mới lập trình và lao vào làm thôi. Còn người thì phải biết suy nghĩ, mỗi việc đều cần phải suy nghĩ và trả lời những câu hỏi sau:
- Tại sao cần làm việc này?
- Làm để đạt được mục tiêu gì?
- Để đạt được mục tiêu đó có bao nhiêu cách làm?
- Có cách nào đạt được tốt hơn so với mục tiêu đề ra không?
- Ai có thể giúp mình thực hiện việc này tốt nhất?
- Kế hoạch hành động theo thứ tự ưu tiên và thời gian ưu tiên là gì?
Nếu trong mọi việc cần làm, bạn đều học cách tư duy như vậy trước khi làm thì bạn sẽ dần trở nên xuất sắc hơn do bạn dụng não nhiều hơn. Vậy thôi! Biến việc này thành thói quen thì chẳng bao lâu nữa bạn sẽ luôn biết tư duy đúng về mọi thứ.
Không có chuyện gì khó
Đa số khi được giao việc sẽ nghĩ việc này khó lắm trước, hoặc nghĩ ra toàn những thử thách, khó khăn. Đó là thói quen muốn an toàn và không muốn thay đổi của con người. Người xuất sắc thì thói quen ngược lại. Họ trước hết là hứng thú với việc được giao, sau đó là sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề một cách sáng tạo để dấn thân tìm ra giải pháp. Phương pháp mà tôi sử dụng nhiều nhất là Tư duy thiết kế. Nếu chưa biết gì về phương pháp này thì bạn nên đọc bài này: https://www.nguyenphivan.com/post/cùng-một-việc-thất-bại-bao-nhiêu-lần-thì-chấp-nhận-được
Khi chưa làm gì đã nghĩ việc này khó thì 50% là bạn không thể làm tốt việc được giao. Còn nếu bạn hứng thú vì việc có vẻ thử thách thì 50% là bạn đã thành công, vì người xuất sắc bao giờ cũng thích thú với những vấn đề khó và phức tạp. Họ thích thú vì họ có phương pháp và vì họ là người của sáng tạo, luôn đi tìm và thử nghiệm những thứ mới, chưa ai làm, chưa có tiền lệ. Còn nếu bạn chỉ ngồi đó chờ người ta làm trước, thành công trước cho có tiền lệ thì bạn là người đi ngược lại với hành trình sáng tạo, đi tìm cái cũ để lặp lại. Điều đó không có gì là không tốt nhưng nó chỉ đưa bạn đến với sự an toàn chứ chẳng bao giờ là sự xuất sắc.
Cho nên, có khi mình nên thay đổi tâm thế với tất cả những việc mình sẽ nhận trong năm nay, đón nhận và hứng thú với thử thách thách với thái độ “không có gì là khó”.
Không có chuyện gì nhỏ
Người trẻ hay bị thái độ vầy: em muốn làm chuyện lớn, đừng đưa em chuyện nhỏ. Sorry nha. Chuyện nhỏ làm còn không xong thì ai dám giao cho bạn chuyện lớn? Tính tôi hay quan sát người làm việc cùng, và thường giao cho việc nhỏ một cách cố ý để xem bạn xử lý thế nào. Tôi tin rằng, người xuất sắc là người làm mọi thứ đều xuất sắc, không phân biệt chuyện nhỏ hay chuyện lớn. Tôi luôn xử lý mọi việc trong cuộc sống và sự nghiệp với tâm thế như vậy, luôn nghiêm túc và tận tâm với mọi việc mình làm. Đừng nghĩ chuyện nhỏ thì không cần xuất sắc. Việc bạn lặp đi lặp lại sự không xuất sắc hàng ngày chính là thói quen không xuất sắc. Còn một khi xuất sắc đã trở thành thói quen thì, việc gì bạn làm cũng sẽ xuất sắc cả, không quan tâm là việc nhỏ hay việc lớn.
Do đó, tôi khuyên các bạn trẻ nên lưu ý và rèn luyện tâm thế này. Đây chính là cách tốt nhất để xuất sắc trở thành thói quen. Một khi nó đã trở thành thói quen thì việc gì bạn làm cũng xuất sắc, và vì vậy bạn là người xuất sắc. Đừng đao to búa lớn gì hết. Cứ bắt đầu từ chuyện nhỏ nhất mà rèn.
Xưa giờ, ai cũng nghĩ xuất sắc là dành cho người có IQ cao, có điều kiện tốt, bẩm sinh tư chất hơn người. OK, cũng có người sinh ra đã thông minh thiệt, nhưng cũng đừng lấy đó để biện minh cho sự không xuất sắc của bản thân. Xuất sắc là một thói quen. Đã là thói quen thì rèn luyện được nếu bạn thật sự mong muốn. Do you? Bạn có mong muốn đó hay không?
Nguyễn Phi Vân