Thay đổi thói quen, thay đổi cuộc đời

file.png


Đọc lại quyển sách này: “Change your habits, change your life - Thay đổi thói quen, thay đổi cuộc đời” của tác giả Marc Reklau, và phản tư lại những bài học hay cho bản thân. Nay ghi lại và chia sẻ cho những ai quan tâm, đặc biệt là các bạn đang loay hoay không biết làm sao để thay đổi sự ì ạch, không đâu vào đâu, bất đắc chí trong hoạt động hàng ngày của mình, sự lộn xộn trong cuộc sống hiện tại của mình, hay mất định hướng không biết phải bắt đầu từ đâu để có thể bắt đầu một hành trình mới hạnh phúc và thành công hơn.

Ai cũng nghĩ, làm gì thì cũng phải nhờ vào nguồn lực bên ngoài. Kỳ thực, tất cả bắt đầu từ bên trong, từ những thay đổi cả về tư duy lẫn thói quen hàng ngày của chính bạn, không ai khác. Khi ta thay đổi, thế giới bên ngoài thay đổi theo, không phải là ngược lại. Giờ, bạn thử đọc những bài học này mà tôi rút ra xem có giúp gì cho bạn không nhé.

If you think you can, you’re right​

If you think you can’t, you’re right​


Henry Ford

Nếu bạn nghĩ mình làm được là bạn đang nghĩ đúng

Nếu bạn nghĩ mình không làm được, bạn cũng đang nghĩ đúng

Tất cả nằm ở tâm thế của mỗi người. Nếu bản thân mình mà còn không tin vào khả năng và bản lĩnh của bản thân thì ai khác có thể tin bạn? Ai cũng có điểm mạnh điểm yếu. Ai cũng có thứ này thiếu thứ nọ. Ai cũng có chuyện đã làm qua và chuyện chưa bao giờ thử. Cho nên, không ai là hoàn hảo cho bất kỳ một công việc nào cả. Càng thử thách, càng phải thử để học hỏi để có trải nghiệm mới. Càng có vẻ khó nhằn và đòi hỏi dụng công, càng nên dấn thân để học được những kiến thức và kỹ năng mới. Cuối cùng, chưa làm mà đã nghĩ mình không làm được thì cả đời này bạn sẽ chẳng bao giờ dám làm gì. Một khi đã không dám làm, thì làm sao học được thứ gì mới? Nếu cứ loay hoay dậm chân tại chỗ, không học được thứ gì mới, không dám làm việc gì mới thì làm sao phát triển bản thân? Đời này, nếu không phát triển bản thân thì làm sao đòi hỏi thành công nó đến với mình? Cho nên, bạn nghĩ sao về bản thân thì bạn sẽ hành động y như thế. Thành công hay không đơn giản bắt đầu từ cách bạn đặt để tâm thế của chính mình.

GIờ, bạn nợ bản thân một câu trả lời, bạn nghĩ mình làm được hay không làm được?

It is during our darkest moments that we must focus to see the light​


Aristotle Onassis

Chính trong những giờ phút đen tối nhất, người ta cần tập trung để tìm ra ánh sáng

Tôi nhận rất nhiều tin nhắn, chia sẻ là bản thân mình không có cái này, không được cái kia, không may cái nọ nên không làm được những gì mình mong muốn. Nếu bạn cứ tập trung năng lượng vào những thứ bạn không có thì cả đời này bạn sẽ chẳng bao giờ làm được thứ gì, vì cuối cùng ai cũng thiếu đủ thứ. Chẳng ai trên đời này có tất cả, ở trong hoàn cảnh hoàn hảo để đạt được những gì họ muốn. Sự khác biệt lớn nhất giúp cho ai đó thành công là, họ tập trung vào những gì họ có thể làm, những gì họ mong muốn đạt được, những gì họ nhất định phải tìm cách chạm vào. Tâm sức và khả năng khi được tập trung vào hành động để hiện thực hoá giấc mơ, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, cũng sẽ tạo ra năng lượng tích cực giúp bạn có thêm động lực và thu hút nguồn lực hỗ trợ từ thế giới bên ngoài.

Ngay cả trong những thời đoạn khó khăn nhất như khủng hoảng kinh tế hậu Covid như hiện nay, đây là thứ bạn cần để có thể vượt qua, reset - tái tạo để mở đường, tìm kiếm hành trình mới cho bản thân để tiếp tục thành công trong một tương lai bất định.

Giờ, bạn trả lời cho chính mình đi, bạn có đang tập trung hay đang bị sao nhãng bởi quá nhiều thứ không cần thiết và chẳng liên quan gì, chẳng đóng góp gì cho mục đích và hành trình thành công của bạn?

Knowing yourself is the beginning of all wisdom​


Aristotle

Hiểu mình là khởi đầu của mọi sự thông thái

Tôi rất thích câu này, vì ngoài kia ai cũng tưởng rằng phải nhồi nhét nhiều kiến thức mới gọi là thông thái. Kỳ thực, sự thông thái mang tầm vóc rất sâu sắc, không hời hợt như mớ kiến thức trong sách vở hay trường học. Thông thái là khi ta hiểu rõ nhất chính bản thân mình, hiểu bản chất của thế giới bên ngoài, hiểu ra qui luật của đất trời và hiểu mình là gì, được đặt để như thế nào trong vũ trụ này. Từ đó, ta biết rõ mình cần làm gì, không nên làm gì, nên sống ra sao cho thuận tự nhiên và mang lại giá trị trên hành trình mình chọn lựa. Khi ta không hiểu mình, ta làm sao hiểu được ai khác? Khi ta không hiểu mình, ta làm sao biết lựa chọn và quyết định của mình là phù hợp? Mà phù hợp vôi thứ gì mới được nếu không phải là giá trị cốt lõi của chính ta? Khi ta không hiểu mình, ta làm sao biết được mục đích và sứ mệnh trong đời của bản thân là gì? Mà đã không biết, thì ta đang sống, đang làm việc, đang làm gì mỗi ngày vậy, để đóng góp vào thứ gì vậy, để đạt được điều gì vậy? Nếu mình còn không biết mình đang làm gì để đạt được gì thì có phải bạn đang hoang phí thời gian và năng lượng một cách vô vọng?

Cho nên, làm gì làm, mọi thứ trên đời này đều bắt đầu từ bản thân. Khi bạn chưa hoàn thành hành trình đi vào để tìm hiểu bản thân, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được thế giới bên ngoài. Đã thế, thì mọi sự lựa chọn và quyết định trong đời này đang trôi dạt như lục bình giữa con nước lớn.

Giờ, bạn hỏi mình đi, bạn có hiểu bản thân không? Bạn có biết mục đích và sứ mệnh của mình là gì không? Bạn có biết giá trị cốt lõi không thể thoả hiệp của mình là gì không? Nếu không thì, có khi bạn cần quay về với hành trình tìm hiểu bản thân chứ không phải hướng ra thế giới bên ngoài đang xao động.

There is nothing so useless as doing efficiently that which should not be done at all​


Peter F. Drucker

Không có gì vô ích bằng làm hiệu quả những việc không cần làm

Nghe thì rất là vô lý đến vỡ tim nhưng thực tế là rất nhiều người trong chúng ta đang làm như thế đấy, làm những thứ không cần làm, mà lại làm một cách vô cùng tận tâm và hiệu quả. Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao mình phải làm thứ mình đang làm không? Vấn đề chưa bao giờ là làm thế nào, làm bao lâu, làm bằng cách nào. Khởi đầu của mọi vấn đề, mọi công việc, mọi hành động luôn là câu hỏi why - tại sao cần làm chuyện này chứ không phải là cắm đầu làm dù không hiểu tại sao.

Những người chỉ biết lao vào làm mà không hiểu tại sao mình làm, làm để làm gì, đóng góp vào mục tiêu gì, hiện thực hoá giấc mơ gì, là người luôn bận rộn nhưng không tạo ra tác động, ảnh hưởng, hay kết quả gì hay ho, cụ thể cả. Bạn nhìn quanh mình đi và nhìn lại chính mình, bạn có đang quá bận rộn hay không? Bận rộn thứ gì? Những thứ đó cuối cùng đang tạo ra giá trị gì hay đóng góp gì vào hành trình thành công hay hạnh phúc của bạn? Có khi nào bạn làm chỉ để làm, chì vì ai đó yêu cầu bạn làm, vì tưởng làm vậy là cần thiết nên đâm đầu vào làm mà chẳng hiểu tại sao?

Cho nên, có khi làm ít thôi, nhưng tập trung vào 20% của những việc sẽ tạo ra 80% kết quả. Có khi, làm ít thôi, và chỉ tập trung vào những việc cần làm nhằm hiện thực hoá mục tiêu hay giấc mơ của chính mình. Còn lại, không cần busy mới cảm giác là mình có ích. Người có ích người ta rảnh lắm, vì tất cả những gì họ làm đều có lý do tại sao xung quanh đích đến mà họ muốn đạt được, bỏ qua mọi sự sao nhãng và những việc làm vô ích.

Giờ, bạn phản tư đi, bạn có đang làm quá nhiều thứ rất hiệu quả nhưng vô ích hay không? Nếu chỉ tập trung vào 20% những việc để tạo ra 80% kết quả thì danh sách ưu tiên của bạn sẽ nhìn như thế nào? Có khi, bạn cần học và rèn luyện kỹ năng quản trị quỹ thời gian để bản thân thong dong và thành thơi hơn mà vẫn hoàn thành mục tiêu xuất sắc.

We are what we repeatedly do. Excellence, then, is not an act, but a habit.​


Aristotle

Ta chính là hành động mà ta lặp đi lặp lại. Sự xuất sắc, vì vậy, không phải là một sự việc, mà là một thói quen.

Bạn nghĩ đi, nếu mình cứ cà tàn cà tàn mỗi ngày lặp đi lặp lại thì mình trở thành kẻ cà tàn. Nếu mình cứ cầu thả trong việc làm hàng ngày lặp đi lặp lại thì mình biến thành đứa cẩu thả. Nếu mình cứ lường biếng làm cho qua, qua loa cho xong mỗi ngày lặp đi lặp lại thì chắc chắc thế giới định danh mình là kẻ hời hợt, vô tâm. Nếu cứ như thế, không có gì thay đổi, thì thói quen đó sẽ thành tính cách, và bạn tự trình diễn với thế giới bên ngoài về con người tào lao từ chính thói quen lặp đi lặp lại của mình. Đừng chỉ trích tại sao người khác coi thường hay không ủng hộ mình. Có khi, ta cần nhìn lại bản thân, xem mình có khi nào đang làm rất nhiều thứ theo những thói quen không tốt. Nếu có, có khi bạn cần thay đổi, và kiên định, kỷ luật thay đổi những thói quen xấu đó, rèn luyện nhiều thói quen tốt hơn. Nếu đang cẩu thả, hãy học cách cẩn thận. Nếu đang qua loa, hãy học cách tập trung và chuyên tâm vào những gì mình làm. Nếu đang cà tàn, hãy dành thời gian suy nghĩ, viết ra mục tiêu cho bản thân, xây dựng kế hoạch hành động và bắt tay vào thực hiện, một cách có kỷ luật.

Sau tất cả, sự xuất sắc đến từ thói quen. Một khi đã học được thói quen xuất sắc thì làm gì bạn cũng làm một cách thật xuất sắc. Một người làm gì cũng làm một cách xuất sắc thì bạn nghĩ họ có thành công không?

Giờ, bạn tự ngẫm đi, mình đang có những thói quen nào cần delete và có những thói quen nào cần xây dựng?

Thay đổi thói quen, thay đời cuộc đời đơn giản là như thế. Tuy đạo lý chẳng có gì cao siêu, nhưng chính sự giản đơn của nó lại là thứ khó nhất để chạm vào. Một khi đã chạm vào, thì lo gì cuộc đời không đổi thay một cách tích cực hơn, hạnh phúc hơn, thành công hơn?

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Top