Từ chức

VnExpress

Thành viên mới
Tại cuộc họp này, tôi nêu rất gay gắt các vấn đề tồn tại của đơn vị, chính sách quản lý tài chính của cấp trên và đề nghị một số thay đổi lớn. Báo cáo được tôi viết, ký tên và phát cho tất cả thành viên dự họp. Lãnh đạo rất tức giận trước thái độ của tôi và nhiều chi tiết trong báo cáo. Ông kết luận bác bỏ các đề nghị. Cuộc họp kết thúc trong căng thẳng. Các báo cáo tôi gửi ra đều bị thu hồi.

Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, tôi mời cán bộ chủ chốt của đơn vị họp khẩn cấp. Tôi nói "với những gì tôi gây ra hôm nay, chắc chắn công việc của đơn vị sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới. Tôi không muốn làm gánh nặng cho đơn vị và làm khó cho mọi người". Tôi làm đơn thôi việc và nhờ Trưởng phòng hành chính mang lên nộp.

Suốt hai ngày sau, tôi buồn bã và đau đớn. Tôi muốn tránh các hậu quả cho đơn vị và sẵn sàng "hy sinh về chính trị" để bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng với sự can thiệp và thuyết phục của gia đình, bạn bè, tôi rút đơn, để tránh những hậu quả còn lớn hơn nữa cho đơn vị. Nhưng tôi không tránh được những hệ lụy cho cá nhân trong suốt các năm sau đó. Dù vậy, tôi không bao giờ hối hận.

Ngày 27/2/2020, khi đang là Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tôi làm "đơn xin từ chức và thôi việc", gửi tới các cấp có thẩm quyền xem xét. Tôi tự thấy khả năng đáp ứng và thích ứng với yêu cầu công việc ở cấp độ cao hơn đã đến giới hạn và cũng không thấy có triển vọng phát triển hơn nữa. Quyết định này được cân nhắc kỹ sau khi tôi biết mình đã không có trong danh sách giới thiệu vào BCHTƯ khoá XII. Tôi hiểu mình chưa hội đủ các điều kiện và phẩm chất để được tổ chức lựa chọn và tôi cũng không muốn "vận động" để được lựa chọn.

Trước đó, tôi đã kiên trì chờ đợi kết thúc luân chuyển ở Nam Định và trở về Hà Nội. Quả thực, tôi muốn gắn bó với vị trí này vì nhìn thấy rất nhiều việc có thể làm được và phù hợp với sở trường của mình. Nhưng tôi không thể thực hiện được các kế hoạch đó vì không nhận được sự ủng hộ. Đó là giọt nước tràn ly khiến tôi quyết định dứt khoát.

Mấy tuần sau khi tôi nộp đơn, một lãnh đạo của Ban Tổ chức Trung ương gặp tôi. Ông nói tôi cứ đề đạt nguyện vọng. Tôi đáp lại là không muốn tạo tiền lệ xấu cho công tác cán bộ, tức là để có được công việc mong muốn thì "làm mình làm mẩy" với tổ chức.

Trong 23 năm làm công chức, tôi đã chuyển việc vài lần và mỗi lần thay đổi là một lần ra khỏi vùng an toàn để đối diện thách thức mới; mỗi lần thay đổi tôi lại một lần trưởng thành hơn.

Tôi hiểu rằng quyền lực chính trị hình thành theo cách nào thì sẽ có thể mất theo cách đó. Quyền lực chính trị có thể có được nhờ lá phiếu của cử tri hay những người đủ tư cách bỏ phiếu, hay chỉ nhờ một chữ ký của người có quyền lực cao hơn, thậm chí chỉ cần biểu quyết bằng giơ tay. Và quyền lực chính trị cũng có thể kết thúc bằng lá phiếu hoặc giơ tay biểu quyết. Tôi muốn có thứ bền vững hơn, là quyền lực chuyên môn, để nó không bị tước đi một cách dễ dàng. Vì thế, trong suốt quá trình làm việc, tôi luôn tìm cách nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ qua việc tự học và tham gia các khoá học mới. Và tôi đã đi đúng hướng.

Sau hai năm làm việc trong khối tư nhân, tôi nghĩ mình có thể "sống khoẻ" đến lúc kết thúc cuộc đời.

Một người bạn vong niên bảo tôi: "Anh không hiểu tại sao em đang đi xe 80B lại chuyển về đi Grab?". Anh ấy cũng như nhiều người khác không hiểu tại sao tôi lại từ bỏ các đặc quyền khi làm công chức cao cấp để trở thành người bình thường "có làm thì mới có ăn". Không thể phủ nhận làm công chức có một số đặc quyền, đặc lợi. Tuy nhiên, nó chỉ gắn với thời gian đương chức. Hết chức, hết quyền thì cũng hết đặc quyền, đặc lợi.

Cách đây mấy tuần, một đồng liêu cũ của tôi bảo "may mà cậu về sớm, chứ ở lại thì cũng có khi dính". Anh ngầm ám chỉ cuộc chiến chống tiêu cực đang diễn ra. Tôi đáp: "Dính hay không dính là do lựa chọn".

Dính hay không dính, ra đi hay ở lại hoàn toàn là lựa chọn cá nhân. Ở nước ngoài và ngay cả ở Việt Nam thời phong kiến, từ chức không nhất thiết xảy ra khi có lỗi và việc quay lại chính trường cũng khá dễ dàng. Nguyễn Trãi từng từ quan, lui về ở ẩn năm 1438, sau đó được vua mời quay trở lại và phục chức năm 1439.

Vậy tại sao việc từ chức ở các nước phát triển lại khá dễ dàng còn ở Việt Nam lại rất hiếm hoi? Một trong các nguyên nhân, theo tôi là trên thực tế, từ chức ở ta đồng nghĩa với chấm dứt sự nghiệp chính trị và việc quay lại chính trường là bất khả thi.

Mới đây, trong Thông báo kết luận số 20 ngày 8/9 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, Bộ Chính trị khuyến khích tinh thần tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.

Đây là một bước tiến, cho thấy "từ chức" dần đã được đưa vào lộ trình, trở thành một lựa chọn trong sự nghiệp của mỗi người. Tôi cho rằng, tín hiệu tích cực này không nên chỉ giới hạn trong phạm vi cán bộ có khuyết điểm, vi phạm kỷ luật, mà có thể áp dụng với bất cứ ai cảm thấy mình không còn phù hợp, hết khả năng cống hiến hoặc có định hướng khác trong cuộc sống.

Có như vậy, từ chức mới dần trở thành điều bình thường, thành văn hóa làm việc thực sự, chứ không chỉ là một lựa chọn tình thế giữa "tự nguyện từ chức" hoặc "bị miễn nhiệm".

Bạch Ngọc Chiến
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top