Xã hội thi cử

VnExpress

Thành viên mới
Chỉ có hai nghề để lựa chọn là nấu ăn và nhiếp ảnh. Con tôi và rất nhiều bạn cùng khối 9 chọn nghề nhiếp ảnh. Hàng trăm cháu được đưa ra một hội trường rộng để học mỗi tuần một buổi. Ba tháng sau khóa học hoàn tất. Nhưng trình độ chụp hình của con tôi còn xa mới có thể làm nghề.

Ở một thành phố lớn như TP HCM, chương trình hướng nghiệp trong trường phổ thông cơ sở thường dừng ở mức độ khiêm tốn như vậy.

Nếu con tôi không đủ sức thi đậu vào các trường công và gia đình không đủ tiền cho học trường tư, cháu sẽ gần như không được trang bị gì để bước vào con đường học nghề ngay sau bậc THCS.

Có một lượng nhất định học sinh THCS không tiếp tục lên THPT. Điều này là bình thường ở mọi quốc gia trên thế giới. Các em này sẽ học nghề và đi làm, thay vì vào đại học.

Các quốc gia tiên tiến thường phân luồng đào tạo và hướng nghiệp cho học sinh kỹ lưỡng, thậm chí từ bậc tiểu học. Các trường nghề cũng được chuẩn hóa. Do đó, học sinh và phụ huynh khi đã theo mô hình này hoàn toàn chủ động và tích cực tham gia. Họ cũng sẽ an tâm hơn rằng con mình có tương lai đảm bảo.

Nước Đức là một điển hình. Từ cuối thế kỷ 19, việc phân luồng hướng nghiệp đã được triển khai. Cuối cấp tiểu học, học sinh được trường khuyến nghị bằng văn bản về việc sẽ học tiếp ở trung học cơ sở thế nào. Các cháu có thành tích học tập thấp, khi tốt nghiệp tiểu học được giới thiệu vào trường định hướng học nghề gọi là Hauptschule. Học sinh thành tích trung bình được giới thiệu vào loại trường thứ hai gọi là Realschule, cũng là định hướng học nghề nhưng đòi hỏi trình độ cao hơn.

Hiểu nôm na, loại trường thứ nhất dành cho các cháu làm lao động phổ thông sau này. Loại trường thứ hai dành cho cháu nào muốn học nghề ở trung học chuyên ngành, trung học nghề để làm các việc cần trình độ cao hơn. Tất cả đều được học tới hết lớp 10.

Học sinh khá giỏi thường vào loại trường thứ ba là Gymnasium sau khi kết thúc lớp 12. Mỗi trường Gymnasium có thể dạy sâu về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngôn ngữ hay âm nhạc, thể thao... Học xong các cháu sẽ có bằng tú tài Đức. Cũng có nơi tích hợp cả ba loại trường này vào một trường trung học, tuy nhiên sẽ có ba chương trình khác nhau cho ba nhóm học sinh.

Để dạy nghề sau khi phân luồng, học sinh Đức có thể học nghề trong các trường nghề, cũng có thể học trong các nơi vừa học vừa làm. Và để nâng cao trình độ, đồng thời tạo điều kiện cho những ai học nghề, nước Đức có cả một hệ thống đại học khoa học ứng dụng.

Bằng cách này, chính phủ Đức đảm bảo khoảng 40% học sinh vào đại học, 60% còn lại đi học nghề và làm lao động phổ thông. Các trường nghề ở Đức, sau hàng thế kỷ trau dồi, có chất lượng đào tạo tốt. Thời gian học nghề ngắn, cho học sinh cơ hội làm việc sớm và đa dạng.

Năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025". Trong đó nêu mục tiêu phấn đấu tới 2025, bất cứ trường THCS hay THPT nào cũng có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của địa phương. Các trường này cũng được đầu tư giáo viên kiêm nhiệm tư vấn hướng nghiệp; sao cho ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ đi học nghề và 45% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ đi học nghề (tỷ lệ này sẽ thấp hơn tại các địa phương khó khăn).

Còn ba năm nữa để đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên kết quả phân luồng và giáo dục hướng nghiệp cấp THCS và THPT còn rất khiêm tốn. Hệ thống trường nghề nhiều năm thiếu học viên. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2021, với hơn 1.900 trường nghề, cả nước có khoảng 1,95 triệu người học nghề, chỉ đạt 85% kế hoạch. Số học viên tốt nghiệp đạt 1,65 triệu - thiếu 20% so với mục tiêu.

Hệ lụy của sự mất cân đối này là không khí "xã hội thi cử" nóng bỏng trong những ngày hè này. Đặc biệt, cuộc đua vào lớp 10 công lập tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM những năm gần đây thậm chí còn khốc liệt hơn thi vào đại học. Hệ thống trường công ở hai thành phố lớn này chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu học tập của học sinh. Cuộc thi vì thế trở nên "sống còn" với những gia đình không đủ tài chính để cho con vào trường tư, nhưng cũng không đủ niềm tin để thả con vào trường nghề.

Nếu được tư vấn hướng nghiệp tốt hơn và đặc biệt, nếu hệ thống trường nghề ưu việt hơn, học nghề sẽ là không còn là lựa chọn bất đắc dĩ. Và các mùa hè sẽ không còn khốc liệt với phụ huynh và học sinh.

Nguyễn Anh Thi
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top