Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Trong cuộc đời của mỗi người, luôn có nhiều thứ đang vận hành cùng một lúc. Công việc có thể có vài công việc khác nhau. Kinh doanh có thể có nhiều công ty khác nhau. Bạn bè có thể có đủ loại bạn bè khác nhau. Ngoài xã hội có thể tham gia nhiều tổ chức, cộng đồng, đoàn thể khác nhau. Cùng một lúc, trong cuộc đời của mỗi người, có rất nhiều thứ khác nhau, nhiều quan hệ khác nhau hoạt động cùng một lúc. Tuy nhiên, khi có một thứ go wrong - gặp vấn đề, và đặc biệt là khi nó tạo ra rất nhiều drama, tiêu cực, người ta thường tập trung hết sự chú ý và năng lượng vào đó, và thường có chiều hướng để cho 1 chuyện drama đó nó dẫn dắt và ảnh hưởng cả cuộc đời mình. Khi mọi sự chú ý và tập trung đổ vào 1 hố đen như vậy, con người thường quên hoặc không còn minh mẫn để nhớ là, hố đen đó chỉ chiếm đâu đó 1% cuộc đời mình. 99% còn lại vẫn đang rất OK.
Sự tiêu cực có sức hút rất ghê gớm. Não người được cấu trúc để rà soát và phát hiện rủi ro, do đó lúc nào nó cũng cực nhạy và chủ động hóng chuyện tiêu cực để phản ứng. Thật ra, não làm thế chỉ nhằm bảo vệ con người khỏi rủi ro từ môi trường bên ngoài, thật ra là ý tốt. Tuy nhiên, vì nó nhạy quá, hơn cả robot và AI, nên nó xử lý hơi bị siêu và quá nhanh, khi phát hiện có tín hiệu rủi ro cái là nó take over - cướp quyền kiểm soát luôn, tự động điều khiển cảm xúc, phản ứng, tinh thần của khổ chủ, tự thêu dệt, tự phóng đại chuyện không có gì thành hiểm hoạ thế kỷ, rồi tự lên kịch bản các kiểu để bày binh bố trận. Chức năng của não nó thế, cộng với sự đam mê drama và sự cạn kiệt niềm tin của Việt Nam, tạo nên một combo cực sốc, khiến năng lượng đen tối nó sản sinh với tốc độ ánh sáng, và tốc độ lây lan, tiêm nhiễm thì phải gọi là hàng ông nội. Cuối cùng, chuyện ngọn cỏ rung rinh bỗng biến thành âm mưu đưa lốc đưa lũ về làng, một thảm kịch được dệt ra, truyền thông, và chẳng mấy chốc viral vô tốp trending trên mọi mặt trận. Hả?
Đời là vậy. Tin sốc, tin tiêu cực luôn lan nhanh. Chuyện sốc, chuyện tiêu cực luôn xâm chiến tâm trí con người dễ sợ hơn hết. Mình làm 10 chuyện tốt không ai nhớ, chỉ cần phạm 1 lỗi là ngay lập tức biến thành kẻ tội đồ. Làm ơn mắc oán là chuyện bình thường. Khi nhận ơn mưa móc thì vồ vập, rồi quên ngay trong 3 nốt nhạc. Còn khi gặp chút khó khăn thử thách thì luôn nghi ngờ, đổ thừa, kết tội, qui chụp người khác là mưu đồ, xấu xa, ghê tởm, thậm chí là vô nhân tính, vv. Từng con người như thế, cả xã hội như thế, tất cả quay mòng mòng trong mớ drama cập nhật mỗi ngày. Sống riết trong đó rồi, con người bị nghiện drama, nghiện cái cảm giác hả hê khi trở thành người hùng của đám đông, nghiện cơn văng hất rác rưởi bất chấp ra chợ đời, nghiện cảm giác chiến thắng bất khả thi, một bước lên bang trưởng của những giáo phái do chính mình tự lập. Quá khủng! Chuyện khó vậy cũng làm được, nhưng bz chuyện bé tạo teo như nhờ dang tay giúp đỡ 1 em bé có cuốn sách để đọc cũng phớt lờ, than đủ thứ và có tám vạn lý do thoái thác.
Tình hình thế giới bên ngoài, đặc biệt cái chợ Việt Nam nó là như thế, nên cần hiểu để biết phải sống sao cho nó đỡ kiệt sức mà thôi. Thói thường, nếu mình cứ để cho tâm trí bị năng lượng đen đúa ngoài kia nó dẫn dắt, thì thế giới sẽ biến mình thành kẻ lọt vào bẫy bán hàng đa cấp, vừa tạo drama, vừa consume - tiêu thụ drama, vừa đi xúc tiến drama, vừa đi kết nạp thêm thành viên, càng nhiều càng tốt vô trong cái mạng nhện drama để xà quần xà quầy chung với nhau cho nó đông vui, an tâm là mình đang đứng về phía và thuộc về một đám đông nào đó. Khi đã gia nhập, người ta ra sức bảo vệ, quảng bá, biến phe phái của mình thành chính nghĩa, bá chủ, thay trời hành đạo.
Tất cả, thường thì chỉ để thoả mãn lòng tham của một cá nhân nào đó, một nhóm lợi ích nào đó, một âm mưu nào đó. Và ta, một cá nhân nhỏ bé, đa số sẽ chọn phe, đa số sẽ dạt về phía bên đang ồ ạt thắng thế, đa số ùa vào, la hét dẫn đạp dù chẳng hiểu tại sao. Có ai đó đứng ngó lên trời thì mình đừng ngó lên trời, kiểu thế. Trong cái ngữ cảnh như thế, làm người thật khó, làm người đàng hoàng càng khó hơn. Nhưng đó chưa bao giờ là lý do để biện minh cho sự vô minh của bất kỳ ai, đặc biệt là bản thân mình. Với tôi, luôn phải tự nhắc nhở, tự nhìn lại, tự kiểm điểm và tu sửa bản thân để không đương nhiên cho phép bản thân rơi vào cái mạng nhện kia. Cuối cùng, đời mình có 99 chuyện hay ho, tích cực khác cần quan tâm và vui vẻ bỏ năng lượng vào, đâu chỉ có 1 vũng lầy đen đúa, tào lao để chìm vào, mà nó thậm chí còn không liên quan gì tới mình nữa chứ.
Bớt hóng hớt drama
Người ta ai cũng than thở sao đời drama quá, mắc mệt quá, nhưng mà ai cũng xăm xăm hóng, cho thoả mãn cơn đen đúa của mình. Không thích drama thì chặn tin rác, chủ động đừng cho nó ùa vô nhà mình, gạn lọc lại các kênh thông tin, nói không với những nguồn content nhiễm bẩn, hại não. Muốn là làm được hết á, có gỉ khó đâu, là do mình hết thôi mà, ăn thua là mình có đủ vững vàng để vượt qua cạm bẫy hóng drama hay không thôi. Đa số là không, đóng lại nhưng vẫn ngồi ngóng noti, 30 giây không rờ điện thoại là FOMO, thấy mình lạc lõng, mất kết nối với đám đông, không cảm nhận thấy sự tồn tại của bản thân, thất đời nhạt nhéo không có gì giải trí, vv. Cũng mình hết. Vì bản thân không hiểu bản thân, không có sở thích tích cực, không có mục đích và giá trị thật, trôi nổi không biết mình muốn gì, nên quan tâm gì, nên tham gia gì, nên làm gì với cuộc đời có vẻ như còn rất dài phía trước. Nên con người hay chọn chuyện dễ để làm, trở thành một phần của một thứ đám đông nào đó đang hiện hữu, không mất phí tham gia, lại còn có chiến hữu, được la hét chửi rủa đã đời, được cảm giác thuộc về, được lên mặt chính nghĩa này nọ….
Riết rồi, thứ năng lượng đó nó quận vào người, và ta thành con nghiện, không cách nào bứt ra được. Vậy, rồi ta xà quần trong đó cho đến hết đời, có làm được gì khác đâu ngoài chuyện hóng hớt và chạy lòng vòng trong cái mê cung do người đời vẽ ra rồi thích thú ngồi coi mình chạy lăn quăn trong đó, làm trò cho họ đánh cược hay giải trí. OK, bạn thích diễn trò khỉ cho thiên hạ giải trí là lựa chọn của bạn, không ai quan tâm đâu. Nhưng nếu bạn biết thương mình, hiểu rằng mình sinh ra không phải để làm trò cho người khác xem thì, có khi cũng nên xả vai diễn, dọn dẹp tâm trí, khoá bớt cái van hóng hớt, tập trung vào 99 chuyện hay ho còn lại đang xảy ra trong cuộc đời mình có phải hơn không?
Nhìn xuyên sự thật để thấy gốc rễ vấn đề
Tất cả mọi chuyện tào lao đang xảy ra, tất cả đều xuất phát từ một nguyên nhân gốc rễ sâu xa nào đó. Mọi thứ trên bề mặt, 99.9% chỉ là cách người ta đang tạo hình để mang phần đúng phần lợi về mình, hết. Cho nên, thấy vậy không phải vậy, rõ ràng thấy thế nghe thế nhưng thật ra đều là fake news, được dàn dựng có kịch bản công phu và đầu tư vào kịch tính. Ai mà cả đời cứ hớt ha hớt hải nhìn hình đoán chữ thì toàn bị lừa thôi. Mấy thứ biểu hiện và trình diễn bên ngoài mà ta thấy là thứ họ muốn và cố ý cho ta thấy. Còn lại, sự thật, nó nằm ở dưới đáy của tảng băng. Nếu muốn hiểu, phải đào xuống đó, nhìn xuyên qua mọi sự xôn xao đánh lạc hướng trên bề mặt. Khổ thân! Coi không đã mệt, giờ còn phải làm thám tử đi tìm sự thật nữa mới đuối. Nhưng con game này của đời nó thể, biết sao? Một là mình nhắm mắt vờ như những gì mình thấy mình nghe là sự thật, hai là mình lơ đẹp, nhìn sâu và xuyên qua mấy lớp vỏ củ hành để thấy cái lõi của tham sân si. Lựa chọn là của mình, đâu ai cấm hay can thiệp. Rồi, bạn chọn đi.
Chọn không liên quan
Đời thật ra dễ lắm, nó có một sân khấu tứa lưa kịch bản, và nó marketing quá siêu, nên người ta bị hút vào. Leo lên sân khấu, lò dò theo ánh đèn neon chớp tắt kia thì bạn thành người của sân khấu. Còn nếu mình vì hiểu hay vì bất kỳ lý do nào khác mà không leo vào thì mình không liên quan. Ai đóng vai gì đóng, ai kêu gào khóc thét gì kệ ai, kịch vui phim buồn gì kệ người ta là xong. Người ở ngoài luôn thấy rõ hơn màn kịch ở bên trong. Mà đã thấy người ta xông ra đóng kịch rồi thì mình chen vô đó làm gì, trừ phi mình cũng muốn nhiễm chút phấn son và kịch tính. Lựa chọn là của mình, đóng hay không đóng là quyết định của mình, ngoài hay trong là sở thích của mình, đừng đổ thừa ai hết. Cũng có khi, mình không muốn liên quan nhưng ở trỏng tụi nó thiếu vai nên ùa ra tấn công, liên luỵ hay lôi kéo mình, vậy thì đoạn này cần phải hết sức minh mẫn, hở ra là bị hút vô đó liền. Cho nên cũng phải tìm cách lạng qua, né vào, lơ đẹp sao đó cho nó nản mà bỏ cuộc. Chuyện này khó, vì vừa phải giữ cho bản thân rõ ràng về lựa chọn, không bị kích thích nhất thời, vừa phải khéo léo nhẹ nhàng để bản thân không bị stress. Có điều, nếu đã chọn không liên quan thì cứ phải vững vàng, đừng để bọn xấu nó lôi kéo một hồi rồi xoáy vô thành tâm bão.
Vậy, chịu thôi, mình sinh ra giữa cái chợ thì mình phải từ từ học cách dời ra khỏi chợ, bằng không thì mình đành bán buôn dằn kéo ì xèo như dân chợ hết một đời. Biết sao? Có nhận ra và biết bản thân cần làm gì hay không có khi là lời giải mà đời đang đánh đố.
Nguyễn Phi Vân