Vũ Kim Hạnh
Thành viên mới
Tối nay chuẩn bị xếp đồ đi công tác xa, tôi chuyển tấm ảnh quí sang ba lô. Tuần trước, khi tôi bị mất tấm căn cước công dân, tôi hơi lo nhưng khi sực nhớ ra, có thể bị mất tấm ảnh này, tôi mới thực sự hốt hoảng. Đây là “vật bất ly thân” của tôi nhiều năm rồi. Tôi cất nó ở một ngăn khó mất nhất trong cái túi đi làm và hễ thay túi là chuyển nó theo. Kể từ khi người ngồi duy nhất trong bức ảnh đi xa, tôi càng sợ nó bị lạc mất.
Trong ảnh, khi tặng cặp cho một cậu bé, anh dặn dò và pha trò trêu nó, giọng sang sảng, cười vang vang.
Hình như chỉ khi gặp trẻ con là anh mới có kiểu cười “đẹp lạ” này: cười hết ga, mắt sáng trưng, tay vung thoải mái như thế. Thật là vô tư, sôi nổi và đầy rộng lượng. Nụ cười anh, nhớ tới là tôi nghe rõ tiếng anh cười hào hứng và nhân hậụ. Tấm ảnh ghi lại những giờ phút anh vui nhất mỗi cuối năm, cận Tết, cả nhà theo anh kéo nhau về thăm dì Mười, cô giáo làng mà anh xem như mẹ và anh kêu đám con nít nghèo trong làng tới tặng cặp táp, tập vở, bút viết cho bọn nhỏ đi học. Tôi thường lén ngắm anh mỗi khi anh “đàm đạo” với bọn nhỏ. Vô tư và duyên dáng lạ. Cũng có khi không có dịp gặp và nói năng chi nhiều với những đứa nhỏ không may chòm xóm, nhưng anh "thu thập thông tin" khá tốt về chúng và rồi có những “quyết sách” bất ngờ. Hai anh em làng giềng của tôi, cháu của cô T bánh cuốn, anh biết T cần có xe đưa cháu đi học, một hôm anh dặn, thí dụ một ngày anh đi rồi thì em đem cái xe của anh cho T. để đưa tụi nhỏ đi học nghen.
Thằng G, cháu nội của cô em út tôi hay quậy vì tình cảnh nó bị thiếu tình thương, nhưng nó có khiếu ngoại ngữ. Anh dặn, thí dụ không còn anh, em cũng lo cho nó học tới nới tới chốn nghen. Không biết có nghe anh “thí dụ”, thằng nhỏ cũng bày đặt, chừng nào nội trúng số, mua cho con cái xe tăng robot nha nội. Vậy là chiều đó ông nội trúng số liền. Mua xe rồi, ông ngồi rù rì phân tích, nói ngọt với nó là con cái phải thương cha thương mẹ ra sao, không được hỗn hào với cha mẹ thế nào…
Một hôm tôi đi làm về quá bữa trưa, đành qua hàng bún riêu hàng xóm ăn bún thay cơm. Một cậu bé đến chào lễ độ, con chào bà ba. Chị bún riêu bật cười, chắc bà ba không nhớ mày đâu, nó là thằng cu Lân mà Tết nào ông ba cũng mua đồ mới cho nó đó bà. Cảm động nhất khi cô ý tá trưởng tầng 10 bệnh viện HM, mấy năm rồi, cô ấy vẫn cứ đến thắp nhang đúng ngày giỗ ông và vẫn lầm thầm khấn ông, ông nội con dặn phải biết ơn ông ba đã thương con, dạy dỗ con rất nghiêm. Tôi thở dài. Hèn chi suốt mấy tháng ông ra vô bệnh viện như cơm bữa, cô y tá đến làm phận sự xong vẫn thường nán lại trò chuyện với bệnh nhân, tôi tưởng cô an ủi người ốm nặng, thì ra ông thăm hỏi, khuyên lơn, nhắc nhở cô phải luôn chăm nom ông nội già yếu ở xa.
Thầy giáo không bục giảng đi xa rồi mà mỗi cuối năm, cả nhà ông vẫn kéo nhau về thăm dì Mười (cô giáo làng-ông-quí-như-mẹ cũng đã đi xa) và vẫn tặng quà khuyến học cho đám trẻ con trong làng. Ở một góc sân quen thuộc, tôi vẫn thấy ông ngồi, nghe tiếng ông cười.
Ngày nhà giáo, nhớ dì Mười, cô giáo của tất cả trẻ con của làng, nay đã là những ông lão thất, bát tuần. Và nhớ cả ông giáo không có… bằng sư phạm mà luôn ân cần dạy dỗ những đứa cháu trong nhà, những đứa trẻ hàng xóm và cả những cô nhân viên cơ quan, y tá ở bệnh viện như cháu con ruột thịt của mình...
Vũ Kim Hạnh