Thầy tốt và thầy tốt hơn

VnExpress

Thành viên mới
Gia đình muốn gặp để nhờ tôi giúp, nói chuyện với con trai họ - cậu bé có vấn đề gì đó với giáo viên, khiến người mẹ "đang gần như mất trí với con mình".

Lúc tới nơi, tôi có thể nhìn thấy sự kiệt sức trên gương mặt người mẹ. Nụ cười thể hiện rằng rất vui khi gặp tôi vụt tắt quá nhanh. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra chị đã rất khó khăn để kéo được cậu con trai đến gặp một giáo viên Tây vào cuối tuần.

Huy khoảng mười hai tuổi và có vẻ thực sự thông minh. Nhìn cậu, tôi nhớ đến bản thân ở tuổi đó. Cậu không quan tâm đến trường học cho lắm, nhưng rất say mê game, các trò giải trí, tạp chí và truyện tranh.

Mẹ Huy giải thích rằng con không thích giáo viên của mình và thường xuyên gặp rắc rối với giáo viên.

"Mọi người đều không thích cô ấy" - cậu phân bua với vẻ bực bội.

Tôi thử tưởng tượng những gì người mẹ ấy đã trải qua: Các cuộc gọi phàn nàn từ giáo viên khi chị đang quá bận rộn, cố gắng làm việc, nấu nướng để thức ăn được bày biện lên bàn và giữ mái ấm cho gia đình. Nó làm tôi nhớ đến thành ngữ: "Bạn có thể dắt ngựa đi uống nước nhưng không thể bắt nó uống". Bạn có thể đưa cậu bé đến trường nhưng không thể khiến cậu bé thích trường học hoặc giáo viên.

Cũng là giáo viên, tôi nhận ra, thật không may, nhiều trẻ nhỏ buồn chán khi phải học hoặc cố gắng tập trung ở trường.

Để kết nối với Huy, tôi kể cho cậu nghe về nhân vật Khỉ Chúa.

Khỉ Chúa là một con khỉ nghịch ngợm, hay tấn công những người khác. Tất cả mọi người đều sợ nó, vì thế Khỉ Chúa dần cảm thấy cô đơn. Đến khi nó tìm cách kiểm soát được bản thân, mọi người thích Khỉ Chúa hơn và bắt đầu chơi vui vẻ trở lại với nó.

"Câu chuyện đó cũng giống như lớp học của con. Nếu con có thể khiến giáo viên thích con, cô ấy sẽ bình tĩnh và để con yên, nên con có thể vui vẻ trong lớp. Con phải giống như Khỉ Chúa".

Tôi sử dụng nốt thủ thuật cuối cùng mình có.

- "Con có bạn gái không?"

- "Không, nhưng con có crush một cô gái trong lớp", mẹ Huy đáp.

- "Vậy hả? Em ấy sẽ thích con hơn rất nhiều nếu giáo viên thích con chứ? Mọi người đều thích những người thân thiện và vui vẻ, phải không?" - Lúc này cậu cười ngượng ngùng.

Tôi nghĩ đó là lý lẽ mạnh mẽ nhất mà tôi đưa ra để giúp cậu bé cảm thấy mình có động lực và nghĩa vụ phải hòa nhập và hoàn thiện bản thân trong môi trường học tập.

Nhưng từ câu chuyện của Huy, tôi biết vấn đề này không thể giải quyết chỉ một chiều. Tôi nghĩ mãi về câu nói hồn nhiên, bật ra một sự thật trần trụi nhưng có thể phổ biến, về sự chịu đựng của học sinh với những giáo viên mà các em không thích.

Bài toán muôn thủa, "đối phó" với phụ huynh học sinh giỏi, đối phó với phụ huynh học sinh nghịch ngợm. Cả hai đều có thể khó khăn như nhau, đặc biệt là với một giáo viên mới. Thật may mắn cho tôi khi là giáo viên tiếng Anh người nước ngoài. Tôi hiếm khi phải chịu "mũi tên" của vấn đề này vì, bất công thay, thông thường, các đồng nghiệp Việt Nam của tôi đã gánh chịu.

Nhưng tất nhiên, tôi không thoát khỏi việc bị học sinh phán xét, thích hoặc không thích mình. Tôi đã nghĩ về điều đó và tìm ra cách để ít nhất giúp mình thực sự thích đi dạy.

Trong cuộc trò chuyện với Huy, biết cậu bé thích game, tôi đã nói chuyện về trò chơi.

"Con biết kỹ năng charisma khi chơi game - tức là sức hút của tính cách, uy tín ấy?".

Và cậu bé lắng nghe.

Sức hút là điều quan trọng khi tham gia một trò chơi hoặc một mối quan hệ. Và nó cũng đúng với cuộc sống thực. Điểm mấu chốt của trò chơi là không phải lúc nào cũng giành chiến thắng, mà là những người bạn chơi cùng có muốn chơi với bạn lần thứ hai. Nếu bạn thắng trò chơi và không còn ai chơi cùng nữa, thì trò chơi không có giá trị gì.

Bạn được biết đến là một giáo viên tốt, với thành tích huấn luyện học trò tại các cuộc thi, nhưng rốt cuộc, nếu hình ảnh bạn không ở trong trái tim học trò, nếu học trò chỉ muốn thoát ra khỏi lớp của bạn; thì thành tích đó mang tính ngắn hạn và để lại rất ít ý nghĩa với học trò.

Một thách thức khác của tôi là xem xét quan điểm của học sinh. Nhiều em không thích giáo viên nước ngoài vì phát âm khó nghe hoặc thiếu kinh nghiệm giảng dạy so với giáo viên Việt Nam. Vì vậy, tôi đã có riêng một "giáo trình" cho bản thân. Tôi sẽ thiền vào buổi sáng, hát một bài hát vui vẻ, "om padme om" khi ngồi trên xe ôm; nên đến lớp, tôi rất vui vẻ và thân thiện. Niềm hạnh phúc được dạy học giúp tôi thay đổi phần lớn khó khăn còn lại.

Môi trường lớp học, giống như hiệu ứng cánh bướm, những sự kiện nhỏ trong quá khứ có thể gây ra hậu quả lớn cho tương lai, đối với trẻ em. Những trải nghiệm khủng khiếp hoặc tuyệt vời, những người thầy tốt nhất sẽ được ghi nhớ mãi mãi.

Giáo dục hà khắc bằng những lời phàn nàn, chỉ trích có thể khiến đứa trẻ nghịch ngợm tạm thời ngoan ngoãn, nhưng tạo ra sức hút khi dạy học sẽ mang đến những nụ cười tồn tại suốt đời.

Jesse Peterson

(Nguyên tác tiếng Việt)
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top