KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN BẢN THÂN 2024

file.png


Công ty, tổ chức nào cuối năm cũng làm kế hoạch cho năm mới, và điều đó đã trở thành lẽ thường tình, vì ai cũng biết rằng, nếu không làm plan thì làm sao đạt được. Thế nhưng, mỗi cá nhân chúng ta lại hầu như chẳng bao giờ làm plan cho chính mình, cho sự phát triển bản thân của chính mình. Nếu không plan thì làm sao đạt được? Có bao giờ bạn hỏi bản thân mình như thế?

Gì cũng vậy, không plan thì sẽ không làm, hoặc sẽ có làm nhưng chỉ làm khi đối đế lắm, khi thứ mình cần không có thì mình tắt đường mới đi làm. Không plan thì không có action - hành động cụ thể nên không biết phải bắt đầu từ đâu. Gì cũng vậy, phải có hành trình, có bước này bước nọ, có khởi đầu và kết thúc. Không có thứ gì tự nhiên nó xảy ra. Phải có bước 1 rồi thì mới có bước 10. Không plan, làm sao biết làm gì trước gì sau, khi nào cần phải hoàn thành cái gì? Nói chung, nếu một cá nhân muốn phát triển bản thân thì cần phải có kế hoạch phát triển bản thân hẳn hoi chứ không phải cứ nói miệng, suy nghĩ rồi giữ trong đầu. Thứ bạn nghĩ mà không viết ra, không lên plan thì chẳng bao giờ đạt được. Giờ các bạn xem thử cái mẫu này để hướng dẫn các bạn làm plan cá nhân nhé, và nó áp dụng được cho tất cả những mục tiêu gì bạn muốn đạt được trong năm 2024, cả mục tiêu về cuộc sống, về sức khoẻ, về tinh thần hay tri thức….

Mục tiêu của tôi là gì?​


Đây là thứ đầu tiên bạn cần xác định, vì có mục tiêu thì mới có plan. Không có mục tiêu gì hết thì lo nghĩ mục tiêu trước đã. Có người đã quen năm nào cũng suy nghĩ về mục tiêu thì hiểu mình cần điền gì vào đây. Ai đó giờ chưa làm, chưa quen làm thì cần thời gian riêng tư cho bản thân, một mình và suy nghĩ về những gì bạn muốn đạt được trong năm mới nhé. Có bao nhiêu mục tiêu thì cứ ghi ra hết rồi plan cho từng mục tiêu. Ví dụ mà tôi đưa vào cho các bạn dễ hiểu là ví dụng mục tiêu “Giao tiếp được bằng tiếng Anh”.

Cụ thể là tôi muốn đạt được điều gì?​


Mục tiêu là nói chung, còn cụ thể trong mục tiêu giao tiếp đó, tôi muốn đạt được điều gì thì bạn cần ghi rõ ra. Cái gì chung chung cũng không bao giờ triển khai hay đạt được. Mà dân Việt Nam mình thì thích và quen chung chung. Cho nên nói chung chung một hồi thì chẳng có chuyện gì xảy ra. Thành ra, ở đây bạn cần phải ghi rõ ràng, cụ thể, chi tiết thứ mà bạn muốn đạt được. Tôi đưa ra trong ví dụ này là giao tiếp hàng ngày, cơ bản bằng tiếng Anh với đối tác nước ngoài. Học tiếng Anh cần một quá trình, lên level từ từ. Cho nên, không thề ngày một ngày hai mà thông thạo, đàm phán hay trao đổi về business được. Từ không biết, không thông thạo thì bước đầu tiên cụ thể là giao tiếp hàng ngày và cơ bản đã.

Tôi cần làm gì để đạt được mục tiêu?​


Đây là phần action plan nè. Đặt ra mục tiêu thì phải có hành động mới triển khai được. Mà hành động thì phải cụ thể, đọc xong phải biết cần làm gì, và tốt nhất là theo bước, hết bước này đến bước khác, theo thứ tự ưu tiên. Cái này bạn phải ngồi tư duy, vậy thì để có thể giao tiếp cơ bản được với người nước ngoài tôi có thể thực hiện những gì? Bạn sử dụng bản đồ mind map - bản đồ tư duy để tự mình brainstorm, suy nghĩ và ghi ra hết tất cả những thứ có thể làm để giúp bản thân tiến bộ và đạt được mục tiêu. Sau khi brainstorm xong thì ghi hết tất cả theo thứ tự ưu tiên cái gì cần làm trước làm sau vào plan để sau khi hoàn thành plan cái là mình bắt tay vào làm được ngay và luôn.

Tôi cần nguồn lực gì?​


Làm gì cũng vậy, cũng cần phải có nguồn tài lực, nhân lực hỗ trợ. Nếu đi học, mua sách, mua tài liệu thì phải cần tiền. Vậy tôi có đủ tiền chưa? Nếu chưa thì tôi cần kiếm tiền ở đâu ra để làm việc này. Đừng có lười biếng, ơ tôi không có xiềng nên hông làm nha. Không có thì phải tư duy làm sao cho có, dù đó là đi làm thêm, mượn của gia đình, hay tăng ca gì gì đó…. Còn nếu có những việc phải cần người khác giúp thì người khác là ai, khi nào cần nhờ vả, nhờ vả thì cần phải chuẩn bị gì, vv. Khi bạn chuẩn bị nguồn lực rõ ràng thì bạn mới dễ dàng hành động, biết trước cần chuẩn bị gì để hành động đó thành công chứ không phải làm đại làm càng rồi tới đâu hay tới đó.

Thành công nhìn mặt mũi ra sao?​


Làm gì cũng vậy, mình làm là để thành công. Vậy thì thành công nhìn mặt mũi nó ra sao bạn biết không? Ở đây cũng đừng chung chung. Cái gì cũng phải cân đong đo đếm được. Thành công càng cụ thể thì bạn càng dễ chạm vào nó. Ví dụ trong mẫu này là tự tin và chủ động giao tiếp với đối tác nước ngoài chẳng hạn. Khi gặp đối tác mà bạn im re hoặc không chủ động đến chào hỏi, nói chuyện thì xem như là thất bại rồi. Cái đó đo được, thấy được rất cụ thể rõ ràng nên dễ đánh giá. Còn ví dụ ai muốn học lấy bằng gì đó thì phải cầm cái bằng trong tay mới tính là thành công chẳng hạn. Ai muốn thăng tiến phải được promote lên chức vị mới thì xem như thành công chẳng hạn.

Thời gian dự kiến hoàn thành​


Làm gì cũng phải có deadline, không thì làm bạn sẽ kéo như kẹo kéo chẳng biết khi nào mới xong. Con người có cái bệnh lười. Nếu còn thời gian thì sẽ còn loanh quanh, dần la cho tới khi hết thời gian mới cuống lên. Cho nên, yêu cầu thời gian hoàn thành phải cụ thể, ngày tháng nào của năm thì mới có áp lực theo dõi, hành động và hoàn thành được. Nhớ nha, đừng bao giờ làm plan xong ghi cuối năm. Ghi vậy thì chắc luôn là không hoàn thành. Thời gian cũng cần có buffer - nghĩa là cho mình thêm thời gian rủi ro bị delay do những hoàn cảnh ngoài ý muốn. Cho thời gian đệm vào rồi thì có khi bạn sẽ làm xong trước, hoặc nếu có rủi ro gì thì cũng đã tính tới thời gian đệm nên sẽ không trễ deadline.

Làm plan cho cá nhân cũng dễ thôi. Ai chịu khó bỏ chút thời gian cho bản thân để có kế hoạch rõ ràng cho năm mới thì người đó đã 50% sẽ thành công trong việc đạt được những mục tiêu của mình. Còn ai nghĩ mình siêu nhơn, có thể chỉ cần nghĩ trong đầu hay vừa làm vừa nghĩ không cần plan thì thôi không dám bàn. Đời này, thân ai nấy lo. Thành công ai nấy nắm bắt, ha.

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Top