Khi giáo dục thành đối đầu

Lang Minh

Thành viên mới
Tôi phải lập tức đưa qua nhà cô giáo Ngữ văn lúc bảy giờ sáng, khi khói còn bốc nghi ngút từ khúc giò có chút vụng về hình thức.

Đó là lời cảm ơn chân thành nhất mà mẹ tôi gửi đến cô giáo - cũng là một bà mẹ, đôi khi phải bỏ dở gian bếp để nghe phụ huynh than thở về ông con lêu lổng cùng câu chốt quen thuộc "Trăm sự nhờ thầy".

Sự biết ơn ấy không nằm gọn trong lĩnh vực giáo dục, mà là sự đồng cảm giữa hai người mẹ.

Hơn mười năm sau, cũng lúc năm giờ sáng, tôi bị mất giấc bởi chuông báo email. Chị Thư, trưởng phòng nhân sự ở một tập đoàn đa quốc gia, gửi thắc mắc đến tôi (với tư cách Nghiên cứu viên ngành khoa học xã hội) về chương trình Khoa học xã hội của trường quốc tế mà con đang theo học. Chị vạch ra mọi vấn đề, dẫn nguồn tài liệu từ các chương trình quốc tế khác, tham khảo các phương pháp kiểm tra đánh giá tiên tiến, rồi kết luận rằng chương trình này không phù hợp với việc cá nhân hóa học tập của con chị. Mười trang tài liệu của chị đôi chỗ còn chuyên nghiệp hơn cả nhà giáo dục học.

Ít lâu sau, tôi biết tin trường quốc tế đã phải nhượng bộ nhóm phụ huynh của chị mà thay đổi một số điểm trong chương trình sao cho đảm bảo cá nhân hóa việc học tập.

Đúng là "khúc chiến ca của mẹ hổ", khác xa câu thần chú "Trăm sự nhờ thầy" ưa thích của mẹ tôi.

Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận một hiện tượng ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến giáo dục: sự dự phần của phụ huynh (parental involvement) trong nhà trường. Vượt qua hình ảnh cổ điển - phụ huynh ngồi trông con làm bài tại nhà hoặc một năm họp phụ huynh hai lần - sự dự phần của phụ huynh vào nhà trường đã sâu rộng hơn rất nhiều: duyệt hồ sơ tài trợ giải hùng biện tiếng Anh, phản biện chương trình giáo dục, lựa chọn địa điểm hoạt động trải nghiệm, đôi khi cả đề xuất phương hướng phát triển nhân sự nhà trường...

Với lý tưởng "cần một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ", các nhà giáo dục cho rằng không thể "trăm sự nhờ thầy", mà phụ huynh và cả cộng đồng xung quanh phải phối hợp nhuần nhuyễn để giáo dục trẻ toàn diện. Phụ huynh được cho là có vai trò trung gian trong việc gắn kết cả cộng đồng vào việc giảng dạy, trong khi giáo viên có vai trò quyết định.

Tuy vậy, trái với kỳ vọng "cả cộng đồng" trên, theo báo cáo của Carl James và Selom Chapman-Nyaho từ Đại học York, Canada, những dự phần này có xu hướng thể hiện sự lấn át của các nhóm đặc quyền (da trắng, giàu có, có địa vị xã hội) và làm mờ nhạt dự phần của nhóm phụ huynh còn lại.

Tại Việt Nam, với chức năng livestream của mạng xã hội, phụ huynh, cùng chiếc điện thoại trên tay có thêm đặc quyền quyết định thay nhà trường về thời điểm và cách thức công khai các thông tin cần được kiểm chứng và bảo mật khi liên quan đến đối tượng vị thành niên (mặc cho các thông tin này đều được pháp luật bảo hộ theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em).

Các nghiên cứu đã chỉ ra có một hố sâu cách biệt giữa kỳ vọng về sự dự phần của phụ huynh và thực tế sự dự phần ấy diễn ra. Garry Hornby và Rayleen Lafaele, Đại học Canterbury - New Zealand, tổng hợp ra bốn rào cản chính dẫn đến hố sâu trên: bản thân gia đình (đặc biệt là sự tin tưởng của phụ huynh rằng mình có vai trò trong việc học tập của con), học sinh (độ tuổi, khả năng thích ứng với học tập, các vấn đề về hành vi), mối quan hệ trực tiếp giữa giáo viên - phụ huynh (sự khác biệt về ngôn ngữ, sự khác biệt về thái độ và mục tiêu), xã hội (các vấn đề kinh tế - chính trị chung).

Trong vụ việc ở trường ISHCMC, sự khác biệt giữa phụ huynh và giáo viên xuất hiện nổi bật. Dù chung ngôn ngữ tiếng Anh, hai bên có thái độ hoàn toàn đối lập. Người mẹ, muốn lập tức gặp mặt đứa trẻ bị coi là "bạo lực", sử dụng ngôn ngữ đối thoại bình dân, căng thẳng, liên tục kèm câu "Có bao nhiêu người đang xem livestream". Nhà trường kiệm lời đến mức tưởng như họ không trao đổi gì (mà sau đó họ giải thích do sự việc mới xảy ra, nhà trường chưa có đủ thông tin nên chưa đưa ra quyết định).

Về mặt xã hội, phụ huynh, những người luôn cho mình ở vị trí yếu thế, cầu cứu công lý của đám đông trực tuyến thay vì hy vọng vào sự đúng đắn của nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục - đại diện cho cộng đồng mà họ đang sinh sống.

Hay đôi khi cả những hội đồng kiểm định quốc tế, nơi cấp những chứng chỉ công nhận chương trình/quy trình giáo dục mà nhờ đó họ tin tưởng gửi con vào học, cũng chẳng bao giờ là lựa chọn mà phụ huynh nghĩ tới.

Nguồn cơn nào dẫn đến đám đông vô danh ngoài kia lại chiếm trọn sự tin tưởng trong vai trò giáo dục, hay đây không thuần túy là vấn đề giáo dục nữa, mà là sự đối đầu giữa người trả tiền - người nhận tiền; hay người bản địa - giáo viên quốc tế; hay mẹ đơn thân - rào cản xã hội? như người mẹ trong sự việc trên đặt ra.

Tôi băn khoăn về việc phụ huynh muốn con nhận thức thêm được gì khi vụ việc đi qua, bởi "công lý mạng" luôn ít nhiều gắn với nguyên lý "dùng bạo lực để giải quyết bạo lực" - tập trung chỉ trích mà thiếu cân nhắc lý trí. Tôi tin rằng nguyên lý đó không nhiều phụ huynh muốn con lĩnh hội để trưởng thành và dũng cảm vượt qua những xích mích tuổi học trò.

Mẹ tôi có đơn giản quá chăng khi tin tưởng vào sự đồng cảm của hai người mẹ sẽ dẫn đến những phương pháp giáo dục đúng đắn?

Chị Thư có quyết liệt quá chăng khi tự biến bản thân thành nhà phản biện giáo dục chuyên nghiệp?

Tôi tin tưởng vào cách mà những người như mẹ tôi và chị Thư đã nỗ lực đối thoại tận tâm nhằm giảm khoảng cách khác biệt giữa giáo viên - phụ huynh, đảm bảo sự dự phần của phụ huynh: chìa khóa cho nền giáo dục lý tưởng - như nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra.

Lang Minh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top