Giáo viên đi 'đòi nợ'

Võ Nhật Vinh

Thành viên mới
Bà thường động viên phụ huynh hoàn thành các khoản tiền chính, còn những khoản khác bà không thúc ép, dù bị Ban giám hiệu khoán chỉ tiêu. Mẹ tôi nói không muốn dồn áp lực lên gia đình các em để đánh đổi lấy thành tích cá nhân.

Đến nay, giáo viên, ngoài việc dạy học, vẫn phải đôn đốc, thu hộ rất nhiều khoản tiền, từ bảo hiểm y tế đến các khoản kêu gọi đóng góp, gây quỹ... Nhiều trường thậm chí coi đây là tiêu chí thi đua giữa các lớp, gây nên không ít áp lực cho giáo viên. Mới đây, một trường tiểu học ở Hương Sơn, Hà Tĩnh đã gọi một số học sinh lên sau buổi chào cờ, để hỏi vì sao gia đình các em chưa đóng bảo hiểm y tế. Sự việc khiến một phụ huynh bức xúc, vác dao đến trường yêu cầu hiệu trưởng quỳ xuống xin lỗi. Phụ huynh sau đó đã bị khởi tố về hành vi Làm nhục người khác.

Nhìn từ phía còn lại, tôi không đồng tình với câu trả lời của Trưởng phòng giáo dục huyện về hành xử của nhà trường. Sự việc không đơn thuần chỉ là "không phù hợp" như ông nói, mà có dấu hiệu vi phạm pháp luật, từ Luật Trẻ em năm 2016 (kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em) đến Nghị định 04/2021 (về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học).

Nhưng điều gì đã dẫn đến hành động đó?

Theo Luật bảo hiểm y tế hiện hành, học sinh - sinh viên bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế. Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 quy định học sinh - sinh viên đóng bảo hiểm y tế tại trường đang theo học (trừ các đối tượng có sự chồng chéo). Mức đóng bảo hiểm y tế hàng năm của mỗi học sinh - sinh viên hiện nay là hơn nửa triệu đồng. Các cơ sở giáo dục được trích lại 5% khi thu bảo hiểm y tế.

Nguồn gốc của sự việc chính là bảo hiểm y tế bắt buộc cho học sinh - sinh viên. Vấn đề đã được luật hóa và đó là tín hiệu tốt cho một xã hội được kỳ vọng vận hành bởi hệ thống pháp luật chặt chẽ. Tuy nhiên, theo tôi, cần xem xét câu chuyện này với hai yếu tố tách rời: tính thiết yếu và tính thực thi.

Xã hội càng phát triển, rủi ro càng cao và vì vậy, bảo hiểm là một thành tố quan trọng trong cách thức vận hành của xã hội. Nói cách khác, bảo hiểm là một hình thức quản lý rủi ro, nhất là bảo hiểm y tế đối với sức khỏe cộng đồng.

Tại các quốc gia châu Âu, học sinh - sinh viên là đối tượng cần được bảo vệ cao về chăm sóc sức khỏe, nhằm bảo đảm khả năng học tập lâu dài, hướng tới trở thành lực lượng lao động tốt trong tương lai cho quốc gia. Vì vậy, việc bắt buộc áp dụng bảo hiểm y tế cho học sinh - sinh viên là điều thiết yếu trong chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm nguồn lực tương lai đó của quốc gia.

Các con tôi đang học tại Pháp, khi đến trường hay tham gia hoạt động rèn luyện đều phải có nhiều loại bảo hiểm từ y tế cho đến trách nhiệm dân sự. Những loại bảo hiểm này nhằm bảo vệ túi tiền của gia đình tôi khi có chuyện chẳng may xảy ra, để sau đó vẫn hoàn toàn đủ khả năng cho con cái tiếp tục học tập và tham gia các hoạt động khác.

Nếu không có nguồn quỹ bắt buộc này, chi phí khám chữa bệnh cho các đối tượng chưa tới tuổi lao động hay chưa thật sự tham gia thị trường lao động sẽ trở thành gánh nặng cho người chi trả. Vì vậy, bảo hiểm y tế bắt buộc là một giải pháp an toàn nhằm giảm tải nguy cơ ấy, xét về mặt tổng quan xã hội.

Về mặt thực thi, bảo hiểm y tế bắt buộc cho học sinh - sinh viên hiện nay ở Việt Nam quy định mức đóng hàng tháng bằng 4,5% tháng lương cơ bản và nhà nước hỗ trợ 30%, tức phải đóng hơn nửa triệu đồng cho một năm. Các trường thường thu phí này một lần vào đầu năm học. Nếu một gia đình bình quân có hai con trong độ tuổi đi học thì mỗi đầu năm học phải đóng hơn một triệu đồng cho bảo hiểm y tế bắt buộc. Đây không phải là mức chi phí dễ chịu, bên cạnh vô vàn khoản thu liên quan tới trường học như mua sách giáo khoa, may đồng phục hay đóng góp quỹ phụ huynh.

Khác với số tiền đóng bảo hiểm y tế bắt buộc của người đi làm (phụ thuộc vào thu nhập mỗi người), số tiền đóng cho học sinh - sinh viên là bằng nhau trong khi hoàn cảnh mỗi gia đình một khác. Vì thế, nếu chế độ bảo hiểm y tế bắt buộc không đồng nhất số tiền đóng, mỗi gia đình có thể tự chọn những gói bảo hiểm phù hợp với túi tiền và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của họ. Nói cách khác, thị trường bảo hiểm y tế bắt buộc cũng nên được mở rộng và cần sự tham gia của các đơn vị bảo hiểm tư nhân, tạo sự cạnh tranh, góp phần nâng cao chất lượng bảo hiểm.

Song song đó, luật hóa việc các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm bảo đảm sự tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc của người học bằng cách tổ chức thu phí tại trường là một sự sao chép khiên cưỡng từ mô hình các đơn vị sử dụng lao động. Trong các đơn vị sử dụng lao động, người lao động được trả lương và đơn vị có thể thu phí bảo hiểm bắt buộc từ lương được trả. Nghĩa là đơn vị sử dụng lao động hoàn toàn chủ động trong việc thu phí bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên, tại các cơ sở giáo dục, tình hình ngược lại vì họ ở vào thế bị động. Chất lượng giáo dục sẽ không thể được cải thiện nếu giáo viên bị đẩy vào thế bị động và vẫn phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ mà Luật bảo hiểm y tế quy định. Vô tình, giáo viên trở thành lực lượng "đòi nợ" cho ngành bảo hiểm.

Tóm lại, luật hóa các vấn đề thiết yếu trong cuộc sống là cần thiết nhưng biện pháp thực thi cần bảo đảm tính logic. Trong trường hợp này, luật bảo hiểm y tế phải không thể chen ngang thô bạo vào vai trò, nhiệm vụ của người thầy, để người thầy được tự do sống với nghề và tình cảm thầy trò được nguyên vẹn.

Võ Nhật Vinh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top