Không vào chùa cũng mất phí

VnExpress

Thành viên mới
Du khách, dù đến từ quốc gia nào, nếu thuê mặc hanbok (trang phục truyền thống của người Hàn) đều được miễn hoặc giảm 50% vé vào cổng. Địa điểm thuê trang phục có thể nằm ngoài khu các khu di tích đó.

Không mất phí tham quan, tôi và bạn bè thoải mái hơn trong việc trải nghiệm đủ loại trang phục, đóng nhiều vai từ vua chúa đến thường dân để tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ trong chuyến đi. Ngẫm nghĩ lại, quản lý của các khu tham quan này đã rất thấu đáo trong cách tổ chức. Thêm một du khách mặc hanbok như tôi, cung điện lại thêm đậm không gian sinh hoạt thời Joseon, gây cảm giác mạnh cho những du khách lần đầu ghé thăm. Dù không tính hoặc tính một nửa phí, đất nước họ cũng không hề thất thu từ du khách. Với mỗi lượt tham quan, những địa điểm cho thuê này dễ dàng thu về 30-40.000 won theo set đồ khách chọn. Và quan trọng là họ lấy được tiền trong sự vui vẻ, thoải mái của du khách.

Còn tại thủ phủ hoa Medellín, Colombia, người bán tour giải thích với tôi, họ không tính phí đỗ xe, chỉ thu một ít phí tham quan nếu tôi đồng ý chọn một nông hộ để ghé thăm. Họ cho rằng, đây là cách tôi đang giúp cho người trồng hoa xứ Nam Mỹ có nguồn thu nhập bền vững để duy trì hoạt động sản xuất của làng hoa, nhờ đó làng hoa sẽ mãi là địa điểm hấp dẫn mỗi khi du khách ghé thành phố lớn thứ hai của đất nước đầy màu sắc này.

Việc thu phí tại các di tích lịch sử hoặc địa điểm tâm linh là một hoạt động hợp pháp, đúng luật nhằm đảm bảo nguồn kinh phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng, hoặc phục vụ công tác an sinh xã hội cho cộng đồng. Vấn đề là thu như thế nào cho hợp lý, tránh gây cảm giác bức xúc, để lại ấn tượng xấu về địa danh, khiến du khách một đi không trở lại.

Khác với những trải nghiệm tôi có ở Hàn Quốc hay Colombia, câu chuyện tận thu phí tham quan tại phường núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang trong khu vực Miếu Bà Chúa Xứ đã gây tranh cãi ròng rã 17 năm qua.

Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc ở núi Sam, TP Châu Đốc, là di tích lịch sử tâm linh nổi tiếng ở miền Tây, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Từ năm 2006, ban quản lý khu di tích này tiến hành thu phí, sau đó lập ba chốt (một chốt ở đường Tân Lộ Hương Kiều, hai chốt ở tuyến nối quốc lộ 91). Với các chốt ở cách xa miếu khoảng một km, nhiều người không đi miếu, song vào khu vực này cũng bị tính phí.

Câu chuyện này làm tôi nhớ lại một tình huống trong bộ phim Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo của Hàn Quốc. Một cụ ông khá bức xúc khi phải đóng 3.000 won cho trạm thu phí để đi vào nhà mình trên tỉnh lộ 3008 do chùa Hwangjisa quản lý. 3.000 won, tương đương 60.000 đồng, là số tiền không nhiều đối với người Hàn Quốc, nhưng cho rằng việc thu phí như thế là quá đáng, cụ thuê một nhóm luật sư từ thủ đô Seoul ra đảo Jeju để kiện nhà chùa, hòng lấy lại công bằng cho người tham gia giao thông, cũng như những người có nhà như ông trên tỉnh lộ 3008.

Tại tòa, trụ trì chùa Hwangjisa nêu quan điểm đồng tình với chính quyền sở tại khi tổ chức thu phí. Việc này sẽ hạn chế người tham gia giao thông qua tỉnh lộ 3008 đoạn vào chùa, nhằm giảm tác động đến môi trường tự nhiên, không gây rối sinh hoạt cho thú rừng vì đây là khu di sản cần được bảo vệ. Thêm nữa, dù đã có quỹ bảo vệ di sản nhưng ông khẳng định người đi tham quan, vãn cảnh chùa cũng cần có trách nhiệm chia sẻ phí tu dưỡng, bảo trì, phục hồi cảnh quan và kiến trúc chùa do những tác động khách quan và chủ quan du khách để lại.

Cuối cùng, luật sư lập luận cho rằng tỉnh lộ 3008 do chính phủ xây dựng, thuộc về tài sản công và cụ ông kia hoàn toàn có thể sử dụng. Kết quả, trụ trì chùa Hwangjisa đã cho tháo bỏ trạm thu phí và miễn phí cho du khách vào tham quan chùa, chỉ dùng kinh phí hàng năm do chính phủ cấp để bảo trì và tu dưỡng cảnh quan và nhà chùa.

Câu trả lời cho những tình huống, câu chuyện trên theo tôi không nằm ở chỗ đúng hay sai mà sẽ dẫn tới những điểm chung liên quan tới vấn đề quy hoạch và ứng xử với di tích.

Quy hoạch một không gian sinh hoạt tôn giáo, văn hóa truyền thống trong một không gian cộng đồng chung rất cần tính đến niềm hạnh phúc, quyền lợi thỏa đáng của người được thụ hưởng, tính linh thiêng của di tích.

Nếu dựng lên ba cái trạm thu phí chỉ nhằm "thu thừa còn hơn bỏ sót" thì theo tôi, nhà quản lý di tích và chính quyền sở tại chỉ nhìn thấy cái lợi nhãn tiền của việc tận thu; mà không thấy cái lợi lâu dài và bền vững của "thu mà như không thu", theo cách mà Hàn Quốc hay Colombia đang áp dụng.

Và quan trọng hơn câu chuyện tận thu phí vào chùa, là sự cần thiết phải thay đổi tư duy làm du lịch, tư duy phục vụ, để thực trạng du khách "đến một lần rồi thôi" không tái diễn.

Nguyễn Nam Cường
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top